LSVNO - Từ ngày 20-23/8/2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Các bị can trong vụ án này là Nguyễn Tiến Duẩn (nguyên Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng) bị VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 và Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; Vũ Thị Tiền (nguyên Kế toán Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng) và Nguyễn Văn Song (chủ hộ kinh doanh ở tổ dân phố Quán Trắng, thị trấn Tân Dân, Yên Dũng) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo cáo trạng, trong thời gian giữ chức Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng (từ 2011 - 2015), Nguyễn Tiến Duẩn đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; không kiểm tra tài chính, kế toán tại đơn vị, buông lỏng quản lý tài chính, duyệt chi tạm ứng cho một số đối tượng sai quy định; không thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thu hồi, quyết toán các khoản liên quan đến đối tượng thương binh giả... gây thiệt hại hơn 5,221 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Duẩn cùng Vũ Thị Tiền và Nguyễn Văn Song còn bị quy kết lập khống các bộ chứng từ, hóa đơn mua hàng hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Song gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 3,191 tỷ đồng.
Cáo trạng số 07/CT-VKS-P3, ngày 16/5/2019 của VKSND tỉnh Bắc Giang.
Tại phiên tòa, LS Nguyễn Xuân Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Tiến Duẩn cho rằng: Không có đủ cơ sở pháp lý để kết tội bị cáo Nguyễn Tiến Duẩn như Kết luận điều tra và Cáo trạng nêu, vì có nhiều điểm mâu thuẫn
“Theo như quy kết của VKSND tỉnh Bắc Giang, tại Bản Cáo trạng số 07/CT-VKS-P3 nói về hành vi phạm tội: ‘Nguyễn Tiến Duẩn đã buông lỏng quản lý tài chính, tài sản trong thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Yên Dũng (từ tháng 7/2011 đến tháng 6/2015), để xảy ra việc ứng tiền sai quy định, chi sai chế độ; không đôn đốc các khoản tiền thu được từ những người thương binh giả và cắt chế độ của những người đã chết, đến khi chuyển công tác đã để thâm hụt quỹ tổng số tiền 5.986.412.600 đồng (gồm số 4.010.360.500 đồng và 1.976.052.100 đồng) – số tiền Phạm Trí Dũng, Thân văn Thắng và một số cán bộ trong đơn vị nộp về quỹ là 764.577.000 đồng = 5.221.835.000 đồng, là số tiền thâm hụt quỹ thực tế mà Nguyễn Tiến Duẩn thực tế phải chịu trách nhiệm’.
VKSND tỉnh Bắc Giang xác định hành vi của ông Nguyễn Tiến Duẩn là để xảy ra việc ứng tiền sai quy định, chi sai chế độ dẫn đến thâm hụt quỹ từ năm (2011-2015), nhưng VKS đã không làm rõ được việc để tạm ứng tiền sai quy định là bao nhiêu? Chi sai chế độ là bao nhiêu? Hàng năm thâm hụt là bao nhiêu? Thâm hụt quỹ tại nguồn ngân sách nào?
Theo số liệu báo cáo tài chính từ năm 2011–2015 của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thì không có năm nào thâm hụt quỹ, số kết dư cuối kỳ từng năm như sau: Năm 2011 dư 403.400.300 đồng; năm 2012 dư 664.505.000 đồng; năm 2013 dư 710.443.600 đồng; năm 2014 dư 1.276.566.990 đồng; riêng năm 2015 ‘bội dư đột biến’ đó là 5.832.698.390 đồng.
Vậy hành vi để việc ứng tiền sai quy định, chi sai chế độ của ông Duẩn gây hậu quả thiệt hại là vào thời gian nào? Nếu hành vi phạm tội của ông Nguyễn Tiến Duẩn kéo dài từ năm 2011-2015 thì số tiền thâm hụt hàng năm là bao nhiêu tiền, các khoản chi sai nguyên tắc là khoản nào và bao nhiêu tiền? Số liệu này có đúng là âm quỹ/thụt quỹ như quy kết hay không?”
LS Nguyễn Xuân Anh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) tại phiên tòa.
Căn cứ theo bản cáo trạng (trang 5) có nêu: “Ông Nguyễn Tiến Duẩn làm trưởng phòng (2011-2015) đã ký duyệt và chỉ đạo cho cán bộ ứng tiền mặt để chi nhưng chưa làm thủ tục hoàn ứng. Theo sổ ghi chép của thủ quỹ Thân Văn Thắng và Phạm Trí Dũng thì các cán bộ trong phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng đã tạm ứng tiền mặt tại quỹ là 5.258.846.000 đồng, trong đó đã hoàn ứng là 113.357.000 đồng, chưa hoàn ứng là 5.145.589.000 đồng (năm 2011 là 782.119.000 đồng; năm 2012 là 998.719.000 đồng; năm 2013 là 838.906.000 đồng; năm 2014 là 1.546.885.000 đồng và năm 2015 là 978.860.000 đồng)”.
Như vậy, theo Cáo trạng, số tiền chưa hoàn ứng của cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng là 5.145.589.000 đồng. Nhưng cũng tại Bản cáo trạng (trang 22), VKSND tỉnh Bắc Giang lại quy kết chưa hoàn ứng tại kho bạc từ 01/2015 đến tháng 5/2015 số tiền là 4.010.360.500 đồng. Điều này, cho thấy rất mâu thuẫn vì hành vi và hậu quả không có mối quan hệ với nhau.
Theo tài liệu tại BL 53 tập 12: “Việc rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện Yên Dũng giai đoạn từ 01/2015 đến tháng 5/2015 do ông Phạm Trí Dũng khi đó là thủ quỹ trực tiếp đến Kho bạc Nhà nước huyện Yên Dũng rút tiền. Ông Phạm Trí Dũng cho biết số tiền việc rút tiền mặt tại kho bạc từ 01/2015 đến tháng 5/2015 về phòng LĐ-TB&XH, ông Dũng có chi số tiền tạm ứng của năm 2015 chi cho các khoản chi của năm 2014 và ngoài ra cho cán bộ của phòng lao động ứng tiền mặt”.
Điều này có thể khẳng định số tiền tạm ứng tại kho bạc từ 01/2015 đến tháng 5/2015 không liên quan gì đến các khoản tạm ứng trước năm 2014.
Cũng tại thời điểm ông Nguyễn Tiến Duẩn thôi giữ chức Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng (tháng 5/2015) số quỹ tiền mặt ngân sách trung ương số dư cuối kỳ là 3.515.340.900 đồng; số quỹ tiền mặt ngân sách huyện Yên Dũng tồn quỹ là 2.549.580.800 đồng có chữ ký của thủ quỹ Phạm Trí Dũng, kế toán Vũ Thị Tiền và trưởng phòng khi đó là Nguyễn Tiến Duẩn.
Nếu như số tiền mặt tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng không còn như trong sổ sách thì liệu có phải thâm hụt do ông Nguyễn Tiến Duẩn để cán bộ phòng LĐ-TB&XH tạm ứng, chi sai nguyên tắc gây ra thâm hụt hay là do một nguyên nhân khác.
Thời điểm ông Duẩn chuyển công tác từ tháng 5/2015 nhưng đến tận tháng 10/2015 mới phát hiện thâm hụt quỹ. Đây là điều hết sức là vô lý, vì tại Công văn số 197/LĐTBXH-TH về việc báo cáo bàn giao công việc của Phòng LĐ-TB&XH ngày 19/8/2016 gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang có nêu: “Sau khi hoàn thiện hồ sơ, sổ sách kế toán năm 2015, đ/c Phan Thế Huấn phát hiện số dư quỹ tiền mặt còn thiếu đến thời điểm ngày 19/5/2015 (thời điểm ông Duẩn thôi giữ chức trưởng phòng LĐ-TB&XH) là 961.494.700 đồng”. Vậy thực tế Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng có bị thâm hụt quỹ tiền mặt vào thời điểm ông Nguyễn Tiến Duẩn thôi giữ chức Trưởng phòng?
Tại trang 19 Cáo trạng, những cán bộ ứng tiền của Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng khai: “Họ có ứng tiền theo danh sách thủ quỹ đã ghi chép để đi thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan. Sau khi thực hiện chi tiền ứng xong các cán bộ ứng tiền đều mang chứng từ về nộp cho bà Vũ Thị Tiền; nếu khoản chi không có chứng từ thì đều báo cáo lại để kế toán Vũ Thị Tiền làm thủ tục thanh quyết toán.Việc họ ứng tiền và chi đều có giấy đề nghị tạm ứng và đều phải chịu sự giám sát chặt chẽ của kế toán và thủ trưởng đơn vị, họ không sử dụng tiền chi tiêu cá nhân”.
Trên cơ sở lời khai của cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thì các khoản tạm ứng trong sổ ghi chép của thủ quỹ thì đều là chi theo đúng quy định, thực hiện theo nhiệm vụ được giao, do kế toán không hoặc chưa thực hiện đúng nhiệm vụ không hoàn ứng các khoản tạm ứng mà thôi.
Nhưng VKSND tỉnh Bắc Giang lại quy kết đó là thiệt hại, mà suy cho cùng bản chất vấn đề ở đây là chỉ có sai phạm về thủ tục hành chính?
Về việc thu hồi tiền “thương binh giả” và “tiền cắt chế độ đối tượng chết” tại trang 06 Bản cáo trạng VKSND tỉnh Bắc Giang quy kết hành vi của ông Nguyễn Tiến Duẩn là chủ tài khoản nhưng không nắm được, không đôn đốc nộp vào ngân sách nhà nước gây thiệt hại số tài sản trên là không đủ căn cứ thuyết phục và số tiền thu “thương binh giả” và đối tượng cắt chết có mâu thuẫn với thực tế.
Vì theo biên bản làm việc của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Giang với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, từ năm 2011-2015 Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng nộp tiền thu chế độ Thương binh giả và cắt chế độ chết nộp về ngân sách nhà nước thì được Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng thực hiện nộp tiền thu năm trước gối sang năm sau và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cũng biết rõ trong nhiều năm.
Pháp luật hiện hành và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cũng không có quy định nào về việc nộp sớm hay muộn hay hoạch toán như thế nào về số tiền này. Vì vậy, vào thời gian ông Nguyễn Tiến Duẩn thôi giữ chức trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Dũng, việc thu hồi tiền “thương binh giả” và “tiền cắt chế độ đối tượng chết” chưa nộp lại ngân sách nhà nước là điều hoàn toàn bình thường.
Do vậy, không thể quy kết hành vi của ông Nguyễn Tiến Duẩn là chủ tài khoản nhưng không nắm được, không đôn đốc nộp vào ngân sách nhà nước gây thiệt hại khoản tiền trên.
Ngoài ra, trong vụ án này cần phải làm rõ nhiệm vụ, nghĩa vụ và trách nhiệm của người thu tiền và giữ khoản tiền này. Xem xét vì sao số tiền này lại bị thất thoát, có yếu tố tự ý sử dụng trái phép tài sản nhà nước hoặc chiếm đoạt hay không?
Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!
Đoàn Vĩnh