Có thể hiểu, mang thai hộ là việc một người tự nguyện, không vì mục đích thương mại đã mang thai giúp cho cặp vợ chồng khác không thể mang thai và sinh con, ngay cả khi cặp vợ chồng đó đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Người nhận mang thai hộ chỉ thực hiện việc mang thai đối với phôi được tạo ra từ noãn của người vợ và tình trùng của người chồng được cấy ghép vào tử cung.
Điều này phân biệt với việc “đẻ thuê” là phải có hành vi giao phối trực tiếp. Để thực hiện mang thai hộ, cả bên nhờ và bên nhận đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Đây là những điều kiện cần phải xảy ra hoặc bắt buộc đạt được để thực hiện mang thai hộ và được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2024 (sau đây gọi tắt là Luật này).
1. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Điều kiện của chủ thể nhờ mang thai hộ
Điều kiện chủ thể nhờ mang thai hộ cần đáp ứng được quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật này, bao gồm:
Thứ nhất, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tức là phải hướng đến mục đích nhân đạo, cụ thể là giúp đỡ cặp vợ chồng khác có con chung. Điều này đòi hỏi trước đó họ phải áp dụng, thử nhiều cách khác nhau, áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhưng không có kết quả. Điều này thể hiện ở việc người vợ phải có sự xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền rằng ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhưng việc mang thai và sinh con là điều không thể.
Thứ hai, vợ chồng đang không có con chung. Xét về bản chất, quy định này có mối quan hệ với điều kiện thứ nhất, chính từ vệc người vợ không có khả năng mang thai và sinh con, nên dẫn đến việc vợ chồng không có con chung. Nói cách khác, điều kiện thứ nhất là nguyên nhân dẫn đến điều kiện thứ hai. Đang không có con chung được hiểu là tại thời điểm nhờ mang thai hộ, cặp vợ chồng này không có bất kỳ người con chung nào với nhau.
Thứ ba, đã được tư vấn về y tế, pháp lý và tâm lý. Về y tế, vợ chồng cần được tư vấn về các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; các khó khăn trong việc thực hiện mang thai hộ; tỉ lệ thành công của kỹ thuật này; chi phí điều trị cao; khả năng đa thai; khả năng em bé dị tật và có thể phải bỏ thai và các nội dung khác có liên quan. Về pháp lý, vợ chồng cần được tư vấn về việc xác định cha mẹ con; quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình và sau khi thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Về tâm lý, vợ chồng cần được tư vấn về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con; thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi. Ý nghĩa của điều kiện này chính là đảm bảo chắc chắn rằng vợ chồng nhờ mang thai hộ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt và mong muốn thực hiện mang thai hộ, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp trong quá trình mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Điều kiện của chủ thể nhận mang thai hộ
Trước tiên, người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Giữa những người thân thích đã tồn tại một mối quan hệ, sự gắn bó mật thiết hơn, từ đó nếu mang thai hộ cũng sẽ làm giảm khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tiếp theo, người nhận mang thai hộ phải là người đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Quy định này nhằm giúp bảo vệ người được nhờ mang thai hộ vì việc mang thai và sinh con chứa đầy rủi ro và có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người được nhờ mang thai hộ.
Tiếp theo, người mang thai hộ phải có độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Nhằm bảo đảm đứa trẻ sinh ra sẽ an toàn và khỏe mạnh hơn, hạn chế mắc các dị tật, người mang thai hộ phải ở trong độ đuổi có điều kiện tốt nhất để thực hiện việc mang thai và sinh con. Nhưng người trong độ tuổi đó chỉ có thể nhận mang thai hộ nếu có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Đây có thể coi là một sự “cấp phép” để đảm bảo rằng người được nhờ mang thai hộ đã đảm bảo các điều kiện cần có của việc mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng bởi việc mang thai hộ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cả tâm lý, sức khỏe, tư tưởng của hai người nên nếu trường hợp người chồng không đồng ý thì việc mang thai hộ sẽ không được thực hiện.
Cuối cùng, người nhận mang thai hộ cũng phải được tư vấn về tâm lý, pháp lý, tâm lý. Bởi lẽ, việc mang thai hộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tâm lý của người được nhờ mang thai hộ. Vì vậy, trước khi thực hiện thì họ phải hiểu rõ mọi vấn đề có thể xảy ra và liệu rằng họ có chắc chắn thực hiện việc mang thai hộ hay không. Đây được xem là điều kiện bắt buộc đảm bảo việc mang thai hộ đúng với tinh thần vì mục đích nhân đạo.
Điều kiện về sự thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Giữa bên nhờ và bên nhận mang thai hộ phải tiến hành một thỏa thuận về việc mang thai hộ hoàn toàn vì “mục đích nhân đạo”. Trong thỏa thuận đó phải có đủ các nội dung: Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan; Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ như quy định của Luật; Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của vợ chồng nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận. Nội dung thỏa thuận phải được lập thành văn bản và có công chứng, nếu không sẽ không có giá trị pháp lý. Điều này đảm bảo rằng các điều kiện của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã được đáp ứng và sự công nhận về mặt pháp lý sẽ là cơ sở đảm bảo việc mang thai hộ sẽ được pháp luật bảo vệ khi xảy ra các tranh chấp.
Một số hạn chế, bất cập
Về điều kiện “vợ chồng đang không có con chung”
Mặc dù chứa đựng tính chất nhân đạo, nhưng quy định về điều kiện này lại chưa chặt chẽ. Từ quy định “đang không có con chung”, có nhiều cách hiểu khác nhau được đưa ra. Quan điểm thứ nhất, điều kiện này được hiểu là tại thời điểm nhờ mang thai hộ, cặp vợ chồng này không có con chung, tức là trước đó có thể đã có con chung nhưng người con chung này không còn thì được coi là đang không có con chung. Quan điểm thứ hai cho rằng, điều kiện này được hiểu là cặp vợ chồng này phải chưa từng có con chung tính đến thời điểm nhờ mang thai hộ, tức là nếu đã từng có con chung nhưng người con chung đó không còn thì cũng không được coi là đang không có con chung. Quan điểm thứ ba cho rằng, không quan trọng đã có con chung hay chưa, chỉ cần tại thời điểm cặp vợ chồng muốn có con chung nhưng người vợ không có khả năng mang thai và sinh con, tức là muốn có nhưng đang trong tình trạng không thể có là đáp ứng điều kiện này. Trong ba quan điểm trên, quan điểm thứ hai có phạm vi hiểu hẹp nhất, quan điểm thứ ba có phạm vi rộng nhất. Tuy nhiên, quan điểm thứ ba lại là quan điểm xa rời quy định của luật nhất.
Theo suy luận thông thường, “đang không có con chung” sẽ được suy luận là “hiện tại đang trong tình trạng không có con chung, chứ không phải “đang trong tình trạng muốn nhưng không thể có con chung”. Đồng thời, từ “đang” là từ chỉ thời điểm, tức là hiện tại đang trong tình trạng đó, nếu hiểu theo quan điểm thứ hai là đã xét toàn bộ quá trình từ quá khứ tới hiện tại, sai lệch nghĩa từ “đang”. Do đó, tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất. Mặc dù vậy, quan điểm thứ nhất cũng bộc lộ điểm bất cập, đó là nhiều trường hợp vợ chồng muốn có con chung, nhưng người vợ lâm vào tình trạng không thể mang thai và sinh con nhưng vẫn không thể thực hiện việc mang thai hộ. Bởi những trường hợp này không đáp ứng điều kiện “đang không có con chung”. Ví dụ, trường hợp vợ chồng đã có con chung, nhưng vì nhiều lý do khác nhau họ muốn có thêm con chung (mới chỉ có 01 con chung nên muốn có thêm con chung; người con chung đầu tiên gặp phải một số vấn đề không mong muốn nên muốn có thêm con chung…) nhưng vì bị ngăn cản bởi việc đã có người con chung đó nên không đủ điều kiện mang thai hộ. Các trường hợp này, lẽ ra phải được cho phép thực hiện bởi vì chúng hoàn toàn nhằm mục đích “nhân đạo”, nhưng pháp luật lại giới hạn điều này là không phù hợp. Vì vậy, cần sửa đổi điều kiện này theo hướng mở rộng thêm phạm vi được mang thai hộ.
Về điều kiện “đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”
Quy định cần phải được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý trước khi thực hiện mang thai hộ là cần thiết. Pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm tư vấn y tế thuộc về bác sĩ sản khoa, trách nhiệm tư vấn pháp lý thuộc về luật sư, luật gia, trợ giúp pháp lý, trách nhiệm tư vấn tâm lý thuộc về người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của việc này lại chưa được quy định chặt chẽ. Theo đó, cặp vợ chồng muốn thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải làm gì để được tư vấn, quá trình tư vấn phải được thực hiện như thế nào, có thể hiện thông qua lập biên bản tư vấn hay không, nếu có thì biên bản đó phải đầy đủ những nội dung gì, có xác nhận gì của cá nhân, cơ quan, tổ chức nào, thời gian tư vấn tối thiểu là bao lâu… Tất cả những vấn đề này đều rất cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả của việc tư vấn. Việc tư vấn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe, trang trị những kiến thức, kỹ năng, rủi ro trong toàn bộ quá trình, để những người liên quan có đủ suy nghĩ, đưa ra quyết định. Do đó, việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả của việc tư vấn là vô cùng quan trọng. Nếu chỉ quy định chung chung, đơn giản như hiện nay thì sẽ tiềm ẩn nhiều khả năng làm qua loa, đại khái, làm hình thức để đối phó, nhưng thực tế lại không có tác dụng; dẫn đến dịch vụ chui, vi phạm pháp luật.
Về phạm vi người được nhận mang thai hộ
Luật Hôn nhân và gia đình quy định người nhận mang thai hộ bắt buộc phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng. Người thân thích được định nghĩa tại Điều 3 Luật này là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời. Nhưng bên cạnh đó, Nghị định 02 của Bộ Y tế lại quy định người thân thích bao gồm anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha. Phạm vi được đưa ra trong nghị định 02 có phần rộng hơn so với Luật. Các đối tượng anh rể, chị dâu, em dâu, em rể là những người không có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng hay cùng dòng máu, có họ trong phạm vi ba đời. Hai quy định này không trùng khớp là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh cãi, nhiều vụ việc xung đột và áp dụng pháp luật không thống nhất, tùy tiện theo từng vụ việc.
Chưa hết, việc giới hạn phạm vi người nhận mang thai hộ là người thân thích như hiện nay là chưa thật sự phù hợp, trong một số trường hợp đã gián tiếp làm giảm hoặc mất cơ hội giúp vợ chồng có con chung. Trường hợp cặp vợ chồng không có người thân thích nào đáp ứng đủ các điều kiện còn lại, họ khao khát có con chung, đã tìm được người nhận mang thai hộ (bạn bè thân thiết, chị em kết nghĩa…) hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, có đầy đủ xác nhận và dấu hiệu cho thấy điều đó nhưng cũng không thể thực hiện việc mang thai hộ. Tác giả cho rằng, cần nghiên cứu quy định lại vấn đề này, cho phép người không phải người thân thích với cặp vợ chồng được mang thai hộ, chỉ cần quy định chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, những người liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ giấy tờ, tài liệu nhằm chứng minh quan hệ thân thiết và mục đích mang thai hộ là “nhân đạo”. Bởi, pháp luật phải tìm cách để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, không phải “cứ cái gì lo lắng, không làm được thì đều cấm”.
Về điều kiện “độ tuổi phù hợp” của người nhận mang thai hộ
Hiện nay, pháp luật mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung “độ tuổi phù hợp” và chưa có quy định cụ thể về độ tuổi mang thai hộ. Là pháp luật điều chỉnh một vấn đề vốn đã rất nhạy cảm, nhưng luật lại không đưa ra một khoảng tuổi mà dùng từ “phù hợp” là chưa chặt chẽ. Độ tuổi bao nhiêu là phù hợp, trong khi mỗi người có một cơ thể, cơ địa, đặc điểm, điều kiện khác nhau, mỗi người có một định nghĩa riêng, cách hiểu riêng, tiêu chuẩn riêng về “phù hợp”. Do đó, bắt buộc phải đưa ra một khoảng tuổi cụ thể nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất. Theo trang tin điện tử Bệnh viện Vinmec phụ nữ từ 20 – 35 tuổi là độ tuổi mang thai tốt nhất vì khi mang thai sẽ hạn chế các rủi ro, biến chứng thường gặp trong thai kỳ như mang thai ngoài tử cung, tiền sản giật, nguy cơ thai chết lưu và dọa sảy thai. Chất lượng trứng trong giai đoạn này cũng tốt hơn, cơ hội mang song thai, đa thai cũng chiếm tỉ lệ cao hơn. Trong khi đó, trang tin bệnh viện Thu Cúc lại đưa ra độ tuổi tốt nhất để mang thai là 24 đến 35 tuổi. Báo tuổi trẻ trích bài viết của Trung tâm truyền thông – giáo dục sức khỏe TP. Hồ Chí Minh đưa ra độ tuổi tốt nhất là 22-33 tuổi… Do đó, Bộ Y tế cần đưa ra mức độ tuổi mang thai thích hợp làm thước đo chung, giúp cho quá trình mang thai hộ diễn ra thuận lợi, hạn chế được các nguy cơ rủi ro cho phụ nữ cũng như đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ.
Về điều kiện người nhận mang thai hộ phải “đã từng sinh con”
Quy định này là không thật sự cần thiết và có phần cản trở, thu hẹp phạm vi, gây khó khăn cho hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Người nhận mang thai hộ đã phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện khác nhau, trong đó có điều kiện về độ tuổi và được cơ sở y tế xác nhận có khả năng mang thai. Những điều kiện này là đầy đủ để cho thấy người này có khả năng sinh nở bình thường, việc mang thai hộ, sinh con hộ sẽ ít có khả năng ảnh hưởng đến bản thân người đó và bào thai. Chưa hết, mặc dù không quy định cụ thể khoảng tuổi, các quan điểm, khuyến cáo đưa ra có phần khác nhau, nhưng có thể thấy khoảng tuổi phù hợp để mang thai dao động từ 20-33 tuổi. Với điều kiện kết hôn, sinh con của giới trẻ hiện nay đang có xu hướng ngày càng già hóa, dẫn đến độ tuổi sinh con cũng muộn hơn. Do đó, nếu quy định phải từng sinh con, sẽ thu hẹp đi một tỉ lệ tương đối trong cơ cấu những người có thể mang thai hộ. Do đó, điều kiện này là không cần thiết và không phù hợp.
Xoay quanh điều kiện đã từng sinh con còn có liên quan đến vấn đề về khoảng cách giữa các lần sinh. Khoảng cách giữa hai lần sinh quá ngăn sẽ dẫn đến nhiều tác hại như nguy cơ sinh non, con thiếu cân, người mẹ dễ bị tiền sản, thiếu máy, tăng huyết áp, suy nhược, gặp biến chứng thủng tử cung, nhiễm trùng, ảnh hưởng tâm lý… Do đó, trường hợp người nhận mang thai hộ là người đã sinh con, thì cần cân nhắc quy định khoảng thời gian tối thiểu từ khi sinh con đến khi nhận mang thai hộ. Khoảng cách này giúp cho người mẹ có đủ thời gian chăm sóc bé trước; có đủ thời gian để chăm sóc, dạy dỗ con và thời gian để phục hồi sau những áp lực ở lần mang thai trước; tránh được những rủi ro trong thai nghén và sinh nở, đặc biệt là “bồi đắp” dinh dưỡng, sẵn sàng cho lần mang thai kế tiếp. Đồng thời, tạo cơ hội cho người mẹ có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và hoà nhập xã hội.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ. Một, cần quy định rõ thời điểm “đang” bằng cách thay thế từ “đang” thành “vợ chồng không có con chung tại thời điểm mang thai hộ”. Hai, cho phép mang thai hộ trong một số trường hợp bằng cách bổ sung quy định “Cho phép mang thai hộ đối với cặp vợ chồng có con chung nhưng chỉ có 01 con chung hoặc con chung mắc bệnh, gặp khiếm khuyết ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, còn chung bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi”. Hai, cần ban hành quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục tư vấn y tế, pháp lý và tâm lý, trong đó phải có một số nội dung cơ bản sau: Việc tư vấn phải thực hiện đầy đủ nội dung, có lập biên bản; biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, ý kiến tư vấn, ý kiến của các bên liên quan, có xác nhận của cơ sở y tế, cơ sở pháp lý, cơ sở tâm lý hoặc cá nhân trực tiếp thực hiện tư vấn; phải có biên bản tiếp xúc, ghi ý kiến sau khi tư vấn một thời gian đủ dài để cặp vợ chồng cân nhắc…
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện của người nhận mang thai hộ. Về đối tượng, cần thống nhất phạm vi “người thân thích” là những đối tượng nào. Theo đó, người thân thích phải được hiểu theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình. Sau đó, cần mở rộng đối tượng được mang thai hộ là ngoài người thân thích còn có thêm các đối tượng “anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, bạn bè…” nhưng đi kèm điều kiện phải chứng minh rõ ràng về quan hệ thân thiết giữa các bên và mục đích mang thai hộ là nhân đạo. Bổ sung điều kiện về độ tuổi của người được nhờ mang thai hộ nhằm hạn chế những hệ quả có thể phát sinh và giúp cho các y bác sĩ có cơ sở để áp dụng dựa trên việc kiểm tra sức khỏe. Do đó, có thể nghiên cứu quy định độ tuổi cụ thể để được mang thai hộ là khoảng từ 22-35 tuổi. Bỏ quy định bắt buộc người mang thai hộ phải là người “đã từng sinh con”, bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu giữa lần sinh con gần nhất và lần mang thai hộ, theo chuyên gia, khoảng cách này có thể quy định khoảng 03-05 năm.