Ảnh minh họa.
Việc hàng loạt các dự án mới quy mô được phê duyệt chủ trương đầu tư đã khiến Bộ Công thương phải lên tiếng cảnh báo. Gần đây, ngày 01/6/2021, dự án nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I, quy mô 192ha vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa ký phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 01/6/2021 cho Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng MT Việt Nam.
Lỗ hổng pháp lý, lợi bất cập hại
Vài năm trở lại đây, với đà phát triển mạnh về các dự án điện năng lượng tái tạo, Việt Nam đang được coi là một “cường quốc” trong khu vực Đông Nam Á về năng lượng sạch. Các nhà máy điện mặt trời, điện gió đồng loạt đưa vào sử dụng, cùng với đó là việc các dự án điện mặt trời mới vẫn tiếp tục được chấp thuận chủ trương đầu tư tại các địa phương.
Mới đây, Bộ Công thương vừa có văn bản “hỏa tốc” về một số vấn đề cấp bách trong vận hành và bảo đảm an toàn hệ thống điện. Trong đó nêu rõ, trường hợp hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện bởi điều này có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia.
Vì thế, Bộ Công thương yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) bên cạnh việc dự báo và tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ cần thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện đang phát điện lên lưới theo quy định hiện hành trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.
Sự phát triển quá nhanh trong khi các quy định về quản lý đối với loại hình này chưa thể bắt kịp có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Việc chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp cho các dự án điện mặt trời là vấn đề rất được quan tâm.
Đối với các dự án quy mô lớn hàng chục ha, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sẽ khiến chính quyền địa phương lúng túng từ cấp phê duyệt cho tới kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Việc chuyển diện tích lớn đất nông nghiệp trồng cây lâu năm hoặc thậm chí đất trồng rừng được người dân chuyển đổi sang loại đất nông nghiệp khác sử dụng để làm trang trại hoặc chăn nuôi nhưng thực tế là để đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái; hoặc người dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng mặt trời) có thể dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng không đúng mục đích ngày càng tăng lên. Việc này, theo các chuyên gia là khó để giải quyết triệt để.
Vấn đề pháp lý và quản lý đối với hệ thống điện mặt trời áp mái. Điện mặt trời mái nhà hay áp mái là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng. Điện mặt trời trên đất nông nghiệp có được gọi là điện áp mái và thế nào là mái của công trình xây dựng thì ngay cả các cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng, chưa có quy định điều chỉnh cụ thể.
Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh cũng ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của hệ thống hòa lưới và truyền tải điện. Mỗi dự án điện năng lượng mặt trời chỉ mất 1 - 2 năm để triển khai, nhưng lưới truyền tải để đáp ứng được sẽ phải xây dựng từ 3 - 4 năm. Với hiện trạng phát triển quá nhanh, hệ thống điện rất dễ gặp phải các vấn đề về đường dây, máy biến áp liên tục bị vi phạm giới hạn vận hành, gây bất ổn hệ thống và nguy hiểm cho thiết bị và người sử dụng.
Ngoài ra, để sản xuất được những vật tư phục vụ cho việc khai thác năng lượng mặt trời cũng tiêu tốn không ít tài nguyên và quá trình sản xuất cũng tác động không nhỏ đến môi trường. Khai thác năng lượng mặt trời là một vấn đề còn tương đối mới mẻ ở nước ta, nên vẫn đang trong giai đoạn lắp đặt mới và vận hành.
Nguy hại từ những tấm pin năng lượng mặt trời
Trước nguy cơ thiếu điện trong những năm tới do các nguồn năng lượng hóa thạch, tài nguyên nước hiện ngày càng cạn kiệt, hoặc bởi những lý do khác như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, người ta hay đề cập đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các tấm năng lượng mặt trời sử dụng kim loại nặng, bao gồm chì, crom (Chromium) và cadimi (Cadmium) là những thứ rất có nguy cơ gây hại tới môi trường. Những rủi ro của chất thải hạt nhân là không phải bàn cãi và hoàn toàn có thể được chuẩn bị trước, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có phương pháp nào để giảm thiểu những vấn đề về chất thải độc của pin mặt trời. Các nhà khoa học đã phân tích, các dung dịch axit HF để tẩy rửa bề mặt tấm pin năng lượng mặt trời là một chất độc khi tiếp xúc với người không mang trang bị bảo hộ, nó có thể phá hủy các mô và làm giảm canxi trong xương. Đặc biệt, nguyên liệu để chế tạo pin năng lượng mặt trời là thạch anh (silica SiO2 silicon), thạch anh được nhiệt luyện để tinh chế thành silicon nguyên chất (bước phát thải ra lượng khí CO2 và SO2), sau đó được tinh luyện tiếp với hóa chất, nhằm tạo ra những khối silicon đa tinh thể và hợp chất thải SiC14 vô cùng độc hại. Nếu thải ra môi trường sẽ gây nguy cơ oxy hóa đất đai, nguồn nước.
Theo Tổng cục môi trường, những tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.
Được biết, ngày 01/6/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 1841/QĐ-UBND quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I tại xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng MT Việt Nam. Dự án này có công suất thiết kế 160MW, quy mô 192ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.824 tỉ đồng, dự kiến khởi công xây dựng từ Quý 3/2022, hoàn thành, đi vào hoạt động vào Quý 2/2023. Theo tìm hiểu, Công ty MT Việt Nam vừa mới được thành lập giữa tháng 12/2020, chỉ vỏn vẹn 6 tháng trước khi được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư. Trụ sở chính tại phường Đông Hưng, TP. Thanh Hóa, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Chu Thái Dương. |
PV