Bộ VH,TT&DL “thắt” thì phải “mở“ không thể “chông chiêng”
Mặc dù UBND huyện Vụ Bản đã hành Văn bản số 117/UBND – VHTT chỉ đạo UBND xã Kim Thái thực hiện việc quản lý di tích trong đó có công tác treo biển tên di tích theo Quyết định số 488 của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đồng thời ông Nguyễn Đình Xung, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cũng đã chỉ đạo Phòng Văn hóa, thể thao phối hợp với UBND xã Kim Thái xử lý, dỡ bỏ các biển có ghi tên biển chưa đúng theo quy định tại di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy. Tuy nhiên, tại Phủ Tiên Hương vẫn treo biển với tên gọi Phủ Chính và trước cửa trụ sở UBND xã Kim Thái vẫn tồn tại một biển chỉ dẫn hướng đi về Phủ Chính.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Đỗ Văn Kỳ cho biết, đơn xin treo biển di tích của thủ nhang Phủ Tiên Hương gửi cho Cục Di sản văn hóa, không gửi cho huyện.
Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND Huyện Vụ Bản cho biết, hiện nay Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh là những di tích treo biển tên theo đúng Quyết định 488, còn Phủ Tiên Hương vẫn treo biển với tên gọi Phủ Chính (không đúng theo Quyết định 488) bởi vì tên gọi này có trong hồ sơ khoa học và các Văn bản 812, Văn bản 170 vẫn còn hiện hữu.
UBND huyện Vụ Bản đã từng kiến nghị về bất cập của Văn bản 812 nhưng không được chấp thuận và là cấp dưới, buộc phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên.
Ông Kỳ cũng cho hay, đối với Văn bản số 5671/BVHTTDL – DSVH ngày 22/12/2024 ban hành sau Văn bản số 170 nhưng nội dung hướng dẫn, đề nghị địa phương thực hiện vẫn hàm chứa nội dung của Văn bản số 170 (chọn treo biển với tên gọi khác theo Thông tư 09/2011) là đúng quy định của pháp luật về di sản. Vì vậy trong chỉ đạo thực hiện địa phương gặp khó khăn lúng túng, chưa có giải pháp tối ưu, và mong được hướng dẫn, chi tiết, cụ thể từ cơ quan chuyên môn cấp trên. Địa phương đề nghị Bộ hoặc Sở có văn bản yêu cầu UBND xã chỉ đạo “treo biển tên di tích theo đúng với Quyết định số 488 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL thay cho ý, treo biển tên di tích, biển hướng dẫn đường đến di tích theo đúng quy định của Luật di sản văn hóa và Quyết định số;488.QĐ–BVHTTDL ngày 28/01/2021 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL để địa phương dễ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Cũng theo ông Kỳ, ngày 05/01/2021, UBND huyện đã có văn bản kiến nghị về việc Cục Di sản văn hóa chỉ căn cứ vào đơn của thủ nhang, không xem xét ý kiến của địa phương đã ban hành Văn bản số 812, gây phức tạp về an ninh trật tự, phá vỡ công tác quản lý tại địa phương, nhưng là cấp dưới, buộc phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên". Về vấn đề này (treo biển tên di tích), Bộ VH,TT&DL “thắt” thì phải “mở“ không thể “chông chiêng”.
Đơn thủ nhang đang “xé toang” luật pháp...?
Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên thu thập được 02 bản kế hoạch tổ chức lễ hội Phủ Dầy năm 2024 có cùng số hiệu 01/KH- BTC đều do ông Đỗ Văn Kỳ ký ngày 22/3/2024. Đáng chú ý, hai văn bản cónội dung đều giống nhau như đúc, nhưng một văn bản có ghi tên di tích là Phủ Tiên Hương, còn một văn bản lại ghi là Phủ Chính Tiên Hương.
Giải thích với phóng viên về sự “khác lạ” này, ông Đỗ Văn Kỳ cho hay, văn bản có ghi tên di tích là Phủ Tiên Hương được ban hành trước Tết, nhưng sau đó có một số ý kiến của các thành viên Ban tổ chức và lãnh đạo huyện về việc sử dụng tên gọi là Phủ Chính Tiên Hương vì trong hồ sơ khoa học Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính Tiên Hương. Vì vậy, đã sửa tên di tích (sửa lại trong văn bản) nhưng vẫn giữ nguyên số hiệu và ngày tháng ban hành.
Văn bản của UBND xã Kim Thái cũng có ghi tên di tích không đúng với tên khoa học thống nhất sử dụng theo Quyết định số 488 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL.
Luật sư Bùi Xuân Lai, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, “lý giải” của ông Đỗ Văn Kỳ về sự “lúng túng” trong chỉ đạo treo biển tên di tích, thể hiện hành động “bất nhất” trái với nội dung chỉ đạo của chính UBND huyện Vụ Bản tại Văn bản số 117 (do ông Kỳ ký tên). Việc sửa tên di tích (bằng tên gọi khác) trong văn bản đã ban hành và thể hiện trong văn bản của UBND xã là một minh chứng có sự “tác động” can thiệp, nhằm hợp pháp cho sai phạm. Bởi lẽ chưa có bất kỳ một quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng tên gọi khác của di tích (nếu có) trong hệ thống văn bản.
Theo Luật Di sản văn hóa và hướng dẫn tại Thông tư 09/2011, tên gọi các di tích như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh là tên khoa học đã được thống nhất sử dụng, được cụ thể hóa tại Quyết định số 488 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL và các văn bằng đã cấp. Do vậy, tên Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng mẫu Liễu Hạnh là tên di tích cũng được thống nhất sử dụng trong các hệ thống văn bản pháp luật và hành chính. Luật được áp dụng chung, không thể có chuyện cùng một quần thể di tích Phủ Dầy, nhưng di tích này treo biển với tên thống nhất sử dụng, còn di tích khác lại vận dụng văn bản dưới luật, cho phép treo biển với tên gọi khác, mặc dù tên gọi khác có trong hồ sơ khoa học. Và cũng không thể tùy tiện sử dụng, sửa đổi trong các văn bản, theo ý kiến của một vài cá nhân.
Đề nghị Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan chức năng nghiêm túc vào cuộc làm rõ dấu hiệu lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá,mưu cầu lợi ích riêng,để thực hiện hành vi trái pháp luật theo khoản 5 Điều 13 Luật Di sản văn hóa tại di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, mà căn nguyên là từ lá đơn xin treo biển tên di tích của thủ nhang phủ Tiên Hương nhưng đang “xé toang” luật pháp và cả hệ thống chính quyền địa phương chỉ vì... một tên gọi khác của di tích.
TẢ THANH THIÊN