(LSO) - Tôi đi làm và tham gia đóng bảo hiểm từ tháng 7/2017 đến nay. Tuy nhiên, công ty tôi còn nợ tiền bảo hiểm 3 tháng nay chưa đóng (từ 01/4/2020 đến 31/6/2020). Tôi đang mang thai được 5 tháng, dự sinh là tháng 12/2020. Do dịch Covid-19, công ty có ý định từ tháng 8/2020 thì ngừng hoạt động. Vậy, thời gian tôi đóng bảo hiểm ít nhất đến tháng mấy thì tôi được hưởng chế độ thai sản?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản.
Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản 1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. 2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này. |
Theo Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Như vậy, theo quy định, bạn chỉ cần bạn tham gia BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì bạn sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Do đó, tính thời điểm dự sinh của bạn tầm khoảng tháng 12/2020 bạn dự sinh thì bạn phải đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng, cụ thể từ tháng 12/2019 - 12/2020 thì bạn mới đủ điều kiện hưởng.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngày 17/3/2020, BHXH Việt Nam có Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền quy định của pháp luật. Theo đó, đối tượng được tạm dừng là các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật BHXH năm 2014, các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ BHYT và BHTN để bảo đảm quyền lợi đối với người lao động. |
THANH THANH