/ Luật sư - Bạn đọc
/ Ô tô bị triệu hồi: Dấu hỏi về trách nhiệm của các nhà sản xuất với người dùng

Ô tô bị triệu hồi: Dấu hỏi về trách nhiệm của các nhà sản xuất với người dùng

05/01/2021 18:03 |

(LSO) - Thực tế, việc ô-tô hay xe máy phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất là khó tránh khỏi. Quan trọng là trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc khắc phục triệt để những lỗi kỹ thuật này nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng mới là điều đáng bàn. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, dường như đây còn là “việc khó” đối với nhiều nhà sản xuất ô-tô, xe máy.

Doanh nghiệp phải chịu mọi chi phí trong việc triệu hồi ô tô lỗi

Ảnh minh họa.

Theo Thông tư 25 có hiệu lực từ ngày 25/8/2019, nếu phát hiện các sản phẩm đã cung cấp ra thị trường có khuyết tật thuộc diện thu hồi (vi phạm quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…) thì doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải chủ động triệu hồi và chịu mọi chi phí liên quan đến việc triệu hồi.

Đồng thời, phải tạm dừng xuất xưởng đối với các sản phẩm thuộc kiểu loại sản phẩm có khuyết tật và công bố công khai kế hoạch triệu hồi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện ra sản phẩm có khuyết tật, phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng việc cung cấp sản phẩm có khuyết tật ra thị trường.

Song song với đó, không quá 14 ngày, kể từ ngày xác định các sản phẩm có khuyết tật thuộc diện triệu hồi, phải báo cáo cơ quan quản lý chất lượng về nguyên nhân xảy ra khuyết tật, biện pháp khắc phục, số lượng sản phẩm triệu hồi và kế hoạch triệu hồi phù hợp.

Sau thời gian không quá 30 ngày, kể từ khi kết thúc việc triệu hồi, phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện triệu hồi tới cơ quan quản lý chất lượng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể phải thực hiện triệu hồi sản phẩm lỗi theo yêu cầu của cơ quan quản lý chất lượng.

Thực tế vấn đề triệu hồi xe ở Việt Nam

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, khách hàng liên tục phải chứng kiến nhiều đợt triệu hồi ô-tô lớn, có những lần số lượng lên đến hàng trăm nghìn chiếc với những mẫu xe nổi danh. Trong năm 2019, có tới gần 100.000 xe ô tô tại Việt Nam bị triệu hồi khiến không ít hãng xe mệt mỏi, trong đó dẫn đầu là những mẫu xe bán chạy như Ford Ranger, Mitsubishi Xpander… 

Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2019 tại thị trường Việt Nam đã có hơn 300.000 ô tô bán ra. Bên cạnh đó các nhà sản xuất, phân phối đa triển khai lên đến 35 đợt triệu hồi ô tô để khắc phục các lỗi phát sinh. Và có đến gần 100.000 chiếc ô tô “lãnh án” triệu hồi tại Việt Nam trong năm. Ngay cả hãng xe sang như Mercedes-Benz cũng có nhiều đợt triệu hồi xe với số lượng cả nghìn chiếc do vấn đề lỗi kỹ thuật,... Thế nên, về cơ bản, bất cứ sản phẩm nào được sản xuất hàng loạt cho người tiêu dùng đang sử dụng đều có thể được triệu hồi nhằm sửa chữa, thay thế hay khắc phục những lỗi kỹ thuật đã được phát hiện nhằm bảo đảm cho sản phẩm có chất lượng, độ an toàn cao nhất. 

Thực tế, việc ô-tô hay xe máy phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất là khó tránh khỏi. Quan trọng là trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc khắc phục triệt để những lỗi kỹ thuật này nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng mới là điều đáng bàn. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, dường như đây còn là “việc khó” đối với nhiều nhà sản xuất ô-tô, xe máy.

Cuối năm 2015, Honda Việt Nam đã công bố hơn 21 nghìn xe Civic và CR-V sản xuất tại Việt Nam từ năm 2006-2011 phải triệu hồi do lỗi túi khí. Trong khi đó, Suzuki Việt Nam lại xử lý xe lỗi chỉ sau khi có ý kiến phản ánh của nhiều khách hàng trong nước về hiện tượng lỗi phanh. Năm 2011, lỗi lệch áp suất dầu phanh trên van điều phối theo tải trọng và lỏng bu-lông bắt móc neo ghế sau trên hai dòng xe Innova và Fortune của hãng Toyota được chính một kỹ sư của Toyota Việt Nam phát hiện.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, lỗi lệch áp suất dầu phanh trên van điều phối theo tải trọng là lỗi chức năng nguy hiểm nhất, làm giảm hiệu quả phanh khi lái thẳng, đặc biệt gây mất lái trong trường hợp lái xe phanh gấp, dẫn đến xe có thể hoàn toàn lao đi theo quán tính và mất kiểm soát. Lỗi thứ hai thuộc loại lỗi S-point (lỗi nguy hiểm), gây lỏng chân ghế, tạo tiếng ồn khi xe chạy và nhất là có thể tuột ghế khỏi sàn xe trong trường hợp phanh gấp hoặc tai nạn. Theo phản ánh, có hơn 62 nghìn xe thuộc hai dòng xe nêu trên “dính lỗi”.

Trước vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản nêu rõ: Về các nội dung lỗi kỹ thuật cũng như số lượng xe thuộc diện bị ảnh hưởng, căn cứ vào tài liệu, hồ sơ chất lượng lưu trữ, Toyota Việt Nam đã xác định cụ thể các lỗi kỹ thuật và số xe thuộc diện bị ảnh hưởng tương ứng với từng lỗi. Về cơ bản, các lỗi kỹ thuật và số lượng xe thuộc diện bị ảnh hưởng do Toyota Việt Nam xác định phù hợp với nội dung phản ánh. Trên cơ sở xác định các lỗi kỹ thuật tương ứng với từng loại xe, Toyota Việt Nam đã xây dựng quy trình khắc phục, đồng thời công bố và triển khai chương trình triệu hồi cho tất cả các xe thuộc diện bị ảnh hưởng...

Thực tế, không chỉ có Toyota, nhiều hãng sản xuất ô-tô, xe máy tại Việt Nam cũng rất “lười”, hoặc chỉ làm qua quýt trong việc triệu hồi, khắc phục lỗi kỹ thuật xe. Đơn cử, vào giữa năm 2016, chỉ khi các cơ quan quản lý nhà nước “vào cuộc”, hãng VinaMazda mới chịu ngừng “đôi co” với khách hàng, tiến hành kế hoạch triệu hồi hàng chục nghìn xe Mazda 2, Mazda 3 bị lỗi sáng đèn báo kiểm tra động cơ. Anh Tuấn (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) thắc mắc: Qua báo chí, tôi thỉnh thoảng vẫn thấy thông tin tại nước ngoài có hãng này, hãng kia triệu hồi xe, nhưng với những dòng xe tương tự tại Việt Nam lại “án binh bất động”. Phải chăng, do xe sản xuất, lắp ráp tại thị trường Việt Nam đạt chất lượng "quá tốt" cho nên ít lỗi hơn xe nước ngoài? Hay các hãng xe coi Việt Nam chỉ là thị trường nhỏ, vì thế không coi trọng như các thị trường khác?

Anh Hiếu, một người khá hiểu biết về ô-tô cho rằng: Việc triệu hồi và khắc phục sự cố sẽ gây tốn kém rất lớn cho các hãng xe. Vì vậy, để các hãng xe tự giác công bố chiến dịch triệu hồi là rất khó, chỉ khi bị nhiều người tiêu dùng phát hiện, các hãng mới tiến hành. Trong vấn đề này, phải có sự vào cuộc và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Việc tiến hành triệu hồi xe lỗi là trách nhiệm của nhà sản xuất và về nguyên tắc, nhà sản xuất phải liên hệ thông báo tới từng khách hàng để mời họ mang xe tới kiểm tra. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc thông báo gặp khó khăn do chủ xe đã chuyển nhượng xe. Trước đây, việc tiến hành triệu hồi xe lỗi ở trong nước thường chậm hơn các công ty mẹ trên thế giới, thậm chí có trường hợp nhà sản xuất xe trong nước “lờ” đi hoặc triệu hồi âm thầm vì sợ ảnh hưởng danh tiếng. Gần đây, các hãng xe tại Việt Nam đã bớt “ngại” với vấn đề triệu hồi và có động thái rõ rệt hơn để xử lý sự cố. Ở một góc độ khác, khá nhiều khách hàng Việt Nam vẫn có tâm lý chủ quan với các nguy cơ trục trặc kỹ thuật và rất ít người đem xe tới kiểm tra sau khi có thông tin triệu hồi.

Theo kiến nghị của một số chuyên gia, nhằm đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất, giúp các chiến dịch triệu hồi, kiểm tra ô-tô, xe máy đi vào thực chất, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt công tác quản lý chất lượng sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng. Với vấn đề lỗi kỹ thuật của các hãng xe, cần có yêu cầu bắt buộc thực hiện việc triệu hồi khi phát hiện lỗi do nhà sản xuất; đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình này và thông tin cụ thể trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các biện pháp như không cho đăng kiểm đối với các lỗi đã phát hiện, từ đó nâng cao ý thức của chính người sử dụng phương tiện, chủ động đem xe vào hãng để khắc phục.

Khi người dân nắm rõ các thông tin cần thiết để đánh giá chính xác về chất lượng dịch vụ các hãng xe mang lại và cân nhắc nhu cầu tiêu dùng, chắc chắn các hãng xe cũng sẽ tự ý thức tốt hơn về trách nhiệm của mình đối với khách hàng. Còn những hãng xe vẫn duy trì cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, dù trong quá khứ có được thương hiệu tốt đến đâu cũng sẽ mất dần hình ảnh trong mắt người tiêu dùng.

/hang-loat-xe-loi-cua-hang-ford-bi-trieu-hoi-chuyen-vet-xe-do-o-viet-nam.html

Hoàng Long - Phan Bình(th)