/ Kinh tế - Pháp luật
/ Phạm vi sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Phạm vi sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản

05/05/2023 20:01 |

(LSVN) – Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trong đó, Bộ đề xuất cụ thể về phạm vi sửa đổi một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ảnh minh họa.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định:

- Về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp;

- Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù;

- Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo Bộ Tư pháp, Luật Đấu giá tài sản quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản được ban hành đến nay, đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, cơ bản đảm đương được nhiệm vụ được giao. Số lượng đấu giá viên của cả nước đã phát triển lên đến hơn 1.200 người, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 58 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (theo số liệu thống kê thì từ tháng 07/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng).

Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến). Việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng tăng cường cả ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề cũng như kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề đấu giá và đội ngũ đấu giá viên ngày càng được nâng cao, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Pháp luật về đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan; việc áp dụng một số quy định chung của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập; hất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc;...

Trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.

THU HƯƠNG

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định mới

Bùi Thị Thanh Loan