Ảnh minh họa.
Một số vấn đề chung về việc áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng
Án lệ
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử [1]. Hiện nay, theo pháp luật Việt Nam, để một bản án trở được lựa chọn trở thành một án lệ cần phải đáp ứng các tiêu chí sau: “Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; Có tính chuẩn mực; Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” [2]. Việc coi và sử dụng án lệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xét xử, giải quyết vụ việc của tòa án. Bởi lẽ, thông qua cách tiếp cận thực tiễn giúp cho việc xác minh, phân tích các vấn đề liên quan đến vụ việc dưới góc độ thực tế hơn, đồng thời gợi mở hướng giải quyết vụ án một cách thỏa đáng, đảm bảo quyền và lợi ích công bằng giữa các bên nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của việc giải quyết vụ án.
Tập quán
Tập quán là một loại quy phạm xã hội nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của con người trong các quan hệ xã hội. Do đó, có thể hiểu về khái niệm về tập quán như sau: “Tập quán pháp là những tập quán được lưu truyền trong xã hội, phù hợp về cơ bản với lợi ích nhà nước, lợi ích con người, cộng đồng, xã hội, được nhà nước thừa nhận có giá trị pháp lý, trở thành những quy tắc xử sự chung và được nhà nước đảm bảo thực hiện” [3]. Tập quán là một loại quy phạm xã hội đặc thù do đó, bên cạnh việc mang đầy đủ những đặc điểm chung của một loại quy phạm xã hội thì tập quán cũng có những đặc trưng cơ bản khác như:
Thứ nhất, tập quán không mang tính quyền lực nhà nước vì được hình thành một cách tự phát trong cộng đồng mà không phản ánh ý chí, nguyện vọng của giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội, như một công cụ nhằm điều chỉnh hành vi con người sao cho phù hợp với lợi ích chung. Thứ hai, tập quán mang tính cộng đồng vì tập quán là sản phẩm của quá trình tích lũy, chắt lọc kinh nghiệm trong đời sống và sinh hoạt xã hội, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và dường như ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, được các thành viên tự giác thực hiện và gắn liền với cộng đồng dân tộc. Thứ ba, tập quán mang tính đa dạng và linh hoạt.
Lẽ công bằng
Khái niệm “Lẽ công bằng” có nguồn gốc từ chữ equitas trong tiếng La tinh, có nghĩa là sự bình đẳng. Theo nghĩa thông dụng, equity được hiểu là trạng thái bằng nhau hoặc công bằng, vô tư. Về phương diện pháp lý, equity được hiểu là hệ thống các học thuyết và thủ tục pháp lý phát triển song song với Common Law và luật thành văn, được sử dụng trong hoạt động xét xử tại Văn phòng đại pháp [4]. Qua các cách tiếp cận trên, có thể hiểu về khái niệm lẽ công bằng như sau: “Lẽ công bằng là một chuẩn mực xử sự trong quan hệ giữa các bên chủ thể, mục đích đạt được nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên được thực hiện như một tất yếu, lẽ đương nhiên và không thể khác”. Như vậy, lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc đó.
Pháp luật Việt Nam về việc áp dụng án lệ, áp dụng tập quán và áp dụng lẽ công bằng
Áp dụng án lệ
Áp dụng án lệ là việc cơ quan có thẩm quyền (tòa án) sử dụng và vận dụng án lệ đã được công bố để giải quyết vụ việc hoặc vụ án có tính chất tương tự nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức, đảm bảo công bằng xã hội đồng thời góp phần khắc phục lỗ hổng pháp luật và nâng cao hiệu quả của việc giải quyết vụ án, chất lượng xét xử của tòa án. Đối với Việt Nam, vấn đề nguồn pháp luật trong đó có án lệ đã được khẳng định và đang được triển khai nghiên cứu, xây dựng lộ trình và cách thức áp dụng án lệ. Đến nay, Tòa án nhân dân Tối cao đã công bố được 43 án lệ. Theo đó, việc áp dụng án lệ cần tuân theo nguyên tắc: “Bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau: Số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; Tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự” [5]. Ngoài ra, các quy định liên quan đến án lệ còn được quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015… Khoản 2, Điều 6, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Vì vậy, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận các vấn đề liên quan đến án lệ trong các luật, bộ luật nhằm đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp trong quá trình áp dụng án lệ đối với việc giải quyết các vụ án, vụ việc tương tự trong tương lai.
Áp dụng tập quán
Áp dụng tập quán là việc cơ quan có thẩm quyền (tòa án) sử dụng và vận dụng tập quán để giải quyết vụ việc trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan, vô tư, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức phù hợp với đặc trưng của vùng, trở thành những quy tắc xử sự và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Hiện nay, việc thừa nhận phong tục tập quán là nguồn hình thức của pháp luật được thể hiện cụ thể trong Điều 5, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định”. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và áp dụng tập quán trong thực tiễn pháp luật ở nước ta hiện nay còn được thể hiện qua các vấn đề khác nữa như: Tập quán điều chỉnh một số quan hệ nhân thân. Cụ thể, đối với quyền có họ, tên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận tại Khoản 2, Điều 26: “ […] nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán […]” [6]. Khoản 2, Điều 29, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền xác định, xác định lại dân tộc: “ […] trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn […]” [7]. Trường hợp áp dụng tập quán để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và thừa kế, cụ thể tại Khoản 4, Điều 603 về việc quy định bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra: “Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”. Điều đó thể hiện được sự phù hợp, tính có căn cứ và góp phần làm đa dạng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Áp dụng lẽ công bằng
Áp dụng lẽ công bằng là việc Tòa án vận dụng lẽ công bằng trong quá trình xét xử nhằm giải quyết tranh chấp giữa các bên trong trường hợp tranh chấp quan hệ giữa các bên khi không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định cụ thể hoặc có quy định nhưng quy định hiện tại không thể điều chỉnh hết các quan hệ đang được xem xét. Hiện nay, theo quy định hiện hành, thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng thuộc toà án đang xét xử vụ án. Để bảo bảo tính khách quan và công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Khi áp dụng lẽ công bằng, toà án có vai trò quan trọng trong việc điều khiển quá trình tranh tụng và tuân theo những nguyên tắc, thủ tục tố tụng, bảo đảm quyền bình đẳng của các bên đương sự trong quá trình tranh tụng.
Nguyên tắc xét xử theo lẽ công bằng của nước ta hiện còn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, tại quy định tại Điều 247 về nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên toà giải quyết tranh chấp bằng việc áp dụng lẽ công bằng… ngoài ra việc áp dụng lẽ công bằng cũng hết sức hạn chế. Theo đó, Tòa án chỉ áp dụng lẽ công bằng trong trường hợp không có tập quán và cũng không thể áp dụng được nguyên tắc tương tự pháp luật (Khoản 2 Điều 6, Bộ luật Dân sự năm 2015).
Pháp luật một số quốc gia điển hình trên thế giới về việc áp dụng án lệ, áp dụng tập quán và áp dụng lẽ công bằng
Trên thế giới có nhiều hệ thống pháp luật khác nhau tạo nên sự đa dạng về cách tiếp cận, tìm hiểu và nghiên cứu về các dòng họ pháp luật. Trong đó, có hai hệ thống pháp luật lớn và điển hình trên thế giới đó là: hệ thống pháp luật Civil Law và hệ thống pháp luật Common Law. Dòng họ Civil Law – hệ thống pháp luật lớn nhất thế giới, được xây dựng trên nền tảng di sản của Luật La Mã, phát triển ở các nước Pháp, Đức và một số nước lục địa Châu Âu. Qua đây, có thể định hình được đặc trưng của hệ thống Civil Law – pháp luật Đức, Pháp đó là: nguồn cơ bản là luật thành văn; phương pháp tư duy theo tính diễn dịch, thẩm phán không có vai trò sáng tạo luật. Theo đó, các nguồn luật trong dòng họ Civil Law có thự tự ưu tiên áp dụng là: luật thành văn, tập quán pháp, án lệ, học thuyết pháp lý, lẽ công bằng…
Ngoài ra, dòng họ pháp luật Common Law – (Pháp luật Anh – Mỹ) là hệ thống pháp luật lớn thứ hai trên thế giới, ra đời ở Anh, sau này phát triển ở Mỹ và những nước là thuộc địa của Anh, Mỹ trước đây. Đây là hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ, phù hợp với quan niệm của người Anh ưa ứng biến phù hợp hoàn cảnh, coi trọng kinh nghiệm. Trong Common Law tư duy quy nạp (tức là xuất phát từ sự việc và sự việc sẽ dẫn dắt thẩm phán tìm ra luật – hệ thống pháp luật được tạo nên bởi các thẩm phán). Khác với luật La Mã, luật Hồi giáo,… hệ thống luật Common Law đề cao vai trò của thẩm phán và coi án lệ là nguồn luật quan trọng nhằm áp dụng hiệu quả, linh hoạt và như Holmes đã nói: “Đời sống của pháp luật không phải là logic mà là kinh nghiệm”.
Tầm quan trọng việc vận dụng tư duy pháp lý vào việc áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng
Việc vận dụng tư duy pháp lý, các quy luật của tư duy, các phương pháp logic hình thức và cách thức tư duy của các dòng họ pháp luật khác nhau trên thế giới đã mang đến những giá trị và tầm quan trọng rất lớn cho việc xây dựng và áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng tại Việt Nam hiện nay. Tại Việt Nam, thẩm phán, các nhà làm luật và cơ quan, cá nhân công tác trong lĩnh vực pháp luật luôn nghiên cứu và hướng đến giải quyết vụ án, vụ việc được đúng đắn, phù hợp và bảo đảm tính có căn cứ, thuyết phục. Tư duy pháp lý ngày càng khẳng định được giá trị và vai trò trong việc áp dụng, vận dụng các quy luật của tư duy, cho ra đời những quy định, ban hành những án lệ phù hợp và thuận lợi cho quá trình áp dụng nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế Việt Nam. Việc áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng là một vấn đề còn mới ở Việt Nam nên cần có quá trình nghiên cứu, vận dụng tư duy pháp lý với các hình thức đúng đắn, phù hợp từ lý luận, quy định vào thực tiễn giải quyết và xét xử vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm giải quyết thấu tình, đạt lý và thuyết phục của các bên.
Một số vấn đề đặt ra
Thực tiễn
Án lệ, tập quán và lẽ công bằng ngày càng quan trọng và được áp dụng trên phạm vi pháp luật thế giới và tại Việt Nam. Xét dưới góc độ thực tiễn, việc áp dụng án lệ, áp dụng tập quán và lẽ công bằng hiện nay trong vấn đề giải quyết vụ việc của Tòa án đã cho thấy những điều đã làm được trong việc thay đổi cách thức cũng như tư duy của thẩm phán trong quá trình xét xử ở nước ta hiện nay, giúp cho việc áp dụng và giải quyết các vụ án được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất, án lệ đã được công nhận là một nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thời gian gần đây, qua quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã học hỏi cũng như nhận thức được nhiều điều mới và quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện pháp luật. Do đó, những tư duy mới, nhận thức mới về nguồn pháp luật trong đó có án lệ, tập quán, nguyên tắc hợp lý, lẽ công bằng… được đề cập nhiều hơn; đồng thời án lệ cũng như các nguồn luật khác cũng dần khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình áp dụng để giải quyết vụ án. Vì vậy, trong chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước nhà, vấn đề nguồn pháp luật trong đó có án lệ đang được nhà nước đầu tư, đẩy mạnh quá trình tiếp tục triển khai nghiên cứu, xây dựng lộ trình và cách thức áp dụng án lệ. Quá trình trên được triển khai với việc lần đầu tiên án lệ đã được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 với việc khẳng định Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực cao để tổng kết phát triển thành án lệ và công bố để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xét xử.
Thứ hai, tòa án tối cao thường xuyên ban hành và bổ sung thêm các án lệ nhằm làm đa dạng thêm án lệ, đồng thời khẳng định được vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Thực tế cho thấy số lượng án lệ tại Việt Nam đã gia tăng một cách nhanh chóng khi ngày 06/04/2016, án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về vụ án Giết người. Tại thời điểm hiện nay, năm 2021 ở Việt Nam đã có tổng cộng 43 án lệ. Chính sự phát triển của án lệ đã cho thấy được vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là một nguồn tham khảo chất lượng trong quá trình làm luật cũng như việc vận dụng trong quá trình xét xử để giải quyết các vụ án có tính chất tương tự.
Thứ ba, tư duy và lập luận của tòa án trong các án lệ rất chặt chẽ, thấu tình đạt lý tạo được sự linh hoạt và hiệu quả trong quá trình áp dụng giải quyết vụ việc, vụ án có tính chất tương tự. Do đó, quá trình áp dụng án lệ trong xét xử sẽ giúp các vụ việc được giải quyết một cách nhanh chóng hơn khi chưa có luật thành văn điều chỉnh. Đồng thời, tạo nên sự thống nhất trong công tác xét xử giữa các cấp tòa án và giúp cho pháp luật ngày càng dễ hiểu, gắn liền với thực tiễn đời sống con người.
Thứ tư, với việc sử dụng hệ thống nguồn pháp luật như: án lệ, tập quán và lẽ công bằng… trong quá trình xét xử đã làm cho hệ thống pháp luật Việt Nam có sự linh hoạt, mềm dẻo, đồng thời đảm bảo được tính có căn cứ trong quá trình giải quyết các vụ án khi không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh và không thể áp dụng tương tự pháp luật.
Thứ năm, việc ban hành đa dạng các án lệ và ghi nhận việc áp dụng tập quán, lẽ công bằng giúp cho hệ thống pháp luật Việt Nam dần hoàn thiện, phù hợp trong xu hướng hội nhập với hệ thống pháp luật trên thế giới. Quá trình hội nhập giúp Việt Nam học hỏi, tiếp thu được nhiều tinh hoa của các dòng họ pháp luật trên thế giới, qua đó vận dụng sáng tạo, linh hoạt và phù hợp với thực tiễn xét xử của Việt Nam nhằm mục tiêu khắc phục những lỗ hổng pháp lý. Từ đó, góp phần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta.
Bên cạnh những điều đã làm được, việc áp dụng án lệ, áp dụng tập quán và lẽ công bằng ở Việt Nam hiện nay cũng còn một số hạn chế. Cụ thể:
Đối với việc áp dụng án lệ: Thứ nhất, án lệ chỉ mang tính chất tổng kết và mang tính đại diện lại một vụ án dựa trên quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Thứ hai, kinh nghiệm vận dụng án lệ còn hạn chế. Bởi lẽ, trên thực tế trong quá trình xét xử và giải quyết vụ án tại Việt Nam thường thường dựa trên lối tư duy diễn dịch – đây cũng là nét điển hình trong phong cách tư duy pháp lý của hệ thống pháp luật Civil Law. Đây là thói quen trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc tại Việt Nam; các thẩm phán luôn áp dụng các quy phạm pháp luật đã có sẵn để giải quyết vụ án, do đó việc thay đổi cách tiếp cận đổi mới tư duy trong việc vận dụng án lệ để đưa ra phán quyết khách quan, công bằng đang còn khá mới mẻ và gây ra nhiều lúng túng, khó khăn trong việc áp dụng, viện dẫn án lệ dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất, thậm chí nhiều Thẩm phán không viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của mình mà chỉ xét xử theo đường lối mà án lệ đưa ra. Thứ ba, án lệ được xem như một nguồn luật mới tại Việt Nam nên nguồn luật này chưa được phát triển mạnh mẽ và có tầm quan trọng như nguồn luật thành văn (các văn bản quy phạm pháp luật). Do đó, trong quá trình xét xử, các thẩm phán thường hướng đến việc áp dụng các điều luật có sẵn để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp… phát sinh trong vụ án nhằm đưa ra một phán quyết hợp lý, công bằng đảm bảo đúng pháp luật.
Đối với việc áp dụng tập quán: Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về các tập quán và chịu trách nhiệm về sự tồn tại về nội dung của tập quán hoặc có thẩm quyền giải thích tập quán trong trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau về chúng. Bởi lẽ, tại Việt Nam có nhiều tập quán vô cùng phong phú và đa dạng như: tập quán vùng, miền, khu vực, dân tộc… và mỗi nơi lại đưa ra những quy tắc xử sự trái ngược nhau, thậm chí là xung đột mặc dù cùng điều chỉnh một quan hệ xã hội. Do đó, gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình tiếp cận, hiểu về tập quán đó để vận dụng trong quá trình giải quyết vụ việc. Mặt khác, chính sự mập mờ, chưa rõ ràng đó sẽ rất dễ dẫn tới hiệu quả của việc vận dụng, áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc của Tòa án là chưa cao, chưa rộng và phổ quát. Hơn nữa, có rất nhiều tập quán tồn tại nhưng cũng có những tập quán không mang lại giá trị cho cộng đồng và không có tính ứng dụng trên thực tế sẽ gây nên những khó khăn trong quá trình áp dụng.
Đối với việc áp dụng lẽ công bằng: Thực tế, quá trình áp dụng lẽ công bằng của thẩm phán trong xét xử còn gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể xuất phát bởi một số nguyên do sau, điển hình như: Việc lẽ công bằng chưa được ghi nhận thành những quy định cụ thể như các nguồn pháp luật cho nên gây nên nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng lẽ công bằng để giải quyết vụ việc. Mặt khác, các yêu cầu, đòi hỏi cao về trình độ năng lực, sự hiểu biết sâu rộng, vấn đề đạo đức, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội và tư duy phong phú, , đa dạng về các khối kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống hằng ngày chứ không chỉ riêng kiến thức về chuyên môn pháp luật là luôn bắt buộc đối với thẩm phán, vì vậy đã gây nên nhiều khó khăn, hạn chế trong cách thức sử dụng và áp dụng lẽ công bằng trong quá trình xét xử. Điều này khiến cho quy trình áp dụng và giải quyết các vụ án bằng việc áp dụng lẽ công bằng còn diễn ra chậm và chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn; chưa thể vận dụng thường xuyên nhằm đưa ra những phán quyết phù hợp, đảm bảo sự khách quan trong quá trình xét xử.
Một số kiến nghị
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay cần gắn liền với công cuộc xây dựng, phát triển hệ thống nguồn pháp luật một cách đồng bộ, hệ thống, khoa học. Từ kinh nghiệm xây dựng, phát triển và áp dụng án lệ, tập quán, lẽ công bằng ở một số quốc gia trên thế giới, theo em chúng ta cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau để đạt được hiệu quả cao trong quá trình áp dụng.
- Thứ nhất, giải pháp nâng cao hiệu quả trong quá trình áp dụng án lệ tại Việt Nam.
Một là, trong quá trình xét xử, thẩm phán mới là người trực tiếp vận dụng để giải thích ý nghĩa của các quy định trên cũng như đưa ra các lý do lựa chọn án lệ hay quy định pháp luật này để áp dụng trong giải quyết vụ án. Mặt khác, nhờ vào kinh nghiệm, trình độ, kiến thức chuyên sâu về luật pháp thì các thẩm phán hoàn toàn có thể vận dụng án lệ một cách rõ ràng, nhanh chóng và dễ hiểu cho người dân. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng của vấn đề chuyên môn, giải thích và hướng dẫn áp dụng án lệ hiệu quả của Tòa án nhân dân Tối cao giúp các tòa án cấp dưới áp dụng và thi hành án lệ vào các vụ án, vụ việc tương tự thuộc thẩm quyền được thuận lợi hơn.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới công tác đào tạo thẩm phán để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết vụ án. Để phát huy hết giá trị của án lệ thì yêu cầu về trình độ, năng lực cũng như tư duy các thẩm phán phải linh hoạt và gợi mở. Như vậy quá trình chọn lựa, phân tích, nghiên cứu, đánh giá các án lệ để áp dụng trong xét xử mới đạt hiệu quả cao, từ đó giúp đưa ra những phán quyết có chất lượng tốt, đảm bảo sự công bằng, vô tư, khách quan, đúng pháp luật. Do đó, cần tiến hành đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, mô hình đào tạo thẩm phán thích hợp, bảo đảm các thẩm phán có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.
Ba là, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu, xây dựng lộ trình và cách thức áp dụng án lệ sao cho phù hợp tại Việt Nam. Mặc dù những năm gần đây án lệ đã được ban hành ngày càng nhiều tuy nhiên đây vẫn là vấn đề mới ở trong nước cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, để phát triển án lệ tại Việt Nam cần phải kết hợp tốt quá trình nghiên cứu, giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc hệ thống pháp luật Common Law. Qua đó, cần học tập những kinh nghiệm, kỹ thuật lập pháp cũng như quy trình chuẩn trong việc xây dựng, lựa chọn cũng như kỹ năng vận dụng, áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc. Đây là một giải pháp dài hơi nên cần quan tâm, chú trọng và thực hiện kiên trì trong thời gian dài nhằm hướng đến mục tiêu dần hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng án lệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
- Thứ hai, giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình áp dụng tập quán tại Việt Nam.
Một là, cần nghiên cứu và tìm hiểu những tập quán có giá trị và ý nghĩa áp dụng trên thực tế, phù hợp với chuẩn mực, đạo đức và xã hội, phản ánh đúng giá trị của tập quán ấy tại những vùng miền. Tại Việt Nam có rất nhiều tập quán với đa dạng sắc màu, mỗi vùng miền có những nét tập tục, phong tục khác nhau phản ánh đúng giá trị văn hóa, sắc màu của từng vùng miền. Do đó, cần phải đẩy mạnh quá trình nghiên cứu để chọn lựa ra những tập quán tiêu biểu, có giá trị sâu sắc và phù hợp với những chuẩn mực chung của đạo đức, xã hội, không trái pháp luật để áp dụng giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình xét xử của tòa án giúp đạt hiệu quả cao, đồng thời tạo thêm sự phong phú cho cách tiếp cận hệ thống nguồn pháp luật tại Việt Nam hiện nay và gợi mở trong quá trình chọn lựa cách giải quyết vụ việc khi không có những quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh.
Hai là, cần tránh việc vận dụng tập quán một cách máy móc trong quá trình xét xử. Bởi lẽ, tập quán tuy khái quát và đáp ứng tốt các điều kiện để trở thành một nguồn pháp luật quan trọng trong quá trình tham khảo giúp giải quyết vụ án nhưng để việc áp dụng đạt hiệu quả cao, đòi hỏi mỗi thẩm phán cần tỉ mỉ trong quá trình nghiên cứu, phân tích vấn đề, đồng thời có sự kết hợp khéo léo tìm hiểu tập quán, chọn lựa và áp dụng tập quán một cách linh hoạt. Có như vậy, quá trình xét xử mới đạt hiệu quả cao, tránh việc gây ra những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án.
Ba là, xây dựng những quy chuẩn và bộ những tập quán áp dụng trong quá trình xét xử tránh những tập quán không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Để áp dụng một cách hiệu quả tập quán, đòi hỏi cần phải có những quy chuẩn chung được đặt ra, các văn bản cụ thể nhằm giải thích và hướng dẫn cách vận dụng tập quán, tránh tình trạng một tập quán nhưng mỗi vùng miền lại có những cách hiểu khác nhau về chúng, từ đó dẫn tới việc hiểu nhầm và áp dụng sai trong xét xử. Do vậy, cần đẩy mạnh việc xây dựng và cho ra đời bộ chuẩn những tập quán quy định cụ thể rõ ràng cũng như kèm theo việc giải thích các thuật ngữ, các tập quán tiêu biểu được chọn lựa để làm nguồn tham khảo pháp luật. Có như vậy mới đạt hiệu quả cao trong quá trình vận dụng và áp dụng tập quán trong xét xử.
- Thứ ba, giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình áp dụng lẽ công bằng tại Việt Nam.
Một là, cần phải tăng cường quá trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các thẩm phán. Bởi lẽ, bên cạnh việc đáp ứng đủ kiến thức chuyên môn pháp luật, thẩm phán cần phải có sự hiểu biết chuyên sâu về các kiến thức thực tiễn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là những vấn đề về đạo đức, công bằng và bình đẳng Có như vậy mới đáp ứng tốt trong quá trình vận dụng lẽ công bằng vào xét xử nhằm đưa ra những phán quyết công bằng, khách quan, vô tư dưới góc độ nhìn nhận và các đánh giá khách quan đa chiều từ những nhà thẩm phán.
Hai là, cần hiểu rõ về vấn đề áp dụng lẽ công bằng trong quá trình xét xử nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, minh bạch. Đây là quá trình áp dụng những quy định cụ thể của pháp luật về lẽ công bằng. Thực tế, quy định về lẽ công bằng không thể hiện rõ về nội hàm mà chỉ đưa ra quy định khái quát. Vì vậy, quá trình áp dụng lẽ công bằng trong xét xử của thẩm phán cần phải xem xét các yếu tố liên quan đến phạm vi giải quyết, đồng thời kết hợp sự phân tích, đánh giá về vụ việc dưới góc độ thực tiễn với tâm thế khách quan, vô tư nhằm đảm bảo việc đưa ra phán quyết được công bằng, khách quan, đảm bảo quyền của các chủ thể.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng tại Việt Nam hiệu quả, trong thời gian tới cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm, giao lưu, nghiên cứu khoa học để cùng thảo luận, bàn bạc và đưa ra, xây dựng các giải pháp, lộ trình vận dụng và áp dụng phù hợp góp phần làm rõ các vấn đề còn bỏ ngỏ và vấn đề thuộc lý luận, thực tiễn nhằm thu nhận được các ý kiến, quan điểm có giá trị ứng dụng vào nâng cao hiệu quả việc áp dụng án lệ, tập quán và lẽ công bằng trong tương lai.
Nhìn chung, để đạt được hiệu quả cao trong việc áp dụng án lệ, áp dụng tập quán và lẽ công bằng trong xét xử đòi hỏi cần phải đồng thời kết hợp những biện pháp khác nhau, từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của các thẩm phán trong xét xử đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, lựa chọn và tiếp thu học hỏi những kinh nghiệm trên thế giới trong việc tiếp cận và hoàn thiện hệ thống nguồn pháp luật tại Việt Nam. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và xây dựng một lộ trình về cách tiếp cận áp dụng phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đảm bảo sự phát triển và hoàn thiện trong tương lai, đồng thời hướng tới mục tiêu đạt hiệu quả cao trong quá trình áp dụng giải quyết vụ việc tại tòa án.
============= [1] Điều 1, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 18 tháng 06 năm 2019. [2] [2] Điều 2, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. [3] GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB. ĐHQGHN, 2015, tr.331. [4] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, NXB. Công an nhân dân, 2009, tr. 223. [5] Khoản 2, 3, Điều 8, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ngày 18 tháng 06 năm 2019. [6] Xem thêm Khoản 2, Điều 26, Bộ luật Dân sự năm 2015. [7] Xem thêm tại Khoản 2, Điều 29, Bộ luật Dân sự năm 2015. |
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hiến pháp năm 2013 2. Bộ luật Dân sự năm 2015. 3. Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. 4. Hiến pháp Việt Nam năm 2013. 5. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. 6. Luật Tố tụng hành chính năm 2015. 7.Án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 06/04/2016 về vụ án Giết người. 8.Án lệ số 04/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 06/04/2016 về vụ án Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 9. Án lệ số 43/2021/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 23/02/2021 về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng từ người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán. 10. Bản án 66/2017/DSST ngày 28/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản. 11. Nghị quyết số: 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. 12. Nghị quyết số: 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 06 năm 2019 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. 13. PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (Đồng chủ biên), Giáo trình Tư duy pháp lý, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2020 14. Nguyễn Minh Tuấn, Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2016 15. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, 2009 16. Bùi Thị Thanh Hằng (Chủ biên), Giáo trình Luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2014. 8. GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. ĐHQGHN, 2015, tr.331. 9. GS.TSKH. Đào Trí Úc, Giáo trình Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2015. |
Tiến sĩ, Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM
Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội & Công ty Luật ThinkSmart
NGUYỄN ANH DŨNG - NGUYỄN THẾ TÙNG
Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Về thời hiệu yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017