/ Nghề Luật sư
/ Sứ mệnh của nghề luật sư ở Việt Nam

Sứ mệnh của nghề luật sư ở Việt Nam

18/09/2023 11:24 |1 năm trước

(LSVN) - Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Mỗi Luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Vậy, sứ mệnh của nghề Luật sư ở Việt Nam là gì? Để hành nghề Luật sư cần những điều kiện gì theo quy định hiện nay?

Ảnh minh họa.

Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Quy tắc 1 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về sứ mệnh của Luật sư. Theo đó, Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định rõ về tiêu chuẩn Luật sư. Theo đó, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành Luật sư.

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 trên muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn Luật sư.

Về đào tạo nghề luật sư, theo Điều 12 Luật Luật sư, người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

Thời gian đào tạo nghề luật sư là 12 tháng.

Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.

THÀNH LONG

Bùi Thị Thanh Loan
LSVN