Ảnh minh họa.
Theo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 3,7 triệu người đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với mức chi khoảng 28.000 tỷ đồng/năm. Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng, đến năm 2007 tăng lên 120.000 đồng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng và đến năm 2013 là 270.000 đồng và lên mức 360.000 đồng năm 2021.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, chế độ chính sách điều chỉnh kịp thời đã góp phần ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy vẫn còn một số tồn tại, nổi bật lên là chế độ trợ cấp còn thấp và một bộ phận dân cư khó khăn chưa được thụ hưởng chính sách.
Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 20/2021/NĐ-CP với 2 đề xuất chính là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và bổ sung đối tượng được hưởng trợ cấp.
- Về mức chuẩn trợ cấp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án: (i) Phương án 1: Tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng; (ii) Phương án 2: Tăng từ 360.000 đồng lên 750.000 đồng. Thời điểm tăng từ ngày 01/7/2024 khi Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương.
- Về đối tượng thụ hưởng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung thêm các nhóm như: Trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng; thành viên hộ nghèo, cận nghèo không có thành viên trong độ tuổi lao động hoặc có thành viên trong độ tuổi lao động nhưng mất khả năng lao động; mở rộng nhóm trẻ em dưới 3 tuổi và người già (từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi) thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo...
Như vậy, nếu được thông qua với mức tăng chuẩn trợ cấp xã hội là 750.000 đồng thì mức trợ cấp xã hội cao nhất sẽ là 2,25 triệu đồng/tháng (hệ số 3, dành cho nhóm người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng).
Ý NHƯ