/ Đời sống - Xã hội
/ Sông Đà 1.01 chính thức thay đổi sau Đại hội cổ đông bất thường

Sông Đà 1.01 chính thức thay đổi sau Đại hội cổ đông bất thường

06/02/2023 11:30 |2 năm trước

(LSVN) - Ngày 31/12, Công ty CP Sông Đà 1.01 đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường (Đại hội) với đầy đủ nội dung theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, thống nhất bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2022-2027.

Chính thức "thay máu".

Đại hội đã thông qua sửa đổi một số nội dung trong Điều lệ Công ty, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, thông qua việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động của Sông Đà 1.01. Theo đó, miễn nhiệm toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) cũ kể từ ngày 31/12/2022

Theo đó, các cá nhân cũ bị miễn nhiệm kể từ ngày 31/12 và thay thế là 5 thành viên mới, gồm: Bà Vũ Thị Thúy; ông Phạm Khánh Phương; ông Trịnh Văn Tôn; ông Nguyễn Văn Đức và ông Tạ Văn Trung.

Đại hội thông qua tờ trình chấm dứt hoạt động toàn bộ các chi nhánh trực thuộc Công ty và Ủy quyền cho HĐQT chủ động lựa chọn đơn vị kiểm toán và không thông qua việc giao cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bất động sản Bình Minh triển khai thực hiện thi công dự án Eco Green Tower tại số 1 Giáp Nhị, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Ban lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 cũng trình bày kế hoạch hoạt động của Công ty trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là giải quyết những khó khăn nội tại của Sông Đà 1.01 và nhanh chóng tái khởi động dự án Hanoi Landmark 51.

Sông Đà 1.01 đã chính thức đổi chủ.

Dự án Hanoi Landmark 51 sắp “hồi sinh”

Sông Đà 1.01 đổi chủ, thị trường kỳ vọng loạt dự án đẳng cấp, chất lượng, uy tín, trong đó Dự án Hanoi Landmark 51 sẽ sớm “hồi sinh”, tăng thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư.

Dự án Hanoi Landmark 51 tọa lạc tại số 55 Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội, được khởi công vào tháng 4/2015 trên diện tích gần 4.600m2 với 688 căn hộ. Đây là là tòa nhà cao thứ 3 Thủ đô chỉ sau Keangnam Landmark 71 và Lotte Tower tại thời điểm được xây dựng, diện tích đa dạng từ loại 2 phòng ngủ gồm 76m2 và 86 m2; loại 03 phòng ngủ có các diện tích 91m2, 108m2, 112m2 và 116m2 phù hợp cho các hộ gia đình từ 2-3 thế hệ. Tầng thượng penhouse được bố trí không gian cây xanh thưởng thức cafe và tiệc nhẹ, có mật độ xây dựng chỉ 48%. Chủ đầu tư dự án dành phần lớn diện tích cho công viên thác nước và cây xanh giúp tòa nhà thêm sinh động, điều hòa không khí tự nhiên với ý tưởng thiết kế theo phong cách Singapore… Chính vì vậy, HaNoi LandMark 51 đáp ứng trọn vẹn những tiêu chí cao cấp theo phân hạng chung cư của Bộ Xây dựng, được xây dựng với những tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất, với mục tiêu hàng đầu là đem tới sự tối ưu cho cư dân.

Hanoi Landmark 51 được thiết kế theo phong cách Singapore.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn tích hợp hệ thống nhà thông minh smarthome vào tất cả các căn hộ trong dự án, nhằm mang đến cho cư dân cuộc sống tiện nghi và hiện đại nhất. Nội thất được trang bị trong mỗi căn hộ cũng đều là những sản phẩm cao cấp tới từ các thương hiệu uy tín hàng đầu với sàn gỗ, tủ bếp, trần thạch cao…

Đặc biệt, tòa nhà được xây dựng với thiết bị và công nghệ tiên tiến, cực kì bền vững, chống được động đất trên 7,5 độ richter, giữ thăng bằng mỗi khi có bão, lốc xoáy và gió lớn. Hệ thống lắp đặt camera, an ninh bảo vệ 24/24, hệ thống bãi đỗ xe tầng hầm thông minh rộng rãi. Hệ thống xử lý thông gió và hút gió đạt tiêu chuẩn hiện đại bậc nhất hiện nay, giữ cho không khí tầng hầm và cả tòa nhà luôn thoáng mát.

Có thể thấy, HaNoi LandMark 51 được giới chuyên gia đánh giá là "đẳng cấp, chất lượng, uy tín", do chủ đầu tư có thương hiệu là Công ty CP Sông Đà 1.01 triển khai. Vào thời điểm ra mắt, dự án được ghi nhận có tính thanh khoản rất tốt.

Theo nhận định của các chuyên gia, từ giữa năm 2019, thị trường bất động sản đã bộc lộ những khó khăn nhất định, năm 2020, tình hình dịch bệnh hoành hành, khiến nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, đặc biệt là với các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh trước đây đã không đủ dòng tiền xoay xở thực hiện dự án.

Chính từ sự khó khăn này, việc "thay máu" được đánh giá như một chiếc chìa khóa để mở ra những nút thắt, là sự chuyển giao cần thiết để hình thành nên những cơ hội mới cho thị trường.

Thực tế, thị trường bất động sản đã và đang bước sang một thời kỳ mới - Thời kỳ người mua nhà không chỉ để ở, mà hơn thế nữa là tìm một nơi để sống. Và bất động sản không chỉ là sản phẩm bất động mà còn phải trở thành một loại hàng hóa thực sự, tạo ra được giá trị gia tăng, tạo ra được dòng tiền cho người chủ sở hữu.

Để làm được điều đó, bên cạnh yếu tố quan trọng như chất lượng dịch vụ, giá trị sống trở thành tiêu chí hàng đầu trong việc lựa chọn của người mua nhà, thì vị trí được xem là yếu tố quyết định để thực hiện chiến lược này.

Thực tế, Đã có rất nhiều cuộc "thay máu" thành công ngoài mong đợi. Điển hình như Dự án Đà Nẵng Hotel And Resort có “thâm niên” bị đắp chiếu, hay Dự án Sông Đà Riverside tại TP Hồ Chí Minh… Thực tế đã cho thấy, sau khi chuyển giao về cho các chủ đầu tư mới, các Dự án này đã nhanh chóng được hồi sinh mạnh mẽ.

Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều luồng quan tâm đến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các Dự án hứa hẹn tạo ra lợi nhuận như HaNoi LandMark 51. Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ đổi chủ.

Theo ý kiến của một chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư thuộc khối ngoại và các quỹ quốc tế không ngừng tìm kiếm những bất động sản đang hoạt động hoặc liên doanh với các đối tác có thương hiệu tốt, lâu năm tại thị trường Việt Nam như Sông Đà 1.01 để hợp tác. Thời gian tới, các thương vụ có thể tập trung nhiều ở nhóm tài sản cao cấp và bất động sản xanh (có chứng chỉ xanh hoặc có gắn nhãn tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường). Diễn biến này xuất phát từ nguyên nhân sau những tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu không gian làm việc và không gian sống chất lượng cao, thân thiện môi trường, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sẽ được chú trọng nhiều hơn.

Cơ hội và thách thức

Với việc thâu tóm doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng về tài chính, Dự án Hà Nội Landmark 51 đang trong tình trạng “ngủ đông” thể hiện sự quyết đoán, tự tin của ban lãnh đạo mới.

Thời gian gần đây, CTCP Sông Đà 1.01 xuất hiện biến động về cơ cấu sở hữu, với những cổ đông mới. Đặc biệt, Cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 cũng nhiều phiên liên tiếp tăng trần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/12, Cổ phiếu SJC đang có mức giá mức giá 15.600 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 1100% so với hồi đầu tháng 7 (1.400 đồng/cp).

Sau Đại hội vào ngày 31/12 vừa qua. Với nội dung thông qua việc thay đổi điều lệ, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Có thể nói với việc “thay máu” cả về sở hữu lẫn quản trị doanh nghiệp. Hàng ngũ lãnh đạo mới sẽ thực sự đứng trước những cơ hội và thách thức ngay từ khi tiếp quản.

Nhìn vào bức tranh tài chính của Sông Đà 1.01 có thể thấy, các vấn đề lớn bao gồm doanh thu sụt giảm, lợi nhuận liên tục ở mức âm, trong khi khoản vay tăng. Những năm gần đây, doanh thu của Sông Đà 1.01 khá thấp, lãi ít, thậm chí thua lỗ.

Năm 2022, lũy kế 9 tháng, Sông Đà 1.01 chỉ ghi nhận gần 5,1 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 145 triệu đồng. Về tài sản, đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của công ty ở mức 1.617 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 1.518 tỷ đồng, điều đó cho thấy chất lượng tài sản rất kém.

Ở một diễn biến khác, Dự án Hà Nội Landmark Tower của Sông Đà 1.01 hiện đã bị Ngân hàng PVCombank thu giữ và đang trong quá trình khởi kiện để thu hồi nợ. Đồng thời, Doanh nghiệp còn đang chịu hàng trăm tỷ đồng nợ nhà thầu, người mua nhà, nợ cá nhân của Công ty. Do đó, thách thức có thể nhìn thấy rõ nhất với dàn lãnh đạo mới của Sông Đà 1.01 là phải xử lý các vấn đề tài chính đang tồn đọng.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, việc một đơn vị sẵn sàng mua lại một Doanh nghiệp, một Dự án có nhiều dấu hiệu suy thoái, khủng hoảng là một điều dũng cảm. Tất nhiên, khi “thâu tóm” Sông Đà, đơn vị này đã phải có sự tính toán cẩn trọng.

“Nếu nhìn vào sự suy yếu của các dự án thì ngoài năng lực của chủ đầu tư còn có nhiều yếu tố khác được xem xét như vay vốn, đã chuyển nhượng hình thành trong tương lai, đã nhận vốn góp… Nếu dự án có những yếu tố này thì đơn vị mua lại phải tính toán đến việc phải kế thừa lại, làm chủ toàn bộ nợ của các chủ đầu tư cũ. Phải tính toán làm sao để cộng nợ, cùng với giá trị của dự án, tiền đầu tư làm lại dự án… các nghĩa vụ khác vẫn là một chi phí có thể đáp ứng được và đảm bảo là có lãi. Khi đơn vị nhận mới họ tính toán được hết điều đó thì họ sẽ có khả năng tiếp tục điều hành, tiếp tục đầu tư, kinh doanh của các dự án của doanh nghiệp bị thâu tóm”, TS Nguyễn Văn Đính phân tích.

Các chuyên gia nhận định, thương vụ thâu tóm sẽ mang lại những lợi ích cho cả hai bên. Việc có một Doanh nghiệp mới mua lại là một tín hiệu vvo cùng tích cực đối với Sông Đà 1.01, khi cách vận hành của Doanh nghiệp có thể nói đã lạc hậu, việc có được làn sóng mới phù hợp hơn với bối cảnh thị trường, chưa kể là triển vọng về việc cải thiện các chỉ số tài chính.

Bên cạnh đó, cùng với tiếng tăm trong làng bất động sản của Sông Đà 1.01, với việc là Chủ đầu tư của Dự án Hà Nội Landmark 51, một trong những tòa tháp cao nhất Thủ đô thì đơn vị nào thâu tóm được Sông Đà 1.01 đồng nghĩa sẽ sở hữu Dự án đình đám này. Như vậy họ sẽ có một màn ra mắt làng bất động sản không thể ấn tượng hơn. Giá trị thương hiệu sẽ rất tốt, từ đó sẽ tạo ra một ưu thế rất lớn cho các Doanh nghiệp tham gia mua bán và sáp nhập, đặc biệt là với những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới xuất hiện trên thị trường bất động sản.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn như Dự án Landmark 51 đang chậm tiến độ, chưa thể bàn giao cho người mua nhà, nhưng trong bối cảnh thị trường nhà ở Hà Nội đang thiếu trầm trọng nguồn cung căn hộ chung cư, cùng với việc về tay chủ sở hữu mới thì niềm tin vào sự hồi sinh của Hà Nội Landmark 51 là có cơ sở.

Cơ hội đã thấy rõ khi có sự tiếp quản mới tại Sông Đà 1.01, nhưng để cơ hội trở thành hiện thực, cần có sự đồng lòng từ tất cả các thành viên mới để vực dậy được những Dự án vốn đã khó khăn như Hà Nội Landmark 51.

Sông Đà 1.01 là một Doanh nghiệp đã có thương hiệu nhưng đã gặp khủng hoảng do một số yếu tố. Trong đó, khách quan có, chủ quan cũng có. Để làm “sống lại” Doanh nghiệp cũng như Dự án Hà Nội Landmark 51 đòi hỏi đơn vị tiếp quản mới phải tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, họ rất cần sự đồng cảm của những yếu tố, nhân tố liên quan như các chủ nợ.

PV

Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp nhận giải thưởng 'Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động'

 
Nguyễn Hoàng Lâm