/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Quy định pháp luật về hợp đồng theo mẫu và một số kiến nghị hoàn thiện

Quy định pháp luật về hợp đồng theo mẫu và một số kiến nghị hoàn thiện

08/01/2024 06:36 |

(LSVN) - Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung khái quát các vấn đề lý luận về hợp đồng theo mẫu, phân tích làm rõ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về loại hợp đồng này, từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Giao kết hợp đồng là một quá trình phức tạp, đòi hỏi các bên phải dành nhiều thời gian cũng như chi phí để đạt được sự thống nhất về ý chí. Thực tiễn ấy đòi hỏi một phương thức giao kết hợp đồng giúp các bên tối ưu hóa thời gian, chi phí cũng như bảo đảm sự phù hợp về mặt pháp lý. Từ đó, hợp đồng theo mẫu được các cơ quan lập pháp quan tâm và đưa vào những quy định pháp lý mang tính chất nền tảng. Hợp đồng theo mẫu đã trở thành một phương thức giao kết hợp đồng phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế trong các quy định pháp luật cũng như thực thi pháp luật. Thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả thực thi.

 Khái niệm, đặc điểm của hợp đồng theo mẫu

Hiện nay pháp luật Việt Nam có hai định nghĩa về hợp đồng theo mẫu được nêu ra ở hai văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Theo khoản 1 Điều 405 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, hợp đồng theo mẫu là “hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Khái niệm này đã nêu ra những đặc trưng cơ bản của loại hợp đồng này. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã nêu định nghĩa khác về hợp đồng theo mẫu tại khoản 5 Điều 3 “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”. Quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không đưa ra những đặc điểm của loại hợp đồng này mà chỉ nêu ra việc đây là hợp đồng giao kết giữa hai chủ thể: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Quy định như thế có thể dẫn đến cách hiểu rằng một hợp đồng chỉ được coi là hợp đồng theo mẫu khi nó được giao kết giữa hai loại chủ thể này. Trên thực tế, hợp đồng theo mẫu còn có thể được ký kết theo hình thức B2B - giữa các doanh nghiệp với nhau; trong đó các doanh nghiệp này có vai trò là trung gian như đại lý, nhượng quyền thương mại… Mặt khác, hợp đồng giao kết giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng còn phải thỏa mãn các điều kiện đặc thù riêng biệt nữa thì mới có thể được xem là hợp đồng theo mẫu.

Hợp đồng theo mẫu mang những đặc trưng riêng biệt giúp phân biệt với các cách thức giao kết hợp đồng khác. (1) Về chủ thể: một bên thường là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và bên còn lại thường là khách hàng, người tiêu dùng; tuy nhiên vẫn có trường hợp cả hai bên đều là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. (2) Các điều khoản đã được nghiên cứu kỹ càng và soạn thảo từ trước. (3) Được sử dụng nhiều lần với nhiều khách hàng, người tiêu dùng. (4) Bên được đề nghị sẽ chấp nhận giao kết hợp đồng hoặc từ chối giao kết hợp đồng; không có sự đàm phán, sửa đổi, bổ sung về nội dung của hợp đồng.

Chính từ những đặc điểm trên, có thể thấy rằng hợp đồng theo mẫu mang những ưu điểm nổi trội như tiết kiệm thời gian và chi phí; các điều khoản trong hợp đồng được chuẩn bị, nghiên cứu, soạn thảo cụ thể, kỹ càng, thích hợp với nhu cầu của từng chủ thể; hạn chế trường hợp can thiệp để đưa ra các điều khoản riêng gây bất lợi, bảo đảm lợi ích cho khách hàng hoặc người tiêu dùng. Tuy nhiên, hợp đồng theo mẫu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây bất lợi cho các chủ thể giao kết hợp đồng. Các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu thường nhằm mục đích tối đa hóa lợi ích cho bên đưa ra đề nghị giao kết, thậm chí trong một số trường hợp thì điều khoản ấy còn gây bất lợi cho khách hàng hoặc người tiêu dùng. Khách hàng hoặc người tiêu dùng thường hiếm khi đọc hết các điều khoản hợp đồng; dù có đọc hết nhưng đối với một số quy định mang tính chuyên ngành thì bản thân họ cũng không thể hiểu và nhận thức được sự thiếu công bằng tồn tại trong những điều khoản. Do đó, việc bảo đảm quyền lợi cho bên yếu thế hơn trong hoạt động giao kết hợp đồng theo mẫu là một nhiệm vụ quan trọng mà các cơ quan lập pháp cần quan tâm và chú trọng.

Những bất cập, hạn chế trong quy định pháp luật về hợp đồng theo mẫu Những quy định pháp luật hiện hành đã tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc giúp cho hoạt động giao kết hợp đồng theo mẫu diễn ra một cách có hiệu quả trong thực tiễn. Theo số liệu tổng hợp trong Báo cáo thường niên từ năm 2012 đến nay của Cục Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Bộ Công thương, từ năm 2012 trở đi, số lượng hồ sơ mà Cục tiếp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu tăng hơn 10 lần; tỉ lệ chấp nhận hồ sơ thấp nhất vào năm 2015 với 23,04% (174/755) và cao nhất vào năm 2014 với 59,79% (116/194), còn lại các năm khác chủ yếu dao động trong khoảng 28-50%(1). Đối với các sở công thương, từ năm 2012 trở đi, số lượng hồ sơ tiến hành đăng ký đạt 1.309 hồ sơ; tỉ lệ chấp nhận đăng ký đối với hồ sơ của các doanh nghiệp là rất cao khi phê duyệt 1.087 hồ sơ, chiếm xấp xỉ 83% trong tổng số hồ sơ đăng ký(2).

Bên cạnh những kết quả tích cực, các quy định hiện hành vẫn còn một số điểm bất cập khiến cho hoạt động giao kết hợp đồng theo mẫu trong thực tiễn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là:

Một là, quy định về chủ thể giao kết hợp đồng theo mẫu. Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định hai bên chủ thể giao kết hợp đồng theo mẫu là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã định nghĩa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là “tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: a) Thương nhân theo quy định của Luật thương mại; b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”. Nếu hiểu theo định nghĩa trên thì sẽ bỏ sót một số chủ thể thường xuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của xã hội, sử dụng hợp đồng theo mẫu như các pháp nhân phi thương mại (các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp xã hội…). Đối với bên còn lại, trên thực tế vẫn có trường hợp hợp đồng theo mẫu được áp dụng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với chủ thể không phải là người tiêu dùng như hợp đồng nhượng quyền thương mại thì cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền đều là thương nhân; hợp đồng đại lý thương mại thì các chủ thể cũng đều là thương nhân. Do đó, bên được đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu phần lớn là người tiêu dùng nhưng cũng có thể là thương nhân, dù không nhiều.

Hai là, quy định về thực hiện hợp đồng theo mẫu. Khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Theo quan điểm của tác giả, việc nghiên cứu hợp đồng là một hoạt động trong giai đoạn giao kết thay vì giai đoạn thực hiện như quy định trên. Hành vi nghiên cứu hợp đồng của khách hàng, người tiêu dùng được thực hiện trước khi hợp đồng được giao kết nhằm mục đích xem xét kỹ lưỡng để quyết định chấp nhận hay từ chối đề nghị giao kết. Do đó, quy định này có sự nhầm lẫn về mặt giai đoạn của quá trình giao kết hợp đồng.

Ba là, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Danh mục lần đầu được quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau đó được sửa đổi bởi Quyết định số 35/2015/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg. Theo quy định tại các văn bản trên, các lĩnh vực bắt buộc phải tiến hành đăng ký hợp đồng theo mẫu bao gồm: cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sinh hoạt; truyền hình trả tiền; dịch vụ điện thoại cố định mặt đất; dịch vụ thông tin di động mặt đất (trả trước và trả sau); dịch vụ truy nhập internet; vận chuyển hành khách đường hàng không; vận chuyển hành khách đường sắt; mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp. Như vậy, chỉ những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mới phải thực hiện biện pháp đăng ký hợp đồng theo mẫu. Về khái niệm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, khoản 3 Điều 4 Luật Giá năm 2012 đã cụ thể hóa, theo đó, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh, đồng thời cụ thể hóa tại danh mục quy định ở Điều 15 của Luật này(3). Thêm vào đó, khoản 1 Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ khi đề cập đến cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu có liệt kê các đối tượng như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu... Như vậy, đối chiếu giữa Danh mục dịch vụ, hàng hóa thiết yếu của Luật Giá năm 2012 và Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu có thể thấy chỉ có hai loại hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu được quy định là thiết yếu tại Luật Giá là cung cấp điện sinh hoạt và cung cấp nước sinh hoạt. Từ đây có thể thấy danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu không tuân theo một tiêu chí, thước đo cụ thể nào, vẫn còn thiếu nhiều lĩnh vực thật sự thiết yếu, quan trọng cho đời sống trong khi nhiều hàng hóa, dịch vụ khác được quy định trong danh sách dường như không thật sự thiết yếu mà chỉ nhằm mục đích phục vụ, nâng cao đời sống cho người dân.

Bốn là, quy định về hình thức của hợp đồng theo mẫu. Theo khoản 1 Điều 14 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, hình thức hợp đồng giao kết với người tiêu dùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng theo mẫu có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không có quy định bắt buộc về mặt hình thức của hợp đồng theo mẫu. Tuy nhiên, Điều 7 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/10/2011 hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 99/2011/NĐ-CP) quy định bắt buộc hợp đồng theo mẫu phải được lập thành văn bản. Quy định này đồng nghĩa với việc loại trừ hai hình thức bằng lời nói và bằng hành vi cụ thể. Tuy thế, quy định cứng về mặt hình thức của hợp đồng theo mẫu này lại mâu thuẫn với một số quy định khác, cụ thể là khoản 4 Điều 1 Nghị định số 81/2016/NÐ-CP của Chính phủ ngày 01/7/2016 sửa đổi Nghị định số 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định “hợp đồng… về cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”. Theo chúng tôi, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP chỉ ghi nhận hợp đồng theo mẫu bằng văn bản là phù hợp nhằm để bảo đảm tính thống nhất, an toàn về mặt pháp lý cũng như là cơ sở vững chắc để giải quyết tranh chấp, xung đột nếu có. Một trong những đặc trưng của hợp đồng theo mẫu đã nêu ở trên là được sử dụng nhiều lần với nhiều khách hàng, người tiêu dùng, cần có sự thống nhất trong tất cả mọi trường hợp nên hình thức bằng văn bản là phù hợp và bảo đảm hơn so với hai hình thức còn lại.

Năm là, quy định về những điều khoản bị cấm trong hợp đồng. Khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015(4) đã quy định chung về ba loại điều khoản không được sử dụng trong hợp đồng theo mẫu và các điều khoản không có hiệu lực được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Quy định tại khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Đối với điều khoản miễn trừ, không phải điều khoản miễn trừ nào cũng là những điều khoản gây bất lợi cho khách hàng, người tiêu dùng mà cần đánh giá tính hợp lý, công bằng của điều khoản trong những trường hợp cụ thể. Tác giả Lê Nết từng nhận xét “để xét tính hợp lý của một điều khoản, tòa án không chỉ nhìn vào nội dung của điều khoản đó, mà phải nhìn vào nội dung giao dịch giữa hai bên một cách tổng thể, xem mỗi bên được gì, mất gì khi giao kết hợp đồng có nội dung như vậy. Nếu điều khoản miễn trừ trách nhiệm được đánh đổi bằng một mức giá hấp dẫn cho bên kia thì điều khoản đó có thể được chấp nhận”(5). Trong một số trường hợp, các điều khoản miễn trừ không những không gây bất lợi cho bên được đề nghị mà trái lại còn phân chia rõ ràng nghĩa vụ, rủi ro mà các bên phải gánh chịu, bảo đảm sự công bằng giữa các bên trong hợp đồng. Mặt khác, khoản 3 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận điều khoản loại trừ trong trường hợp các bên có thỏa thuận, tạo kẽ hở cho bên đề nghị giao kết hợp đồng theo mẫu lợi dụng, gây bất lợi cho bên còn lại. Đối với điều khoản không có hiệu lực quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, vẫn có một số nội dung chưa thật sự phù hợp. Cụ thể như quy định về thay đổi giá tại điểm đ khoản 1 Điều 16 Luật này cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Không phải việc quy định hoặc thay đổi giá nào cũng gây bất lợi cho bên còn lại mà việc này chỉ được xem là bất lợi nếu giá thay đổi quá cao so với ban đầu và người tiêu dùng không được quyền hủy bỏ hợp đồng. Một số loại hàng hóa có giá cả thị trường biến động liên tục, do đó quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sẽ gây ra rất nhiều bất lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Việc điều chỉnh giá ở một mức độ phù hợp, người tiêu dùng có thể chấp nhận và tiếp tục thực hiện hợp đồng thì vẫn nên được công nhận chứ không nhất thiết phải tuyên bố vô hiệu.

Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về hợp đồng theo mẫu

Một là, quy định đầy đủ hơn về chủ thể giao kết hợp đồng theo mẫu. Bên cạnh có chủ thể tại điểm a, b khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì còn cần bổ sung thêm điều khoản mở để bảo đảm bao quát cả các chủ thể khác như các pháp nhân phi thương mại… Đồng thời cũng cần bổ sung quy định bên được đề nghị còn bao gồm cả thương nhân bên cạnh chủ thể là người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã bãi bỏ quy định về khái niệm hợp đồng theo mẫu. Sự thay đổi này cũng có phần hợp lý do khái niệm hợp đồng theo mẫu đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, không cần quy định thêm tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi vẫn quy định nghĩa vụ dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng nằm trong giai đoạn thực hiện hợp đồng là chưa thật sự thuyết phục; quy định này nên nằm trong giai đoạn giao kết hợp đồng thay vì trong giai đoạn thực hiện hợp đồng như hiện tại.

Hai là, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Danh mục này hiện nay chỉ có đúng hai loại hàng hóa thực sự được coi là thiết yếu là điện sinh hoạt và nước sinh hoạt; các hàng hóa, dịch vụ còn lại chỉ mang tính chất nâng cao chất lượng đời sống. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét và đưa ra những tiêu chí xác định cụ thể những loại hàng hóa nào là thiết yếu để bảo đảm tính hợp lý, thuyết phục.

Ba là, quy định về hình thức của hợp đồng theo mẫu. Nghị định số 99/2011/NĐ-CP quy định bắt buộc các hợp đồng theo mẫu phải bằng văn bản là hợp lý để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, áp dụng trên một quy mô lớn với nhiều chủ thể tham gia, tạo ra sự an toàn về mặt pháp lý, tránh những rủi ro tiềm ẩn. Vì thế, cần rà soát lại quy định tại các văn bản khác như Nghị định số 81/2016/NÐ-CP để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, quy định về những điều khoản bị cấm trong hợp đồng. Các cơ quan lập pháp cần ghi nhận thêm các điều khoản miễn trừ phân chia rõ ràng nghĩa vụ, rủi ro mà các bên phải gánh chịu, bảo đảm sự công bằng giữa các bên trong hợp đồng thì sẽ không bị vô hiệu. Đồng thời cần xem xét tính hợp lý của việc ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự về các điều khoản không được sử dụng trong hợp đồng theo mẫu. Bên cạnh đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần ghi nhận điều khoản điều chỉnh giá ở một mức độ phù hợp, người tiêu dùng có thể chấp nhận và tiếp tục thực hiện hợp đồng được thì vẫn nên được công nhận.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã nhận thấy bất cập trên và sửa đổi theo hướng: “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Như vậy, trong trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì việc quy định hoặc thay đổi giá vẫn có hiệu lực.

Kết luận

Hợp đồng theo mẫu là một trong những loại hợp đồng phổ biến, có tác động tới nhiều mặt trong đời sống xã hội. Các cơ quan lập pháp đã quy định một cách cụ thể về hợp đồng theo mẫu tại các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở vững chắc để bảo vệ quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn. Điều đó đòi hỏi các cơ quan lập pháp tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những hạn chế trong quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật.

(1)Trần Ngọc Hiệp, Hợp đồng theo mẫu theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2023, tr.114.

(2)Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương, Báo cáo nghiên cứu tổng kết 09 năm (2011-2019) thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tr.32.

(3)Xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; phân NPK; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

 (4) “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”

 (5) Lê Nết, Góp ý Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về điều khoản miễn trừ trách nhiệm và hạn chế quyền lợi trong hợp đồng, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 02/2005.

Ths TRẦN LINH HUÂN

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

NGUYỄN PHƯỚC THẠNH 

Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện quy định về tội ‘Cố ý gây thương tích hoặc gây hại cho sức khỏe của người khác’

Nguyễn Hoàng Lâm