(LSVN) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan đến việc xử lý hành vi lái xe gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn.
Trước đó, ngày 15/10/2020, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị xử lý hành vi lái xe gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn.
Để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi gây tai nạn giao thông; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ hiện trường cho các lực lượng tại cơ sở.
Đối với Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, văn hóa giao thông và đạo đức lái xe để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lái xe.
Đồng thời, rà soát các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kịp thời có biện pháp quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Trong đó, cần tăng thời lượng đào tạo về kỹ năng lái xe, về trách nhiệm đạo đức của lái xe", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm an toàn giao thông.
Trong đó, có nội dung vận dụng thống nhất tình tiết có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm (điểm p khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 2015) để áp dụng đối với hành vi “xóa dấu vết” của lái xe sau khi gây tai nạn, tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho việc xử lý nghiêm minh trường hợp gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn.
Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự 1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: a) Phạm tội có tổ chức; b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; d) Phạm tội có tính chất côn đồ; đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn; e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; g) Phạm tội 02 lần trở lên; h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc17 người đủ 70 tuổi trở lên; k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc18 tàn ác để phạm tội; n) Dùng thủ đoạn hoặc19 phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội; o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm. 2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng. |
MINH HIỀN (t/h)