/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tác động của việc phê chuẩn các Công ước quốc tế đến quan hệ lao động ở Việt Nam

Tác động của việc phê chuẩn các Công ước quốc tế đến quan hệ lao động ở Việt Nam

27/04/2021 07:39 |

(LSVN) - Gần 76 năm xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó có gần 30 năm kể từ thời điểm tái gia nhập ILO (1992), Việt Nam luôn thể hiện sự nỗ lực cam kết và thực hiện các công ước quốc tế nói chung và các công ước quốc tế về quan hệ lao động nói riêng, nhằm thúc đẩy và đảm bảo tiêu chuẩn lao động cơ bản cho người lao động Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế về quyền của người lao động. Việc phê chuẩn các Công ước quốc tế nói chung, các Công ước tế về lao động nói riêng vào Việt Nam cơ bản mang lại những cơ hội lớn giúp Việt Nam có đủ điều kiện tham gia vào những cơ hội quốc tế rộng mở, đồng thời cũng mang đến những thách thức đòi hỏi các chủ thể trong quan hệ lao động phải cùng nỗ lực chung tay để xây dựng quan hệ lao động ngày càng hài hoà, ổn định và tiến bộ hơn.

 

Công ước quốc tế là văn bản ghi rõ những việc cần tuân theo và những điều bị cấm thi hành, liên quan đến từng lĩnh vực, do một nhóm nước thoả thuận và cùng cam kết thực hiện, nhằm tạo ra tiếng nói chung, sự thống nhất về hành động và sự hợp tác trong các nước thành viên về lĩnh vực mà công ước đó đề cập. Trong lĩnh vực về lao động, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO - International Labour Organisation) là một cơ quan chuyên trách ba bên về quan hệ lao động trực thuộc Liên hợp quốc (UN - United Nations), ILO đảm bảo nguyên tắc xây dựng và phê chuẩn các tiêu chuẩn lao động quốc tế một cách hiệu quả. Thông qua Hội nghị Lao động Quốc tế quy tụ đoàn đại biểu từ tất cả các quốc gia thành viên của ILO, một tiêu chuẩn lao động quốc tế mới được thông qua cần đảm bảo ít nhất 2/3 số phiếu là phiếu thuận và được phân bổ như sau: Mỗi đại biểu của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động có 01 phiếu bầu tại phiên họp toàn thể. Trong đó, đoàn đại biểu gồm 2 đại biểu của chính phủ; 1 đại biểu của người sử dụng lao động; 1 đại biểu của người lao động. 

Từ năm 1945 đến nay, với gần 76 năm xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó có gần 30 năm kể từ thời điểm tái gia nhập ILO (1992), Việt Nam luôn thể hiện sự nỗ lực cam kết và thực hiện các công ước quốc tế nói chung và các công ước quốc tế về quan hệ lao động nói riêng, nhằm thúc đẩy và đảm bảo tiêu chuẩn lao động cơ bản cho người lao động Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế về quyền của người lao động. Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập 24 Công ước Lao động Quốc tế, trong đó có 7/8 công ước quốc tế cơ bản của ILO (ILO Core Labour Standards Conventions). Đặc biệt trong năm 2019, đã có 3 Công ước cơ bản được phê chuẩn thêm: Công ước 98, 159, 88 và Công ước số 105 phê chuẩn vào năm 2020. 

Các Công ước quốc tế cơ bản về lao động do ILO ban hành đã được Việt Nam phê chuẩn gồm: Công ước số 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, 1949; Công ước số 29 về Lao động Cưỡng bức; Công ước số 105 về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức, 1957; Công ước số 138 về Tuổi Lao động Tối thiểu, 1973; Công ước số 182 về các Hình thức Lao động Trẻ em Tồi tệ nhất, 1999; Công ước số 100 về Trả công Bình đẳng, 1951; Công ước số 111 về Chống Phân biệt đối xử (Việc làm và Nghề nghiệp), 1958. Riêng Công ước số 87 (Quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức) là công ước cặp đi cùng Công ước số 98 đến nay vẫn chưa phê chuẩn, lộ trình phê chuẩn dự kiến vào năm 2023.

Quy trình để Việt Nam phê chuẩn một Công ước quốc tế về lao động và được ILO công nhận bao gồm các công việc nội bộ quốc gia và các công việc liên quan đến nghĩa vụ thông báo, đăng ký thực hiện. Có một cơ chế đặc biệt để theo dõi và giám sát việc áp dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ở các quốc gia thành viên của ILO, ngay cả khi quốc gia thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước tương ứng. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nộp Báo cáo quốc gia hàng năm cho ILO, nêu rõ các biện pháp mà quốc gia thành viên đó đã thực hiện để thúc đẩy việc thực hiện tại quốc gia mình. Báo cáo này được Hội đồng điều hành (Governing Body) của ILO xem xét và ILO có thể thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu Báo cáo hàng năm của các quốc gia, từ đó nhóm chuyên gia này sẽ đưa ra các nhận xét và đánh giá của mình bằng văn bản. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc của ILO (General Director) có nhiệm vụ làm Báo cáo toàn cầu hàng năm về việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản để trình cho Hội nghị Lao động quốc tế (International Labour Conference). 

Khi phê duyệt Công ước này, Việt Nam cần báo cáo tới Văn phòng Lao động Quốc tế xác nhận rằng Việt Nam có “pháp luật hoạt động hiệu quả cho toàn bộ công dân của nước đó trong lãnh thổ nước đó” trong nhánh hoặc các nhánh an sinh xã hội mà nước này chấp nhận nghĩa vụ của Công ước. Cũng theo quy định của ILO, Việt Nam cần có tuyên bố ngay sau khi công bố chấp nhận nghĩa vụ của Công ước nhằm mục đích thông tin. Về cơ bản, các nhiệm vụ chính của nội bộ quốc gia sau khi đạt được sự đồng ý của ILO là tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan trong quan hệ lao động, sau đó, Chính phủ trình Báo cáo thuyết minh việc phê duyệt Công ước quốc tế của ILO; Quốc hội thảo luận, xem xét và biểu quyết phê chuẩn[1].

Việc phê chuẩn các Công ước quốc tế của ILO ở Việt Nam tạo ra những tác động căn bản đến quan hệ lao động trên nhiều phương diện. Có những tác động cho thấy những hệ quả tích cực cụ thể, bên cạnh đó cũng có những tác động lại mang đến những thách thức lớn cho quan hệ lao động.

Về những tác động tích cực đối với quan hệ lao động ở Việt Nam

Thứ nhất, việc thực hiện các cam kết theo tiêu chuẩn lao động quốc tế được thể hiện thông qua quá trình nội luật hoá các Công ước quốc tế về lao động của ILO giúp quá trình xây dưng quan hệ lao động ngày càng hài hoà, ổn định và tiến bộ, điều này được thể hiện rõ thông qua việc ban hành Bộ Luật Lao động năm 2019, bắt đầu có giá trị hiệu lực từ 01/01/2021. Bộ Luật Lao động mới ra đời thể hiện nhiều ưu việt với việc cụ thể hoá các quy định của Công ước quốc tế về lao động, đặc biệt là Công ước số 98. Đây là một trong những bước tiến quan trọng góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Thứ hai, khi phê chuẩn các Công ước quốc tế về lao động nói chung, đặc biệt là Công ước 98, đã tạo ra cách nhìn nhận mới và rõ hơn về vai trò của thương lượng tập thể trong quan hệ lao động tại Việt Nam. Vấn đề nội dung, chủ thể, nguyên tắc, quy trình thương lượng tập thể được Nhà nước bổ sung rõ trong nội luật, ví dụ như: Điều kiện, phương tiện hoạt động của tổ chức đại diện người lao động; Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động; Cơ chế, phương thức phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động; Bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, nghỉ hằng năm; phòng, chống bạo lực và quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 

Thứ ba, lần đầu tiên một tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam chính thống với cơ quan trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) được chấp nhập cho phép hoạt động tại cơ sở, đồng thời cho phép có quyền thương lượng tập thể (Điều 68, Bộ luật Lao động 2019). Tuy Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước số 87, nhưng việc phê chuẩn Công ước số 98 đã thể hiện việc cho phép đa nguyên về công đoàn, đây thực sự là bước tiến về công nhận quyền tự do của người lao động tại cơ sở trong quá trình cử đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ.

Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, khi chứng minh được việc mình đã tuân thủ và tôn trọng các tiêu chuẩn lao động cơ bản trong các Công ước quốc tế tại cấp doanh nghiệp sẽ đồng thời tăng sức cạnh tranh tại những thị trường trên. 

Về những cơ hội và thách thức đối với quan hệ lao động ở Việt Nam

Thứ nhất, những tác động có thể vừa là áp lực vừa là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp và người lao động gắn kết, quan tâm nhau nhiều hơn để cùng tồn tại, cùng phát triển. Theo báo cáo nhanh của ILO năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình việc làm của người lao động và tình cảnh của người sử dụng lao động ngày càng trở nên tồi tệ[2]. Việc phê chuẩn Công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt ở Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, việc không sử dụng lao động cưỡng bức sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tránh được sự tẩy chay của người mua ở những nước nhập khẩu[3]. Đối với trường hợp doanh nghiệp phân biệt đối xử trong lao động (ví dụ không tuyển lao động nữ, trả lương lao động không bình đẳng…) sẽ làm giảm nguồn cung lao động cho doanh nghiệp, dẫn đến khó thu hút lao động có chất lượng, cuối cùng dẫn đến năng suất lao động trong doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm. Việc thực hiện tốt các tiêu chuẩn lao động quốc tế chắc chắn giúp nâng cao khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tạo được uy tín và đẩy mạnh khả năng cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp.

Thứ hai, việc phê chuẩn các Công ước quốc tế về lao động một mặt góp phần tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) cho quốc gia, mặt khác cũng sẽ tạo ra những áp lực cho doanh nghiệp nội địa trong việc tích luỹ về tài chính và hoàn thiện ý thức trách nhiệm xã hội nhằm đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Nếu các doanh nghiệp nội địa không có năng lực đáp ứng hoặc mức đáp ứng thấp hơn các doanh nghiệp FDI thì sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa sẽ bị suy giảm. Thị trường lao động, đặc biệt là cơ hội sử dụng lao động chất lượng cao sẽ là một bài toán lớn cho chính các doanh nghiệp nội địa. Bên cạnh đó, nhận thức đầy đủ và đúng đắn của người lao động về miền lợi ích được xác định là “chính đáng” cũng là một khó khăn lớn với nhiều tập thể lao động ở Việt Nam. Như trường hợp thi hành tiêu chuẩn về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể cho phép người lao động và người sử dụng lao động được tham gia nhiều hơn vào quá trình lập chính sách, tăng cường năng lực của người lao động trong quá trình thương lượng tập thể, nhưng nếu mức của lợi ích vượt quá “chính đáng” thì sẽ tạo ra sự khủng hoảng lớn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, quá nhiều tổ chức đại diện của NLĐ trong DN sẽ làm mất thời gian của người sử dụng lao động trong quá trình đảm bảo các quy định về đối thoại tại nơi làm việc hay cung cấp các thông tin nhằm đảm bảo dân chủ cơ sở cho người lao động. Quan hệ lao động ổn định, hài hòa và lành mạnh là một trong những cơ sở để duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội của quốc gia - điều kiện tiên quyết để thúc đẩy kinh tế và thu hút FDI[4]. 

“Ngay từ năm 1919, những người sáng lập ILO nhận ra rằng nền kinh tế toàn cầu cần có luật chơi rõ ràng để đảm bảo sự phát triển kinh tế sẽ diễn ra song hành với công bằng xã hội, thịnh vượng và hòa bình cho tất cả mọi người. Cho đến nay, và kể cả trong tương lai, nguyên tắc này vẫn giữ nguyên tính phù hợp”[5]. Nhận định trên về vai trò của ILO trong việc hình thành các công ước quốc tế thể hiện nội dung các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản đang ngày được khẳng định và minh chứng rõ bằng sự phát triển của quan hệ lao động trên thế giới. Việc phê chuẩn các Công ước quốc tế nói chung, các Công ước tế về lao động nói riêng vào Việt Nam cơ bản mang lại những cơ hội lớn giúp Việt Nam có đủ điều kiện tham gia vào những cơ hội quốc tế rộng mở, đồng thời cũng mang đến những thách thức đòi hỏi các chủ thể trong quan hệ lao động phải cùng nỗ lực chung tay để xây dựng quan hệ lao động ngày càng hài hoà, ổn định và tiến bộ hơn.

Tài liệu tham khảo

[1] ILO, Vụ Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, 2012. “Cẩm nang hướng dẫn quy trình thủ tục liên quan đến các Công ước và Khuyến nghị Lao động Quốc tế” ,

[2] https://www.ilo.org/hanoi/Whatwedo/Publications/WCMS_757928/lang--vi/index.htm

[3] Kimberly, A.E. & Richard, B.F. 2003, Liệu các tiêu chuẩn lao động có được cải thiện khi toàn cầu hoá?. Học viện Kinh tế quốc tế Mỹ (Can Labor Standards Improved under Globalization? Institute for International Economics, Washington at 17.)

[4] Nicholas, B. 1999, "Vị trí của Đầu tư nước ngoài trực tiếp: Bản phân tích theo kinh nghiệm” (The Location of Foreign Direct Investment: An Empirical Analysis", Applied Economics, vol. 31, no. 1, pp. 65-76.)

[5] https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_736776.pdf

[6] Các Công ước quốc tế của ILO số: 87, 98, 29, 105, 138, 182, 100, 111.

[7] Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động, 2016. Tuyên bố năm 1998 và 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế. Nxb Lao động.

[8] Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 2010. Xây dựng Quan hệ lao động – Thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp – Vai trò CĐVN. Nxb Lao động.

[9] Thông tin trên website của ILO: https://www.ilo.org

Luật gia, Giảng viên chính NGUYỄN HOÀNG MAI

Đại học Công Đoàn

Người lao động nghỉ việc bao lâu được trả sổ bảo hiểm xã hội?

Lê Minh Hoàng