(LSO) - Ngày 27/7 đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hoá của người Việt. Đây là ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, để nhân dân ta tri ân, tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ cho Tổ quốc.
Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn thấu hiểu và đánh giá cao những hy sinh, mất mát không gì có thể bù đắp được của các liệt sĩ, thương binh và thân nhân gia đình của họ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về công tác thương binh, liệt sĩ, trong suốt những năm qua, Chính phủ đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng là thương binh, con em thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng…
Tôn vinh các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và người có công; khẳng định sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người bị ảnh hưởng chất độc da cam, CCB, CTNXP là trách nhiệm của mọi người, của thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau.
Năm nay, kỷ niệm 73 năm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” là một trong chuỗi sự kiện quan trọng của Nhà nước. Các phong trào hoạt động rất có hiệu quả được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ cả tinh thần và vật chất như: xây dựng nhà tình nghĩa; quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; phụng dưỡng, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ mồ côi; tổ chức tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ; tu sửa, nâng cấp, quản lý các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, kỷ niệm, bia ghi tên liệt sĩ...
Nhất là trong thời gian vừa qua, cả nước phải gồng mình chống dịch Covid-19, vì vậy công tác tri ân đối với người có công được đặc biệt quan tâm. Ngày 23-25 tháng 7, tại Hà Nội và Hà Nam đã diễn ra Chương trình “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020” với 350 đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng trong tháng 7 còn có nhiều những hoạt động cấp Nhà nước: Lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Quảng Nam; Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc vào 20 giờ ngày 26/7.
Ngoài việc Nhà nước dành ngân sách 330 tỉ đồng để tặng quà, các địa phương sẽ chủ động tổ chức các hoạt động kỷ niệm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống lịch sử, đảm bảo gia đình có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; tiếp tục thực hiện việc rà phá bom mìn; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin…
Năm 2020 cũng là năm kết thúc thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến hết tháng 7/2020 cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Chính phủ cũng đang tích cực triển khai Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) trình Thường vụ Quốc hội, đồng thời triển khai sửa đổi hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ người có công và thân nhân người có công.
Nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, gia đình người có công với cách mạng… là những “việc tử tế” hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý cao đẹp của người Việt Nam. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng từ phía Nhà nước và nhân dân cùng chung tay, góp sức thực hiện chính sách đối với người có công và các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, song hiện nay vẫn còn rất nhiều thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và đặc biệt là hàng triệu người bị nhiễm chất độc da cam, bị khuyết tật do chất độc da cam và bom mìn của chiến tranh đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tưởng nhớ, tri ân với người có công với nước không chỉ một ngày, một đợt, mà cần hơn tất cả phải là những việc làm thiết thực, thường xuyên để giúp các đối tượng chính sách phần nào vơi bớt khó khăn cả về tinh thần và vật chất trong cuộc sống. Mỗi dịp đến ngày 27/7, mỗi người cần tự xem xét lại mình, nhắc nhở nhau phải sống sao cho xứng đáng, cùng nhau chung tay, chung sức, tùy theo khả năng của mỗi người, với những tấm lòng nhân ái, cùng chia sẻ, giúp đỡ cho các đối tượng chính sách và thực hiện những điều tốt đẹp cho xã hội.
Nhớ ơn những người đã hy sinh vì đất nước, cũng là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu chúng ta biết quý trọng từng tấc đất đã thấm bao máu xương của cha ông. Cái giá của độc lập, tự do đã phải trả bằng sinh mạng, máu xương của hàng triệu liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và hậu quả mà chiến tranh để lại không gì có thể khắc phục được. Việt Nam không muốn có chiến tranh, một dân tộc luôn luôn khát khao hòa bình, bởi chúng ta đã phải chịu quá nhiều đau thương, tổn thất do chiến tranh đem lại. Song chúng ta cũng không thể đánh đổi chủ quyền bằng một thứ hòa bình, hữu hảo viển vông, lệ thuộc. Cả dân tộc đồng lòng, dưới lá cờ đỏ sao vàng mang hồn thiêng sông núi, quyết không thể để bất cứ kẻ nào, dù chúng là ai, xâm phạm đến bờ cõi thiêng liêng, để mãi mãi xứng đáng với các anh hùng, liệt sĩ đã vì Tổ quốc mà hy sinh.
Luật sư TRẦN VĂN CHƯƠNG