/ Pháp luật - Đầu tư
/ Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Mức phạt thấp không loại trừ các cá nhân cố tình vi phạm

Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán: Mức phạt thấp không loại trừ các cá nhân cố tình vi phạm

07/09/2021 22:56 |

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật hiện hành, mức phạt trong lĩnh vực chứng khoán còn quá thấp so với lợi ích mà cá nhân, tổ chức đạt được. Nếu không có mức phạt nghiêm khắc hơn, không loại trừ khả năng có những đối tượng chấp nhận nộp phạt hành chính để đạt được lợi ích lớn hơn.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hàng loạt các cá nhân liên quan đến cán bộ ngân hàng, cụ thể như:

- Ngày 25/8/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 218/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) đối với bà Nguyễn Thị Hảo, là người có liên quan đến ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB), theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3, điểm đ khoản 4 và khoản 6 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 và Khoản 35 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

- Ngày 20/7/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 466/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng) trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Nguyễn Trần Phương là người có liên quan của ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã chứng khoán: MBB) đã mua 71.500 cổ phiếu MBB (tương ứng 715.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu MBB) nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch).

- Ngày 23/7/2021, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền 940.350.000 đồng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê, là người có liên quan của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán: VPB) mua 1.481.200 cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 01/2021, mua 1.880.700 cổ phiếu VPB trong tháng 02/2021, mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 03/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch).

Mức phạt còn quá thấp so với lợi ích mà cá nhân, tổ chức đạt được

Trước sự việc trên, có nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt quá nhẹ, không tương xứng với giá trị lợi nhuận đem về từ các hành vi này, tạo ra sự nhờn quy định. Đánh giá về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, thị trường chứng khoán ở Việt Nam so với thế giới còn tương đối non trẻ. Do đó, cần hành lang pháp lý đúng đắn, hiệu quả để phát triển thị trường này cũng như hạn chế các tiêu cực, hành vi thao túng giá chứng khoán, trục lợi trái phép.

Chẳng hạn như một trong các vụ việc nêu trên, bà Hảo đã vi phạm quy định về báo cáo dự kiến giao dịch. Với hành vi này, cá nhân bà Hảo đã bị phạt 30.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3, điểm đ khoản 4 và khoản 6 Điều 27 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 145/2016/NĐ-CP).

"Tuy nhiên, thiết nghĩ mức phạt này còn thấp so với lợi ích mà cá nhân, tổ chức đạt được nếu không công bố khi mà giao dịch lên đến hơn 30.000 cổ phiếu. Nếu không có mức phạt nghiêm khắc hơn, không loại trừ khả năng có những đối tượng chấp nhận nộp phạt hành chính để đạt được lợi ích lớn hơn", Luật sư Hà bày tỏ quan điểm.

Không loại trừ các đối tượng cố tình vi phạm

Thông tin là yếu tố cực kì quan trọng trên thị trường chứng khoán, từng thông tin nhỏ nhất đều có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tích và đưa ra quyết định của nhà đầu tư. Để phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, ổn định, chính sách của mọi quốc gia đều là đảm bảo cho việc thông tin đến với tất cả những nhà đầu tư được minh bạch và giảm thiểu hết mức có thể sự bất công trong việc tiếp nhận thông tin; đặc biệt là khi Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện nâng hạng thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng luôn được coi là nhóm “cổ phiếu vua” trên thị trường chứng khoán nên tất cả các thông tin liên quan đến nhóm cổ phiếu này đều có khả năng dẫn dắt và ảnh hưởng mạnh đến thị trường.

Một trong những vi phạm phổ biến nhất trên thị trường chứng khoán đó là vi phạm về công bố thông tin, nên có thể nói việc nhiều người nhà lãnh đạo ngân hàng bị xử phạt vì vi phạm các quy định pháp luật đối với lĩnh vực chứng khoán cũng là hành vi vi phạm phổ biến trên thị trường chứng khoán. 

Theo Luật sư Hà, tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn diễn ra thường xuyên dù chế tài xử phạt đã khá nghiêm khắc và cơ quan quản lý cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Nguyên nhân cho tình trạng này có thể: do các đối tượng không nắm được quy định pháp luật, do các đối tượng có sai sót trong tuân thủ pháp luật, hoặc do các đối tượng cố tình,…

Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; thay thế Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP) quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán là 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân.

Cụ thể, xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin của người có liên quan của người nội bộ của công ty đại chúng được quy định tại Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh việc phạt tiền còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc từ 03 tháng đến 05 tháng tùy giá trị giao dịch.

Tuy nhiên, theo Luật sư Hà để có thể xử phạt đúng mức độ nghiêm trọng của hành vi, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để nhận diện liệu hành vi có dấu hiệu vi phạm khác không; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để ngăn chặn tình trạng này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Lãnh đạo ngân hàng có chịu trách nhiệm?

Về trách nhiệm của các ngân hàng, các lãnh đạo ngân hàng khi gần đây xuất hiện tình trạng một số người nhà lãnh đạo ngân hàng vi phạm và bị xử phạt ngày càng nhiều, Luật sư Hà cho biết, hầu hết các ngân hàng đều có cơ chế tự giám sát thông qua hoạt động của Ban kiểm soát, Phòng kiểm toán nội bộ, Phòng pháp chế tuân thủ, thông qua hệ thống quy trình nghiệp vụ với sự xuất hiện của nhiều bộ phận chức năng khác nhau. Các ngân hàng cũng liên tục là đối tượng thanh tra của nhiều đợt thanh tra giám sát từ phía ngân hàng Nhà nước.

Giám sát, kiểm soát quan trọng nhất trong các thiết chế giám sát là từ Ngân hàng nhà nước. Nguyên tắc hoạt động giám sát ngân hàng được thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật về tiền tệ, ngân hàng với giám sát trên cơ sở rủi ro. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động mà còn chú trọng đánh giá, cảnh báo rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hoạt động này thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Lãnh đạo của ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm khi cá nhân nhân danh tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

"Còn trong trường hợp người thân của lãnh đạo vi phạm, chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện để có thể truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng. Hành vi của người thân phải liên quan tới người trong nội bộ thì mới có thể truy cứu trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo", Luật sư nói. 

PHƯƠNG HOA

Người nhà ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank bị xử phạt vì 

Lê Minh Hoàng