Nên bỏ thẩm quyền giải quyết khiếu nại về kỷ luật Luật sư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp

31/05/2022 07:35 | 1 năm trước

(LSVN) - Theo Luật Luật sư hiện hành, Luật sư bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày ký.

Ảnh minh họa.

Quyết định xử lý kỷ luật Luật sư của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam là quyết định của tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có chức năng quản lý nhà nước về Luật sư.

Thủ tục ban hành quyết định kỷ luật, giải quyết khiếu nại loại quyết định kỷ luật Luật sư hiện đang áp dụng theo Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và quy chế xử lý kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Vì vậy, các quyết định giải quyết khiếu nại về kỷ luật Luật sư không phải đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Kể cả quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết khiếu nại kỷ luật Luật sư (dù quyết định này là quyết định hành chính của người có thẩm quyền quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư quy định tại điểm h Điều 83 Luật Luật sư, Luật Khiếu nại,...) cũng không phải đối tượng khởi kiện.

Theo Luật Khiếu nại, khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính.

Điều 86 Luật Luật sư quy định về khiếu nại quyết định kỷ luật Luật sư như sau:

- Luật sư có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đối với mình. Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.

- Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với hình thức kỷ luật quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 85 của Luật này, Luật sư có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Với quy định trên, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là chưa phù hợp Luật Khiếu nại và chưa phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Luật hiện hành quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật Luật sư, là hành chính hóa hoạt động của tổ chức Luật sư, dẫn đến việc khiếu kiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bị Tòa án từ chối thụ lý vì không phải đối tượng khởi kiện.

Do đó, để đảm bảo nguyên tắc tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, cần sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư, bỏ thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 86 của Luật Luật sư theo hướng: Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định xử lý kỷ luật Luật sư. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, Luật sư khiếu nại được quyền khiếu nại đến Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Quyết định của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có hiệu lực từ ngày ký và không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Thực trạng tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn