Ảnh minh hoạ.
Trí tuệ nhân tạo hay AI (artificial intelligence) đôi khi được gọi là trí thông minh nhân tạo, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc sử dụng dữ liệu/thông tin cá nhân như hàng hóa có giá trị và AI thực hiện cách tư duy gần như của con người, cho ra kết quả cao hơn và thậm chí còn rất nhanh chóng. Việc thu thập khối lượng dữ liệu đủ lớn từ đời sống xã hội, để xây dựng những “phiên bản số hóa” của các thực thể vật lý trên không gian số đáp ứng nhu cầu cần thiết để thực hiện các tính toán của AI. Ví dụ như tính các mẫu nước đi của các vận động viên, kỳ thủ; cân nhắc được các sở thích, mong muốn của khách hàng khi mua sắm; các mối quan hệ, nhu cầu cho vay hoặc cần vay tài chính; thậm chí có thể xây dựng và ban hành pháp luật, thực hiện nghiệp vụ và chính sách trong phòng chống các loại tội phạm dựa trên trí thông minh nhân tạo của AI. Mặc dù vậy, bên cạnh mặt lợi ích vô cùng tuyệt vời của AI như một công nghệ số thì chúng ta phải đối mặt với nguy cơ bị thu thập, sử dụng trái phép các thông tin/dữ liệu cá nhân hoặc ảnh hưởng trực tiếp tới bí mật đời tư của mỗi chúng ta.
“Quyền được lãng quên” là một khái niệm quyền con người mới nổi lên, chỉ được biết đến nhiều trong khoảng hơn một thập niên gần đây. Gắn liền với quyền được bảo vệ thông tin/dữ liệu cá nhân và internet, “quyền được lãng quên” được hiểu là một người có quyền xóa bất kỳ thông tin nào về bản thân mà người đó đã đăng trực tuyến, bao gồm cả thông tin mà người khác đã đăng lại; chỉnh sửa, hạn chế, loại bỏ bất kỳ thông tin nào có sẵn trên mạng về bản thân, bất kể nguồn gốc của thông tin đó hoặc liên kết có liên quan đến cá nhân nếu những thông tin này gây phương hại tới cá nhân hoặc lợi ích của cộng đồng hay đã lỗi thời và không còn cần thiết. Và quyền này cũng cần phải cân bằng với các quyền khác của con người như quyền được tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận…
Sự ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với quyền được lãng quên
Các nhà tâm lý học nhận thức tin rằng có hai hệ thống trí nhớ chính trong tâm trí con người: trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Tuy nhiên, chưa có sự thống nhất về khác biệt chính giữa hai loại này là gì. Những gì được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả ý nghĩa của bộ nhớ. Trên thực tế, thậm chí không có ước tính chắc chắn về lượng dữ liệu thô mà trí óc con người có thể lưu trữ. Vì vậy, có thể nói rằng sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về trí óc và trí nhớ con người là hữu hạn.
Ngược lại, các học giả biết “tâm trí” trong thế giới trí tuệ nhân tạo hoạt động như thế nào, nếu không vì lý do nào khác ngoài việc con người là người tạo ra các quy trình logic đằng sau trí tuệ nhân tạo. Chắc chắn, các hệ thống trí tuệ nhân tạo riêng lẻ có thể thiết kế các quy trình của riêng chúng mà không cần sự hướng dẫn trực tiếp của con người (và có thể sẽ làm như vậy ngày càng nhiều trong tương lai). Thuật ngữ AI (Artificial intelligence) đang ngày càng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Dưới góc độ nghiên cứu triển khai, các khu vực chính của AI là hệ thống chuyên gia, người máy, hệ thống thị giác máy, hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hệ thống học và mạng nơ-ron. AI được triển khai dưới dạng gói phần mềm (nền tảng ảo, bot trò chuyện, chương trình….) hoặc lập trình (robot, drone...) như một công cụ cho các mục tiêu cụ thể được đặt ra trong khuôn khổ của các quan hệ pháp lý được hình thành bởi các thực thể pháp lý (1).
Người ta đã nói nhiều về bản chất “hộp đen” của AI và sự khó khăn trong việc hiểu quá trình ra quyết định của trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Tuy nhiên, về cốt lõi, các nhà khoa học máy tính nói chung vẫn biết nền tảng của việc ra quyết định bằng trí tuệ nhân tạo là gì và họ biết điều này rõ ràng hơn các nhà khoa học thần kinh hiểu nền tảng của việc ra quyết định của con người. Ở mức tối thiểu, có sự hiểu biết khoa học vững chắc về cách AI xử lý việc nhập, lưu trữ và xóa dữ liệu. Với các công cụ tìm kiếm như Google, việc truy xuất những thông tin trong quá khứ là rất dễ dàng. TS Đặng Hoàng Giang đã phân tích một số tình huống cụ thể trong cuốn sách Thiện, ác và smartphone (2), đó là: (i) vụ việc hai khách du lịch ăn cắp 3 cặp kính mắt Gucci và Louis Vuitton với trị giá khoảng 300 EUR/chiếc, khi hai người này đi du lịch tại Thụy Sỹ, (ii) vụ việc hai bảo mẫu có hành vi hành hạ, đánh đập trẻ em. Hai vụ việc nói trên đã diễn ra lần lượt từ năm 2014 và 2015. Nhưng sau nhiều năm, những nội dung về hành vi vi phạm pháp luật của họ vẫn xuất hiện trên các kết quả trả về của máy tìm kiếm Google, khi tìm kiếm về họ tên của họ. Trên không gian số, cụ thể là trên một máy tìm kiếm cụ thể như Google, những kết quả được nhiều người xem nhất sẽ được hiển thị đầu tiên, bất chấp trình tự thời gian. Nói cách khác, Google không quan tâm rằng một người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt tù và được xóa án tích, cũng không quan tâm hiện nay anh ta đã tu chí hoàn lương. Những người tìm kiếm tên anh ta sẽ chỉ nhận được những kết quả về hành vi phạm pháp của anh ta từ nhiều năm về trước. TS Đặng Hoàng Giang gọi đó là những “vết nhơ online” không thể nào xóa sạch, và điều này vô hình chung ngăn cản sự hoàn lương và hòa nhập với đời thường của những người từng phạm tội. Ông kết luận: “Quyền riêng tư, đó không những là ‘quyền được để yên’, mà còn là quyền được quên. Nó là quyền được phủ tấm màn của sự im lặng lên trên quá khứ”. Sự phát triển của mạng internet và những công cụ tìm kiếm mạnh như Google đã đặt ra vấn đề về “quyền được lãng quên” trên mạng internet.
Ví dụ điển hình là trường hợp của công dân Tây Ban Nha Mario Costeja Gonzalez - một luật sư đã từng bị ngân hàng phát mãi một bất động sản để cấn trừ khoản nợ mà anh ta không trả được từ năm 1998. Với một luật sư, thì điều này có thể xem như “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc, và câu chuyện này được đăng tải trên một tờ báo điện tử. Gonzalez cảm thấy quyền riêng tư của mình bị xâm phạm, khi đã qua 12 năm nhưng câu chuyện của anh vẫn được tìm thấy khi tìm kiếm trên công cụ tìm kiếm Google. Gonzalez khởi kiện lên Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (CJEU) và đến năm 2014 đã nhận được phán quyết, buộc Google phải hủy bỏ kết quả tìm kiếm dẫn đến bài báo nói trên, khi có người sử dụng tìm kiếm tên của Mario Gonzalez. Nói cách khác, bài báo vẫn nằm trên trang tin điện tử của tờ báo, và nếu như bất cứ ai còn giữ đường dẫn đến bài báo vẫn sẽ có thể truy cập vào nội dung này. Nhưng nếu như tìm kiếm tên của Mario Gonzalez trên máy tìm kiếm Google thì sẽ không thể tìm ra bài báo này. Kho thông tin trên không gian số là rất đồ sộ, nhưng thiếu đi năng lực tìm kiếm thông tin của Google, thì việc truy xuất những thông tin trong quá khứ về tai tiếng của Mario Gonzalez sẽ là bất khả thi. Phán quyết của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu về vụ kiện của Gonzalez mang một ý nghĩa lịch sử. Kể từ dấu mốc này, các công dân EU có quyền yêu cầu Google hủy bỏ những kết quả tìm kiếm dẫn chiếu đến những đường dẫn “không thích đáng, không liên quan, hoặc mang tính chất quá đáng trong tương quan với mục đích của nó, khi xem xét quãng thời gian đã qua”. Ước tính đến nay đã có hàng triệu yêu cầu “quyền được lãng quên” như vậy được gửi đến Google, 43% đã được chấp thuận (3). Đây là dấu hiệu đáng mừng cho việc bảo vệ quyền riêng tư, tiền lệ này cần được nhân rộng ở các quốc gia khác, bằng ràng buộc pháp lý với những nhà cung cấp dịch vụ trên internet.
Nói tóm lại, những thông tin riêng tư của cá nhân không dễ dàng bị xóa bỏ và lãng quên trên không gian số. Bộ não con người có cơ chế nhanh chóng xóa đi những thông tin không quan trọng với bản thân, khiến cho việc nhớ lại nhiều sự việc trong quá khứ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, trên không gian số, khả năng lưu trữ thông tin là vô hạn. Vậy nên, hiểu được sự khác biệt giữa “bộ nhớ” của con người và AI sẽ cung cấp sự hiểu biết lớn về những thiếu sót của luật riêng tư hiện hành, liên quan đến quyền được lãng quên.
Thách thức và một số khuyến nghị cho pháp luật Việt Nam hiện nay
Những thách thức
Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, AI mang đến nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là hàng loạt thách thức không dễ để giải quyết. Trong đó, đặc biệt quan trọng là thách thức về xã hội và pháp lý.
Về mặt pháp lý, bên cạnh những tiện ích không nhỏ mà AI mang lại thì cũng đi kèm với các nguy cơ lớn khi mà dữ liệu cá nhân bị thu thập trái phép, lưu trữ vô thời hạn trên bộ nhớ đám mây, xâm phạm đến quyền riêng tư nhằm vào mục đích khai thác và trục lợi. Các lo ngại được đẩy lên khi xuất hiện cáo buộc Công ty DeepMind, đơn vị AI của Google, đã vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Vương quốc Anh và quy tắc bảo mật của bệnh nhân trong quá trình phát triển và thử nghiệm ứng dụng cho Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS). Trước thách thức này, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã có những hành động cụ thể để bảo vệ quyền riêng tư, quyền được lãng quên và dữ liệu cá nhân trong thời đại công nghệ số. Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation - GDPR) có hiệu lực từ ngày 25/5/2018. Đạo luật quy định rất rõ về dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân hay quyền được lãng quên khi sử dụng thông tin người khác (4).
Việc các nhà lãnh đạo quốc gia không cân nhắc một cách nghiêm túc khi áp dụng AI cũng tạo ra mối nguy hại tiềm tàng như một số quyền con người khác cùng với quyền riêng tư có thể bị xâm phạm. Từ vi phạm quyền riêng tư dẫn đến những quyền con người khác cũng có thể bị tác động tiêu cực. Thông qua những dữ liệu thu thập từ AI, có thể xuất hiện tình trạng phân biệt đối xử chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hoặc thậm chí là giới tính, hay tiềm lực về phát triển kinh tế; một người nghèo, một người mắc các bệnh lây lan hoặc một người thuộc nhóm LGBT sẽ có khả năng bị gạt ra bên lề, đặt ngoài chính sách của quốc gia, doanh nghiệp hay địa phương nào đó.
Những kỹ sư phần mềm chịu trách nhiệm thiết kế, phát triển các thuật toán hay mạng lưới hệ thống phần mềm thường không được đào tạo về quyền con người, do đó vô tình đưa ra những thuật toán phức tạp, triển khai một giải pháp vô tình vi phạm các khái niệm về nhân quyền quan trọng.
Hay nói cách khác khi quyền được lãng quên yêu cầu xóa dữ liệu trên không gian mạng sẽ không dễ dàng vì AI không “quên” dữ liệu theo cách mà con người làm.
Hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang ở trạng thái điều chỉnh các quan hệ xã hội truyền thống liên quan đến thể nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Không gian pháp lý dành cho các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ còn hạn hẹp. Trong khi đó, các quy định bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân ở Việt Nam còn sơ khai. Một số quy định có thể được bắt gặp tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2015 và trong các văn bản luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên các quy định này chưa thể hiện rõ các cơ chế để bảo vệ cũng như ngăn chặn vấn đề vi phạm quyền riêng tư liên quan đến AI. Do đó, nếu các vấn đề liên quan đến AI xuất hiện dẫn đến sự lúng túng trong việc điều chỉnh các vấn đề đó. Điều này cho thấy, chúng ta đang có những sự chậm trễ nhất định với xu hướng thế giới trong việc chuẩn bị những giải pháp, kịch bản cụ thể dành cho viễn cảnh AI phát triển mạnh tại Việt Nam. Mới đây, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ban hành, tuy nhiên trong hệ thống pháp luật bảo vệ quyền riêng tư vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy.
Một số khuyến nghị
AI được coi là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngoài những chính sách phát triển AI cần phải xây dựng một cơ chế nhằm chống lại những tác động tiêu cực của AI đối với quyền được lãng quên. Bởi lẽ, những thách thức và rủi ro về xã hội và pháp lý là luôn tiềm tàng, khi bùng phát thì rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, mỗi cá nhân nên ý thức với những dấu tích “digital footprint” mà mình để lại trên internet để bảo vệ thông tin cá nhân trước những rủi ro. Tóm lại, thực thi “quyền được lãng quên” yêu cầu thay đổi về môi trường máy. Nó cũng có thể được thực thi khi dùng dữ liệu cá nhân ẩn. Tính ẩn danh được sử dụng vì hai lý do chính, để bảo vệ quyền riêng tư của chủ thể dữ liệu và để tránh trách nhiệm đối với một hành vi trực tuyến (5).
Thứ hai, cần áp dụng một ngoại lệ cho phép sử dụng thông tin về cá nhân rõ ràng và hẹp nhất, quyền được lãng quên chỉ được bảo đảm nếu có thể xác nhận với các cá nhân quyền kiểm soát cân bằng dữ liệu cá nhân của họ. Việc thực hiện đầy đủ quyền bị lãng quên, chắc chắn sẽ góp phần vào sự thay đổi trong sự cân bằng về quyền và lợi ích vì mọi cá nhân đều bình đẳng và là thành viên tích cực trong xã hội thông tin mở.
Thứ ba, cần nghiên cứu và xác định rõ tư cách pháp lý, bản chất pháp lý của AI, từ đó hướng đến việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến AI (như bảo vệ dữ liệu cá nhân, quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, quyền được lãng quên…), công nhận và bảo hộ đối với AI (6).
Thứ tư, cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm pháp luật châu Âu để đưa ra những quy định cụ thể về quyền được lãng quên, xử lý dữ diệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định về quyền cá nhân liên quan đến dữ liệu trên không gian mạng.
Có thể thấy, những thông tin riêng tư của cá nhân không dễ dàng bị xóa bỏ và lãng quên trên không gian số. Bộ não con người có cơ chế nhanh chóng xóa đi những thông tin không quan trọng với bản thân, khiến cho việc nhớ lại nhiều sự việc trong quá khứ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, trên không gian số, khả năng lưu trữ thông tin là vô hạn. Vậy nên, hiểu được sự khác biệt giữa “bộ nhớ” của con người và AI sẽ cung cấp sự hiểu biết lớn về những thiếu sót của luật riêng tư hiện hành, liên quan đến quyền được lãng quên. Hơn thế nữa cần hiểu, quyền này cũng cần phải cân bằng với các quyền khác của con người như quyền được tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận… Mặt khác, là một đất nước có dân số đông, nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đã và đang thụ hưởng những thành quả của công nghệ AI trong thời đại kỷ nguyên số. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức mà các nhà lập pháp phải giải quyết, trong đó có bảo vệ quyền được lãng quên nói riêng và dữ liệu cá nhân nói chung. Trong kho tàng kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới về quyền riêng tư, quyền được lãng quên thì GDPR là một đạo luật khá hoàn chỉnh, dự liệu được nhiều biến chuyển của đời sống xã hội thời đại AI. Việt Nam sẽ khó có thể áp dụng nguyên vẹn GDPR, nhưng các nguyên tắc mà GDPR vạch ra sẽ là nguồn tham khảo gợi mở quan trọng cho hoạt động lập pháp ở Việt Nam, để hình thành khung pháp lý về quyền được lãng quên trong thời gian tới.
(1) Eduard Fosch Villaronga, Peter Kieseberg, Tiffany Li, Humans forget, machines remember: Artificial intelligence and the Right to Be Forgotten, Computer law & Security review 34 (2018), tr.304-313. (2) Đặng Hoàng Giang, Thiện, ác và smartphone, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr.209. (3) Lương Minh (2018), Quyền riêng tư và bảo đảm quyền riêng tư trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, https://www. linkedin.com/pulse/quy%E1%BB%81n-ri%C3%AAng-t%C6%B0-v%C3%A0-b%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BA%A3m- trong-th%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BA%A1i-c%C3%A1ch-m%E1%BA%A1ng-c%C3%B4ng-l%C6%B0%C6%A1ng- minh?trk=public_profile_article_view, ngày 29/4/2023. (4) Lưu Minh Sang & Trần Đức Thành, Trí tuệ nhân tạo và những thách thức pháp lý, Tạp chí điện tử Khoa học và công nghệ Việt Nam, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3303/tri-tue-nhan-tao-va-nhung-thach-thuc-phap-ly.aspx, ngày 29/4/2023. (5) https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/94766/1/KY-1034.pdf (6) Lưu Minh Sang & Trần Đức Thành, tlđd. |
Tài liệu tham khảo 1. Ngô Thị Minh Hương & Phạm Hải Chung, Quyền được lãng quên trong kỷ nguyên số: Thách thức của ứng dụng trí tuệ nhân tạo, https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/94766/1/KY-1034.pdf 2. Lương Lê Minh (2019), Trí tuệ nhân tạo và quyền riêng tư, https://m.viettimes.vn/tri-tue-nhan-tao-va- quyen-rieng-tu-post106003.amp. |
PHAN THẢO ĐAN
ĐOÀN ĐỨC THẮNG
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội