Ảnh minh họa.
Cụ thể, TAND Tối cao vừa có Công văn 186B/TANDTC-PC trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, liên quan đến hoạt động của ngành Tòa án.
Theo đó, cử tri tỉnh Khánh Hòa đề cập tình trạng cơ quan chính quyền làm sai, phải bồi thường cho người dân. Bản án đã được tuyên nhưng có cơ quan thi hành rất chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi người bị thiệt hại.
Cử tri đề nghị nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với những trường hợp nêu trên.
Trả lời kiến nghị, TAND Tối cao viện dẫn quy định tại điểm h, khoản 1, điều 311, Luật Tố tụng hành chính: "Quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự".
Như vậy, việc cơ quan, chính quyền làm sai phải bồi thường cho người dân theo quyết định của bản án hành chính hoặc bản án dân sự sẽ được thi hành theo quy định của luật Thi hành án dân sự.
Điều 106, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ nguyên tắc: Bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Cũng theo TAND Tối cao cho hay, theo khoản 1, Điều 45, Luật Thi hành án dân sự quy định, Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Hết thời hạn nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế (theo khoản 1, Điều 46, Luật Thi hành án dân sự).
Đối với đề nghị có chế tài xử lý, TAND Tối cao cho biết sẽ ghi nhận nội dung này và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội để xem xét, quy định khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các đạo luật có liên quan.
HOÀNG HUY
Thêm 07 án lệ mới được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua