/ Pháp luật bốn phương
/ Nợ xấu và việc bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay theo pháp luật Liên bang Nga

Nợ xấu và việc bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay theo pháp luật Liên bang Nga

18/01/2021 09:26 |

(LSVN) - Bài viết này phân tích vấn đề nợ xấu và việc bảo vệ quyền đòi nợ của ngân hàng thương mại cho vay bằng một số biện pháp theo pháp luật của Liên Bang Nga, trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Khái niệm và đặc điểm của nợ xấu

Theo pháp luật Liên bang Nga, nợ xấu là khoản nợ phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng nhưng quá thời hạn trả nợ từ 90 ngày trở lên và khả năng trả nợ của con nợ bị nghi ngờ. Bên cạnh khái niệm nợ xấu, còn có khái niệm nợ không có khả năng thu hồi. Nợ không có khả năng thu hồi trước hết chính là các khoản nợ xấu, tuy nhiên, khả năng trả nợ của con nợ đã không còn và ngân hàng không có khả năng thu hồi trên thực tế. Theo Điều 266 Bộ luật Thuế Liên bang Nga năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2019, thì nợ xấu là khoản nợ của người nộp thuế mà thời hiệu khởi kiện đã hết hoặc đây là các khoản nợ mà theo quy định của pháp luật dân sự, nghĩa vụ bị chấm dứt do không thể thực hiện được trên cơ sở văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do tổ chức đó bị giải thể. Nợ xấu cũng có thể là các khoản tiền phát sinh từ các nghĩa vụ tiền tệ đã bị chấm dứt đối với ngân hàng. Danh sách các nghĩa vụ này được liệt kê trong Quyết định của Chính phủ Nga được ban hành dựa trên Khoản 3 Điều 5 Luật ngày 29/07/2018 “về sửa đổi một số văn bản của Liên bang Nga”.

Với các khái niệm được phân tích ở trên, nợ xấu có một số đặc điểm sau đây:

(i) Nợ xấu phát sinh trên cơ sở hợp đồng tín dụng được ký kết giữa tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng, trong đó ngân hàng cho vay là chủ nợ, khách hàng vay là con nợ.

(ii) Dấu hiệu nợ xấu là khoản nợ quá hạn từ 90 ngày trở lên và con nợ bị nghi ngờ về khả năng trả nợ.

(iii) Ngân hàng cho vay phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu. Mức trích lập dự phòng rủi ro từ 20% - 100%. Mức trích 100% áp dụng đối với khoản nợ có khả năng mất vốn (theo Quyết định số 590). Về nguyên tắc, các khoản nợ quá hạn (đặc biệt là nợ xấu) càng nhiều, thì các TCTD cần phải trích lập nhiều và với tỷ lệ lớn mức dự phòng rủi ro.

(iv) Nợ xấu ngân hàng có thể là các khoản vay không hoàn trả được trong năm 2020 được cấp cho pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc để đảm bảo sự tồn tại của chủ thể nêu trên; hoặc nợ xấu ngân hàng có thể là khoản tiền theo hợp đồng tín dụng được ký trong năm 2020 hoặc 2021 có sự trợ cấp về lãi suất cho vay của Chính phủ nhưng không được hoàn trả đúng hạn. Đây là trường hợp nợ xấu rất đặc biệt, được xác định trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 đang lan tràn toàn cầu, nên không cần phải thỏa mãn điều kiện về thời hạn quá hạn của khoản nợ là 90 ngày, nhưng khoản nợ này vẫn được coi là nợ xấu.

(v) Nợ xấu dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của TCTD trong hợp đồng tín dụng không được đảm bảo do khoản vay không thu hồi được. Nợ xấu có thể dẫn đến tình trạng ngân hàng cho vay mất khả năng thanh toán, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngân hàng có thể mất vốn, thậm chí, có thể phá sản do nợ xấu. Nếu không áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay, các khoản nợ này sẽ tác động xấu tới sự phát triển của nền kinh tế.

2. Một số biện pháp bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay khi phát sinh nợ xấu

2.1. Biện pháp cầm cố

Theo Điều 33 Luật Ngân hàng và hoạt động ngân hàng của Liên bang Nga về bảo đảm hoàn trả khoản tín dụng, các khoản tín dụng có thể được bảo đảm bằng cầm cố bất động sản hoặc động sản, trong đó, bao gồm chứng khoán của Nhà nước và các loại chứng khoán khác.

Theo khoản 1 Điều 334 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga, trong quan hệ cầm cố, bên nhận cầm cố (bên cho vay) có quyền ưu tiên nhận được khoản bồi hoàn cho khoản vay từ giá trị của tài sản bảo đảm (đối tượng cầm cố) so với các chủ nợ khác của bên cầm cố khi khách hàng không trả được nợ hoặc không trả được nợ đầy đủ. Ở đây có sự ưu tiên đối với bên nhận cầm cố (bên cho vay) so với các chủ nợ khác. Ngân hàng có quyền xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ, nếu số tiền còn dư thì mới đến lượt các chủ nợ khác. Khi khách hàng vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng, ngân hàng có thể thu hồi nợ và các khoản lãi suất vay trước hạn nếu như điều này được thỏa thuận trong hợp đồng và ngân hàng có quyền xử lý tài sản cầm cố theo thủ tục luật định. Trong trường hợp pháp luật quy định, bên cầm cố phải chuyển giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố để khấu trừ vào khoản nợ. Trong biện pháp cầm cố, việc bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là các ngân hàng thương mại (NHTM) còn được thể hiện thông qua việc cho phép NHTM - bên nhận cầm cố có thể thu hồi nợ từ các tài sản khác của con nợ khi giá trị của tài sản cầm cố không đủ để trả khoản nợ đã vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 334 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga). Đặc biệt, các quyền và lợi ích hợp pháp của NHTM được thể hiện thông qua hợp đồng cầm cố. Theo quy định của pháp luật, quan hệ cầm cố phải được thể hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản (khoản 1 Điều 334, khoản 3 Điều 339 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga), nếu pháp luật hoặc các bên trong hợp đồng không thỏa thuận về việc bắt buộc phải công chứng. Có thể thấy, quy định này rất quan trọng, dựa vào đó quyền lợi của ngân hàng cho vay được bảo vệ thông qua cơ chế hợp đồng, là cơ sở để ngân hàng có thể khiếu kiện bên cầm cố khi quyền lợi bị xâm phạm.

Trong hợp đồng cầm cố các bên phải thỏa thuận về đối tượng cầm cố, đặc điểm và quy mô nghĩa vụ, thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố có thể đã phát sinh hoặc sẽ phát sinh trong tương lai.

Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố về cách thức xử lý tài sản cầm cố để thu hồi nợ khi có hoặc không có khởi kiện tại Tòa án về việc xử lý tài sản cầm cố (khoản 1 Điều 339 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga). Nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng có thể phát sinh trong tương lai, bao gồm cả nợ gốc, lãi vay, trên cơ sở đó bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay. Pháp luật của Liên bang Nga có các quy định rất cụ thể về từng loại cầm cố, như cầm cố quyền tài sản của các chủ thể trong doanh nghiệp, cầm cố chứng khoán, cầm cố sổ tiết kiệm, cầm cố đối với chứng khoán, cầm cố quyền sở trí tuệ. Đối tượng của cầm cố có thể là các loại tài sản khác nhau, trong đó bao gồm cả các vật và các quyền tài sản, trừ các tài sản pháp luật cấm... Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ - ngân hàng cho vay, pháp luật yêu cầu bên cầm cố phải thông báo bằng văn bản cho ngân hàng về các quyền của bên thứ ba đối  tài sản cầm cố (ví dụ các quyền từ hợp đồng thuê nhà, hợp đồng vay vốn…). Trong trường hợp khách hàng không thông báo, ngân hàng nhận cầm cố có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố trước thời hạn hoặc yêu cầu thay đổi các điều kiện của hợp đồng cầm cố, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác (khoản 4 Điều 336 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga).  

Để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay, pháp luật Liên Bang Nga còn quy định việc bảo hiểm cho tài sản cầm cố, bảo hiểm trách nhiệm trả nợ của khách hàng vay và bảo hiểm rủi ro tài chính cho chủ nợ (Điều 31 Luật Cầm cố bất động sản). Theo đó, việc bảo hiểm bất động sản cầm cố được thể hiện thông qua hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng này phải được ký kết để bảo đảm lợi ích của bên nhận cầm cố, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác (khoản 1 Điều 31). Trong trường hợp không có thỏa thuận về các điều kiện bảo hiểm bất động sản, bên cầm cố phải có trách nhiệm mua bảo hiểm bằng tiền của mình cho tài sản cầm cố để bù đắp mọi tổn thất có thể xảy ra (giá trị tối thiểu bằng giá trị của nghĩa vụ bảo đảm). Đặc biệt, bên nhận bảo đảm (ngân hàng cho vay) có quyền thu hồi nợ trực tiếp từ số tiền bảo hiểm cho việc mất hoặc bị hư hỏng tài sản cầm cố (trừ trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra do lỗi của bên nhận cầm cố). Đây là quyền ưu tiên được áp dụng đối với bên nhận cầm cố so với các chủ nợ khác của bên cầm cố.

Ngoài  ra, quyền thu hồi nợ của ngân hàng cho vay còn được bảo vệ thông qua việc ngân hàng (bên nhận cầm cố) có quyền mua bảo hiểm cho rủi ro tài chính  phát sinh khi không thu hồi nợ đầy đủ từ tài sản cầm cố (khoản 5 Điều 31 Luật Cầm cố bất động sản). Bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu khách hàng vay hoàn trả khoản nợ trước thời hạn khi bên cầm cố vi phạm các quy định về sử dụng, bảo quản và sửa chữa tài sản cầm cố, về áp dụng các biện pháp bảo quản tài sản cầm cố nếu như vi phạm này có thể gây ra thiệt hại hoặc làm mất tài sản cầm cố. Nếu khoản nợ không được hoàn trả thì trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày yêu cầu, bên nhận cầm cố có quyền xử lý tài sản cầm cố là bất động sản. Nếu bên cầm cố không giao tài sản để xử lý thì ngân hàng nhận cầm cố có quyền khởi kiện ra tòa án để thu giữ tài sản cầm cố và xử lý, thu hồi nợ (Điều 51, Điều 52 Luật Cầm cố bất động sản).

2.2. Biện pháp mua, bán nợ xấu

Ở Liên bang Nga hiện nay, việc xử lý nợ xấu được kết hợp bởi cả cơ chế tập trung và phi tập trung. Cơ chế tập trung được thực hiện dựa vào ngân sách quốc gia, do Ngân hàng Trung ương Nga quản lý, còn cơ chế phi tập trung dựa trên các nguồn vốn và được thực hiện bởi các công ty mua bán nợ xấu, cá nhân.

Chủ thể bán nợ xấu là các ngân hàng có khoản nợ xấu. Chủ thể mua nợ xấu có thể là tổ chức, cá nhân. Trước khi bán nợ xấu, ngân hàng cho vay thường yêu cầu con nợ tái cơ cấu khoản nợ, trả ngân hàng các khoản tiền từ việc phạt vi phạm bởi con nợ hoặc trả nợ dần dần. Ngân hàng bán nợ khi: (i) Con nợ không thỏa thuận được với ngân hàng về các vấn đề trên hoặc (ii) Khi con nợ không có thu nhập chính thức, không có tài sản để Tòa án có thể dựa vào đó ra phán quyết thu hồi nợ; hoặc (iii) Không ai biết về chỗ ở, nơi cư trú, trụ sở chính của con nợ. 

Theo khoản 3 Điều 7 Luật Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ năm 2016, chủ nợ hoặc người đại diện chủ nợ không có quyền gặp gỡ con nợ vào những ngày làm việc từ 22h đến 8h và vào các ngày nghỉ, ngày lễ từ 20h đến 9h theo giờ địa phương nơi cư trú hoặc sinh sống của con nợ để thực hiện các hành vi vì lợi ích của chủ nợ. Trong trường hợp tổ chức mua nợ vi phạm những điều cấm nêu trên, con nợ bị thiệt hại có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý hình sự hoặc dân sự đối với hành vi vi phạm của tổ chức mua nợ xấu và yêu cầu bồi thường thiệt hại về những tổn hại tinh thần gây ra cho con nợ.

Các tổ chức mua nợ có tư cách pháp nhân bắt buộc phải được đăng ký tại hệ thống đăng ký quốc gia. Các tổ chức này thực hiện hoạt động thu hồi nợ (trong đó có cả nợ xấu) với tính chất là hoạt động cơ bản, mang tính nghề nghiệp (khoản 2 Điều 2 Luật Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ năm 2016). Theo điểm 3 khoản 1 Điều 13 Đạo luật này, thì các tổ chức trên được cho phép đăng ký khi giá trị tài sản ròng trên sổ sách kế toán đến thời điểm lập báo cáo đăng ký không dưới 10 triệu rúp và phải thỏa mãn nhiều điều kiện khác theo quy định tại điều luật này.

Việc bán nợ (chuyển quyền yêu cầu đòi nợ) của ngân hàng cho vay sang bên thứ ba được thực hiện thông qua “hợp đồng chuyển quyền yêu cầu”. Theo đó, chủ nợ ngân hàng nhận được một khoản tiền từ bên mua nợ, còn bản thân chủ nợ không còn bất cứ quyền nào đối với khoản nợ đó nữa. Công ty mua bán nợ chuyên nghiệp được Nhà nước cấp phép kinh doanh[1] thông thường mua khoản nợ với giá khoảng từ 10%-75% giá trị của khoản nợ[2], thậm chí có khoản nợ tiêu dùng cho cá nhân chỉ được bán với giá 3% giá trị khoản nợ.

2.3. Khởi kiện tại Tòa án

Ngân hàng cho vay - chủ nợ xấu có thể nộp đơn khởi kiện đòi nợ đối với con nợ tại Tòa án. Đây là cách phổ biến để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng - chủ nợ xấu. Theo khoản 3 Điều 308  Bộ luật Dân sự Liên bang Nga (Bảo vệ quyền lợi của bên cho vay theo thỏa thuận): “Trong trường hợp con nợ không thanh toán nghĩa vụ trả nợ, chủ nợ có quyền nộp đơn tới Tòa án yêu cầu con nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ cả gốc và lãi, nếu như hợp đồng không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác. Tòa án theo yêu cầu của chủ nợ có quyền ban hành quyết định yêu cầu con nợ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả tiền dựa trên nguyên tắc công bằng, phù hợp và không cho phép trục lợi từ hành vi trái pháp luật và không trên tinh thần tự nguyện”. Khi phán quyết của Tòa án có hiệu lực, chủ thể thi hành án sẽ xác định nguồn thu nhập của con nợ và cố gắng thu nợ từ các nguồn này. Nếu con nợ không có việc làm, không có thu nhập thường xuyên, toàn bộ tài sản của con nợ sẽ được xử lý để thu hồi nợ (cả động sản và bất động sản). 

Điều 2 Bộ luật Tố tụng trọng tài của Liên bang Nga năm 2002, được sửa đổi, bổ sung vào ngày 08/06/2020 cũng có quy định: “Nhiệm vụ của Tòa án trọng tài là bảo vệ các quyền và lợi ích bị xâm phạm của các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh...”. Điều này cho thấy, quyền đòi nợ xấu của ngân hàng theo hợp đồng tín dụng khi bị xâm phạm là ngân hàng có thể nộp đơn kiện tới Tòa án trọng tài để yêu cầu bảo vệ, bởi lẽ, quyền này phát sinh khi ngân hàng thực hiện hoạt động kinh doanh (hoạt động cho vay) trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Tuy nhiên, khoản 5 Điều 4 Bộ luật trên đây quy định: “Tranh chấp liên quan đến đòi nợ (trong đó có nợ xấu) phát sinh trên cơ sở hợp đồng hoặc các giao dịch, có thể đưa ra giải quyết tại Tòa án trọng tài sau khi các bên tranh chấp đã áp dụng các biện pháp xử lý trong vòng 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu con nợ trả nợ, nếu như không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định về thời hạn khác”. Vậy trước khi nộp đơn khởi kiện đến Tòa án, ngân hàng cho vay phải áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu các biện pháp này không hiệu quả thì “đường cùng”, ngân hàng mới nộp đơn kiện tới Tòa án để bảo vệ quyền đòi nợ của mình. Trước khi xét xử, Tòa án có trách nhiệm thực hiện thủ tục hòa giải giữa các bên (khoản 1 Điều 138 Bộ luật Tố tụng trọng tài của Liên bang Nga).

Con nợ hoặc chủ thể có trách nhiệm trả nợ thay con nợ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về việc không thi hành quyết định của Tòa án và phải trả khoản tiền phạt (theo quy định tại Điều 332 Bộ luật Tố tụng trọng tài của Liên bang Nga). Trong trường hợp không thi hành án được, con nợ vẫn không được giải phóng khỏi trách nhiệm trả nợ. Quy định này của Bộ luật hướng tới bảo vệ quyền đòi nợ của chủ nợ khi quyền này bị xâm phạm. Ngoài ra, TCTD có thể bảo vệ quyền đòi nợ của mình bằng việc nộp đơn tại Tòa án trọng tài yêu cầu về việc giải quyết phá sản đối với con nợ (Điều 34 Luật Ngân hàng và hoạt động ngân hàng). Tuy nhiên, từ ngày 01/09/2020 (thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phá sản năm 2002), các cá nhân người Nga (con nợ) có khoản nợ từ 50.000 đến 500.000 rúp có thể tự làm đơn xin phá sản và không cần phải thông qua thủ tục tại Tòa án. Điều này được quy định nhằm mục đích giúp cho cá nhân có khoản nợ tại ngân hàng, nhưng không còn bất kỳ tài sản nào để có thể trả nợ và không thể thi hành bản án. 

3. Một số bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Liên bang Nga

Trên cơ sở phân tích pháp luật Liên bang Nga về nợ xấu và bảo vệ quyền lợi của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, có thể rút ra một số kết luận sau đây:

Một là, về nợ xấu, pháp luật cần quy định cụ thể về các dấu hiệu của nợ xấu, các loại nợ xấu và các biện pháp áp dụng để xử lý nợ xấu, trong đó, có biện pháp thỏa thuận và biện pháp bắt buộc do pháp luật quy định.

Hai là, pháp luật cần quy định đa dạng các loại cầm cố tài sản bảo đảm tiền vay tại ngân hàng để ngân hàng có thể thu hồi nợ xấu. Để bảo vệ quyền lợi của ngân hàng cho vay, pháp luật nên quy định việc bảo hiểm cho tài sản cầm cố, bảo hiểm trách nhiệm trả nợ của khách hàng vay và bảo hiểm rủi ro tài chính cho chủ nợ. Đặc biệt, pháp luật cần quy định cụ thể về cầm cố bất động sản, thậm chí, có thể thể hiện bằng đạo luật riêng về cầm cố bất động sản bởi những đặc thù của loại cầm cố này.

Ngoài ra, pháp luật có thể quy định việc cầm cố lại, theo đó, người nhận cầm cố có quyền dùng tài sản cầm cố đã nhận để bảo đảm một nghĩa vụ khác như tài sản thuộc sở hữu của mình với điều kiện là thời hạn cầm cố lại không được dài hơn thời hạn cầm cố lần đầu tiên và điều này được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản cầm cố. Việc quy định như vậy tạo sự linh hoạt trong việc khai thác lợi ích của tài sản cầm cố, trên cơ sở đó, bảo đảm được các nghĩa vụ của các chủ thể. Ngoài ra, để bảo đảm thu hồi nợ vay, nên có quy định theo hướng nếu như pháp luật không quy định hoặc các bên không có thỏa thuận khác, thì trong trường hợp số tiền thu hồi được từ việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên nhận bảo đảm có quyền xiết nợ từ tài sản khác của bên bảo đảm (khoản 3 Điều 334 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga). Như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn trả vốn của bên bảo đảm lẫn việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng cho vay mà không cần phải thông qua thủ tục khiếu kiện tại cơ quan tài phán (như quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay).

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cũng nên ghi nhận trường hợp: Nếu tài sản cầm cố không thuộc sở hữu của bên cầm cố và bên nhận cầm cố không biết về tình trạng của tài sản cầm cố thì chủ sở hữu đích thực của tài sản cầm cố sẽ chịu trách nhiệm thay cho bên cầm cố (nếu pháp luật hoặc các bên trong hợp đồng cầm cố không có thỏa thuận khác). Bởi lẽ, trong trường hợp này, bên nhận cầm cố là người ngay tình, do vậy, quyền lợi của họ vẫn được bảo đảm. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về việc giao tài sản cho ngân hàng để xử lý nếu đến hạn, bên cầm cố (khách hàng) không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ[3].

Ba là, về mua, bán nợ xấu, cần có quy định cụ thể về việc cấp phép và hệ thống đăng ký thông tin cho các tổ chức chuyên nghiệp mua, bán các khoản nợ xấu ngân hàng. Thêm vào đó, cần giới hạn các khoản nợ có giá trị nhất định thì mới được mua, bán qua các tổ chức mua bán nợ và cần có quy định về vốn pháp định đối với các tổ chức này nhằm mục tiêu bảo vệ tối đa quyền của chủ nợ. 

Bốn là, pháp luật cần quy định cụ thể việc chuyển quyền yêu cầu đòi nợ từ ngân hàng cho vay sang chủ thể mua nợ (không cần sự đồng ý của con nợ, tuy nhiên, con nợ cần phải được thông báo về vấn đề này). Tuy nhiên, đối với con nợ - khách hàng vay là cá nhân thì vấn đề chuyển nhượng quyền yêu cầu đòi nợ cho bên thứ ba cần phải được sự đồng ý và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Con nợ không thể là người mua khoản nợ xấu, bởi lẽ, con nợ là một bên của hợp đồng.

Ngoài ra, pháp luật cũng cần quy định cụ thể về thành lập sàn giao dịch tài sản bảo đảm để xử lý các tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ trả nợ xấu; quy định căn cứ cụ thể hơn về xử lý nợ xấu thông qua thủ tục tại Tòa án và ngoài Tòa án như thủ tục tuyên bố con nợ - cá nhân phá sản khi giá trị khoản nợ ở mức độ nhất định...

[1]. Василий Фотинский, Рынок долгов: что купить и  как на этом заработат (Thị trường nợ: mua gì và kiếm lợi như thế nào trên thị trường này), https://abkazakov.ru/comments/rynok-dolgov-chto-kupit-i-kak-na-etom-zarabotat/.
[2]. Василий Фотинский, Рынок долгов: что купить и  как на этом заработат (Thị trường nợ: mua gì và kiếm lợi như thế nào trên thị trường này), https://abkazakov.ru/comments/rynok-dolgov-chto-kupit-i-kak-na-etom-zarabotat/.
[3]. PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy (Chủ biên) (2016), Pháp luật về các biện pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay của TCTD ở Việt Nam và một số nước trên thế giới (Sách chuyên khảo), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.175, tr.176.

PGS.TS. LÊ THỊ THU THỦY
Đại học Quốc gia Hà Nội

Trách nhiệm pháp lý của khu du lịch Đảo Ngọc Xanh trong vụ ba học sinh rơi khỏi tàu lượn

Lê Minh Hoàng