Một số tồn tại, bất cập và kiến nghị về loại trừ trách nhiệm hình sự

18/04/2024 23:09 | 1 tuần trước

(LSVN) - Hiện nay, khái niệm về loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) chưa được quy định rõ ràng và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Sau khi đọc tham khảo, nghiên cứu các quan điểm về khái niệm này, cá nhân cho rằng loại trừ TNHS là trường hợp một người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội, nhưng theo quy định của BLHS hiện hành thì họ không phải chịu TNHS do có một trong những căn cứ được loại trừ TNHS. Tuy nhiên, khi vận dụng quy định những trường hợp loại trừ TNHS vẫn còn một số tồn tại bất cập gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Ảnh minh họa.

Tồn tại, bất cập trong quy định của BLHS năm 2015 về những trường hợp loại trừ TNHS 

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 nhưng từ thực tiễn tư pháp hình sự, nghiên cứu các quy định của BLHS về những trường hợp loại trừ TNHS cho thấy vẫn còn và không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, khắc phục, bổ sung để cho BLHS thật sự là công cụ sắc bén, đắc lực nhất phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Một số tồn tại, bất cập có thể nhận thấy như sau: 

Một là, chưa có khái niệm pháp lý chung về những trường hợp loại trừ TNHS. Thay vì quy định mang tính chất tản mạn như trong BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã chính thức quy định các trường hợp loại trừ TNHS thành một chương thống nhất với 07 trường hợp cụ thể (Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực TNHS; Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên). Điều này đã góp phần vào việc nhận thức thống nhất về phạm vi các trường hợp được coi là trường hợp loại trừ TNHS. Tuy nhiên, sẽ là khoa học, hợp lý hơn nếu BLHS năm 2015 đưa ra được khái niệm pháp lý chung thể hiện được nội hàm, bản chất của các trường hợp loại trừ TNHS.

Hai là, chưa thống nhất khi sử dụng thuật ngữ quy định về bản chất và hậu quả pháp lý của các trường hợp loại trừ TNHS. Trong số 07 trường hợp loại trừ TNHS, có trường hợp sử dụng thuật ngữ “không phải chịu TNHS” (sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực TNHS; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên), có trường hợp lại sử dụng thuật ngữ “không phải là tội phạm” (04 trường hợp còn lại). Việc quy định như vậy rõ ràng là chưa đảm bảo tính chính xác về mặt khoa học và chưa chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp.

Ba là, tồn tại, bất cập trong quy định về phòng vệ chính đáng (Điều 22). BLHS năm 2015 vẫn chưa quy định rõ ràng ranh giới giữa phòng vệ chính đáng với các trường hợp bị coi là tội phạm, mà vẫn chỉ sử dụng cụm từ “chống trả lại một cách cần thiết” như BLHS năm 1999. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chế định này trong thực tiễn thi hành BLHS năm 1999 không khuyến khích được người dân thực hiện, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng xác định phòng về chính đáng. Vì vậy, cần phải đưa ra những giải thích, hướng dẫn, xác định rõ tiêu chí đánh giá thế nào là sự chống trả lại một cách “cần thiết”, nhằm bảo đảm tính khả thi trong áp dụng, cũng như khuyến khích được người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bốn là, tồn tại, bất cập trong quy định về tình thế cấp thiết (Điều 23). Vấn đề thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết tại Điều 23 vẫn chưa quy định những căn cứ để so sánh giữa thiệt hại gây ra và thiệt hại cần ngăn ngừa. Hiện nay, ngoài BLHS thì chưa có văn bản nào khác hướng dẫn về việc áp dụng quy định về tình thế cấp thiết. Điều luật không quy định những căn cứ để so sánh hai thiệt hại trên, dẫn đến việc áp dụng hiện nay chưa thống nhất bởi để đánh giá tương quan giữa hai loại thiệt hại khác nhau về tính chất là vấn đề rất khó khăn và phức tạp (ví dụ như gây thiệt hại về tài sản để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho con người). Và quan trọng hơn nữa là gây khó khăn trong việc xác định thế nào là hành vi gây thiệt hại do tình thế cấp thiết hay vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Năm là, tồn tại, bất cập trong quy định về gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24). Cũng giống như phòng vệ chính đáng, quy định về gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội tại Điều 24, BLHS năm 2015 chưa làm rõ thế nào là sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ, điều này sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng. Mặt khác, BLHS năm 2015 chưa làm rõ tội phạm mà người phạm tội đó bị bắt giữ phải đến mức độ nào để người bắt giữ có thể được dùng vũ lực để ngăn chặn, bắt giữ, có áp dụng với tất cả loại tội phạm hay không? Điều này nếu không được làm rõ có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt giữ. 

Sáu là, tồn tại, bất cập trong quy định về rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 26). Tên điều luật và nội hàm quy định tại đoạn chưa thống nhất. Cụ thể là tên Điều 25 chỉ nêu “…nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ”, trong khi đó đoạn 1 của điều luật lại quy định “…nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới…”.

Đồng thời, nội dung điều luật quy định ranh giới giữa được loại trừ TNHS và không loại trừ TNHS trong trường hợp này đó là việc người thực hiện đã áp dụng đúng quy trình, quy phạm, đầy đủ biện pháp phòng ngừa hay chưa. Vậy, trong trường hợp bản thân quy trình không đảm bảo, vốn dĩ đã có khiếm khuyết thì người thực hiện đã áp dụng đúng nhưng vẫn gây ra thiệt hại thì có được loại trừ TNHS hay không, thêm vào đó vấn đề trách nhiệm của những người ban hành quy trình quy phạm khiếm khuyết đó như thế nào.

Bảy là, tồn tại, bất cập trong quy định về thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26). Điều luật cần phân định rõ ràng hơn các trường hợp cụ thể: Trường hợp mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên đúng pháp luật và trái pháp luật để xác định có TNHS hay được loại trừ TNHS tương ứng. Ngoài ra, điều luật không có quy định để xử lý đối với người chỉ huy, cấp trên khi ra mệnh lệnh sai, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tác giả cho rằng cần có quy định này để đề cao trách nhiệm của người chỉ huy hoặc cấp trên khi ra lệnh cho cấp dưới.

Tồn tại, bất cập phát sinh từ thực tiễn áp dụng những trường hợp loại trừ TNHS

Thứ nhất, thực tiễn áp dụng quy định tình trạng không có năng lực TNHS.

Thực tiễn áp dụng trường hợp này vẫn còn một số khó khăn nhất định chẳng hạn việc giám định pháp y tâm thần cho ra những bản kết luận khác nhau làm cho việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội không chính xác và khiến cho việc xử lý vụ án khó khăn và kéo dài. Việc giám định một người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức phải được Hội đồng giám định pháp y tâm thần xác định và kết luận. Thực tế hiện nay, cũng có nhiều trường hợp bị can, bị cáo sau khi phạm tội thường được xác định bị tâm thần. Trong đó, nhiều trường hợp "né" tội một cách khá bất ngờ. Ðiều này đặt cho dư luận câu hỏi: Tại sao ngày càng có nhiều trường hợp sau khi phạm tội, nhất là các tội phạm về kinh tế lại "bị bệnh tâm thần" hoặc "hóa điên"? Nhiều vụ trọng án giết người, cố ý gây thương tích gặp khó khăn khi không thể xử lý thủ phạm vì đối tượng trình ra bệnh án tâm thần có xác nhận của bệnh viện.

Thứ hai, thực tiễn áp dụng quy định về phòng vệ chính đáng.

Thực tiễn áp dụng chưa phát huy được mục đích của pháp luật về phòng vệ chính đáng. Pháp luật hình sự xem phòng vệ chính đáng không phải tội phạm là nhằm khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống lại hành vi tội phạm cũng như ngăn chặn những thiệt hại do hành vi đó gây ra, nhưng thực tế xã hội vẫn còn hiện tương tâm lý của người dân thường sợ phiền hà, sợ trả thù, sợ phạm tội… nên không thể hành động hay nói đúng hơn là họ không dám hành động.

Nhiều hành vi xâm phạm lợi ích của xã hội, của Nhà nước, của tập thể (ví dụ: bắt gặp người gian đang chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; trông thấy một tên lưu manh đang móc túi của một người; gặp trường hợp một số tên lưu manh đang đánh người quen của mình…), nhiều người thường có thái độ bàng quan, thờ ơ, thậm chí có người bị xâm phạm đến lợi ích của bản thân (ví dụ: bị rạch túi xách, bị dắt mất xe…) mà cũng không dám đối phó lại. Họ cũng nhận thức được trong trường hợp này luật cho phép họ hành động nhưng họ e ngại sợ trả thù hoặc có những trường hợp họ đã hành động và hành động của họ là hợp pháp nhưng do không hiểu pháp luật cứ tưởng mình phạm tội và chạy trốn hoặc một số người lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để trục lợi cho mình hoặc họ không tin tưởng vào pháp luật vào cơ quan Nhà nước có thể bảo vệ họ nên mọi người thường có suy nghĩ yên phận, sợ phiền hà, né tránh thờ ơ, bàng quan trước những gì đang diễn ra.

Kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015 về những trường hợp loại trừ TNHS

Một là, bổ sung khái niệm pháp lý chung về những trường hợp loại trừ TNHS. Trước khi quy định về từng trường hợp loại trừ TNHS, BLHS cần bổ sung một điều về khái niệm và hệ thống những trường hợp loại trừ TNHS. Trong đó, khoản 1 là khái niệm pháp lý thể hiện nội hàm, bản chất của các trường hợp loại trừ TNHS, sau đó khoản 2 liệt kê hệ thống những trường hợp loại trừ TNHS được quy định trong BLHS (lần lượt được quy định tại các điều luật tiếp sau).

Hai là, BLHS quy định những trường hợp loại trừ TNHS chưa chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp trong việc khẳng định bản chất và hậu quả pháp lý. Có trường hợp thì sử dụng thuật ngữ “không phải là tội phạm”, có trường hợp là “không phải chịu TNHS”. Chính vì vậy, cần phải quy định thống nhất để giúp mọi người hiểu rõ về những trường hợp này và áp dụng vào trong thực tiễn đạt được hiệu quả. Nên quy định thống nhất thành thuật ngữ “được loại trừ trách nhiệm hình sự” để đảm bảo thống nhất với tên gọi của Chương và bởi lẽ, suy cho cùng thì đều không đặt ra vấn đề TNHS đối với người có hành vi gây thiệt hại, họ sẽ không phải chịu TNHS hay được loại trừ TNHS về hành vi gây thiệt hại trong các trường hợp này.

Đồng thời, hiện nay trong quy định 07 trường hợp loại trừ TNHS có 03 điều luật chia khoản (phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội), 04 điều luật chia khoản (các trường hợp còn lại). Như vậy, để đảm bảo kỹ thuật lập pháp (sự chặt chẽ về mặt cấu trúc và thống nhất về mặt logic pháp lý) trong tất cả các điều luật thuộc Chương IV, BLHS năm 2015, cần có sự nhất quán quy định giữa các điều luật như sau:

- Khoản 1 là quy phạm về khái niệm pháp lý thể hiện nội hàm, bản chất của trường hợp loại trừ TNHS tương ứng.

- Khoản 2 là quy phạm khẳng định sự vượt quá giới hạn cho phép của trường hợp loại trừ TNHS tương ứng đó vẫn phải chịu TNHS.

Ba là, cần có văn bản hướng dẫn hành vi chống trả trong phòng vệ chính đáng như thế nào là “cần thiết”, khoản 1, Điều 15, BLHS năm 2015 quy định hành vi chống trả của người phòng vệ phải là cần thiết, nhưng mức độ như thế nào gọi là cần thiết thì luật cũng như văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ. Chính vì vậy, dẫn đến việc áp dụng vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn và thiếu sự thống nhất.

Bốn là, cần xác lập cơ sở pháp lý để so sánh thiệt hại gây ra do tình thế cấp thiết và thiệt hại cần ngăn ngừa. Thiệt hại quy định trong tình thế cấp thiết bao gồm thiệt hại gây ra và thiệt hại cần ngăn ngừa, để xác định thiệt hại gây ra và thiệt hại cần ngăn ngừa trong tình thế cấp thiết nhiều khi không dễ dàng. Để đảm bảo tính chính xác và chủ động trong việc xác định một hành vi có vượt quá yêu cầu tình thế cấp thiết hay không thì càng chính xác hóa được các thiệt hại này càng tốt bấy nhiêu. Vì vậy, cần có một văn bản hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn về hai loại thiệt hại này.

Năm là, tương tự như phòng vệ chính đáng, cần nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn giải thích rõ thế nào được coi là sử dụng vũ lực “cần thiết” gây thiệt hại cho người bị bắt giữ tại Điều 24, BLHS năm 2015, đồng thời cần xác định loại tội phạm mà người có thẩm quyền bắt giữ được sử dụng vũ lực bắt giữ người phạm tội để tránh sự tùy tiện trong áp dụng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt giữ.

Sáu là, đối với trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, cần có văn bản hướng dẫn áp dụng về trường hợp bản thân quy trình, quy phạm của sản phẩm tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ đó không bảo đảm, vốn dĩ đã có khiếm khuyết thì người thực hiện đã áp dụng đúng nhưng vẫn gây ra thiệt hại thì có được loại trừ TNHS hay không, thêm vào đó vấn đề trách nhiệm của những người ban hành quy trình quy phạm khiếm khuyết đó như thế nào.

NGUYỄN VĂN TUẤN 

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4

Hoàn thiện khái niệm vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính thống nhất trong Luật Xử lý vi phạm hành chính