Tha tù trước thời hạn có điều kiện – Một số hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng

18/07/2024 21:16 | 1 tháng trước

(LSVN) - Tha tù trước thời hạn có điều kiện là chế định thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta được quy định tại Điều 66 Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015, mục 3 Chương III Luật Thi hành án hình sự năm 2019 nhằm thực hiện chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hướng dẫn áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện được quy định tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP; Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.

Ảnh minh họa.

Từ thực tiễn thi hành các văn bản hướng dẫn áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, đã có rất nhiều bài viết về nội dung này đăng trên các Tạp chí khoa học. Qua nghiên cứu, ngoài những vướng mắc, bất cập mà các Cơ quan tiến hành tố tụng và các quan điểm nghiên cứu khoa học phân tích, chúng tôi thấy rằng vẫn còn tồn tại một số nội dung vướng mắc, bất cập cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:

Một số hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, về việc xác minh, đánh giá yếu tố “đảm bảo việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội”

Mặc dù Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015 không đề cập về vấn đề này, tuy nhiên, khi hướng dẫn về các điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, khoản 7 Điều 2 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP đã quy định như sau: “Khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện phải xem xét thận trọng, chặt chẽ để bảo đảm việc tha tù trước thời hạn có điều kiện không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là đối với các trường hợp phạm tội về ma túy, tham nhũng, phạm tội có tổ chức, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm”.

Khi áp dụng trên thực tiễn vẫn có những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau về quy định này.

Ví dụ 1: Vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 05/5/2018 Đặng Nhật M và Hoàng Thịnh V đến quán nước trên đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, Tp Lạng Sơn để uống nước thì xảy ra mâu thuẫn với Trần Thế T. M và V bỏ về, gọi điện cho Ngụy Tùng L1 và Đỗ Quang L2 nhờ đến đánh T. L1 và L2 đồng ý về nhà lấy 02 con dao và 01 gậy gỗ đi đến quán cầm đồ 115 đường Lý Thường Kiệt thì gặp H, V, M, T1. Cả nhóm đi ra quán nước để đánh T. Khi đến nơi M cầm gậy vụt, L1 cầm dao chém một nhát vào tay T, T bỏ chạy ra thì bị ngã, M, L2, L1, H, V đuổi theo tiếp tục dùng tay chân đánh vào người T. Do có người can ngăn cả nhóm không đánh nữa mà về quán cầm đồ 115 cất dao, gậy rồi M, L1, L2, H bỏ trốn đi Hà Nội đến ngày 16/7/2018 về Lạng Sơn thì bị bắt. Trần Thế T bị tổn thương cơ thể là 22%.

Tại Bản án số 08/2018/HS-ST ngày 12/12/2018 của Tòa Án nhân dận huyện X  xử phạt bị cáo Ngụy Tùng L1 30 (ba mươi) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự; thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 16/7/2018. Bị cáo phải chịu 200.000 (hai trăm nghìn) đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo đã nộp tiền án phí, bồi thường dân sự xong.

Phạm nhân chấp hành án từ ngày 16/7/2018, đến ngày 20/12/2019: 01 năm 05 tháng 4 ngày. Đã được giảm thời gian chấp hành án 01 lần  = 4 tháng. Xếp loại các quý và cả năm đến thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đều đạt khá.

Trại tạm giam Y, Cơ quan Thi hành án hình sự Y nhận xét và đề nghị trong quá trình chấp hành án phạm nhân Ngụy Tùng L1 luôn nhận thức rõ về tội lỗi và trách nhiệm của bản thân, yên tâm cải tạo, chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án; chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của trại tạm giam; bảo đảm ngày công, tự giác trách nhiệm trong lao động, cải tạo; các kỳ xếp loại lao động, cải tạo đạt khá; nộp xong tiền án phí, bồi thường dân sự xong. Đề nghị Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân Ngụy Tùng L1.

Đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng phiên họp xét thấy: Hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn đối với Ngụy Tùng L1 là đầy đủ, đúng trình tự thủ tục theo quy định. Nguy Tùng L1 có đủ các điều kiện để xét tha tù có điều kiện trước thời hạn theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, hành vi cố ý gây thương tích của Ngụy Tùng L1 cho người bị hại thể hiện thái độ coi thường tính mạng sức khỏe của người khác, gây mất trật tự, an toàn xã hội, thể hiện tính chất côn đồ, cố tình phạm tội đến cùng. Nếu được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì có nguy cơ phạm tội mới, gây ảnh hưởng xấu đến anh ninh, trật tự an toàn xã hội. Căn cứ khoản 7 Điều 2 Nghị quyết 01/2018/NQ- HĐTP ngày 24/4/2018, Hội đồng biểu quyết không nhất trí tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân.

Đối với trường hợp này, tác giả hoàn toàn đồng tình với nhận định của Hội đồng phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân Ngụy Tùng L1. Tuy nhiên, trước khi chuyển hồ sơ đề nghị xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đến Tòa án, Trại Tạm giam, Cơ quan THAHS Y cũng đã tiến hình thẩm định hồ sơ rất kỹ lưỡng và tại phiên họp, đại diện Cơ quan THAHS Y cũng bày tỏ quan điểm cho rằng trường hợp trên khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện không có căn cứ cho rằng phạm nhân có nguy cơ phạm tội mới, gây ảnh hưởng xấu đến anh ninh, trật tự an toàn xã hội. Như vậy, việc xác định như thế nào về quy định “không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội” hiện nay chưa có văn bản nào quy định, việc xác định chủ yếu xuất phát từ tính tùy nghi dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Chính vì vậy, để tránh dẫn đến tình trạng cấp cơ sở dễ cảm tính trong nhận xét, ảnh hưởng đến kết quả xét tha tù trước thời hạn có điều kiện của các cơ sở giam giữ, điều kiện trên cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Thứ hai, về điều kiện rút ngắn thời gian thử thách, khoản 2, Điều 6, Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định “Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm và lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng”. Trên cơ sở nguyên tắc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, tác giả cho rằng chỉ nên quy định “được cơ quan, tổ chức khen thưởng”. Ví dụ: Ngày 01/7/2020, Nguyễn Văn A. được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú tại thành phố B., tỉnh A. Ngày 20/8/2020 khi đang đi trên đường từ nhà ra chợ mua một số vật dụng cho gia đình, anh Nguyễn Văn A. nhặt được chiếc ví của người khác đánh rơi, trong đó có số tiền mặt 100.000.000 đồng và một số vật dụng có giá trị khác như điện thoại, đồng hồ… Anh Nguyễn Văn A. đã mang tài sản nhặt được đến Cơ quan Công an thành phố B. để trả lại. Với hành động trên, anh Nguyễn Văn A. đã được Chủ tịch UBND TP. B. khen thưởng. 

Thứ ba, sự không đồng bộ và thiếu thống nhất về điều kiện bị coi là cố ý vi phạm nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện giữa điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP với Điều 59 Luật Thi hành án hình sự.

Theo đó, điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định: “a) Không trình diện Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân cấp xã nơi về cư trú và không đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được tha tù trước thời hạn có điều kiện”.

Và tại Điều 59 Luật THAHS năm 2019 quy định “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải trình diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý để cam kết chấp hành nghĩa vụ, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp hết thời hạn 05 ngày mà người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không trình diện, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội triệu tập người đó đến trụ sở để cam kết việc chấp hành nghĩa vụ. Trường hợp người đó không có mặt theo đúng thời hạn triệu tập hoặc không cam kết thì Công an cấp xã, đơn vị quân đội lập biên bản vi phạm nghĩa vụ”.

Như vậy, cùng một nội dung được quy định trong hai văn bản khác nhau nhưng Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP đã không thể hiện cụm từ “trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan”. Có thể thấy rằng, đây là một thiếu sót mà Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Bởi lẽ, nếu chỉ căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP để áp dụng thì trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không trình diện Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân cấp xã nơi về cư trú và không đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì sẽ bị coi là cố ý vi phạm nghĩa vụ. Về hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ, khoản 4 Điều 66 Bộ luật Hình sự và cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP quy định “Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành”. Ngoài ra, theo quan điểm cá nhân của tác giả, quy định thời hạn 05 ngày theo như nghị quyết hướng dẫn là quá ngắn, chính vì vậy, có thể sửa đổi thời hạn này theo hướng tăng lên, có thể là 15 ngày đến 20 ngày. Việc tăng thời hạn này cũng không trái với quy định của Luật Cư trú năm 2020 nên có cơ sở để sửa đổi, bổ sung, ví dụ: Thời hạn đăng ký tạm trú tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định “1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú”.

TĂNG VƯƠNG TRỌNG

Thẩm tra viên Tòa án quân sự Quân khu 1

Một số vướng mắc về tội ‘Đánh bạc’ và giải pháp hoàn thiện