/ Góc nhìn
/ Cái giá phải trả khi người thực thi pháp luật phạm tội

Cái giá phải trả khi người thực thi pháp luật phạm tội

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Có một hiện tượng vi phạm pháp luật mà các cơ quan lập pháp hoặc thực thi, bảo vệ pháp luật không thể bỏ qua mà cần phải tìm cách khắc phục và ngăn chặn. Đó là việc lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm và chức năng nghề nghiệp để phạm tội trong chính lĩnh vực mình phụ trách.

Vụ cướp 35 tỷ trên cao tốc của đại gia trùm kinh doanh tiền ảo đang được tích cực điều tra nhằm làm sáng tỏ những hành vi vi phạm pháp luật. Đáng chú ý là tham gia vào vụ cướp tiền tỷ này có những cán bộ thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, Cơ quan Điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can nguyên là cán bộ Công an có liên quan đến vụ cướp. Họ được chia hàng trăm triệu đồng sau vụ cướp và đã tự nguyện nộp lại số tiền này.

Các nghi can trong vụ cướp bị bắt giữ đưa về cơ quan Công an.

Vai trò của những cán bộ Công an trong vụ cướp là hướng dẫn cách thức dàn cảnh va chạm ô tô với nạn nhân rồi bắt cóc. Trong những chiếc xe dàn cảnh, chặn đầu, khóa đuôi xe ô tô của gia đình nạn nhân có các cán bộ Công an này ngồi trên đó. Điều đáng buồn và rất đáng phẫn nộ là họ đã dùng nghiệp vụ cảnh sát được trang bị và rèn luyện của mình để phục vụ cho băng nhóm tội phạm. Biết rõ hành vi vi phạm pháp luật mà cứ làm, đem những kiến thức pháp luật và nghiệp vụ nghề nghiệp để chà đạp lên pháp luật.

Đã có bài học nhãn tiền và đắt giá vừa mới diễn ra mà họ không biết sợ. Đó là vụ nữ Thượng úy cảnh sát hướng dẫn cách thức cho người phụ nữ bỏ ma túy vào xe nhằm hãm hại người tình và được trả công 1 tỷ đồng. Phiên phúc thẩm tại Hà Nội vừa qua đã giữ nguyên hình phạt đối với nữ bị cáo nguyên là cán bộ Công an này là 7 năm tù. Sự răn đe và lời cảnh báo của pháp luật đó không có ý nghĩa gì sao đối với những bị can là cán bộ Công an tham gia vụ cướp tiền tỷ này?

Có một hiện tượng vi phạm pháp luật mà các cơ quan lập pháp hoặc thực thi, bảo vệ pháp luật không thể bỏ qua mà cần phải tìm cách khắc phục và ngăn chặn. Đó là việc lợi dụng quyền hạn, trách nhiệm và chức năng nghề nghiệp để phạm tội trong chính lĩnh vực mình phụ trách.

Ví dụ, được giao nhiệm vụ chống tội phạm công nghệ cao thì quay sang chống lưng cho bọn tội phạm công nghệ cao đánh bạc; chống ma túy thì chẳng những dung dưỡng cho người buôn ma túy mà còn chính mình thực hiện hành vi tội phạm nguy hiểm đó.

Mới đây, khi một loạt cựu quan chức hoặc đương chức bị khởi tố về tội sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hoặc tội vi phạm trong quản lý đất đai thì thấy rõ là những người này phạm tội trong ngay lĩnh vực mà mình quản lý, thuộc quyền hạn được giao, trách nhiệm mình phải thực hiện và đáng chú ý hơn hành vi của họ thực hiện rất bài bản, có vẻ như rất đúng những quy định của pháp luật, phù hợp với chính sách, chủ trương của Nhà nước,... để biến một khu đất vàng thuộc sở hữu nhà nước về tay tư nhân một cách quá ư dễ dàng.

Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt. Các bị can ở các vụ án khác nhau này đều là người có học, được trang bị kiến thức đầy đủ, am hiểu nghiệp vụ, hiểu rõ thời thế,... không nghĩ vậy sao?

NHỊ NGỌC

/nguoi-rong-luong.html