/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số vấn đề pháp lý vụ nhóm Golfer đánh bạc Poker hàng tỉ đồng

Một số vấn đề pháp lý vụ nhóm Golfer đánh bạc Poker hàng tỉ đồng

30/03/2023 11:03 |

(LSVN) - Theo Luật sư, mặc dù Poker đã được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập và hoạt động thông qua thành lập Hiệp hội thể thao Bridge và Poker Việt Nam, nhiều tỉnh thành cũng đã thành lập các CLB, tham gia thi đấu ở các giải thử nghiệm. Tuy nhiên, loại hình thể thao trí tuệ này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quản lý trong lĩnh vực thể thao ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi đấu và thực hiện. Theo đó, để hạn chế, ngăn ngừa hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản pháp luật nhằm siết chặt công tác quản lý đối với bộ môn thể thao trí tuệ này và ngăn chặn các hành vi biến tướng, đánh bạc trá hình.

Ảnh minh họa.

Ngày 22/3, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cho biết đang tạm giữ 22 người liên quan hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức chơi Poker.

Trước đó, khoảng 23h45 ngày 20/3, Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, bắt giữ quả tang 22 người có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức đánh bài Poker.

Trong đó, Công an cũng xác định 05 người tổ chức và 17 người có hành vi đánh bạc. Vật chứng thu giữ tổng cộng 4.650.000 điểm phỉnh, tương đương hơn 4,6 tỉ đồng và nhiều đồ vật, tài liệu khác liên quan.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Bridge và Poker là 02 loại môn thể thao trí tuệ bắt nguồn từ các nước Châu Âu và phát triển dần sang các nước Châu Á. Cả hai loại hình môn thể thao này đều du nhập vào Việt Nam theo hình thức tự phát khoảng 15 năm gần đây.

Trước sự phát triển của bộ môn này tại Việt Nam và yêu cầu cấp thiết về quản lý Nhà nước, Hiệp hội Thể thao Bridge và Poker Việt Nam đã được thành lập và cấp phép hoạt động. Đây là thành viên của Ủy ban Olympic Việt Nam, chịu sự quản lý của Bộ VH-TT&DL, được quyền tham dự và là thành viên của các hiệp hội Bridge và Poker quốc tế.

Tuy nhiên, vì những quy định về tổ chức, hoạt động đối với hai bộ môn này, nhất các CLB tại các địa phương còn chưa cụ thể, rõ ràng nên nguy cơ phát sinh tệ nạn đánh bạc trá hình là một điều không thể tránh khỏi.

Luật sư cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, đánh bạc và tổ chức đánh bạc là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi vi đánh bạc trái phép dưới các hình thức được ghi nhận tại điểm a, khoản 2, Điều 28, Nghị định này với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng, đồng thời có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện phạm tội hay biện pháp khắc phục hậu quả như nộp lại số tiền bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, trách nhiệm pháp lí cũng có thể được đặt ra đối với người có hành vi đánh bạc trái phép hoặc tổ chức đánh bạc trái phép. Cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu hình sự về tội danh “Đánh bạc” (Điều 321, Bộ luật Hình sự) với mức phạt cao nhất lên đến 07 năm hoặc tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” (Điều 322, Bộ luật Hình sự) với hình phạt cao nhất là 10 năm tù.

Ngoài ra, đối với trường hợp chỉ xem đánh bạc, nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh người đó chỉ đứng xem và không đảm nhiệm bất cứ vai trò gì trong việc đánh bạc và không thuộc các hành vi quy định tại Điều 28, Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý, cũng không bị phạt dưới bất kỳ hình thức nào.

Luật sư cũng cho biết thêm, không chỉ có bộ môn Poker mà tại Việt Nam còn tồn tại nhiều loại hình “đánh bạc” trá hình trái phép thông qua mạng internet. Tuy nhiên, bất cập trong vấn đề này xuất phát chủ yếu do thiếu cơ chế, chính sách quản lý đối với bộ môn thể thao này. Mặc dù, Poker đã được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập và hoạt động thông qua thành lập Hiệp hội thể thao Bridge và Poker Việt Nam, nhiều tỉnh thành cũng đã thành lập các CLB, tham gia thi đấu ở các giải thử nghiệm, nhưng loại hình này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quản lý trong lĩnh vực thể thao ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi đấu và thực hiện. Việc thiếu hành lang pháp lý cũng khiến cho công tác quản lý, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương.

Theo đó, để hạn chế, ngăn ngừa hành vi vi phạm này, rất cần sự phối hợp quyết liệt, nghiêm minh và các giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trong đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản pháp luật nhằm siết chặt công tác quản lý đối với bộ môn này và ngăn chặn các hành vi biến tướng, đánh bạc trá hình. Trước mắt, các cơ quan quản lý loại hình CLB thể thao trí tuệ tại các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, cấp phép, góp phần ngăn chặn hành vi biến tướng vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật và hậu quả pháp lý, hình phạt nếu có vi phạm, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Đồng thời quyết liệt trong công tác phát hiện, xử phạt đối với những hành vi vi phạm, tạo sự răn đe của pháp luật.

"Quan trọng nhất, vì bản chất những trò chơi theo hình thức này ngoài yếu tố giải trí nó còn có thể được coi như cái bẫy khơi gợi sự đam mê, lòng tham, được thua như với sự may rủi mà chính hầu hết các nhà cung cấp đã thiết lập, tổ chức ra các quy trình ấy. Chính vì thế, mỗi người dân cần chủ động, tự giác nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cương quyết không tham gia vào các loại hình trò chơi có dấu hiệu của hành vi “đánh bạc”, bởi lẽ ranh giới giữa thể thao và trò “đỏ đen” đối với môn Poker là rất mong manh", Luật sư cho hay.

TRẦN QUÝ

Công khai đánh bạc, phát lên mạng xã hội: Chưa có chế tài cụ thể xử lý các trang mạng xã hội

Nguyễn Hoàng Lâm