Pháp luật quy định chỉ có Luật sư mới được phép cung cấp dịch vụ pháp lý chính là để đảm bảo quyền lợi ích cho nhân dân, người bỏ tiền thuê dịch vụ pháp lý và quy định như vậy hoàn toàn không xung đột quy định của các Luật khác.
Cung cấp dịch vụ pháp lý đòi hỏi người thực hiện không chỉ cần có kiến thức sâu rộng về pháp luật mà cần đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống, trách nhiệm với cộng đồng xã hội… Những tiêu chuẩn, điều kiện này chỉ có thông qua quá trình đào tạo, học tập, tích lũy, tổ chức, quản lý. Người không phải là Luật sư không buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đó, vì vậy chất lượng dịch vụ họ cung cấp (nếu có) có hạn chế và không tương ứng như dịch vụ Luật sư cung cấp.
Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo Hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức. Pháp luật đã quy định chỉ có Luật sư đã đăng ký hành nghề theo Luật Luật sư mới là chủ thể thực hiện dịch vụ pháp lý thông qua Hợp đồng dịch vụ pháp lý, mới được hành nghề Luật sư chứ không phải bất kỳ cá nhân nào cũng có thể thể thực hiện dịch vụ pháp lý “Hành nghề Luật sư”.
Quy định Luật sư mới được phép cung cấp dịch vụ pháp lý không mâu thuẫn với quyền tự do kinh doanh được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Tại Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”. Quyền tự doanh kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp cũng đã quy định rõ doanh nghiệp có quyền: “Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được tôn trọng, bảo vệ nhưng pháp luật cũng quy định rõ doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Để khẳng định rõ hơn Bộ Tư pháp đã có Công văn khẳng định các hoạt động ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý phải đăng ký tại Sở Tư pháp các tỉnh và thành phố theo quy định của Luật Luật sư và chỉ có Luật sư mới phép được thực hiện.
Bộ luật Dân sự là luật chung điều chỉnh tất cả các quan hệ dân sự, luật khác có liên quan đến điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc, quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng trái với quy định của Bộ luật Dân sự thì phải áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự. Luật Luật sư là văn bản pháp luật chuyên ngành, những nội dung chuyên ngành sẽ được thực hiện theo luật chuyên ngành. Do vậy, trường hợp nhận đại diện, ủy quyền để thực hiện dịch vụ pháp lý quy định của Luật Luật sư không trái các nguyên tắc về tự nguyện, thỏa thuận của Bộ luật Dân sự quy định. Để thực hiện các công việc đại diện, ủy quyền có yếu tố dịch vụ chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư.
Luật sư Trần Văn An, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang.
Nói pháp luật quy định chỉ có Luật sư mới được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, trước hết để đảm bảo quyền lợi của người dân, người bỏ tiền thuê dịch vụ vì:
Thứ nhất, dịch vụ pháp lý là hoạt động cần kiến thức pháp luật chuyên môn sâu, rộng, kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử nghề nghiệp. Một người có thể có kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nhưng không có kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp khi cung cấp dịch vụ cũng không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Chính vì vậy, pháp luật quy định ngay cả những người là Tiến sĩ Luật, Giảng viên pháp luật mặc dù là những người rất giỏi về một hoặc một số chuyên ngành luật nhưng vẫn chưa đủ điều kiện là Luật sư và những người này không được cung cấp dịch vụ pháp lý.
Thứ hai, một người muốn trở thành Luật sư ngoài kiến thức về pháp luật tức là họ đã có bằng cử nhân luật, người đó còn phải tiếp tục tham gia và hoàn thiện rất nhiều các bước gồm: Tham gia gia học nghiệp vụ Luật sư tại Học Viện Tư pháp 12 tháng; sau đó tập sự hành nghề Luật sư 12 tháng, khi đủ điều kiện phải tham dự Kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; sau khi thi đỗ phải thực hiện các thủ tục và được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư. Đây là khoảng thời gian để người đó tích lũy thêm kiến thức pháp luật, học tập, tích lũy kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Thứ ba, khi cung cấp dịch vụ pháp lý, ngoài quy định chung của Bộ luật Dân sự, tổ chức hành nghề Luật sư và Luật sư còn phải tuân thủ rất nhiều quy định để đảm bảo chất lượng dịch vụ như: Việc bắt buộc phải ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý, việc tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính… Những quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân, của khách hàng.
Thứ tư, dịch vụ pháp lý là dịch vụ đặc thù liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, uy tín của công dân. Hoạt động Luật sư thuộc nhóm bổ trợ Tư pháp nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, người Luật sư còn tuân thủ một loạt các quy định nội bộ mang tính chất bắt buộc và trở thành “Luật của Luật sư”, trong đó có Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Bộ Quy tắc đã quy định nhiều yêu cầu, đòi hỏi với Luật sư, việc cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi ích của khách hàng. Từ Quy tắc độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan đòi hỏi người Luật sư đến Quy tắc buộc Luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Quy tắc quy định Luật sư phải giữ bí mật thông tin của khách hàng. Quy tắc thù lao trong đó quy định đề cao nguyên tắc Luật sư không được hứa hẹn, cam kết, kết quả công việc. Quy tắc quy định những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng. Quy tắc hướng dẫn Luật sư tiếp nhận, thực hiện, chấm dứt thực hiện vụ việc của khách hàng theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng… Người Luật sư sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là xóa tên, thu hồi Thẻ Luật sư, chứng chỉ hành nghề Luật sư không chỉ với trường hợp vi phạm pháp luật mà vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp được quy định trong Bộ Quy tắc.
Khi một người không phải Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý (nếu có) họ sẽ không phải tuân thủ các quy định của Luật Luật sư, quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong đó có Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Do đó kết quả, chất lượng và sự đảm bảo của hoạt động sẽ không như khi Luật sư cung cấp.
Thứ năm, với tính chất là hoạt động bổ trợ Tư pháp, dịch vụ Luật sư ngoài tuân thủ các điều kiện của một giao dịch dân sự, một Hợp đồng dịch vụ pháp luật có nhiều quy định nhằm đảm bảo quyền lợi ích của khách hàng. Luật Luật sư quy định Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Một người chỉ có tư cách Luật sư, được hành nghề Luật sư khi có đủ các điều kiện: Có chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp cấp; đã gia nhập một Đoàn Luật sư; được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư.
Người Luật sư phải gia nhập Đoàn Luật sư, lựa chọn một trong hai hình thức hành nghề đó là: Thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề Luật sư; làm việc theo Hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề Luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân. Cho dù hành nghề với tư cách cá nhân thì Luật sư cũng phải đăng ký tại Sở Tư pháp và chỉ được cung cấp dịch vụ cho chính đơn vị mình ký Hợp đồng, không được cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân khác.
Tại Việt Nam không có Luật sư hành nghề tự do hay Luật sư tự hành nghề mà tất cả các Luật sư khi hành nghề đều phải tuân thủ quy định của Luật Luật sư, quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Thứ sáu, Luật sư có trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện trách nhiệm xã hội. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sứ mệnh, trách nhiệm nghề nghiệp không cho phép người Luật sư bất chấp quy định pháp luật, bất chấp đạo lý, truyền thống dân tộc sử dụng các biện pháp không phù hợp pháp luật, trái đạo đức, truyền thống dân tộc khi cung cấp dịch vụ pháp lý.
Pháp luật hiện chỉ cho phép Luật sư mới được cung cấp dịch vụ pháp lý là hoàn toàn phù hợp lý luận và thực tiễn. Người không có đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào đều bị coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư, cung cấp dịch vụ pháp lý trái pháp luật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 7 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân. Theo đó, hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa Luật sư hoặc mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Trường hợp mạo danh Luật sư hành nghề Luật sư trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định của Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Chúng ta cũng cần phân biệt rõ pháp luật chỉ cấm hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý của người không phải là Luật sư chứ không cấm một người có kiến thức pháp luật tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Không cấm các tổ chức thực hiện việc bảo vệ, đại diện cho thành viên của mình theo quy định. Không cấm người dân tự thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, hỗ trợ anh em, bè bạn, thân nhân của mình khi có các vấn đề liên quan đến pháp luật. Pháp luật chỉ cấm hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, tức cấm thực hiện có yếu tố dịch vụ, có thỏa thuận về thù lao giữa các bên.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang