Pháp luật và hoạt động xét xử hình sự dưới thời phong kiến
Lịch sử phát triển của đất nước ta trải qua hàng nghìn năm với nhiều biến cố, trong đó có những thời kỳ bị đô hộ và chịu sự tàn phá, ảnh hưởng của ngoại bang, nhưng “nền cổ luật Việt Nam luôn luôn chứng minh rằng nước ta có một nền văn minh pháp lý đặc thù”[1].
Theo GS Vũ Văn Mẫu đề cập ở Cổ luật Việt Nam thông khảo và tư pháp sử, vào năm Minh Đạo nguyên niên (1042), vua Lý Thái Tông có ban bố một bộ Hình thư. Dẫu vậy, có giả thuyết cho rằng, trước Hình thư, ở xã hội nước ta đã có thể có luật thành văn. Bởi, ở thời Tiền Lê, sử cũ ghi lại việc vua Lê Đại Hành “định luật lệ”; thời Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng đã biết đặt vạc dầu, nuôi hổ dữ làm hình phạt để lấy uy chế ngự thiên hạ; thời Ngô, Ngô Vương Quyền đã coi trọng việc “chế định triều nghi”,... và từ trước đó, sách Hậu Hán Thư ghi nhận “luật của người Việt, so sánh với luật Hán hơn mười điều” ở những năm đầu Công nguyên[2]. Tiếp đó, theo Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú (Văn tịch chí, quyển XIII), vào tháng ba niên hiệu Kiến Trung thứ 6 (1230), vua Trần Thái Tông (1255-1258) cho khảo định lại những lệ của các triều vua trước, sửa đổi hình luật lễ nghi, soạn thành Quốc triều thông chế (còn gọi là Triều đình thông chế hoặc Quốc triều hình luật) gồm 20 quyển. Bên cạnh đó, theo Lê Quý Đôn, đầu niên hiệu Thiệu Phong (1341) vua Trần Dụ Tông (1341-1369) sai Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn biên định quyển “Hoàng triều đại điển” và khảo soạn quyển “Hình thư”.
Dưới triều Lê (1428-1788), nền pháp luật Việt Nam đã có những chuyển biến khi Lê Thái Tổ (1428-1527) ngay sau khi lên ngôi đã đặt ra luật lệ mới để xử kiện và sau đó vua Lê Thái Tông (1434-1442) giao Nguyễn Trãi san định bộ Luật thư gồm 6 quyển. Đặc biệt, dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) ra đời đã được “các đời sau vẫn theo bộ luật ấy. Tuy có vài sự sửa đổi nhỏ trong lời văn hay trong cách sắp đặt loại mục theo thời kỳ, song các điều khoản căn bản vẫn không thay đổi. Bộ luật ấy đã trở thành quy củ để cai trị trong nước và cải thiện lòng người”[3]. Về hình luật, sau này còn có bộ Hoàng Việt Hình luật (1933), Tố tụng tu chính của Trung Kỳ (1935) và Hình luật Nam Kỳ Canh cải (1912) - các bộ luật này được áp dụng trong địa hạt quản lý của triều đình nhà Nguyễn và được kế thừa cho đến một số năm về sau
Điều đáng nói ở đây là, cùng với các bộ luật, trong đó chủ yếu quy định về hình sự, dưới các triều đại phong kiến Việt Nam còn xuất hiện các phép tắc, luật lệ về hoạt động tố tụng và được đánh giá là có sự thể hiện tính nhân văn, công bằng hơn so với pháp luật các triều đại Trung Quốc. Thời Lý, theo Việt sử tiêu án thì Lý Anh Tông trị vì năm Mậu Dần (1158), “Vua cho đặt các hộp bằng đồng ở sân điện, cho người nào có việc gì thì bỏ thư vào trong”. Còn theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, trước đó vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1052) vua Lý Thái Tông đã lệnh cho “đúc chuông lớn để ở sân rồng điện Thiên An, cho dân hễ ai có điều gì oan ức không thông đạt được lên trên thì đánh chuông để thấu đến nhà vua”. Chuông này đặt ngay ở Long Trì (thềm rồng). Với việc ban hành “Quốc triều khám tụng điều lệ” (Quốc triều tứ tụng điều lệ) vào năm 1777 dưới triều Lê gồm 31 chương, luật pháp về tố tụng đã trở nên quy củ, độc đáo. Bộ luật ra đời có mục đích là để ngăn chặn việc áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, thiếu công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong quá trình tố tụng. Tất cả các giai đoạn từ nộp đơn kiện, đơn tố cáo, bước khám nghiệm hiện trường, xét xử, thi hành án, cho đến quy định về thời hiệu đều được thiết kế kèm theo những quy định nhằm ngăn chặn sự vi phạm từ phía các quan lại, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của con người. Sau này, dưới thời Nguyễn, sách Đại Nam thực lục cho hay, đời vua Minh Mạng vào năm Nhâm Thìn (1832) được đình thần đề xuất việc đặt một chiếc trống, gọi là trống đăng văn (tiếng trống đánh lên để thấu đến vua nghe) ở Tam pháp ty. Với việc đặt trống đăng văn, ai có việc oan khuất thì đánh lên, trình bày nỗi oan để được xét lại. Vua Minh Mạng sau đó chuẩn y và cho thực hiện.
Tinh thần nhân đạo, bước đầu quan tâm đến quyền con người trong xã hội phong kiến đã được thể hiện, như vào mùa đông năm 1055, vua Lý Thái Tông đã nói với các quan về nỗi thống khổ của các tù nhân bị nhốt trong ngục thất, rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù và cấp cho một ngày hai bữa cơm[4]. Thậm chí, dưới thời vua Lê Thái Tổ (1428-1433), luật hình quy định, các trường hợp “bát nghị” trước phải tâu xin nghị án, khi nào nghị xong lại phải tâu để vua xét lại; những người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống hay có phế tật mà phạm tội lưu trở xuống cũng được chuộc[5].
Nhìn chung, dưới các triều đại phong kiến ở Việt Nam, kể cả những giai đoạn bị các thế lực phương Bắc đô hộ, luật pháp chủ yếu quy định thuộc lĩnh vực hình sự. Hoạt động xét xử liên quan đến hình sự trải qua hàng nghìn năm chỉ tập trung vào hàng ngũ quan lại và vua chúa phong kiến. Tuy nhiên, với lịch sử và truyền thống văn hóa riêng nên quy định về hình luật cũng như hoạt động tố tụng hình sự nói chung của các triều đại phong kiến nước ta vẫn mang những đặc trưng riêng. Đó là tính nhân văn, công khai và thể hiện sự quan tâm nhất định đến quyền lợi chính đáng của người dân so với pháp luật của Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Thông qua các tài liệu còn được lưu giữ và truyền tụng, hoạt động xét xử các vụ án hình sự tại địa phương (làng xã) cho thấy, mặc dù pháp luật còn nặng nề về lễ giáo phong kiến và các tập tục cũ nhưng tính công khai, yếu tố cộng đồng vẫn được quan tâm, tôn trọng.
Đại diện nhân dân trong tố tụng hình sự dưới thời Pháp thuộc và trong chế độ Việt Nam cộng hòa
Sau khi quân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam vào năm 1858, chế độ thực dân từng bước thiết lập bộ máy chính quyền, tư pháp theo pháp luật của Pháp trên đất nước ta. Ngày 25/7/1864, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh về tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ với hai hệ thống song song tồn tại: hệ thống tòa Tây án chuyên xét xử người Pháp và hệ thống tòa Nam án chuyên xét xử người Việt và người cư trú tại Nam Kỳ do các quan cai trị - chủ tỉnh của thực dân phụ trách, xét xử. Ngày 17/6/1889, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp tại Nam Kỳ gồm 8 phần, 146 điều, trong đó quy định các vụ trọng án xảy ra ở Nam Kỳ được xét xử tại tòa đại hình Sài Gòn, Mỹ Tho và Vĩnh Long.
Ở giai đoạn này, hệ thống tư pháp thực dân quy định, tại tòa đại hình khi xét xử bị cáo người Âu có hai hội thẩm được chỉ định bằng hình thức rút thăm dựa trên danh sách 20 kỳ hào Pháp sống tại tiểu khu Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định; khi xét xử các bị cáo An Nam hoặc châu Á, hội thẩm viên phải là người bản xứ. Bên cạnh đó, việc hình thành hội thẩm được lập vào 2 tuần cuối cùng của tháng 12 hàng năm theo quy định tại Điều 32, Điều 33. Cụ thể: danh sách hội thẩm người Âu do một ủy ban gồm chánh sở địa phương hoặc Phó Toàn quyền, chánh án, chánh tòa sơ thẩm, 1 thành viên hội đồng thuộc địa và 1 thành viên hội đồng thành phố; danh sách hội thẩm viên bản xứ do chánh sở địa phương lập ra, theo đề nghị của biện lý xét xử. Sắc lệnh ngày 17/6/1889 cũng quy định, cùng với danh sách hội thẩm chính thức, còn có một danh sách bổ sung gồm 10 kỳ hào được lập trong cùng điều kiện trên cho mỗi loại bị cáo; trường hợp danh sách chính không đủ số kỳ hào quy định do chết, không đủ quyền hoặc vắng mặt tại thuộc địa, chánh án tòa đại hình sẽ thay thế danh sách đó bằng một quyết định bổ sung danh sách 20 kỳ hào theo thứ tự đăng ký. Mặt khác, văn bản này còn quy định, người được lựa chọn làm hội thẩm phải có đầy đủ quyền dân sự và chính trị, người giữ chức hội thẩm không được kiêm nhiệm chức uỷ viên Hội đồng tư mật, uỷ viên tư pháp, linh mục hay quân nhân đang quân dịch trong lực lượng lục quân và hải quân. Khi xét xử việc hình thì chánh án phòng tiểu hình ngồi ghế chánh án và có hai hội thẩm [6]. Trong khi đó, thành phần hội đồng xét xử của tòa đại hình bao gồm 06 thành viên (cố vấn tại tòa phúc thẩm giữ chức chánh án; một thẩm phán xét xử của tòa đại hình; một thẩm phán do chưởng lý chỉ định; hai hội thẩm; một lục sự), việc kết án có sự tham gia bỏ phiếu trực tiếp của các hội thẩm và kết quả phải đạt từ 3 phiếu trở lên [7].
Hoạt động tố tụng sau đó được sửa đổi, bổ sung theo Sắc lệnh ngày 16/02/1921 của Tổng thống Pháp. Trong đó, một số vấn đề liên quan đến vai trò đại diện của người dân tham gia xét xử án hình sự được điều chỉnh, như “hội thẩm” được gọi là “bồi thẩm”. Qua tìm hiểu cho thấy, chế định bồi thẩm giai đoạn này có nhiều điểm tương đồng với chế định bồi thẩm đoàn (jury) trong pháp luật Mỹ. Điều 18 Sắc lệnh ngày 16/02/1921 về “Bồi thẩm. Rút thăm bồi thẩm” quy định, ông chánh thẩm không được bỏ qua tên một vị bồi thẩm thiệt thọ vào bình rút thăm, nếu vị đó không ở trường hợp vắng mặt. Nếu có sự vắng mặt của bồi thẩm thiệt thọ, ông chánh thẩm sẽ làm án lệnh cho thay thế bởi bồi thẩm dự khuyết thứ tự trong bảng danh sách phụ và bồi thẩm viên phải tuyên thệ trước khi xét xử [8]. Bị cáo cũng có quyền cáo tỵ (từ chối) các phụ thẩm do nghi ngờ phụ thẩm đó không vô tư trong việc xét xử để tòa án cử phụ thẩm khác. Phụ thẩm chỉ có quyền tham gia việc định tội mà không có quyền tham gia vào việc quyết định vấn đề bồi thường về dân sự [9].
Thậm chí “Dụ số 4 ngày 18/10/1949, Bộ thẩm cứu Hình sự Pháp, biên soạn từ thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), vẫn còn được áp dụng trước các tòa án Nam phần và ảnh hưởng rất nhiều đến các luật lệ Trung - Bắc”. Hệ thống tòa án gồm tòa đệ nhất cấp (tòa sơ thẩm), tòa đệ nhị cấp, tòa đệ tam cấp. Tòa sơ thẩm chỉ xử tội vi cảnh, thường do tri phủ hoặc tri huyện, tri châu làm chánh án và có một lục sự giúp việc; tòa đệ nhị cấp đặt ở tỉnh do bố chánh hay án sát xử, ngoài ra còn có dự thẩm, lục sự, phụ thẩm giúp việc; tòa đệ tam cấp do chánh án người Pháp, ngồi ghế phụ thẩm là một thẩm phán người Pháp và một quan lại người Việt (Bắc Kỳ) hoặc ba phụ thẩm là quan lại người Việt (Trung Kỳ). Bên cạnh đó, hoạt động tố tụng hình sự trong thời kỳ này còn áp dụng theo Bộ luật Hình sự tố tụng Bắc kỳ được ban hành ngày 02/12/1921 gồm 13 chương với 211 điều và Bộ luật Hình sự tố tụng Trung kỳ được ban hành năm 1935 [10]. Những quy định về tố tụng hình sự này cơ bản sau đó vẫn được kế thừa trong thời kỳ đầu của chính quyền cách mạng theo Sắc lệnh số 03-SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa [11].
Đối với các tòa án Nam triều dưới thời Pháp thuộc không có ngạch thẩm phán riêng biệt với ngạch quan hành chính. Hoạt động tư pháp sau đó tuy có sự tách ra khỏi hành pháp nhưng mới ở mức độ hạn chế, các quan cai trị đứng đầu các địa phương vẫn kiêm chức năng chánh án.
Dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975), trong thời kỳ đầu, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự được áp dụng theo các quy định do triều đình Nguyễn ban hành và từ thời Pháp thuộc. Sau đó, dần được thống nhất thành các bộ luật áp dụng ở miền Nam năm 1972 với tên Bộ Hình luật Việt Nam và Bộ hình luật Tố tụng. Mô hình tổ chức tư pháp của hệ thống này sử dụng các di sản mà người Pháp để lại, đồng thời du nhập những yếu tố phù hợp của pháp luật Hoa Kỳ vào trong đời sống xã hội thời kỳ ấy (thể hiện ở án lệ và phương cách phân cấp xét xử của tòa án).
Riêng đại diện nhân dân tham gia vào hoạt động tư pháp, có một số điểm đáng lưu ý, như ở cấp trung ương, ngoài Tối cao Pháp viện còn có Đặc biệt Pháp viện và Giám sát viện. Ở địa phương, có các tòa án thường (gồm tòa thượng thẩm, tòa đại hình, tòa sơ thẩm, tòa hòa giải, tòa vi cảnh) và các tòa án đặc biệt (hành chính, lao động, điền địa, tòa án cho thiếu nhi - thành lập năm 1958, cấp dưỡng, sắc tộc, quân sự). Cấp thấp nhất là tòa vi cảnh, ở nông thôn có khi do quận trưởng chủ tọa; cao hơn thì có hệ thống tòa sơ thẩm có một chánh thẩm và ba phụ thẩm.
Hoạt động xét xử sau đó được áp dụng theo Bộ hình luật Tố tụng (ban hành theo Sắc luật số 027-TT/SLU ngày 20 tháng chạp năm 1972 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa). Theo đó, tại mỗi tòa thượng thẩm có các phòng luận tội (xử án), “Phòng luận tội gồm một chánh thẩm và hai hội thẩm. Chánh thẩm phòng luận tội do một chánh án phòng chuyên biệt đảm nhiệm. Hội thẩm phòng luận tội có thể kiêm nhiệm, nếu cần, chức vụ hội thẩm của các phòng khác” (Điều thứ 195). Cũng theo Điều thứ 203 và Điều thứ 209 của Bộ luật này thì hội thẩm còn có quyền thuyết trình và đảm trách thẩm vấn khi phúc quyết vụ án. Liên quan đến vai trò của hội thẩm, Điều thứ 221 quy định “Phúc quyết phòng luận tội do chánh thẩm, hội thẩm và lục sự ký” và Điều thứ 224 xác định “Chánh thẩm có thể ủy quyền cho một hội thẩm phòng luận tội hành xử những hành vi được ấn định rõ trong những trường hợp đặc biệt”[12].
Qua đó có thể thấy, việc quy định về hội thẩm trong tố tụng hình sự dưới thời Pháp thuộc và trong giai đoạn đầu của chế độ Việt Nam Cộng hòa khá đơn giản, vai trò của hội thẩm tương đối mờ nhạt, không thực sự được coi trọng và chỉ tham gia xét xử đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng do tòa đại hình (tòa thượng thẩm) thực hiện. Việc lựa chọn hội thẩm, bồi thẩm được thực hiện theo cách “rút thăm” ngẫu nhiên trong số các kỳ hào (dưới thời Pháp) và sau đó là các công dân trong địa hạt hành chính dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa với các quy định tương tự như chế độ bồi thẩm đoàn ở Mỹ.
Tóm lại, ở Việt Nam, trải qua hàng nghìn năm dưới thời phong kiến, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hoạt động tố tụng về cơ bản không được chú trọng, việc xét xử do lực lượng cai trị xã hội nắm giữ, thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nhất là ở những giai đoạn “vua minh, tôi hiền” và do đặc trưng quan hệ cộng đồng làng xã, việc xét xử với vai trò đề cao tính nhân đạo, tôn trọng quyền con người khi xét xử các vụ án hình sự đã được thể hiện, duy trì. Tư pháp trở thành một trong các nhánh quyền lực riêng với phương thức tố tụng phương Tây xuất hiện ở nước ta vào những năm cuối thế kỷ XIX cùng với quá trình xâm lược của thực dân Pháp. Tuy nhiên, dưới chính quyền thực dân và sau đó là trong chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, hoạt động tư pháp, xét xử tồn tại luôn gắn liền mục đích, quyền lợi của lực lượng thống trị. Vai trò đại diện nhân dân trong xét xử hình sự tuy được duy trì nhưng là sự du nhập, chắp vá, hình thức, không thực sự dân chủ, nó chỉ thực sự được quy định và được áp dụng thực hiện một cách đầy đủ tại Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 dưới chế độ mới.
[1] GS Vũ Văn Mẫu (1974), Cổ luật Việt Nam thông khảo và tư pháp sử (quyển I - tập III), Sài Gòn, tr 6. [6] Trường Đại học Luật Hà Nội (2007) - Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, trang 418. [10] Trường Đại học Luật Hà Nội (2007) - Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, tr.419-423. |
Tài liệu tham khảo: 1. Huỳnh Công Bá (2017), Định chế pháp luật & tố tụng triều Nguyễn (1802-1885), Nxb Thuận Hóa. 2. Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1945), Sắc lệnh số 03-SL ngày 10/10/1945. 3. Trần Đại Khâm (1969), Án lệ vựng tập (1948-1967), Nhà sách Khai Trí xuất bản, Sài Gòn. 4. GS Vũ Văn Mẫu (1974), Cổ luật Việt Nam thông khảo và tư pháp sử (quyển I - tập III), Sài Gòn. 5. PGS. TS Nguyễn Minh Tường (2012), Lịch sử tư tưởng phương Đông và Việt Nam, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội. 6. Việt Nam Cộng hòa (1972), Bộ luật Hình sự tố tụng, ban hành theo Sắc luật số 027-TT/SLU ngày 20 tháng chạp năm 1972. 7. Viện Sử học (2013), Quốc triều Hình luật, Nxb Tư pháp, Hà Nội. |
Thạc sĩ, Luật sư LIÊU CHÍ TRUNG
Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam
Pháp luật về quản trị ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam