Phá hoại tài sản của người khác bị xử lý thế nào?

26/08/2022 08:02 | 1 năm trước

(LSVN) - Pháp luật quy định thế nào về tội "Phá hoại tài sản của người khác", hành vi "Phá hoại tài sản của người khác" sẽ bị xử lý thế nào?

Ảnh minh họa.

Phá hoại tài sản là gì?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, phá hoại tài sản là hành vi cố ý làm cho tài sản của người khác bị hư hại, giảm giả trị hoặc mất giá trị sử dụng hoặc khó có khả năng khôi phục lại. Hành vi này được thể hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như:

- Đập phá đồ đạc;

- Đốt cháy đồ;

- Cố tình để mặc tài sản của người khác bị hư hỏng…

Tùy thuộc vào mức độ hành vi và hậu quả để lại, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự về tội "Phá hoại, hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác" theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, tại Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi "Phá hoại tài sản".

Mặc khác, trường hợp tài sản bị hủy hoại dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì người có hành vi vi phạm cũng có thể bị xử lý hình sự về tội này.

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Tài sản là cổ vật, di vật.

Mức phạt tội "Phá hoại tài sản người khác" thế nào?

Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định cụ thể về các khung hình phạt chính đối với Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hòng tài sản người khác như sau:

Khung hình phạt

Hành vi

Mức phạt

Khung 01

- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 02 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định.

- Phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

Khung 02

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Có tổ chức;

- Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 - 200 triệu đồng;

- Tài sản là bảo vật quốc gia;

- Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Để che giấu tội phạm khác;

- Vì lý do công vụ của người bị hại;

- Tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tù từ 02 - 07 năm

Khung 03

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 - 500 triệu đồng

- Phạt tù từ 05 - 10 năm

Khung 04

- Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

- Phạt tù từ 10 - 20 năm

Ngoài mức phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức khác có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm.

Trách nhiệm bồi thường dân sự khi hủy hoại tài sản người khác thế nào?

Căn cứ Điều 589, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm như sau:

- Đền bù lại tài sản cùng loại với tài sản đã bị làm hủy hoại hoặc hư hỏng.

- Đền bù phần lợi ích chính đáng gắn với việc sử dụng, khai thác bị mất hoặc bị giảm sút khi tài sản bị hủy hoại, hỏng hóc.

- Đền bù chi phi mà ben bị hại phải bỏ ra để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, chẳng hạn như chi phí để dập lửa khi bị cháy rừng, rồi chi phí để trồng lại số cây trên rừng đã bị cháy đó.

- Các chi phí đền bù với những thiệt hại thực tế khác.

Như vậy, người có hành vi phá hoại tài sản người khác ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự còn chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại đối với tài sản mà mình phá hủy.

HOÀNG QUÝ

Thế nào là vi phạm dân sự?