/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ So sánh hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Tây Ban Nha và Việt Nam

So sánh hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Tây Ban Nha và Việt Nam

22/04/2024 06:49 |

(LSVN) - Tây Ban Nha là một nước theo hệ thống pháp luật civil law, hệ thống hình phạt có cấu trúc và các loại hình phạt đa dạng, có điểm tương đồng và khác biệt với hệ thống hình phạt Việt Nam. Để làm rõ những điểm tương đồng, khác biệt này, bài viết tập trung phân tích, so sánh hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam với hệ thống hình phạt trong pháp luật hình sự Tây Ban Nha trên một số khía cạnh. Qua đó đánh giá được những ưu, nhược điểm trong hệ thống hình phạt của từng quốc gia và gợi ý một số đề xuất để hoàn thiện hơn hệ thống hình phạt ở Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Hệ thống hình phạt được hiểu là tập hợp các loại hình phạt được sắp xếp theo một trật tự nhất định, được nhà nước quy định trong luật hình sự(1). Với các học thuyết về hình phạt: học thuyết hình phạt tuyệt đối (Teorías absolutas), học thuyết hình phạt tương đối (Teorías relativas), học thuyết hình phạt hỗn hợp (Teorías eclécticas), cả hai quốc gia (Việt Nam và Tây Ban Nha) đều đề cao học thuyết hình phạt tương đối(2). Theo đó, mục đích chính của hình phạt cũng là mục đích phòng ngừa, bao gồm mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng.

Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha được ban hành ngày 23/11/1995, sửa đổi bởi Luật số 02/2019 ngày 01/3/2019(3). Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành số 100/2015/ QH13, sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Về cơ bản, cả hai Bộ luật Hình sự Việt Nam và Tây Ban Nha đều được xây dựng theo cấu trúc đi từ quy định chung (khái quát về các hình phạt có trong hệ thống hình phạt) đến các quy định cụ thể về từng loại hình phạt. Tuy nhiên, có điểm tương đối khác biệt giữa hai BLHS này trong việc quy định về việc áp dụng từng loại hình phạt.

Bên cạnh đó, cả hai quốc gia đều xác định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân nên trong cấu trúc của cả hai Bộ luật Hình sự đều xây dựng hệ thống hình phạt áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân, được phân chia thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, do quan điểm về phạm vi chịu trách nhiệm khác nhau nên hệ thống hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân trong pháp luật hình sự hai nước có cấu trúc khác nhau.

Nội dung nghiên cứu so sánh

Hình phạt đối với cá nhân phạm tội

Hình phạt tù vĩnh viễn có xem xét lại

Khác với Việt Nam, hình phạt tử hình không được quy định trong Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, theo đó hình phạt tù vĩnh viễn có xem xét lại trong Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha được coi là hình phạt nghiêm khắc nhất và tương đồng nhất với hình phạt tù chung thân ở Việt Nam. Hình phạt tù vĩnh viễn có xem xét lại là biện pháp hình sự đối với những tội phạm nghiêm trọng nhất, tương ứng với hình phạt nghiêm trọng theo Điều 33 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha. Việc tuân thủ án tù vĩnh viễn chỉ được xem xét lại sau khi người bị kết án đã chấp hành xong bản án 25 năm và đáp ứng đủ các điều kiện như không tái phạm, chấp hành đạt yêu cầu đối với án phạt tù, có thể tái hòa nhập cộng đồng...(4) Người chấp hành hình phạt tù vĩnh viễn có thời hạn có nghĩa vụ chấp hành án tù trong thời gian tối thiểu là 25 hoặc 35 năm, và sau khi hoàn thành, hình phạt này sẽ được xem xét để xác định xem việc đình chỉ bản án có phù hợp trong trường hợp chứng minh sự tái hòa nhập của tù nhân hay không(5).

Mặc dù được ghi nhận là một hình phạt khác với hình phạt tù chung thân, tuy nhiên, ở một góc độ nhất định, hình phạt tù vĩnh viễn có xem xét lại vẫn có một vài điểm giống với hình phạt tù chung thân được quy định tại Điều 39 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Điểm giống ở đây là mức độ nghiêm trọng của hình phạt và tính chất giam giữ của hình phạt.

Tù có thời hạn

Đây là hình phạt có tính chất nghiêm khắc thứ hai trong Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, được quy định tại Điều 35, 36 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha và là hình phạt có tính nghiêm khắc thứ ba trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Cả hai Bộ luật Hình sự, thời hạn tù đối với 01 hành vi phạm tội được quy định tối đa là 20 năm và tối thiểu là 03 tháng(6). Mức tối đa của tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha là 40 năm tù trong khi mức hình phạt tù trong trường hợp này của Việt Nam chỉ là 30 năm(7). Như vậy, về cơ bản, hình phạt tù có thời hạn ở Việt Nam và Tây Ban Nha không có quá nhiều điểm khác nhau, điểm khác nhau rõ ràng nhất được thể hiện ở quy định về thời hạn của hình phạt.

Hình phạt quản thúc

Hình phạt quản thúc tại Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha được xác định là hình phạt có tính giam giữ. Hình phạt này có những điểm tương đồng và khác biệt với hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự Việt Nam như sau:

Về tính chất, hình phạt quản thúc vừa được áp dụng là hình phạt chính, vừa được áp dụng là hình phạt thay thế cho hình phạt chính có điều kiện (hình phạt phục vụ cộng đồng hoặc hình phạt phạt tiền và hình phạt tù dưới 03 tháng). Trong khi đó, hình phạt cải tạo không giam giữ của Việt Nam là hình phạt chính, không thể thay thế cho hình phạt nào khác.

Về thời hạn, mức hình phạt quản thúc tối đa là 06 tháng theo Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, trong khi hình phạt cải tạo không giam giữ của Việt Nam là từ 06 tháng đến 03 năm(8). Trong thời gian bị quản thúc, người bị thi hành hình phạt sẽ bị kiểm soát qua các hình thức như sử dụng vòng tay điện tử nhằm xác định vị trí của người phạm tội, Việt Nam không quy định hình thức kiểm soát này mà thông qua kiểm soát hành chính.

Về nơi thi hành hình phạt, theo luật hình sự Tây Ban Nha, mặc dù được coi là hình phạt có tính chất giam giữ, tuy nhiên việc quyết định nơi giam giữ người phạm tội do thẩm phán quyết định (nhà của họ hoặc một địa chỉ cách xa nơi ở của nạn nhân hoặc trung tâm cải tạo đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất tương tự nhà của người phạm tội). Còn tại Việt Nam, buộc người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ thi hành cải tạo, giáo dục tại nơi làm việc, học tập, cư trú dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập hoặc của chính quyền địa phương, nơi họ cư trú.

 Hình phạt tiền

Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Tây Ban Nha là hình thức xử phạt bằng tiền, có ảnh hưởng đến tài sản của người phạm tội. Đây là hình phạt tương đồng với hình phạt tiền tại Việt Nam. Mức phạt tiền trong pháp luật hình sự Tây Ban Nha được quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự và được áp dụng theo hai chế độ hình phạt khác nhau: chế độ phạt tiền theo ngày(9) và chế độ phạt tiền theo tỷ lệ(10). Trong đó, chế độ phạt tiền theo ngày được áp dụng phổ biến hơn, chế độ phạt tiền theo tỷ lệ chỉ được áp dụng cho một số tội phạm nhất định, chẳng hạn như những tội phạm liên quan đến buôn bán ma túy.

Khác với Tây Ban Nha, hình phạt tiền ở Việt Nam không những là hình phạt chính mà còn là một loại hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự Việt Nam, đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng trong một số tội danh cụ thể, hình phạt tiền được coi là hình phạt chính. Khác với cách xác định mức phạt tiền của Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam chỉ giới hạn mức phạt tiền tối thiểu là không được thấp hơn 01 triệu đồng mà không giới hạn mức tối đa.

Một số hình phạt chính của Tây Ban Nha không tương đồng với Việt Nam

Ngoài ba hình phạt có điểm tương tự trong cả hai hệ thống pháp luật hình sự Tây Ban Nha và Việt Nam, một số hình phạt chính được áp dụng với cá nhân có sự khác biệt, đó là các hình phạt tước hoặc hạn chế quyền - những hình phạt không được quy định là hình phạt chính ở Việt Nam. Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha, có 11 hình phạt thuộc nhóm các hình phạt tước quyền. Trong đó, một số hình phạt nổi bật là hình phạt tước tư cách bao gồm tư cách tuyệt đối (Điều 41) và tư cách tương đối (Điều 42, 44, 45, 46); lao động vì lợi ích cộng đồng (Điều 49).

Thứ nhất, về hình phạt tước tư cách tuyệt đối và hình phạt tước tư cách tương đối. Đây là hình phạt tước bỏ quyền của người phạm tội trong việc thực hiện công việc, chức vụ công hoặc nghề nghiệp công nghiệp, thương mại... dù được trả lương hay không. Tuy nhiên, việc tước các quyền này phải có lý do rõ ràng và được ghi nhận trong bản án. Ngoài ra, hình phạt này còn ảnh hưởng đến quyền của cha mẹ, quyền giám hộ hoặc quyền bảo hộ... Khi là hình phạt chính, loại hình phạt này được áp dụng cho tội phạm ít nghiêm trọng và có thời hạn từ 03 tháng đến 20 năm.

Thứ hai, về hình phạt lao động vì lợi ích cộng đồng (lao động công ích). Khi chấp hành hình phạt này, người phạm tội phải hoàn thành mọi công việc vì lợi ích của cộng đồng đã được tuyên trong bản án, việc không hoàn thành có thể làm phát sinh một tội phạm mới có hậu quả nghiêm trọng hơn. Khi là hình phạt chính, loại hình phạt này có thời hạn tối thiểu là 01 ngày và tối đa là 01 năm, tùy theo tội danh mà cá nhân vi phạm.

Ngoài các hình phạt trên, còn có một số hình phạt tước quyền khác như tước quyền lái xe cơ giới, xe gắn máy; tước quyền sở hữu và mang theo vũ khí, tước quyền cư trú ở những nơi nhất định hoặc quyền đi đến những nơi đó... Các hình phạt này khá phong phú, đa dạng và được áp dụng linh hoạt, thay thế trong từng trường hợp cụ thể. Việc quy định như vậy không chỉ tạo điều kiện cho người phạm tội chấp hành hình phạt, mà còn giúp cho người áp dụng pháp luật dễ dàng cá thể hóa trách nhiệm hình sự, phù hợp với mục đích của luật hình sự đề ra.

Hình phạt bổ sung

Theo pháp luật hình sự Tây Ban Nha, hình phạt bổ sung là những hình phạt thuộc nhóm hình phạt tước quyền hoặc các hình phạt cấm đoán được tòa tuyên án cho người phạm tội tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội đã phạm. Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha chia hình phạt bổ sung thành 02 loại: hình phạt bổ sung bắt buộc (loại hình phạt được áp dụng cùng với hình phạt chính là hình phạt tù, phụ thuộc vào hình phạt chính), hình phạt bổ sung đặc biệt (là những hình phạt có thể được áp dụng ngoài hình phạt chính, không phụ thuộc vào hình phạt chính và có thể không có cùng thời hạn chấp hành tương đương với hình phạt chính). Tại Việt Nam, hình phạt bổ sung áp dụng với cá nhân được quy định tương đối cụ thể tại Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 2015 với 07 hình phạt, tuy nhiên không có sự phân loại như hình phạt bổ sung của Tây Ban Nha mà việc áp dụng sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội cũng như quyết định của tòa án. Điểm khác biệt cơ bản trong hình phạt bổ sung giữa Việt Nam và Tây Ban Nha là sự tách biệt về hình phạt chính và hình phạt bổ sung được phân định tương đối rõ ở Việt Nam (trừ một số hình phạt vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung) thì các hình phạt bổ sung của Tây Ban Nha đều đồng thời là hình phạt chính.

Đối với cá nhân phạm tội, khác với Việt Nam, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Tây Ban Nha cao hơn: “Người chưa đủ 18 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. Khi người chưa thành niên ở độ tuổi đó thực hiện hành vi phạm tội, người đó có thể phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên” (Điều 19). Do đó, luật hình sự Tây Ban Nha chỉ quy định về hình phạt đối với người từ 18 tuổi trở lên, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật sẽ được xử lý theo Luật quy định về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định hình phạt đối với cá nhân phạm tội chia theo độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi trở lên). Bởi điểm khác biệt này nên nếu đối chiếu về hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội thì Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha không quy định để có thể tiến hành nghiên cứu so sánh với Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

 Như vậy, sự khác biệt trong quy định về hình phạt chính và bổ sung ở Tây Ban Nha đối với cá nhân so với Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, đóng vai trò tiên quyết nhất chính là hoàn cảnh chính trị - xã hội của mỗi quốc gia. Tuy vậy, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia khác nhau, hệ thống hình phạt của Tây Ban Nha có những điểm nhất định mà Việt Nam có thể học hỏi để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt trên thực tế.

Hình phạt đối với pháp nhân phạm tội

Đối với pháp nhân, Bộ luật Hình sự Việt Nam xác định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm còn Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha coi pháp nhân bao gồm pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự(11). Hình phạt được áp dụng cho pháp nhân thương mại ở Việt Nam bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Còn tại Tây Ban Nha, pháp nhân chỉ phải chịu hình phạt chính, được coi là những hình phạt nghiêm trọng và không quy định về hình phạt bổ sung(12). Do đó, nghiên cứu chỉ tập trung so sánh những quy định chung về hình phạt chính giữa hai hệ thống pháp luật Việt Nam và Tây Ban Nha.

Phạt tiền

Giống với hình phạt tiền áp dụng với cá nhân phạm tội, BLHS Tây Ban Nha quy định phạt tiền đối với pháp nhân theo 02 hình thức: theo ngày hoặc theo tỷ lệ. Về mức phạt theo ngày, thời hạn tối thiểu phổ biến nhất là 06 tháng. Mức tối đa được quy định cho một số tội phạm mà pháp nhân có thể phạm phải là 05 năm. Số tiền phí hàng ngày dao động từ 30 đến 5.000 Euro, trong khi ở Việt Nam không giới hạn mức phạt tiền tối đa dành cho pháp nhân mà chỉ đưa ra mức phạt tiền tối thiểu là 50.000.000 đồng(13).

Giải thể pháp nhân

Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha quy định việc giải thể pháp nhân sẽ dẫn đến việc mất hoàn toàn tư cách pháp nhân của pháp nhân cũng như khả năng hành động dưới bất kỳ hình thức nào trong các giao dịch hợp pháp hoặc thực hiện bất kỳ loại hoạt động nào, ngay cả khi nó hợp pháp(14). Hình phạt giải thể pháp nhân được coi là hình phạt tử hình của doanh nghiệp và là hình phạt có tính nghiêm trọng nhất dành cho pháp nhân. Việc yêu cầu và áp dụng hình phạt giải thể này đối với pháp nhân phải dành cho những trường hợp nghiêm trọng như tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn cho xã hội(15). Hình phạt này tương ứng với hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn được quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa pháp luật hình sự hai quốc gia là đối với pháp nhân bị áp dụng hình phạt giải thể ở Tây Ban Nha sẽ chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, do đó, sẽ không còn bất kỳ hoạt động nào phát sinh trong bất cứ lĩnh vực nào sau sự chấm dứt của pháp nhân. Còn đối với việc đình chỉ vĩnh viễn, pháp nhân thương mại bị xóa bỏ hoàn toàn khả năng tìm kiếm lợi nhuận, chấm dứt hoạt động của pháp nhân trong một số lĩnh vực mà pháp nhân đó gây thiệt hại chứ không phải tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của pháp nhân.

Đình chỉ và cấm các hoạt động, đóng cửa cơ sở và không đủ điều kiện nhận trợ cấp và viện trợ công

Hình phạt này của Tây Ban Nha tương tự như hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn trong của Việt Nam (Điều 78). Thời hạn đối với đình chỉ hoạt động không được quá 05 năm theo Điều 33 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha và thời hạn này được áp dụng tương tự với đóng cửa trụ sở hoặc cơ sở của pháp nhân. Về việc cấm các hoạt động, có thể là tạm thời (tối đa 15 năm) hoặc vĩnh viễn. Còn việc không đủ điều kiện nhận trợ cấp, viện trợ, ưu đãi về thuế hoặc ký hợp đồng với khu vực công có thể không quá 15 năm. Trong khi đó, ở Việt Nam quy định thời hạn đình chỉ hoạt động áp dụng đối với pháp nhân là từ 06 tháng đến 03 năm. Về cơ bản, hình phạt này khiến pháp nhân không được hưởng bất kỳ lợi ích công cộng nào, do đó, đây là một cách buộc pháp nhân phải tuân thủ quy định pháp luật(16).

Như vậy, khi so sánh các hình phạt chính áp dụng với pháp nhân ở Tây Ban Nha và Việt Nam có thể thấy, hình phạt tiền là hình phạt chính được cả hai quốc gia áp dụng với pháp nhân, điều này xuất phát từ bản chất tìm kiếm lợi nhuận trong quá trình hoạt động của pháp nhân. Việc trừng phạt pháp nhân bằng hình phạt tước đi lợi ích kinh tế là phù hợp và hiệu quả.

Kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống hình phạt

Trên cơ sở so sánh và chỉ ra những điểm tương đồng, khác biệt trong các quy định về hệ thống hình phạt của Tây Ban Nha và Việt Nam, có thể thấy, các quy định về hệ thống hình phạt trong Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha mang những ưu điểm nhất định mà Việt Nam tham khảo nhằm hoàn thiện các quy định về hệ thống hình phạt. Tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, bổ sung và mở rộng một số hình phạt mang tính chất tước quyền đối với cá nhân nhằm làm phong phú thêm hệ thống hình phạt và cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với cá nhân. Ở Tây Ban Nha, các hình phạt mang tính tước quyền khác ngoài quyền tự do như ở Việt Nam tương đối hạn chế và có thời hạn ngắn. Ví dụ như khi xử lý hành chính đối với việc vi phạm quy định khi tham gia giao thông ở Việt Nam, thời hạn bị tước bằng lái xe dài nhất chỉ là 02 năm nên chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong khi đó, với tính chất là một hình phạt, Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha quy định thời hạn bị tước bằng lái xe lâu nhất là 08 năm. Hoặc các hình phạt lao động công ích sẽ là cơ hội giáo dục, cải tạo người phạm tội thông qua hoạt động phục vụ cộng đồng… Đây cũng là một hình phạt được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Thứ hai, bổ sung các quy định về thời hạn và mức tiền phạt phải nộp trong hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân. Đồng thời, bổ sung hình phạt thay thế hoặc chế tài xử lý trong trường hợp người phạm tội không thể nộp phạt hoặc không chấp hành việc nộp phạt. Luật hình sự Tây Ban Nha quy định tương đối rõ ràng về thời hạn nộp tiền phạt, mức tiền phạt tối thiểu và tối đa. Trong khi đó, về hình phạt tiền đối với cá nhân và pháp nhân, luật hình sự Việt Nam chưa quy định cụ thể về vấn đề thời hạn và mức tiền phạt (chỉ quy định khung phạt và giới hành tối thiểu), không có quy định về thời hạn nộp, cách thức nộp cũng như mức nộp tối đa. Việc thiếu đi quy định về mức phạt tối đa dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền khi áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và pháp nhân. Mặt khác, việc thiếu đi các quy định về thời hạn nộp, cách thức nộp có mối quan hệ nhân quả gián tiếp đến khả năng chấp hành hình phạt của cá nhân hoặc pháp nhân.

Thứ ba, đa dạng thêm hình phạt đối với pháp nhân. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia tuân theo quan điểm “pháp nhân không phải chủ thể tội phạm” mà pháp nhân chỉ có thể chịu trách nhiệm hình sự, quan điểm này được thể hiện tương đối rõ nét trong Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha năm 1995, bổ sung năm 2019. Còn tại Việt Nam, mặc dù có nhiều quan điểm trái chiều giữa việc pháp nhân có là chủ thể của tội phạm không, nhưng tư tưởng chủ đạo của các nhà nghiên cứu là giống với Tây Ban Nha. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định 03 hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại, còn lại là hình phạt bổ sung nên chưa tạo ra nhiều sự lựa chọn cho quá trình áp dụng. Do đó, nên xem xét bổ sung thêm hình phạt đối với pháp nhân thương mại, như hình phạt không đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ tài chính công.

Tóm lại, hệ thống hình phạt Tây Ban Nha là một hệ thống hình phạt với đa dạng loại hình phạt có điểm tương đồng và khác biệt với hệ thống hình phạt Việt Nam về kết cấu đến các hình phạt cụ thể trong hình phạt chính và hình phạt bổ sung được áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân phạm tội. Qua việc nghiên cứu này, Việt Nam có thể tham khảo, chọn lọc một số điểm tiến bộ của hệ thống hình phạt Tây Ban Nha nhằm làm hoàn thiện hơn hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả.

= = = =

(1) PGS.TS Trịnh Quốc Toản, Về vai trò của hình phạt bổ sung trong luật hình sự, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học số 28/2012, tr 142.

(2) Ph. D Meini Mendez. I (2013), La pena: función y presupuestos, Derecho PUCP, 141-167, https://revistas.pucp.edu.pe/index. php/derechopucp/article/view/8900, ngày 22/8/2023.

(3) Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha năm 1995, sửa đổi bổ sung năm 2019, https://www.boe.es/buscar/act.php?id=BOE-A-1995-25444, ngày 04/10/2023.

(4) Điều 36 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

(5) Dexia Abogados, “Hình phạt tù vĩnh viễn có thể xem xét lại được áp dụng ở Tây Ban Nha là gì và khi nào?”, https://www. dexiaabogados.com/blog/prision-permanente-revisable/, ngày 27/9/2023.

(6) Điều 38 Bộ luật Hình sự Việt Nam, Điều 36 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

(7) Điều 55 Bộ luật Hình sự Việt Nam, Điều 76 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

 (8) Điều 36 Bộ luật Hình sự Việt Nam và Điều 37 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

(9) Khoản 2 Điều 50 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

(10) Điều 52 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

(11) Điều 31.1 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha quy định Trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự...

(12) Khoản 7 Điều 33 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha quy định Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân đều được coi là nghiêm trọng...

(13) Khoản 4 Điều 50 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha và Điều 77 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

(14) Khoản 7 Điều 33 Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha.

(15) Francisco Estepa Dominguez, Trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Đại học Quốc tế Andalusia, H.2012, tr. 52-54.

(16) Juan José González, Các hình phạt có thể được áp dụng đối với pháp nhân, https://gonzalezrusypalmaherrera.com/, ngày 27/9/2023.

  

Tài liệu tham khảo

1. GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Mục đích của hình phạt, Tạp chí Luật học số 1/1999, tr.10.

2. PGS.TS Trịnh Quốc Toản, Một số vấn đề lý luận về hình phạt trong luật hình sự, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học số 27/2011, tr.147.

3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần chung, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2017, tr.264-268.

4. Manuel Rebollo Puig, Antonio Bueno - Armijo, Lucia Alarcon Sotomayor, Manuel Izquierdo - Carrasco (2013), Phân tích quốc gia: Tây Ban Nha, https://www.researchgate.net/publication/367525607_Country_Anal- ysis_Spain/citations, ngày 27/9/2023.

5. Dr. Daniel Rodríguez Horcajo (2019), Pena (Teoría de la), Universidad Autónoma de Madrid, Madrid, Tây Ban Nha, https://doi.org/10.20318/eunomia.2019.4701, ngày 22/8/2023.

6. LLM. Hernán Fuentes Cubillos (2008), The principle of proportionality in criminal law.some considerations about its realization in the individualization of the sentence, Tạp chí Ius et Praxis, Tây Ban Nha.

7. Carlos Gómez - Jara Díez, Luật hình sự Tây Ban Nha, Nhà xuất bản Đại học Stanford, H.2009, tr. 40 - 41, https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1317689.

Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯỢNG 

Trường Đại học Công đoàn

NGUYỄN QUỲNH HOA

Trường Đại học Luật Hà Nội

Từ 01/7 người dân có thể sử dụng căn cước điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính

 

Nguyễn Mỹ Linh