Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần

04/07/2018 16:46 | 6 năm trước

LSVNO - Việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ cho hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) hoạt động là một yêu cầu tất yếu không chỉ phù hợp với những cam kết quốc tế...

LSVNO - Việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ cho hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) hoạt động là một yêu cầu tất yếu không chỉ phù hợp với những cam kết quốc tế mà còn bảo đảm cho NHTMCP hoạt động an toàn, tránh được rủi ro làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành ngân hàng được coi là “trụ cột” của nền kinh tế. Sự thay đổi về hình thức sở hữu trong lĩnh vực ngân hàng đã làm đa dạng hơn mô hình hoạt động, nhiều “ngân hàng thương mại” đã lựa chọn mô hình hoạt động “ngân hàng thương mại cổ phần” cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế. Hiện nay có 31 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động tại Việt Nam.[1]

Để các NHTMCP tại Việt Nam có những bước đi vững, tránh được những tiềm ẩn rủi ro cao, mất khả năng thanh toán, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tạo nên những bất lợi cho thị trường tài chính của Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của người quản lý và người điều hành tổ chức tín dụng.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 vừa được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã làm rõ hơn trách nhiệm, địa vị pháp lý của “người quản lý”[2] nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời nâng cao năng lực quản trị điều hành của tổ chức tín dụng khi bổ sung về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho các NHTMCP chuyên nghiệp hơn trong công tác quản trị và điều hành của mình.

Ảnh minh họa.

Pháp luật hiện hành về quản trị NHTMCP

Pháp luật về quản trị ngân hàng hiện nay được quy định chủ yếu tại Luật Doanh nghiệp 2014, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Ngoài ra còn có những văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động quản trị của NHTMCP.

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quản trị công ty cổ phần theo hướng vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước bằng hình thức tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quyền được lựa chọn một trong hai mô hình để áp dụng:

- Mô hình thứ nhất gồm: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát và giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có ban kiểm soát;[3]

- Mô hình thứ hai gồm: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc hoặc tổng giám đốc.Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý, điều hành công ty.[4]

Từ quy định tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014, thực chất mô hình cơ cấu tổ chức, quản lý mà các công ty cổ phần có thể áp dụng trên thực tế là:

- Mô hình 1: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát và giám đốc/tổng giám đốc. Trong mô hình này, việc thành lập ban kiểm soát với tư cách là cơ quan kiểm tra, giám sát độc lập là bắt buộc.

- Mô hình 2: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc. Trong mô hình này, có hay không có ban kiểm soát là do công ty quyết định. Mô hình này chỉ áp dụng cho công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.

- Mô hình 3: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định 6 hình thức của tổ chức tín dụng, trong đó “ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần”[5]. Khác với Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra sự lựa chọn mô hình cơ cấu tổ chức quản lý, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 lại quy định luôn về cơ cấu tổ chức đối với NHTMCP gồm: đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc)”[6]. Quy định này nhằm bảo đảm cho khung pháp luật về quản trị NHTMCP phù hợp hơn với nguyên tắc quản trị ngân hàng hiện đại của Ủy ban Basel[7], Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thông lệ quốc tế là hết sức cần thiết để bảo đảm sự an toàn cho hoạt động của các ngân hàng thương mại, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để đánh giá chất lượng quản trị và điều hành trong hoạt động ngành ngân hàng.

Ngày 26/02/2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2010/TT-NHNN nhằm cụ thể hóa những quy định đặc thù của pháp luật về quản trị trong NHTMCP như: cơ cấu tổ chức và cơ chế làm việc của các ủy ban của hội đồng quản trị; quy trình, thủ tục bầu thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát…, tất cả đều tham chiếu trên cơ sở Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã tồn tại một số bất cập qua các vụ đại án trong lĩnh vực ngân hàng[8]. Một trong những nguyên nhân đó chính là do người quản trị, điều hành đã có những hành vi vi phạm pháp luật dẫn tới thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng. Do đó, ngày 12/3/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2018/NĐ-CP về bãi bỏ một số nghị định về lĩnh vực ngân hàng, trong đó có Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại với những quy định cụ thể về quản trị trong NHTMCP. Việc bãi bỏ Nghị định 59/2009/NĐ-CP nhằm mục đích thống nhất quản lý nhà nước trong hoạt động quản trị của các NHTMCP khi thực hiện quy trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2016 -2020, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong hoạt động quản trị ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn cho các NHTMCP nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Thực thi pháp luật về quản trị NHTMCP

Áp dụng luật

Hiện nay chưa có nguồn luật điều chỉnh trực tiếp tới tổ chức và quản trị NHTMCP, kể cả khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi vào năm 2014. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 chủ yếu tập trung vào nghiệp vụ. Mọi hoạt động về cơ cấu tổ chức quản lý hiện nay được thực hiện theo văn bản của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là Thông tư số 06/2010/TT-NHNN quy định về quản trị, điều hành, điều lệ hoạt động ngân hàng thương mại, thành viên hội đồng quản trị độc lập, các ủy ban của hội đồng quản trị…

Về nguyên tắc, những vấn đề Luật Các tổ chức tín dụng không quy định mà Luật Doanh nghiệp có quy định thì phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý cho hoạt động quản trị NHTMCP duy nhất là Nghị định 59/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động ngân hàng thì vừa bị bãi bỏ bởi Nghị định số 42/2018/NĐ-CP trên cơ sở nhằm hoàn thiện, thống nhất quản lý nhà nước trong hoạt động ngân hàng, chỉ còn lại Thông tư 06/2010/TT-NHNN. Hai văn bản chính quy định về quản trị ngân hàng thương mại chỉ còn lại một đã tạo ra lỗ hổng lớn. Hoạt động kinh doanh ngân hàng là một hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro, vấn đề pháp luật về quản trị NHTMCP cần được quan tâm và hoàn thiện kịp thời. Trong lúc này, quản trị NHTM chỉ được điều chỉnh bởi một thông tư của Ngân hàng Nhà nước là không hợp lý. Về mặt pháp lý là sai nguyên tắc, có luật chung về doanh nghiệp nhưng lại chỉ áp dụng được một phần và có luật riêng về ngân hàng nhưng lại bỏ ngỏ về tổ chức và quản trị doanh nghiệp.

Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi mới chỉ tập trung nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; đồng thời bổ sung các biện pháp ngăn ngừa phát sinh mới các tổ chức tín dụng yếu kém và giải quyết tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hệ thống, chưa thật sự tập trung vào hoàn thiện pháp luật về quản trị NHTMCP, đây thực sự là một lỗ hổng lớn. Thực tế NHTMCP hiện nay được coi như một công ty cổ phần, nhưng để bảo đảm an toàn cho hệ thống NHTMCP tránh được rủi ro, hệ thống quản trị NHTMCP hoạt động hiệu quả thì cần phải có những quy định riêng về điều kiện kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý, điều kiện của người thành lập, quản lý, những quy định này đòi hỏi sự khắt khe hơn so với việc thành lập, hoạt động của các ngân hàng khác. Cần có những quy định tăng tính trách nhiệm của cá nhân khi điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của ngân hàng; tăng cường sự kiểm tra, cân bằng quyền lực, bảo đảm các quyết định của các cấp điều hành, vị trí của từng cá nhân quản lý trong bộ máy quản trị của ngân hàng. Khi hoạt động dưới hình thức là công ty cổ phần đại chúng, những nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức được đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với số lượng lớn. Do đó, cần có quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, tránh xảy ra xung đột, mâu thuẫn về quyền lực làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NHTMCP.

Phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan

Hiện nay, mô hình hoạt động của NHTMCP được thể hiện dưới hình thức là công ty cổ phần với hai cơ cấu quyền lực là cấp quản trị điều hành và quản lý kinh doanh. Trong đó, cấp quản lý điều hành gồm: chủ tịch hội đồng quản trị và một số thành viên chuyên trách làm việc theo chế độ tập thể. Hội đồng quản trị thực hiện chức năng quản lý đối với mọi hoạt động của NHCPTM, chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, ban hành điều lệ, các cơ chế, quy chế tổ chức và hoạt động của ngân hàng.

Ngoài ra, Thông tư 06/2010/TT-NHNN quy định hội đồng quản trị của NHCPTM phải có ít nhất 02 ủy ban là ủy ban về vấn đề quản lý rủi ro và ủy ban về vấn đề nhân sự. Quy định này nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời nâng cao năng lực quản trị điều hành của tổ chức tín dụng, khi có các ủy ban với vai trò chuyên nghiệp hóa hoạt động của hội đồng quản trị nhằm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, vẫn thiếu hẳn một hệ thống luật đầy đủ trong công tác quản lý tổ chức và quản trị. Không có luật, các NHCPTM phải dựa vào thông tư để thực hiện, điều này cho thấy pháp luật về quản trị NHCPTM chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trong hoạt động của NHTMCP, dẫn đến vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ còn mờ nhạt và đa số các ngân hàng chưa có ủy ban kiểm toán, ủy viên hội đồng quản trị kiêm trưởng ban kiểm soát. Điều này phần nào phản ánh hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được các ngân hàng chú trọng.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy trình bầu thành viên hội đồng quản trị phải được thực hiện từ khâu xin ý kiến cổ đông về số lượng thành viên, các tiêu chuẩn để cổ đông đề cử. Sau khi hoàn tất danh sách ứng cử viên, NHTMCP phải gửi cho Ngân hàng Nhà nước duyệt. Ngân hàng Nhà nước đồng ý với danh sách ứng cử viên đó thì NHTMCP sẽ họp đại hội đồng cổ đông để tổ chức bầu cử. Sau khi đã bầu xong, ngân hàng phải gửi lần nữa để thông báo cho Ngân hàng Nhà nước danh sách những người được bầu.[9] Với tính chất là “trụ cột’ nền kinh tế, nên sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát người quản lý của NHTMCP là phù hợp để tránh tình trạng để các ngân hàng tự ý bầu bán, hay bổ nhiệm cán bộ bừa bãi, mức độ ảnh hưởng sẽ khôn lường. Do đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có bổ sung, thêm các tiêu chí về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ[10], những điều kiện tiêu chuẩn đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng[11], những trường hợp không được đảm nhiệm cùng một chức vụ[12]. Điều này làm tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước, nâng cao năng lực, trách nhiệm điều hành của người quản lý NHCPTM.

Trách nhiệm của thành viên ban kiểm soát

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Thông tư số 06/2010/TT-NHNN, ban kiểm soát là một chế định bắt buộc phải có trong NHTMCP. Ban kiểm soát với vai trò là cơ quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm toán nội bộ của NHTMCP. Tuy nhiên, tại một số các vụ đại án vừa qua, danh sách bị can có cả những cá nhân từng làm công tác kiểm soát hoạt động ngân hàng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát gần 9 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) gần đây là một minh chứng. Nguyễn Quốc Viễn - cựu Trưởng Ban kiểm soát VNCB, là 1 trong 36 bị can bị đưa ra xét xử[13] bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Thiếu trách nhiệm và vi phạm các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng của các cá nhân làm nhiệm vụ kiểm soát nội bộ là một phần nguyên nhân dẫn đến những bất cập, rủi ro trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng. Do đó, Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều quy định mới về tổ chức và hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện của thành viên ban kiểm soát, trưởng ban kiểm soát; bổ sung thêm các hình thức biên bản họp của ban kiểm soát, quy định các thành viên ban kiểm soát được hưởng tiền lương hoặc thù lao… Luật Các tổ chức tín dụng cũng bổ sung thêm trách nhiệm đối với ban kiểm soát trong việc quản lý nhân sự thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ[14] nhằm tăng cường vai trò của ban kiểm soát khi kiểm tra, giám sát các định hướng, chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nghị quyết của hội đồng quản trị… Nhưng để tham gia giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những cổ đông nhỏ thì cần phải tăng cường hoạt động thường xuyên của ban kiểm soát, yêu cầu thành viên ban kiểm soát phải hoạt động độc lập.

Giải pháp nâng cao việc thực thi hiệu quả pháp luật về quản trị NHTMCP

Bảo đảm tính thống nhất của pháp luật trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ cho hệ thống NHTMCP hoạt động là một yêu cầu tất yếu không chỉ phù hợp với những cam kết quốc tế mà còn bảo đảm cho NHTMCP hoạt động an toàn, tránh được rủi ro làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Xây dựng mô hình quản trị NHTMCP phù hợp. Để những NHTMCP hoạt động phù hợp, an toàn trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần xem xét xây dựng một mô hình tập đoàn tài chính với hình thức công ty mẹ - công ty con. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, vừa có sự tập trung nhưng lại có sự phân quyền. Tập đoàn sẽ giữ chức năng quản lý điều hành gồm: hội đồng quản trị thực hiện chức năng quản lý tập đoàn, tổng giám đốc thực hiện chức năng điều hành tập đoàn, ban kiểm soát thực hiện chức năng kiểm tra giám sát hoạt động của tập đoàn, các phòng ban khác là bộ phận tham mưu, giúp việc cho tập đoàn. Các công ty con độc lập, kinh doanh dịch vụ tài chính ngân hàng.

Việc quy định mô hình kinh doanh tài chính tín dụng dưới mô hình tập đoàn, công ty mẹ - con sẽ giúp các NHTMCP nâng cao tính chủ động, Ngân hàng Nhà nước với vai trò quản lý giám sát trên cơ sở pháp luật, ngoài việc giúp kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị còn giúp nâng cao uy tín khi làm việc với các đối tác nước ngoài.

Nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát nội bộ tại NHTMCP. Để tránh những rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, đòi hỏi các NHTMCP cần phải đẩy mạnh công tác kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, cơ chế, chính sách, quy trình và nguồn nhân lực, trong đó cần chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời rủi ro. Nếu có một hệ thống kiểm soát hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc quản lý và phòng ngừa rủi ro cho các NHTMCP. Hệ thống này phải tham gia vào các quy trình nghiệp vụ hàng ngày của ngân hàng, kịp thời phát hiện, xử lý các rủi ro khi cần thiết.

 

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy

 

[1]https://www.sbv.gov.vn (hệ thống các tổ chức tín dụng).

[2] Từ Điều 33 đến Điều 75 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[3] Điểm a khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014.

[4] Điểm b khoản 1 Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014.

[5] Khoản 1 Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[6] Khoản 1 Điều 32 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[7] Ủy ban Basel về Giám sát ngân hàng là một diễn đàn hợp tác thường xuyên về các vấn đề giám sát nghiệp vụ ngân hàng. Ủy ban có chức năng thúc đẩy và tăng cường thực tiễn giám sát và quản lý rủi ro trên toàn thế giới. Ủy ban bao gồm các đại diện từ các nước như: Ac-hen-ti-na, Úc, Bỉ, Bra-xin, Ca-na-đa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luych- xem-bua, Mê-hi-cô, Hà Lan, Nga, Ả-rập Xê-út, Xinh-ga-po, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, vương quốc Anh và Mỹ.

[8] Báo cáo số 36/BC-NHNN tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém năm 2017.

[9] Thông tư số 06/2010/TT-NHNN 

[10] Điểm h khoản 1 Điều 33 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[11] Điểm c khoản 1, điểm d khoản 4 Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[12] Khoản 3, 4 Điều 35 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

[13] Báo cáo số 36/BC-NHNN tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém năm 2017.

[14] Điểm a khoản 2 Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.