Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai luật này bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần phải bổ sung, hoàn chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc sống, nhất là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Để tiếp tục hoàn thiện đạo luật quan trọng này, tác giả có một số ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), như sau:
Thứ nhất, về các hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước (DNNN): Tại điểm b, khoản 1 Điều 1 dự thảo luật quy định phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như sau: “Luật này quy định quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của DNNN” và đưa ra 02 phương án dự án đầu tư phát triển của DNNN bao gồm:
- Phương án 1: Dự án đầu tư phát triển của DNNN.
- Phương án 2: Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì DNNN được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như vậy, với quy định dự kiến tại điểm b, khoản 1 Điều 1 dự thảo luật, đối với phương án 1 thì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; đối với phương án 2 thì chỉ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới thuộc đối tượng áp dụng của dự thảo luật.
Về vấn đề này, tác giả nhận thấy việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phải tuân thủ hoàn toàn dự thảo luật có thể dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, không tạo sự linh hoạt, chủ động cho các cổ đông trong việc ban hành quyết định điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng phải tuân thủ toàn bộ quy trình, thủ tục chặt chẽ như đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng không bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp.
Từ những lý do nêu trên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của DNNN áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo phương án 2 là hợp lý.
Thứ hai, về điều chỉnh tiến độ của hợp đồng: Tại khoản 2 Điều 69 dự thảo luật quy định trường hợp điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án thì phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tại điểm c, khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014 quy định khi điều chỉnh hợp đồng làm thay đổi mục tiêu đầu tư, thời gian thực hiện hợp đồng, làm vượt dự toán gói thầu xây dựng được duyệt thì phải được người quyết định đầu tư cho phép.
Nói cách khác, có sự chồng chéo, không thống nhất về nội dung điều chỉnh tiến độ của hợp đồng giữa dự thảo luật này và Luật Xây dựng năm 2014. Do quy định không thống nhất, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo luật và Luật Xây dựng năm 2014 nên khi thi hành trên thực tế có thể gây ra một số vướng mắc khi thực hiện. Đồng thời, có thể gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thất thoát, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư; đồng thời, tạo ra kết quả thực thi khác nhau giữa các địa phương và vô tình tạo cơ hội phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện dự án.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo biên tập lại quy định tại khoản 2 Điều 69 dự thảo luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tương thích với điểm c, khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014, theo hướng "phải được người quyết định đầu tư cho phép".
Thiết nghĩ, để hoạt động đấu thầu, nhất là trong mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước hiệu quả; đảm bảo công khai, minh bạch và mang tính cạnh tranh lành mạnh thì cơ quan chức năng nên tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện những vấn đề liên quan để hoạt động này phát huy hiệu quả trong thực tiễn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Đồng thời, nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc giúp cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền khi đấu thầu mua sắm tài sản công có thể yên tâm thực hiện, tránh vì sợ sai, sợ trách nhiệm mà dẫn đến ách tắc, không dám mua sắm, tổ chức đấu thầu một số mặt hàng, dịch vụ trong thời gian gần đây./.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum