Ảnh minh họa.
Ở các quốc gia phương Tây, rồng thường xuất hiện dưới hình ảnh giống với khủng long (đầu rồng: Khủng long bạo chúa – Tyrannosaurus rex – T. Rex; thân rồng: Khủng long sấm/cổ dài - Apatosaurus; cánh rồng: Của loài dực long – Pterosauria), nên có sức mạnh, có khả năng phun lửa, gắn với thế lực mang hơi hướng của cái ác, đối đầu với con người.
Đối với các nền văn hóa phương Đông, điển hình là Trung Hoa, Ấn Độ và Việt Nam, hình tượng rồng được thể hiện giống với rắn và một số động vật có nguồn gốc từ sông nước. Mặc dù, khác nhau về hình ảnh thể hiện, nhưng cả rồng phương Tây, phương Đông giống nhau ở điểm, chúng đều là linh vật không có thật và phải vay mượn những chi tiết của các giống loài khác nhau trong tự nhiên. Nếu như rồng phương Tây được tích hợp từ các loài khủng long khác nhau, thì rồng phương Đông được tích hợp như sau: Đầu rồng (miệng chó sói, trán lạc đà, tai ngựa, mũi sư tử, răng hổ…); thân rồng (giống rắn, vảy cá chép, móng chân của chim ưng, chân cá sấu…). Rồng phương Đông không chỉ là linh vật đại diện cho sông – biển, mà còn có thể bay lên trời, bám lấy các đám mây hoặc tạo ra những cơn mưa… Mặc dù vậy, rồng trong văn hóa phương Đông trở thành linh vật, đại diện cho sự thiêng liêng, có sức mạnh thần bí và được tôn thờ.
Trong văn hóa của người Việt truyền thống (chủ yếu ở miền Bắc), rồng vừa là linh vật có nguồn gốc bản địa, nhưng đồng thời nó cũng được vay mượn, tích hợp các loại hình phong cách rồng khác nhau từ Trung Hoa, Ấn Độ. Bắt đầu từ việc định danh, người Việt ở miền Bắc chịu sự ảnh hưởng của Trung Hoa, nên ngoài cách gọi Nôm (thuần Việt) là rồng, thì chữ Hán còn gọi là Long, Thìn… Ở miền Trung (Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ) và miền Nam (Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ) Việt Nam, trong lịch sử là phần đất thuộc vương quốc Champa và Phù Nam – Chân Lạp. Hai vương quốc nằm ở phía nam Đại Việt này lại chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, nên rồng được gọi bằng cái tên khác: Makara hoặc Naga… Mặc dù ảnh hưởng từ hai nền văn hóa khác nhau (Trung Hoa, Ấn Độ), nhưng rồng Việt Nam đều mang những giá trị biểu tượng chung: đại diện cho nguồn nước, cho bầu trời và là linh vật gắn với vương quyền của chính thể. Đặc biệt là, khi tiếp thu hình tượng rồng từ hai nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, thì người Việt luôn có những “biến đổi/thay đổi” cho phù hợp với tâm thức con người Việt Nam.
Nguồn gốc bản địa của con rồng trong văn hóa Việt truyền thống có lẽ bắt nguồn từ việc cộng đồng ứng xử với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái cụ thể. Do địa hình Việt Nam được quy định bởi hệ thống núi non (sơn văn) nằm ở phía Tây – Tây Bắc và thoải dần về phía Đông – Đông Nam, tạo thành hệ thống sông ngòi (thủy văn) dày đặc. Người Việt vốn đã thích nghi với môi trường sinh thái sông nước và tạo ra nhiều giá trị văn hóa khác nhau trong đời sống văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh. Vì vậy mà trong tâm thức của người Việt, những con vật sống trong môi trường sông nước như: giao long (cá sấu), thuồng luồng… đã trở thành “linh vật” có sức mạnh và thường tác động đến cuộc sống hàng ngày của cộng đồng (bắt người, làm đắm chìm tàu bè…). Nhưng, chúng cũng là những linh vật làm chủ các nguồn sông ngòi – cung cấp nước cho cuộc sống, cho sản xuất nông nghiệp, nên được tôn thờ, cầu cúng. Người Việt qua đó vừa sợ hãi (tìm cách chống lại), vừa kính (tìm cách tôn thờ - thờ cúng, tôn sùng), mà hình thành tập tục tâm linh: “đất có thổ công, sông có hà bá”. Cùng với hình tượng giao long – thuồng luồng – rồng ở dưới nước với hình tượng chim Lạc ở trên cao, nên xác lập hệ tư duy lưỡng phân – lưỡng hợp (theo cách nói của cố GS Trần Quốc Vượng) của người Việt cổ. Từ đó hình thành triết lý cặp đôi: Rồng (dưới vùng thấp: sông nước – biển, gắn với cha Lạc Long Quân) - Tiên (trên vùng cao trung du – miền núi, gắn với mẹ Âu Cơ). Để người Việt Nam tự nhận mình là “con Rồng, cháu Tiên – con Lạc, cháu Hồng”. Như vậy, nguồn gốc bản địa của rồng Việt bắt nguồn từ việc thích nghi với môi trường tự nhiên và gắn với động vật thuộc hệ sinh thái sông nước hay sông biển. Nên con rồng ban sơ của người Việt, chưa gắn với biểu tượng vương quyền – chính trị, nhà nước như sau này.
Sang thời tự chủ, đặc biệt là sự xác lập của vương triều Lý, việc thiên đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã tạo ra thể chế chính trị quân chủ hoàn thiện hơn, phát triển hơn so với những vương triều trước đó (Ngô, Đinh, Tiền Lê). Hình tượng rồng xuất hiện vào thời Lý (thế kỷ XI – XII) là một dấu ấn đặc biệt quan trọng bởi nó cho thấy sự tự tin về sức mạnh nội sinh, để hình thành bản lĩnh, bản sắc dân tộc Việt Nam – khác biệt với Trung Hoa. Chính vì vậy, rồng thời Lý khác với đường nét gai góc, hung dữ của rồng Trung Hoa (mang đặc tính của văn hóa Đông Bắc Á). Sự mềm mại, uốn lượng hình túi khí với chiếc mào hình lá đề, thân trơn… đã cho thấy rồng thời Lý gần gũi hơn với đặc tính văn hóa Đông Nam Á (đã tiếp thu văn hóa Nam Á - Ấn Độ). Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, rồng Lý đã phần nào tiếp thu hình ảnh của makara hoặc naga từ vương quốc Champa. Rồng thời Lý đã trở thành linh vật “độc quyền” của vương triều gắn với chân mệnh thiên tử - vua/hoàng đế.
Thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), rồng dần chuyển đổi phong cách từ nhẹ nhàng uyển chuyển của thời Lý sang vẻ thô phác, mập mạp, khỏe mạnh và phóng khoáng hơn trong tạo tác nghệ thuật. Có thể do nguồn gốc xuất thân sông nước của vương triều Trần, nên tính cách “ăn sóng nói gió, bộc trực thẳng thắn”, mạnh mẽ, tự do… đã ảnh hưởng sâu sắc tới nghệ thuật tạo hình nói chung và hình tượng rồng nói riêng. Nhưng cũng giống với triều Lý, nhà nước cũng “độc quyền” sử dụng và gắn với vua và vương triều hoặc tầng lớp quý tộc. Nếu như, nửa giai đoạn đầu thời Trần, rồng vẫn còn mang nhiều dấu ấn, kế thừa đường nét của rồng Lý, thì giai đoạn sau, hình ảnh rồng bắt đầu có những thay đổi về đường nét tạo tác. Từ thân rồng để trơn giống thời Lý, thì nửa sau rồng đã xuất hiện vẩy và cách tạo tác cũng dần chi tiết hơn.
Sau 20 năm Minh thuộc, vương triều Lê sơ (thế kỷ XV) được xác lập và lựa chọn tư tưởng Nho giáo để điều hành và quản lý đất nước. “Cú hích” của thời Minh thuộc, đã khiến việc áp dụng tư tưởng Nho giáo của văn hóa Trung Hoa diễn ra mạnh mẽ hơn. Rồng thời Lê sơ qua đó cũng thay đổi lớn trong nghệ thuật tạo hình và mang hơi hướng của thể chế quân chủ tập quyền chuyên chế. Rồng không còn nhiều dáng vẻ của văn hóa Đông Nam Á nữa, mà chuyển sang mang màu sắc Đông Bắc Á, với đặc điểm: Khỏe khoắn, dữ dằn/tợn và mang tính áp chế cao. Tuy nhiên, rồng thời Lê sơ không chỉ gắn với vương triều, với hoàng đế - thiên tử, mà bắt đầu xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc, tạo hình, trang trí dân gian. Có lẽ vì vậy mà xuất hiện quy định, rồng gắn vương triều – hoàng đế thì chạm khắc đủ 5 móng; còn gắn với dân gian, chỉ được phép tạo tác 4 móng mà thôi. Tuy nhiên, dấu vết về rồng trên các điêu khắc dân gian thời Lê sơ không còn nhiều hoặc không phổ biến như giai đoạn sau này.
Rồng thời Mạc, Lê Trung Hưng có những thay đổi đáng kể so với rồng thời Lê sơ, nhưng tính dữ dằn, có phần áp chế vẫn được duy trì. Tuy nhiên, mỗi vương triều lại tạo ra một phong cách riêng có, độc đáo. Ví như, rồng Mạc (thế kỷ XVI) có một đặc trưng là uốn khúc tạo thành hình yên ngựa với những chi tiết tạo hình thành hình đao mác nhỏ, mảnh và dài. Trong khi đó, rồng thời Lê Trung Hưng được tạo thành những chiếc đao mác lớn hơn, dài hơn (vào thế kỷ XVII) và thu ngắn lại, to bản hơn (vào thế kỷ XVIII). Sang thời Nguyễn (thế kỷ XIX), các đao mác của rồng không còn nữa, mà thay vào đó là hình vân mây với chiếc đuôi rồng cuốn tròn thành hoa văn hình mặt trời/bông hoa… Ngoài việc rồng gắn với hoàng đế và vương triều (biểu tượng cho chân mệnh thiên tử), thì rồng còn gắn với nghệ thuật điêu khắc dân gian, trên các công trình kiến trúc công cộng như: đình làng, chùa, đền, miếu, phủ… Rồng trở thành linh vật trong hệ thống “tứ linh” (Long, Ly/Lân, Quy, Phượng), thường đi cặp với “tứ quý” (Tùng, Cúc, Trúc, Mai hoặc Mai, Lan, Cúc, Trúc) trong tạo hình dân gian truyền thống. Chính vì vậy, rồng không chỉ đại diện cho vương quyền (gắn với vua), mà còn trở thành linh vật làm chủ bầu trời, tạo ra mưa và gắn liền với sông biển theo quan niệm của dân gian. Rồng trở thành “vị thần” đem những điều tốt lành, ban nguồn nước cho sinh hoạt sản xuất nông nghiệp.
Rồng là một linh vật có nguồn gốc bản địa Việt Nam, nhưng trải qua diễn trình lịch sử, rồng Việt đã dần tiếp thu, vay mượn những hình tượng khác nhau của Trung Hoa và Ấn Độ (thông qua Champa). Từ hình ảnh dân dã quen thuộc trên sông nước như giao long, thuồng luồng…, rồng Việt ban sơ đã vay mượn, tích hợp các phong cách, đường nét tạo khác nhau của Trung Hoa, Ấn Độ mà trở thành linh vật đại diện cho vương triều (vua – thiên tử). Dù vậy, rồng Việt vẫn tạo ra những phong cách, biểu hiện và biểu tượng riêng có của mình. Những phong cách, hình tượng đó khác biệt với rồng Trung Hoa hay Ấn Độ. Đây chính là sự tiếp thu có chọn lọc và tạo ra những giá trị của nền văn hóa Việt truyền thống. Từ đó để khẳng định bản sắc, bản lĩnh của văn hóa dân tộc Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại, theo tinh thần: Độc lập – Tự chủ - Tự cường.
TS. ĐINH ĐỨC TIẾN
Bộ môn Văn hóa học, Khoa Lịch sử
Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất