Ảnh minh họa.
Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, chiều ngày 26/10/2023, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Ngay sau phiên họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Về những vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn sau đây:
1. Chỉnh lý Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này;
2. Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê tại khoản 4 Điều 80;
3. Chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại điểm d khoản 2 Điều 85 theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành để bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án, nhưng chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách nhà nước;
4. Quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại Điều 94; không quy định về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp;
5. Bổ sung khoản 3 Điều 95 về việc Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư.
Ngoài ra, liên quan đến hiệu lực thi hành sớm hơn của nội dung về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở; hiệu lực thi hành của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trường hợp Luật Nhà ở được thông qua tại kỳ họp này trước Luật Đất đai, đề nghị UBTVQH xem xét, có ý kiến chỉ đạo về các nội dung sau:
- Thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở (và Luật Đất đai) là từ ngày 01/01/2025 để có cơ sở quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua. Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024)) để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống.
- Chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bảo đảm tính thống nhất với các nội dung chính sách của Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được UBTVQH nhất trí theo Báo cáo số 661/BC-UBTVQH15 ngày 22/10/2023 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và đã được thể hiện trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
- Về một số vấn đề chính sách khác của Luật Đất đai liên quan đến Luật Nhà ở phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền hoặc cần tiếp tục thảo luận, cho ý kiến mới có phương án chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho phép tiếp thu theo hướng: Luật Nhà ở không quy định cụ thể mà dẫn chiếu thực hiện theo Luật Đất đai để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.
PV