/ Nhịp cầu doanh nghiệp
/ Phạt đến 20 triệu đồng nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày 'đèn đỏ'

Phạt đến 20 triệu đồng nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút ngày 'đèn đỏ'

22/01/2022 02:55 |

(LSVN) - Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nêu rõ, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động nếu không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với người sử dụng lao động: “Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác”.

Trong khi đó, theo điểm b khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP trước đây, mức phạt với hành vi này chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 17/01/2022. Như vậy, kể từ ngày 17/01/2022, người sử dụng lao động không cho người lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh (trừ trương hợp có thỏa thuận khác) thì bị phạt đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, về vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;

- Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý;

- Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết theo quy định tại khoản 2 Điều 137 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

- Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

- Không bảo đảm việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật Lao động;

- Không ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

- Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nghỉ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

- Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Không cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động lựa chọn và không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con;

- Không lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên.

HỒNG HẠNH

Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị

Lê Minh Hoàng