Cán bộ Công ty Cổ phần nhân lực Quốc tế Vĩnh Thuận viết phiếu thu tiền nộp ban đầu 7 triệu đồng của anh M.
Theo phản ánh, Công ty Cổ phần Nhân lực Quốc tế Vĩnh Thuận (VTCO, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An), đơn vị tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động có dấu hiệu vi phạm quy định Luật Người lao động Việt Nam ở nước ngoài.Khi người dân đến VTCO để ứng tuyển đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì phát hiện có dấu hiệu không trung thực, minh bạch, như: Phiếu thu tiền ghi nội dung không rõ ràng; hợp đồng lao động không phải của VTCO mà là một công ty khác; hoạt động quảng cáo, hội thảo, tư vấn XKLĐ không đúng với thực tế…
Cụ thể, trường hợp anh Nguyễn Nhật M. (sinh năm 2005, trú tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đến VTCO để được tư vấn và làm các thủ tục sang lao động tại Đài Loan. Trước đó, qua tìm hiểu trên mạng anh M. được biết Công ty VTCO đưa nhiều hình ảnh quảng cáo, rất đáng tin cậy, như: tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo việc làm, các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh...
"Hy vọng được đi nhanh, lại không mất nhiều tiền phí nên em mới tìm đến”, anh M. nói.
Công ty Cổ phần nhân lực Quốc tế Vĩnh Thuận không được phép tuyển dụng xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Nhật Bản... nhưng quảng cáo khiến nhiều người hiểu nhầm Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây là đơn vị tuyển dụng XKLĐ.
Tại cơ sở của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây, một tấm biển quảng cáo ghi hàng chữ lớn: “Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Tây phối hợp cùngCông ty Cổ phần nhân lực Quốc tế Vĩnh Thuận VTCO liên tục tuyển sinh đào tạo ngoại ngữ - Đào tạo nghề - Du học - Xuất khẩu lao động Đài Loan - Nhật Bản- Hàn Quốc – Singapore – Ma Cao - Đức - Úc - Canada”. Ngoài ra, trên biển quảng cáo còn có các dòng chữ nước ngoài nhằm thu hút người có nhu cầu đi du học, XKLĐ các nước trên.
Chưa hết, phía tòa nhà bên cạnh có treo tấm biển có nội dung “Công ty Cổ phần nhân lực Quốc tế Vĩnh Thuận – VTCO chuyên: Xuất khẩu lao động và du học các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Đáng nói, việc ghi “Công ty Cổ phần Quốc tế Vĩnh Thuận – VTCO” trên các biển quảng cáo và văn bản là không đúng với giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cấp.
Tiếp anh M. tại văn phòng là một người đàn ông trung niên tự giới thiệu tên là Võ Đình An, cán bộ VTCO với thái độ rất niềm nở. Sau khi nghe anh M. trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng được đi XKLĐ tại Đài Loan, ông An tận tình hướng dẫn các bước tiến hành hồ sơ, thủ tục cho “khách hàng”.
Về chi phí đi lao động Đài Loan, theo ông An giải thích, tùy vào thời điểm và đơn hàng, tỷ giá đồng đô la, tổng chi phí hết khoảng hơn 160 triệu, gồm: 7 triệu tiền nộp ban đầu; 17 triệu khi đã đậu đơn hàng; số còn lại nộp trước khi lên máy bay đi XKLĐ... Đáng chú ý, trong số tiền 7 triệu này có 3 triệu dùng để dự tuyển đơn hàng, 1 triệu khám sức khỏe (nộp cho bệnh viện), 2,7 triệu dùng để học tiếng và chứng chỉ ngoại ngữ. Tư vấn xong, anh M. được hướng dẫn đến bàn bên cạnh có cán bộ tên Nguyễn Đình Phương, giới thiệu là Giám đốc Công ty trực tiếp thu tiền để được đăng ký đi XKLĐ, và phải nộp 7 triệu đồng.
Trang website: vinhthuanvtco.vn đăng quảng cáo xuất khẩu lao động Đài Loan.
Tuy nhiên, khi viết phiếu thu tiền, anh M. phát hiện ra nội dung thu chỉ ghi: “thu hộ cp đào tạo ban đầu và tiếp tục dự tuyển đơn hàng”. Anh M. thắc mắc thì được ông Phương cho biết, Công ty mình là đơn vị trực tiếp đưa người xuất khẩu lao động đi Đài Loan. Để chứng minh, ông Phương đưa ra một hợp đồng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan giữa Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Intime Education và anh Vi Văn S., trú tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An).
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An cho biết, khoản 5, Điều 7 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nghiêm cấm: Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, được biết VTCO không có tên trong danh sách các doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cấp giấy phép hoạt động dịch vụ XKLĐ. Theo nhận định của một số người làm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn XKLĐ thì rất có thể Công ty này chỉ là đơn vị làm dịch vụ môi giới XKLĐ để hưởng thù lao.
Thực tế hiện nay nhu cầu xuất khẩu lao động lớn, nhưng nhiều tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động lại không đủ năng lực, hoặc chưa được cấp phép, tiềm ẩn rủi ro cho người lao động. Nhiều trường hợp bị mất tiền hoặc chỉ lấy lại được phần nhỏ số tiền đã bỏ ra sau khi việc đi xuất khẩu lao động bị đổ bể vì gặp phải các công ty không đủ năng lực, hoặc chưa được cấp phép. Hy vọng, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần có nhiều giải pháp nhằm quản lý các hoạt động tuyển dụng XKLĐ, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân; công bố công khai các doanh nghiệp được phép XKLĐ cũng như thông tin thị trường lao động, chỉ tiêu, điều kiện tuyển dụng… tại các nước để người dân biết; thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tuyển dụng, đưa người đi lao động nước ngoài trái phép nhằm tránh những rủi ro tiềm ẩn cho người lao động...
TRUNG THÔNG - VĂN PHƯƠNG