Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra vụ án hình sự nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy nã và có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án để chờ kết quả truy nã bị can.
Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: "Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra".
Ngoài ra một số các trường hợp như: Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả thì cơ quan điều tra cũng có thể tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả xác minh.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về việc xét xử vắng mặt đối với bị can đang bị truy nã. Cụ thể, khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
"a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử".
"Như vậy, Tòa án có thể xét xử đối với bị cáo trong trường hợp bị cáo đang bị truy nã. Tuy nhiên để xét xử bị cáo đang bị truy nã thì trước đó Viện Kiểm sát phải có cáo trạng để truy tố, đề nghị xét xử đối với bị can đó, có thể sau khi truy tố thì bị can bỏ trốn nên bị truy nã và vẫn xét xử. Còn trường hợp nếu Viện Kiểm sát không truy tố đối với bị can thì không có căn cứ để Tòa án xét xử đối với bị can đó", Luật sư Cường phân tích.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Viện Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án hình sự trong trường hợp sau đây: "Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;...".
Như vậy, khi bị can bỏ trốn, không biết ở đâu thì cơ quan tố tụng phải truy nã và tạm đình chỉ. Việc truy tố bị can chỉ có thể diễn ra khi bị can bị bắt truy nã hoặc đầu thú trước khi Viện Kiểm sát ban hành cáo trạng.
Theo quy định của pháp luật, khi bị can đang bị truy nã thì bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ. Nếu ai phát hiện bị can đang bị truy nã mà che giấu, không tố giác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Che giấu tội phạm" hoặc tội "Không tố giác tội phạm" theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đã bị phát hiện hoặc trường hợp bị can đang bị truy nã mà trình diện với cơ quan chức năng thì có để được xem xét là tình tiết "đầu thú". Đây là tình tiết có thể xem xét quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự, cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
TIẾN HƯNG