Thực chất của cuộc cải cách này là tước bỏ tính độc lập của tòa án và biến tòa án thành công cụ cầm quyền của chính phủ. Với đa số áp đảo có được trong quốc hội, đảng này có thể muốn làm gì cũng được.
Một trong số những biện pháp chính sách mới là ban hành bộ luật chuyên về chế tài các thẩm phán và tòa án ở mọi cấp xét xử và mọi loại hình tòa án trong hệ thống tư pháp, kể cả tòa án hiến pháp của đất nước. Theo đó, thẩm phán hay chánh án nào xét xử và phán xử không theo ý muốn hay yêu cầu của chính phủ đều sẽ bị sa thải hoặc thay thế, cho về hưu sớm hoặc “ngồi chơi xơi nước”.
Luật pháp quốc gia của Ba Lan quy định như thế. Nếu Ba Lan không tham gia EU và NATO thì làm ra luật gì hay quan niệm như thế nào về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền là chuyện nội bộ của Ba Lan, là “phép vua” của riêng Ba Lan.
Ba Lan là thành viên của EU và NATO. EU và NATO xưa nay luôn đề cao cái gọi là “tam quyền phân lập” và coi đấy là biểu hiện đặc trưng nhất cho hệ quy chuẩn giá trị của họ về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Một trong số những nội dung cốt lõi nhất của mô hình tam quyền phân lập là tòa án độc lập với lập pháp và hành pháp.
Sau khi tham gia EU và NATO, Ba Lan giống như các thành viên khác phải chấp nhận và tuân thủ luật pháp chung. Trên tất cả những lĩnh vực liên quan, luật pháp chung trở thành “phép vua” trong khi luật pháp quốc gia chỉ còn là “lệ làng”. Trên nguyên tắc, luật pháp chung của EU được đặt lên trên luật pháp quốc gia của các thành viên.
Xung khắc giữa “phép vua” của EU và “lệ làng” của Ba Lan dai dẳng từ năm 2015 đến nay. Phía EU đã dùng mọi cách để buộc Ba Lan rút lại những luật pháp trái ngược với luật pháp chung của EU nhưng đều bị phía Ba Lan bất tuân. Vừa mới đây đã diễn ra trận chiến quyết định cuối cùng giữa hai bên khi trong cùng ngày Tòa án Châu Âu đưa ra phán xử về luật pháp này của Ba Lan có trái với luật pháp chung của EU hay không.
Ở phía bên kia thì Tòa án Hiến pháp Ba Lan đưa ra phán quyết về việc phán quyết của Tòa án Châu Âu có phù hợp với luật pháp quốc gia của Ba Lan hay không. Kết quả là Tòa án Hiến pháp Ba Lan tiếp tục bác bỏ phán quyết của Tòa án Châu Âu và Tòa án Châu Âu cho rằng bộ luật quốc gia này của Ba Lan trái với luật pháp chung của EU.
Ở đây, “phép vua” được Tòa án Châu Âu đặt lên cao hơn “lệ làng” trong khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan kiên định quan điểm cho rằng phép vua không phù hợp với lệ làng. Nếu cứ tiếp tục quan điểm này, rủi ro về thua thiệt trên nhiều phương diện sẽ tăng đối với Ba Lan, cái giá về đối ngoại phải trả cho định hướng chính sách đối ngoại này sẽ rất cao và “đắt” đến mức phía Ba Lan rồi sẽ phải có những nhượng bộ nhất định để xoa dịu EU và hạn chế thiệt hại.
Đối với EU, việc khẳng định và bảo vệ uy quyền tối thượng của "phép vua" có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của EU. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của EU đứng vững hay sụp đổ cùng với uy quyền này. Nếu để cho “lệ làng” của Ba Lan bất chấp “phép vua” của EU trở thành tiền lệ thì EU sẽ rất nhanh chóng trở thành con tin cho lợi ích riêng của nhiều thành viên khác nữa chứ không phải chỉ có riêng Ba Lan. Trận đại chiến này diễn ra và kết thúc càng sớm thì càng thêm có lợi cho EU.
HẠ NHAM/PLVN