Ảnh minh họa.
Trong xã hội có một số nghề nghiệp có tính chất định tính cao ví dụ như nghề bác sỹ, người bác sỹ khi chữa bệnh không cam đoan sẽ chữa khỏi bệnh cho người bệnh. Nghề thầy giáo, người thầy chỉ cam kết sẽ cung cấp lượng kiến thức nhất định cho người học chứ không cam kết người học sẽ tích lũy được lượng kiến thức đó như thế nào, và thậm chí nếu người học không đạt được kết quả còn bị lưu ban… Về nguyên tắc người sử dụng dịch vụ của các nghề nghiệp này phải trả tiền nhưng sẽ không được hứa hẹn, cam kết hoặc đảm bảo về kết quả cung cấp dịch vụ.
Nghề Luật sư là một nghề dịch vụ có tính chất như vậy. Pháp luật, Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam có nhiều quy định cấm Luật sư hứa hẹn, cam kết về kết quả công việc với khách hàng đặc biệt trọng động tố tụng.
Khi khách hàng thuê và sử dụng dịch vụ của Luật sư trên cơ sở sự tin tưởng và kỳ vọng và không nhận được sự cam kết, hứa hẹn, đảm bảo về kết quả vụ việc ta coi đó là tạm ứng niềm tin của khách hàng với người Luật sư.
Niềm tin của khách hàng sẽ được đền đáp thông qua nhưng công việc, hoạt động cụ thể của người Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý và được quyết định bởi kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử của người Luật sư với khách hàng.
Niềm tin hay sự kỳ vọng nói chung sẽ khó được đáp ứng toàn vì thông thường kỳ vọng, ky vọng sẽ cao hơn thực tiễn cuộc sống. Do vậy dẫn đến trường hợp khi niềm tin, sự kỳ vọng ban đầu không được toại nguyện có thể sẽ có việc giảm sút hoặc đánh mất niềm tin. Và khi niềm tin bị suy giảm hoặc mất niềm tin thì các giá trị vật chất không thể thay thế được nhất là niềm tin của khách hàng với Luật sư trong các vụ án hình sự, trong các vụ án, vụ việc có tranh chấp ngoài yếu tố vật chất.
Thực tế đã phát sinh một số mâu thuân giữa khách hàng và Luật sư trong hoặc sau quá trình thực hiện dịch vụ khi khách hàng cho rằng Luật sư đã không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu của mình với hoạt động của Luật sư. Để tránh các mẫu thuẫn không đáng có đó cá nhân Luật sư cần phải định hướng và giải thích rõ về vai trò, vị trí, công việc Luật sư có thể giúp khách hàng, những công việc Luật sư không thể thực hiện cho khách hàng để sự kỳ vọng của khách hàng vào hoạt động Luật sư sát với thực tiễn, tránh tạo lập để khách hàng kỳ vọng vào kết quả, vào hoạt động mà Luật sư không thể thực hiện được.
Quan hệ của Luật sư với khách hàng không chỉ được tạo lập trên cơ sở niềm tin và sự tạm ứng niềm tin mà cũng được quy định rất rõ ràng, cụ thể. Ví dụ mặc dù người Luật sư không hứa hẹn về kết quả bào chữa cho bị can được hưởng án trên nhưng rõ ràng khi nhận vụ việc người Luật sư cũng phải thực hiện đầy đủ các công việc cơ bản của Luật sư như gặp gỡ khách hàng, nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu pháp luật có liên quan, tham dự các hoạt động tố tụng, phân tích định hướng cho khách hàng, chuẩn bị Luận cứ…
Đồng thời, khi tiếp xúc với khách hàng và ngay trong hợp đồng dịch vụ pháp lý cũng lên nêu rõ ràng, chi tiết các nội dung như công việc Luật sư thực hiện, thời hạn thực hiện, giá dịch vụ…. Đây cũng là một cách thức để hạn chế bớt tính chất định tính và tăng tính chất định lương trong hoạt động nghề Luật sư. Tạo lập tính có căn căn cứ và cụ thể hóa các công việc, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên nhất là với Luật sư. Đây không những là cơ sở ràng buộc trách nhiệm giữa các bên mà còn là công cụ, phương tiện để bảo vệ chính người Luật sư trước những yêu cầu, đòi hỏi không có căn cứ hoặc không khả thi, vi phạm pháp luật của khách hàng. Có như vậy niềm tin và tạm ứng niềm tin ban đầu của khách hàng mới sát với kết quả công việc Luật sư thực hiện được cho khách hàng và tránh việc mất niềm tin hoặc khiếu nại tố cáo.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam