/ Góc nhìn
/ Ranh giới giữa sự toàn vẹn của tác phẩm và sự sáng tạo

Ranh giới giữa sự toàn vẹn của tác phẩm và sự sáng tạo

27/10/2023 22:11 |

(LSVN) - Sự sáng tạo là chất liệu làm nên sự đa dạng trong văn đàn nghệ thuật. Điều này là yêu cầu bắt buộc trong bất kỳ tác phẩm nào, từ tác phẩm văn học nghệ thuật đến âm nhạc, từ kịch nghệ đến điện ảnh, từ việc tạo nên tác phẩm mới cho đến phóng tác, cải biên tác phẩm trên nền một tác phẩm gốc.

Ảnh minh họa.

Điện ảnh Việt Nam có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng. Nhiều tác phẩm điện ảnh đã lan tỏa các giá trị văn hóa thậm chí còn sâu rộng hơn và thậm chí còn góp phần quảng bá cho tác phẩm gốc. Điều này chỉ có thể đạt được khi tác phẩm phái sinh đã nắm bắt và tôn trọng tinh thần của tác phẩm văn học gốc. Với sự sáng tạo trong khuôn khổ tuân thủ tinh thần chủ đạo của tác phẩm gốc đã đưa tác phẩm gốc lên đỉnh cao nghệ thuật. Nhiều tác phẩm điện ảnh còn giúp khán giả tìm về tác phẩm văn học khi mà họ chỉ biết đến tác phẩm văn học sau khi xem tác phẩm điện ảnh. Câu chuyện về bộ phim Harry Potter đã nổi tiếng trong khán giả thế giới khi mà thậm chí nhiều người còn chưa đọc tác phẩm viết của nữ nhà văn. Harry Potter là loạt phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh J. K. Rowling. Loạt phim này do Warner Bros. Pictures sản xuất và phân phối, bao gồm tám phim giả tưởng, bắt đầu với Harry Potter và Hòn đá Phù thủy và đỉnh cao là Harry Potter và Bảo bối Tử thần. Steve Kloves đã viết kịch bản cho tất cả các tập phim ngoại trừ bộ phim thứ năm với yêu cầu phải trung thành với tinh thần của những cuốn sách; do đó, cốt truyện và giọng điệu của mỗi bộ phim và cuốn sách tương ứng của nó hầu như giống nhau, mặc dù có một số thay đổi và thiếu sót cho các mục đích về phong cách điện ảnh, thời gian và ngân sách hạn chế. Tất nhiên, phải nhìn nhận rằng sự sáng tạo nghệ thuật của Steve Kloves chính là điểm mấu chốt tạo nên sự hâm mộ của giới điện ảnh. Nhưng không thể phủ nhận giới hạn của sự sáng tạo so với nguyên mẫu theo yêu cầu của nữ nhà văn Rowling.

Trong thực tế, ranh giới giữa sự sáng tạo trong tác phẩm phái sinh và vấn đề bảo hộ tính toàn vẹn tác phẩm, bảo vệ tư tưởng chủ đạo của tác phẩm gốc lại vô cùng mong manh. Trong nhiều trường hợp, khoảng trống giữa tính sáng tạo và việc bảo hộ tinh thần của tác phẩm gốc là không dễ nhìn thấy.

Để nhìn nhận vấn đề này, cần phải xem lại các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Đối với các quyền nhân thân được quy định chi tiết tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:

1. Đặt tên cho tác phẩm.

Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ;

2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 nói trên được bảo hộ vô thời hạn. Không một cá nhân nào có quyền xâm phạm quyền nhân thân của tác giả dù ở bất kỳ thời gian nào. Điều này đặc biệt được nhấn mạnh đối với quyền tại khoản 4 là quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Mặc dù Luật SHTT quy định cho phép chuyển giao một số quyền của quyền tác giả. Nhưng quyền được quy định tại Khoản 4 là quyền không thể được chuyển giao cho người khác, dù là mua bán, chuyển nhượng hoặc để lại thừa kế.

Quyền làm tác phẩm phái sinh là quyền được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ cho tác phẩm khi và chỉ khi đảm bảo các yêu cầu nhất định. Vì vậy, tại Điều 20 quy định về quyền tài sản có quy định bao gồm quyền làm tác phẩm phái sinh  - điểm a khoản 1. Trong trường hợp thực hiện tác phẩm phái sinh thì khoản  2 Điều 14 Luật quy định tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Việc xác định thế nào là "gây phương hại đến quyền tác giả" chính là ranh giới giữa việc xác định tác phẩm phóng tác, cải biên có được bảo hộ quyền tác giả hay không. Điều này phải được soi xét một cách cụ thể trong từng trường hợp.

Quyền cho phép thực hiện tác phẩm phái sinh có thể được chuyển giao bởi chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng cũng tại Điều 20 đã quy định chi tiết rằng khi thực hiện tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả. Đối với những tác phẩm mà tác giả đã mất thì bắt buộc không được làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân bởi vì quyền này không thể được chuyển giao cho những người thừa kế khi tác giả đã mất.

Thời gian vừa qua, những người làm nghệ đã dành sự quan tâm sâu sắc về bộ phim "Đất rừng phương Nam". Không phải chỉ là sự quan tâm đến sự sáng tạo trong kịch bản, những cảnh quay đẹp, những nhân vật tài năng góp mặt trong phim. Mà một phần chính vấn đề bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc "Đất rừng phương Nam" của tác giả Đoàn Giỏi.

Bộ phim có buổi họp báo ra mắt lần đầu vào ngày 20/9/2023 và được khởi chiếu chính thức vào ngày 16/10/2023. Có thể nói, tác phẩm điện ảnh này chính là một luồng gió mát trong sự đìu hiu của các phòng vé khi mà nó đã rất thành công về mặt doanh thu với kinh phí lên tới 108,4 tỉ VND. Trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam thời gian qua không thể thu hút sự quan tâm của khán giả thì phải dành sự tôn vinh ngưỡng mộ cho bộ phim điện ảnh này.

Mặc dù vậy, về mặt pháp lý, sự sáng tạo của các nhà làm phim và vấn đề tuân thủ tinh thần của tác phẩm gốc là vấn đề cần được tranh luận nghiêm túc. Nó đặt ra câu hỏi không dễ trả lời cho những nhà nghiên cứu nghệ thuật và cả những người làm pháp lý: Sự sáng tạo của các tác phẩm phái sinh đến mức nào thì được phép?

Trước hết, phải nhìn nhận xem bộ phim "Đất rừng phương Nam" có phải tác phẩm phái sinh hay không? Thứ nhất, cách truyền thông ban đầu của đoàn phim "Đất rừng phương Nam" là phim được làm theo hướng tôn trọng lịch sử cũng như cái tên phim được lấy giống hoàn toàn tên tác phẩm văn học trước đó của nhà văn Đoàn Giỏi. Thứ hai, việc đoàn làm phim đã liên hệ làm việc với gia đình của nhà văn Đoàn Giỏi - chính là những người thừa kế các quyền của tác giả - để xin phép và ký hợp đồng bản quyền làm phim. Thứ ba, các nhân vật trong phim đa phần lấy theo khuôn mẫu nhân vật trong tác phẩm văn học cùng tên. Tất cả những điều này đã khiến chúng ta nghĩ rằng bộ phim "Đất rừng phương Nam" là tác phẩm được chuyển thể theo tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi chứ không chỉ là lấy cảm hứng và được sáng tạo mới hoàn toàn.

Và nếu coi tác phẩm điện ảnh "Đất rừng phương Nam" là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi thì nó phải tuân thủ các yêu cầu pháp luật về vấn đề này.

Việc những nhà làm phim đã chuyển thời điểm lịch sử của bộ phim về những năm 1920-1930 đã thay đổi đáng kể sự phát triển các tuyến nhân vật. Cùng với đó là sự xuất hiện và sự ảnh hưởng của các tổ chức như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn - được liên tưởng đến Thiên Địa Hội và Nghĩa Hoà Đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc. Vẫn là sự ca ngợi lòng yêu nước chống lại ngoại xâm của người dân Nam Bộ trong thời kỳ đó bao gồm cả người Việt, người Hoa, người Khmer. Nhưng sự khác biệt cơ bản giữa phim điện ảnh và tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi là ở tiểu thuyết được xác định bối cảnh lịch sử là năm 1945 với sự xuất hiện và ảnh hưởng của tổ chức cách mạng Việt Minh. Chỉ dưới sự lãnh đạo bởi Việt Minh thì các các lực lượng yêu nước trong tiểu thuyết mới có thể tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám. Tinh thần dân tộc và đường lối cách mạng là dấu ấn đậm nét, tạo nên các tuyến nhân vật của nhà văn Đoàn Giỏi.

Ở góc nhìn nghiêm khắc, tác phẩm điện ảnh "Đất rừng phương Nam" đã ít nhiều làm phai nhạt hình tượng nhân vật của nguyên tác. Mà đó chính là cảm xúc, tư tưởng mà nhà văn Đoàn Giỏi đã gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình. Thực tế đã nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều của khán giả khi cho rằng nhiều tình tiết trong phim đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh...

Với các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, không ai ngoài chính bản thân nhà văn Đoàn Giỏi có thể cho phép sự sai lệch so với nguyên tác "Đất rừng phương Nam" của mình. Những người được chuyển nhượng - nếu có - tất nhiên không được, và những người thừa kế của tác giả cũng không được quyền đó.

Sự sáng tạo là không thể thiếu trong hoạt động nghệ thuật. Nhưng với những tác phẩm phái sinh, sự sáng tạo đến mức làm sai lệch bối cảnh lịch sử, khiến nhân vật trở nên khác lạ so với tác phẩm gốc cũng cần được mổ xẻ để bảo vệ quyền nhân thân của các tác giả. Và trên tất cả, chính là quyền hưởng thụ các giá trị tinh thần đúng đắn của tác giả trong lòng của đông đảo người đọc.

Luật sư NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Ứng xử văn minh trong đấu giá biển số ô tô

Nguyễn Hoàng Lâm