Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, người Tiểu đoàn trưởng 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, Quảng Trị.
Thiếu tướng Cao Xuân Khuông sinh năm 1942, quê xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 1960, khi vừa tròn 18 tuổi, ông hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, được phân vào Tiểu đoàn 925 Quân khu 4, đóng ở huyện Kỳ Sơn bảo vệ biên giới. Sau đó, ông cùng đơn vị làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào tiêu phỉ ở Noọng Hét. Lập được thành tích xuất sắc, ông được đơn vị cho đi học trường sĩ quan lục quân. Nhờ có biệt tài bắn súng giỏi, sau khi học xong nhà trường giữ ông ở lại. Năm 1964, địch gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quê hương bị đánh phá ác liệt ông xin về Quân khu 4 trực tiếp chiến đấu, vào Tiểu đoàn 924.
Về Tiểu đoàn một thời gian ngắn, ông được đơn vị cử đi làm nhiệm vụ quốc tế ở thượng Lào. Năm 1965, ông được bổ nhiệm làm trợ lý tác chiến Sư đoàn 324, cùng Sư đoàn vào miền Nam chiến đấu. Ở Ban tác chiến Sư đoàn một thời gian, ông được điều xuống làm Đại đội trưởng. Đơn vị của ông cùng các lực lượng Sư đoàn đánh địch dọc đường 9 Khe Sanh tỉnh Quảng Trị. Sau những trận chiến đấu ác liệt, Sư đoàn lùi về tuyến sau củng cố lực lượng, Đại đội của ông được cấp trên giao nhiệm vụ ở lại nắm địch, nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra, một tiểu đoàn lính Mỹ đổ bộ xuống Khe Sanh để càn quét, lùng sục quân ta. Đại đội của ông mắc kẹt giữa vòng vây của địch. Đơn vị chiến đấu dũng cảm, thương vong lớn, Đại đội trưởng Cao Xuân Khuông bị thương gãy cánh tay phải. Hết lương thực, các chiến sĩ vào xin bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều nước uống, sắn ăn qua ngày.
Sau một tháng chiến đấu với quân địch, Sư đoàn mới đến tiếp viện đánh úp trung đoàn lính Mỹ giải cứu Đại đội. Được giải vây, đơn vị nhanh chóng củng cố lực lượng, ông chỉ huy Đại đội tham gia Chiến dịch Mậu Thân 68. Năm 1970, ông được điều về làm Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị.
Trong cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, ông nhớ sâu sắc nhất là 81 ngày đêm trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Hè năm 1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương của tỉnh do ông Khuông chỉ huy được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng, phát động quần chúng nhân dân, xây dựng chính trị vùng Triệu Hải, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực phát triển tiến công vào phía Nam. Trong lúc đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ, ngày 16/6/1972, Tiểu đoàn 8 nhận được lệnh tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị. Ban chỉ huy Tiểu đoàn lúc đó có Cao Xuân Khuông, Phạm Hồng Lân, Lê Văn Vũ, Mai Xuân Chính. Ngày 18 và 19/6, cán bộ Tiểu đoàn và Trung đội trinh sát đi trinh sát địa hình bố trí đội hình tác chiến. Ngày 20 và 21/6, Đảng ủy hạ quyết tâm, tổ chức hội nghị quân chính quán triệt nhiệm vụ. Tiểu đoàn kêu gọi cán bộ, chiến sĩ: “Được giao nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ là một vinh dự to lớn, nhưng vô cùng ác liệt. Tiểu đoàn quyết tâm chiến đấu đến cùng, không phụ lòng đồng bào Quảng Trị, mảnh đã từng chịu nhiều đau thương mất mát”. Tiểu đoàn bố trí Đại đội 1 chốt ở La Vang, Đại đội 2 trong Thành cổ, Đại đội 3 ở làng Thạch Hãn, Đại đội 4 và Tiểu đoàn bộ ở làng Tri Bưu, làng Cổ Chánh. Các đơn vị tận dụng vật liệu tại chỗ khẩn trương xây dựng hầm hào, công sự chiến đấu. Tiểu đoàn 8 đơn vị đầu tiên chiếm lĩnh vị trí chiến đấu ở thị xã Quảng Trị.
Suốt 2 ngày 26 và 27/6, địch tập trung hỏa lực bắn phá ác liệt từ bắc sông Mỹ Chánh trở lên. Chúng đánh bằng cách hủy diệt các trận địa pháo phòng không và pháo mặt đất của ta. Sáng ngày 28/6 địch bắt đầu tấn công vào thị xã Quảng Trị. Từ ngày 28/6 đến ngày 16/9, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra vô cùng ác liệt. Có ngày chúng bắn vào Thành cổ diện tích chưa đầy 3km2 trên 5000 quả đạn pháo, 40-60 lần máy bay các loại vừa phun chất độc hóa học, vừa thả bom sát thương, bom khoan, bom hơi để phá sập tường thành, hầm hào, công sự bộ đội ta. Ngày 02/7, mũi đầu tiên của bộ binh địch đánh vào ngã ba Long Hưng bị Đại đội 1, Tiểu đoàn 8, cùng với Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) của ta đánh cho thiệt hại nặng.
Từ ngày 04 đến ngày 10/7, địch tổ chức đánh chiếm Thành cổ lần thứ nhất. Sư đoàn dù chia thành 2 mũi đánh vào. Sư đoàn thủy quân lục chiến đánh từ Ngô Xá, Cù Hoan, Trà Tri hỗ trợ phía Đông cho Sư đoàn dù. Chúng dự định đánh chiếm thị xã Quảng Trị trong ngày 10/7, ngày phái đoàn đoàn của ta và Mỹ gặp nhau ở Pa-ri. Quân ta phản kích mạnh giữ vững La Vang và Thành cổ.
Ngày 14/7 đến 27/7, địch tấn công lần 2 hô hào sẽ chiếm Thành cổ trước vào ngày 18/7, chậm nhất ngày 27/7. Sư đoàn dù của địch đánh từ ngã ba Long Hưng, tiến đánh Quy Thiện, Tri Bưu uy hiếp phía đông thị xã, một cánh khác đánh vào Tích Tường, Như Lệ nhằm cắt nguồn tiếp tế của ta cho bộ đội ở thị xã và hướng Nam. Sư đoàn thủy quân lục chiến cố chiếm An Tiêm, Nại Cửu, Bích La Đông bao vây hướng đông và đông bắc thị xã, nhưng bị quân ta đánh cho 1 Lữ đoàn dù, 1 Lữ đoàn thủy quân lục chiến mất sức chiến đấu. Quân địch không chiếm được thị xã như kế hoạch.
Sau hai đợt tấn công thất bại, chúng đưa Sư đoàn thủy quân lục chiến thay Sư đoàn dù tấn công chiếm thị xã lần 3. Địch mở đầu bằng một trận tập kích hỏa lực lấy tên “phong lôi” đánh bằng chiến thuật “lấn dũi” từng bước. Chiếm được đâu chúng đưa dây thép gai và công sự lắp sẵn phía sau lên lập trận địa ở đó. Suốt cả tháng 8 ta và địch dằng co nhau. Ta dùng chiến thuật phòng ngự tấn công. Ban ngày chốt giữ, ban đêm quân ta chia thành nhiều mũi xuất kích tấn công địch. Làm cho tinh thần quân lính hoang mang, lo sợ, tổn thất lớn lực lượng. Quân ta chiến đấu với tinh thần “còn mình còn trận địa”. Lúc này toàn bộ Thành cổ bị bom đạn san phẳng.
Từ ngày 04 đến ngày 06/8, trời mưa to, nước sông Thạch Hãn dâng lên rất nhanh, chảy xiết việc tiếp tế lương thực, vũ khí đạn được cho bộ đội chốt giữ Thành cổ vô cùng khó khăn. Bộ đội ta phải ngâm mình trong hầm hào, công sự, quyết giữ vững trận địa.
Mặc dù bị thiệt hại nặng địch vẫn liên tục thay quân, tăng viện vũ khí, trang bị, tập trung lực lượng đánh chiếm bằng được thị xã Quảng Trị để thực hiện mục đích ngoại giao của chúng. Ngày mùng 07/9, quân địch tấn công vào Thành cổ 6 lần . Máy bay, pháo binh của địch bắn phá liên tục suốt 48 tiếng đồng hồ. Máy bay B52 rải thảm bom xuống tả ngạn sông Thạch Hãn, ở Ái Tử, Nham Biều quân ta thương vong nhiều nhưng vẫn giữ vững Thành cổ.
Ngày 16/9/1972, Tiểu đoàn 8 đơn vị cuối cùng được lệnh rời khỏi Thành cổ. Trong 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, Tiểu đoàn 8 đã đánh 209 trận lớn nhỏ. Trong đó có 35 trận phản khích, 48 trận tập kích, 126 trận bằng hỏa lực súng cối, B40, B41 và DKZ tiêu diệt và làm bị thương 2.014 tên địch. Tiểu đoàn bị thương vong cũng khá lớn. Khi vào chốt giữ thị xã Quảng Trị chỉ có 360 cán bộ, chiến sĩ, trong quá trình chiến đấu được bổ sung quân nhiều lần nên quân số lên tới 970 đồng chí, nhưng khi rút ra khỏi Thành cổ chỉ còn 50 đồng chí (quân số thương vong: bị thương 50%, hy sinh 50%). Trong 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn ăn lương khô, gạo sống, uống nước lã để chiến đấu. Hiếm hoi lắm mới dùng bình tong đun được ít nước sôi cho các đồng chí bị thương uống. Tổng kết chiến dịch Tiểu đoàn có 7 tập thể, 126 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại. Tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Cao Xuân Khuông đại diện cho bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị, cùng Đoàn cán bộ các đơn vị chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị ra Hà Nội báo cáo với Bộ Quốc phòng. Sau khi nghe báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Thành cổ dũng cảm, tổ chức chỉ huy tốt, rút kinh nghiệm kịp thời, nhất là cách đánh, nghĩ ra được cách đánh trả tốt, khi địch có thủ đoạn chiến đấu mới.
Đại tướng xúc động nói: “Hằng ngày, hằng giờ tôi theo dõi và được nghe cơ quan tham mưu báo cáo nhưng không hình dung nổi mức độ ác liệt diễn ra như các đồng chí báo cáo hôm nay”.
HẢI HƯNG