Ảnh minh họa.
Khái quát chung về hoạt động cho vay trực tuyến tại các công ty tài chính
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ cùng với nhu cầu tài chính của các cá nhân, tổ chức ngày càng đa dạng khiến cho hoạt động cho vay qua các ứng dụng công nghệ (cho vay trực tuyến) đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng của tương lai. Ứng dụng cho vay trực tuyến thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, bên vay không cần có tài sản bảo đảm và bên cho vay thì dựa vào uy tín của bên vay thông qua thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (smart phone)(1).
Đặc điểm của hình thức cho vay trực tuyến là thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng và điều kiện cho vay khá dễ dàng. Bên cạnh đó, việc cho VTT thường là vay tín chấp không có bảo đảm bằng tài sản nên bên cho vay sẽ có rủi ro lớn nếu bên vay không trả đúng hẹn và đủ số tiền vay. Do đó, hình thức này thường áp dụng cho các khoản vay nhỏ của người tiêu dùng là cá nhân, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục đích tiêu dùng như để mua xe, đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao và chi phí sửa chữa nhà ở...
Thị trường cho vay tiêu dùng được thực hiện bởi các công ty tài chính (CTTC), ví dụ như Công ty tài chính FE CREDIT (công ty con của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank); Công ty tài chính TNHH HD SAISON (công ty con của Ngân hàng HD Bank); Công ty tài chính TNHH MTV MB (Mcredit) (công ty con của Ngân hàng TMCP Quân đội - MB Bank)... Người tiêu dùng vay trực tuyến hiện nay chủ yếu là các cá nhân. Các CTTC thường tập trung cho vay tại phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, khó hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng, không cần bảo đảm, cần vay tiền nhanh chóng để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt (vay phục vụ nhu cầu đời sống) nên vay trực tuyến với thủ tục xét duyệt đơn giản là một sự lựa chọn tối ưu. Tùy theo chính sách của mỗi công ty tài chính mà người tiêu dùng sẽ phải đáp ứng các điều kiện về tuổi, thu nhập, thời gian trả nợ... Nhìn chung, đa phần người tiêu dùng vay trực tuyến không có kiến thức về tài chính, do đó khi họ xác lập các giao dịch có tính chất phức tạp thông qua những ứng dụng công nghệ thì chắc chắn sẽ ở vị thế bất lợi hơn so với các công ty tài chính. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng sử dụng dịch vụ vay trực tuyến tại các CTTC là hết sức cần thiết.
Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ vay trực tuyến tại các công ty tài chính
Trong lĩnh vực ngân hàng, pháp luật đã có những quy định riêng về bảo vệ NTD khi vay tại các tổ chức tín dụng (cho dù đó là vay truyền thống hay vay trực tuyến). Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, được sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về bảo vệ quyền lợi khách hàng(2). Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2018/NĐ- CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Nghị định 117/2018/NĐ-CP). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các Thông tư: số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39/2016/TT-NHNN); số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (Thông tư 43/2016/TT- NHNN); số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/ TT-NHNN (Thông tư 18/2019/TT- NHNN) với những vấn đề sau đây:
Về thu thập thông tin NTD vay trực tuyến của các công ty tài chính
Thông tin NTD là một khái niệm rộng, nội dung cụ thể phụ thuộc vào từng quan hệ mà NTD tham gia. Pháp luật ngân hàng quy định: Thông tin NTD chính là thông tin do khách hàng cung cấp, thông tin phát sinh trong quá trình khách hàng đề nghị hoặc được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng các nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ trong hoạt động được phép, bao gồm thông tin định danh khách hàng và các thông tin sau: thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tin có liên quan khác.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin NTD trong quá trình cung cấp, quản lý, sử dụng, lưu trữ thông tin. Quy định này được ghi nhận tại Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi sung năm 2017, trên cơ sở đó Điều 4 và khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm “bảo đảm an toàn, bí mật thông tin khách hàng trong quá trình cung cấp, quản lý, sử dụng, lưu trữ thông tin khách hàng”. Đây là một nghĩa vụ quan trọng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích, quyền tự do riêng tư của khách hàng.
Thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước sẽ nắm giữ rất nhiều thông tin của khách hàng như nghề nghiệp, tuổi tác, thu nhập, tình trạng hôn nhân, thói quen tiêu dùng... và những thông tin khác như phương án sản xuất kinh doanh, doanh số hoạt động, mối quan hệ kinh doanh với đối tác, kết quả kinh doanh của khách hàng, các dữ liệu, số liệu có giá trị khác và các thông tin về bí mật kinh doanh. Đây là những thông tin rất quan trọng, nhạy cảm và là vũ khí lợi hại để đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh khai thác(3). Do đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin NTD là điều tất yếu, dưới phương diện là bên cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Khách hàng để được vay tại các công ty tài chính phải cung cấp các tài liệu và chịu trách nhiệm về tính trung thực của tài liệu(4). Khi cho vay trực tuyến, việc yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin sẽ giúp các công ty tài chính có cơ sở xác định danh tính của khách hàng, kiểm tra họ có đáp ứng điều kiện để cho vay hay không cũng như đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng khi vay.
Với những quy định trên cho thấy, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định về giới hạn các loại thông tin mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu khách hàng cung cấp khi thực hiện cho vay truyền thống và cho vay trực tuyến. Thực tiễn hoạt động cho vay trực tuyến của các công ty tài chính cho thấy, nhiều ứng dụng yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, các tài khoản mạng xã hội, chụp ảnh nhận diện... để phục vụ cho việc thu hồi nợ về sau. Bên vay chỉ biết cung cấp các thông tin, các loại giấy tờ theo yêu cầu của công ty tài chính mà không được thông báo rõ ràng mục đích thu thập thông tin, không thể biết chắc chắn thông tin của họ cung cấp có được sử dụng đúng mục đích hay không. Trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, NTD không được thông báo là các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ (nếu có) phát sinh về sau. NTD được thông báo là việc thu thập số điện thoại của người thân nhằm mục đích xác minh khoản vay. Tuy nhiên, thực tế thì nhân viên thu hồi nợ thường xuyên và liên tục liên hệ với người thân để tác động kèm theo đe dọa và quấy nhiễu nhằm thu hồi nợ của khách hàng(5).
Về định danh NTD vay trực tuyến
Thủ tục đơn giản, tiện lợi và nhanh chóng là một trong những ưu điểm của hoạt động cho vay trực tuyến của các CTTC. Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mạo danh, làm giả hồ sơ vay(6). Thực trạng này không chỉ làm tăng nợ xấu, mất khả năng thu hồi nợ cho các CTTC mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến những khách hàng bị giả mạo danh tính. Không ít người bỗng dưng trở thành con nợ của các CTTC mặc dù trước đó họ chưa từng liên hệ hay giao dịch với những CTTC này. Nguyên nhân do họ bị mất giấy tờ tùy thân hay để lộ các thông tin cá nhân khi thực hiện các giao dịch như số điện thoại, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy tờ lái xe... đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để đăng ký vay qua các ứng dụng trực tuyến.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì bên vay phải sử dụng vốn vay đúng mục đích được ghi trong hợp đồng tín dụng. Về quyền và nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền vay và trả nợ của khách hàng được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: Tổ chức tín dụng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn. Với quy định này, tổ chức tín dụng có trách nhiệm phải kiểm tra quá trình sử dụng vốn và hoàn trả vốn của NTD nhằm nâng cao chất lượng quản trị các khoản tín dụng. Còn khách hàng vay cũng buộc phải chịu sự kiểm tra, giám sát từ bên cho vay nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng tiến hành các biện pháp quản trị tín dụng hiệu quả. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng, không ít trường hợp bên vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích so với cam kết, vi phạm hợp đồng vay. Bên cho vay cũng không làm tốt công tác kiểm tra nên nhiều trường hợp sai phạm kéo dài, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Với thủ tục vô cùng đơn giản khi cho VTT thì các CTTC cũng khó có thể nhận diện người đăng ký vay qua các ứng dụng có đúng là chủ nhân giấy tờ tùy thân được cung cấp khi đăng ký vay hay không, trong khi các thủ đoạn làm giả giấy tờ thì ngày càng tinh vi, thậm chí là trộm cắp và sử dụng giấy tờ thật để đi vay, dễ dàng vượt qua các bước kiểm soát của các CTTC.
Về hợp đồng cho vay trực tuyến
Theo quy định của Thông tư 43/2016/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT- NHNN thì hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó phải bảo đảm các nội dung do pháp luật quy định. Đồng thời, CTTC phải cung cấp dự thảo hợp đồng mẫu cho khách hàng và giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng(7). Nếu CTTC sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC; Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin(8), Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 cũng quy định: Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho NTD truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu(9).
Hoạt động cho vay trực tuyến của các CTTC hiện nay chủ yếu được thực hiện thông qua các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Thông thường, hợp đồng cho vay sẽ do CTTC soạn thảo và đưa lên website, khi NTD truy cập có nút “đồng ý” hoặc “không đồng ý” để NTD lựa chọn, xác nhận sự đồng ý với các điều khoản của hợp đồng mà gần như không nắm các điều khoản trong hợp đồng, từ đó không biết chính xác về nghĩa vụ của mình dẫn tới thực hiện sai hợp đồng dẫn tới bị phạt.Theo quan điểm của tác giả, các quy định về hợp đồng hiện nay chỉ phù hợp với những giao dịch truyền thống mà chưa thực sự phù hợp với giao dịch trực tuyến. Với đặc điểm vay trực tuyến là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, rất khó để yêu cầu NTD phải đọc và hiểu hết các nội dung của hợp đồng, chưa kể các hợp đồng tài chính thường rất phức tạp với nhiều điều khoản và thuật ngữ chuyên môn rất khó hiểu. Do đó, pháp luật cần quy định hợp đồng mẫu cho những loại giao dịch này và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các loại hợp đồng này.
Về quản lý các ứng dụng cho vay trực tuyến
Theo quy định, các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được thực hiện các hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động cho vay(10). Do đó, hoạt động cho vay trực tuyến được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân không phải là các tổ chức tín dụng được xem là trái pháp luật. Trong thời gian qua, không ít các doanh nghiệp mạo danh CTTC để cho vay, thậm chí có đối tượng là người nước ngoài đã cấu kết với số đối tượng trong nước thành lập các công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng di động nhằm thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội(11). Khi gõ cụm từ “vay tiền trực tuyến”, “vay tiền online” trên các kho ứng dụng (App Store và Google Play) xuất hiện rất nhiều ứng dụng cho vay. Dẫn tới, người có nhu cầu vay vốn thực sự rất khó xác minh đâu là ứng dụng cho vay hợp pháp được cung cấp bởi các CTTC, đâu là ứng dụng cho vay phi pháp được cung cấp bởi chủ thể khác.
Việc nhận diện các ứng dụng cho vay trực tuyến được thực hiện bởi các CTTC là rất quan trọng. Bởi lẽ, hoạt động cho vay của các CTTC phải thực hiện theo quy định pháp luật ngân hàng, được quản lý giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. NTD khi vay trực tuyến sẽ được Nhà nước bảo vệ thông tin cá nhân, lãi suất, phương thức thu hồi nợ... Ngược lại, nếu NTD vay tiền của các ứng dụng phi pháp thì sẽ gặp nhiều rủi ro như phải chịu lãi suất cao, bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen... từ đó làm mất lòng tin ở NTD, làm cho họ có cái nhìn “ác cảm” đối với các ứng dụng cho vay, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các CTTC hoạt động hợp pháp.
Giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ vay trực tuyến
Trong bối cảnh chuyển đổi số kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng đang được đẩy mạnh thì những bất cập trong quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD sử dụng dịch vụ vay trực tuyến tại các CTTC nêu trên có thể trở thành rào cản cho quá trình phát triển dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Để khắc phục tình trạng này, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần bổ sung thêm các quy định kiểm soát hoạt động thu thập thông tin “đầu vào” khi NTD tham gia vào hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng trong Nghị định 117/2018/NĐ-CP và văn bản liên quan khác như làm thủ tục gửi tiết kiệm, thủ tục vay, thủ tục cung ứng dịch vụ thanh toán..., đặc biệt là thông qua vay trực tuyến, trong đó quy định giới hạn chi tiết mục đích thu thập thông tin của NTD; làm rõ những loại thông tin mà các tổ chức tín dụng được phép hoặc không được phép yêu cầu NTD cung cấp nếu như không liên quan trực tiếp đến giao dịch, tránh việc “thả nổi” để các tổ chức tín dụng thu thập thông tin, ép NTD phải cung cấp nhưng thông tin không cần thiết. Ngoài ra, pháp luật nên bổ sung quy định về quyền NTD trong việc yêu cầu tổ chức tín dụng giải thích mục đích của việc thu thập thông tin, có quyền từ chối cung cấp thông tin khi cảm thấy những thông tin của bản thân có khả năng bị sử dụng sai mục đích.
Thứ hai, cần có các quy định hướng dẫn về trách nhiệm và quy trình nhận diện khách hàng vay của các CTTC, đặc biệt khi cho vay trực tuyến, tương tự như khi mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Đồng thời, cần quy định thêm chế tài cũng như trách nhiệm khắc phục hậu quả của các CTTC cho người bị giả mạo sau khi phát hiện ra sự việc.
Thứ ba, cần quy định mẫu hợp đồng chung cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng, buộc các tổ chức tín dụng phải đăng ký hợp đồng mẫu trước khi đưa vào sử dụng hoạt động cho vay tiêu dùng. Theo đó, các quy định pháp luật về hợp đồng cho vay tiêu dùng nên xem xét sửa đổi, bổ sung đó là: Bổ sung hợp đồng cho vay tiêu dùng vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu được quy định tại Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg ngày 15/9/2018. Đồng thời tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước về hoạt động cho vay trực tuyến tại các CTTC.
Thứ tư, cần ban hành khung pháp lý quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông... trong việc quản lý lĩnh vực cho vay trực tuyến. Qua đó, có cơ chế kiểm soát hoạt động cho vay của các chủ thể không phải là tổ chức tín dụng. Bên cạnh việc công khai danh sách các CTTC cho vay trực tuyến hiện nay, các cơ quan chức năng cũng cần công khai danh sách các ứng dụng cho vay hợp pháp để NTD biết và lựa chọn sử dụng. Đồng thời, phải có đội ngũ thường xuyên rà soát các ứng dụng cho vay tồn tại trên các kho ứng dụng để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm và xóa bỏ các ứng dụng hoạt động phi pháp.
Kết luận
Hoạt động tín dụng cho vay trực tuyến của các CTTC là xu hướng phát triển tất yếu ngày nay. Thông qua hình thức này sẽ mang nhiều lợi ích cho CTTC và NTD. Pháp luật hiện hành đã có những quy định kiểm soát hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng của các CTTC nói riêng nhưng chưa có các quy định đặc thù nhằm điều chỉnh hoạt động cho vay thông qua các ứng dụng công nghệ. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm làm rõ các điều kiện và phương thức cho vay trực tuyến. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế để bảo vệ quyền lợi NTD sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tại các CTTC ở Việt Nam.
(1) https://bocongan.gov.vn/hoidap/Pages/hoidap.aspx?ItemID=2560, truy cập ngày 10/4/2023. (2) Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. (3) Nguyễn Thị Kim Thoa, Bàn về pháp luật bảo mật thông tin khách hàng trong hoạt động ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng số 20/2019. (4) Điều 9, Điều 16 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. (5) https://thuonghieucongluan.com.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-trong-cac-giao-dich-tin-dung-tieu-dung-a25311. html, ngày 12/4/2023. (6) Theo Bản án số 61/2021/HS-PT ngày 19/01/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Lê Trí D vì có ý định vay tiền để chiếm đoạt tài sản nhằm tiêu xài riêng, đã thực hiện hành vi gian dối, dùng chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe của Nguyễn Văn Đ, cung cấp địa chỉ không đúng thực tế để vay của Công ty tài chính TNHH một thành viên HC số tiền 7.407.000 đồng. Mục đích bị cáo vay tiền là mua điện thoại trả góp nhưng dùng tên, giấy tờ tùy thân của Nguyễn Văn Đ và cung cấp địa chỉ không đúng nhằm làm cho bị hại không thể thu hồi nợ, sau khi vay tiền để mua điện thoại, bị cáo lại bán điện thoại để chiếm đoạt số tiền vay. (7) Khoản 14 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN. (8) Khoản 5 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN. (9) Khoản 2 Điều 20 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. (10) Khoản 2 Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. (11) https://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/cong-an-tphcm-tang-cuong-xu-ly-hoat-dong-cho-vay-qua-app-giua-dich- covid-19_117983.html, truy cập ngày 15/4/2023. |
Thạc sĩ TRẦN THẾ HỆ
Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế
Thạc sĩ NGUYỄN THỊ LIÊN
Trường Cao đẳng Y tế Huế
Xây dựng pháp luật bảo đảm sự lãnh đạo của đảng trong việc thực hiện quyền tư pháp