Một số vấn đề về xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản trong vụ án hình sự

19/04/2024 23:02 | 1 tuần trước

(LSVN) - Theo quy định, việc xử lý vật chứng, đồ vật, tài sản do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Về cách thức xử lý vật chứng, Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng đã có các quy định cụ thể. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý trong vụ án hình sự vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu.

Ảnh minh họa.

1. Còn nhầm lẫn giữa vật chứng và tài sản, đồ vật không phải là vật chứng

Khi tiến hành tố tụng, cần phải xem xét đánh giá các đồ vật, tài liệu có trong hồ sơ, cái nào là vật chứng, cái nào không phải là vật chứng. Hoạt động này, có ý nghĩa trong việc chứng minh tội phạm và đưa ra được hướng xử lý vật chúng đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không ít các trường hợp chủ thể tiến hành tố tụng đã xác định sai dẫn đến xử lý không đúng. Ví dụ như trong vụ án đánh bạc, các bị cáo ngồi trên đệm trong nhà để đánh bạc. Khi giải quyết, cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý chiếc đệm bằng hình thức tịch thu tiêu hủy vì cho rằng đây là công cụ, phương tiện phạm tội. Điều này là sai, bởi đây không phải công cụ, phương tiện phạm tội, lẽ ra phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Hay trong vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, bị cáo có hành vi giấu ma túy vào trong ô trống trên cánh cửa xe ô tô nên chiếc xe bị tịch thu sung ngân sách nhà nước. Điều này là không đúng vì đây không phải phương tiện phạm tội trong tội tàng trữ trái phép chất ma túy, do đó không được tịch thu mà phải trả lại mới chính xác. Một trường hợp khác, đó là các USB, đĩa CD ghi âm, ghi hình có trong hồ sơ vụ án. Đây là tài liệu thuộc hồ sơ vụ án, không phải vật chứng của vụ án. Tuy nhiên, vẫn có những bản án nhận định và tuyên xử lý đối với USB, đĩa CD với nội dung “lưu trữ theo hồ sơ vụ án”. 

2. Xử lý tài sản trong trường hợp bản án tuyên hình phạt bổ sung có liên quan

Cụ thể ở đây là các tài sản như giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến một số hình phạt bổ sung như cấm hành nghề, cấm thực hiện công việc… Đây không phải vật chứng của vụ án, do đó cần trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Tuy nhiên, vì liên quan đến hình phạt bổ sung nên trên thực tế xảy ra hai ý kiến trái chiều liên quan đến thời điểm trả lại. Có người cho rằng cần tuyên trả ngay cho bị cáo bởi việc chấp hành hình phạt bổ sung là độc lập và không ảnh hưởng bởi việc trả lại này. Theo nguyên tắc, tài sản phải được trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Ngược lại, có người lại cho rằng cần tuyên trả lại cho bị cáo sau khi bị cáo đã chấp hành xong hình phạt bổ sung. Ví dụ, bị cáo bị tuyên hình phạt bổ sung là cấm hành nghề lái xe ô tô trong 12 tháng, thì sẽ tuyên “trả lại giấy phép lái xe cho bị cáo sau khi chấp hành xong hình phạt bổ sung”. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ nhất, bởi vì theo quy định tại Điều 106 BLTTHS, tại khoản 3 quy định hai trường hợp trả lại đều nêu rõ “trả lại ngay”. Đối với lý do chưa trả lại ngay để bảo đảm thi hành án, tôi cho rằng là không cần thiết. Việc có giấy phép, chứng chỉ, giấy chứng nhận… chỉ là “điều kiện cần” để một người có thể thực hiện một nghề nghiệp, công việc; không phải đương nhiên cứ cầm thì sẽ được thực hiện. Chưa kể, việc thi hành án thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án, hình phạt bổ sung khi được thi hành sẽ có quyết định thi hành của cơ quan có thẩm quyền (tùy từng trường hợp có thể là Tòa án hoặc cơ quan thi hành án), lúc này, dù bị cáo có đang cầm giấy phép, chứng chỉ, giấy chứng nhận… cũng không thể hành nghề, làm việc. Do đó, không ảnh hưởng đến việc thi hành án nên phải cần trả lại ngay cho bị cáo.

3. Xử lý vật chứng là tài sản bị chiếm đoạt nhưng đã được bồi thường đầy đủ

Đây là trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt, sử dụng, làm hư hỏng, hủy hoại tài sản của người khác, nhưng sau đó đã bồi thường đầy đủ giá trị tài sản bị chiếm đoạt, hư hỏng, hủy hoại nói trên bằng cách bồi thường bằng tiền bằng giá trị tài sản hoặc mua mới tài sản thay thế.

Xử lý vật chứng về vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng vấn đề tài sản mang bản chất dân sự, cần phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Nếu bị cáo đã bồi thường đầy đủ thiệt hại thì cần trả lại tài sản đó cho bị cáo mà không tịch thu sung quỹ Nhà nước. Quan điểm thứ hai cho rằng mặc dù bị cáo đã bồi thường xong nhưng vẫn phải trả lại vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Trong khi đó quan điểm thứ ba đề xuất cần áp dụng điểm b, khoản 1, Điều 47, BLHS và điểm b, khoản 2, Điều 106, BLTTHS tịch thu sung quỹ Nhà nước vì đây là tài sản do phạm tội mà có.

Cần phải hiểu, bản chất và nguyên tắc của việc bồi thường thiệt hại vật chất ngoài hợp đồng là bù đắp toàn bộ tổn thất vật chất thực tế đã xảy ra. Hơn nữa, biện pháp tư pháp quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS (vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp) là quy định mang tính nguyên tắc, được áp dụng khi người phạm tội chưa thực hiện việc trả lại tài sản đã chiếm đoạt, thì Tòa án sẽ buộc họ phải thực hiện. Nhưng khi người phạm tội đã trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, kể cả việc trả lại được thực hiện bằng hình thức trả tài sản mới hoặc bằng tiền mặt ngang giá, thì cần phải ghi nhận sự thỏa thuận này, không tịch thu, cũng không trả lại cho người đã được bồi thường.

4. Xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ, chồng

Việc tài sản, đồ vật thuộc sở hữu chung của vợ, chồng có liên quan trong vụ án hình sự, thậm chí là công cụ, phương tiện phạm tội xảy ra khá nhiều trên thực tiễn. Mặc dù vậy, việc xử lý đối với những vật chứng, tài sản, đồ vật này vẫn chưa thật sự thống nhất. Đối với tài sản chung là công cụ, phương tiện phạm tội, có trường hợp bị tuyên tịch thu toàn bộ, có trường hợp tịch thu 1/2 giá trị tài sản, cá biệt có trường hợp trả lại cho người vợ (chồng) của người phạm tội. Bản thân các văn bản giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ về vấn đề này cũng có sự khác nhau giữa các ngành. Theo Hướng dẫn số 2160/VKSTC-V14 ngày 05/6/2023 của VKSND Tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS thì: “trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đã là công cụ, phương tiện phạm tội thì theo quy định của BLTTHS là “phải tịch thu”. Nếu đó là tài sản chung, thì giải quyết vấn đề dân sự liên quan đến phần tài sản của người khác trong khối tài sản chung với bị cáo ngay trong vụ án hình sự hoặc tách ra giải quyết thành vụ án dân sự.

5. Xác định tài sản, vật chứng là “vật cấm lưu hành”

Vướng mắc này liên quan đến việc xác định “vật cấm lưu hành” là những vật gì, những vật như thế nào. Bên cạnh một số loại hàng hóa, vũ khí… chưa được cấp phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam thì cũng có những hàng hóa, đồ vật đã được cấp phép nhưng để lưu hành cần đáp ứng nhiều điều kiện theo pháp luật chuyên ngành. Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 47, BLHS và điểm a, khoản 2, Điều 106, BLTTHS thì có 02 hướng xử lý vật chứng là vật cấm lưu hành: tịch thu nộp ngân sách Nhà nước và tịch thu tiêu hủy. Trên thực tế, có nhiều vụ án có quan điểm khác nhau về việc nhận diện, phân loại vật chứng, tài sản có phải vật cấm lưu hành hay không. Cụ thể, trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bị cáo điều khiển xe ba bánh vi phạm quy định về giao thông đường bộ, gây tai nạn. Chiếc xe do bị cáo điều khiển không có giấy đăng ký xe, không xác định được số khung. Có quan điểm cho rằng, chiếc xe này thuộc loại “vật cấm lưu hành” bởi vì theo điểm a, mục 2, Nghị Quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiểm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông quy định: “Đình chỉ lưu hành… xe tự chế 03, 04 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”. Do đó, cần tịch thu chiếc xe này. Quan điểm của tác giả cho rằng, chiếc xe này không phải là vật cấm lưu hành theo điểm a khoản 2 Điều 106, BLTTHS quy định mà đây chỉ là loại phương tiện chưa đủ điều kiện về tham gia giao thông, tức là lỗi hành chính. Do đó, không thể tịch thu chiếc xe này.

Như vậy, mặc dù đã được quy định, nhưng thực tiễn thi hành quy định về xử lý vật chúng, tài sản, đồ vật trong vụ án hình sự vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, không thống nhất. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn, giải đáp, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự.

NGUYỄN VĂN LINH

Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Một số tồn tại, bất cập và kiến nghị về loại trừ trách nhiệm hình sự