Ảnh minh họa.
Trong giai đoạn kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và trước sức ép mạnh mẽ từ hội nhập quốc tế, hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam liên tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và rủi ro rất lớn. Trong đó, không chỉ những rủi ro đến từ nợ xấu khó đòi, cổ phiếu sụt giảm giá trị nhanh chóng… mà còn là rủi ro từ việc các ngân hàng thương mại chạy đua lãi suất huy động. Bởi trên thực tế, phần lớn các ngân hàng thương mại tại Việt Nam lâu nay vẫn thường tìm cách lôi kéo khách hàng đến gửi tiền bằng nhiều chương trình khuyến mại hay thậm chí là sử dụng lãi suất cộng thêm để chèo kéo khách hàng. Vì vậy, tình trạng thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động trên thực tế không còn xa lạ khi gửi tiền tại các ngân hàng thương mại[1]. Tuy nhiên, điều này lại có thể dẫn đến nhiều rủi ro cho chính ngân hàng thương mại, đồng thời còn vi phạm các chính sách và pháp luật ngân hàng.
Thực trạng vượt trần lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng góp phần làm cho “hầu hết các nước trên thế giới đều có nền kinh tế mở. Nền kinh tế thế giới hiện đại ngày càng gắn kết chặt chẽ các quốc gia với nhau”[2]. “Mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới ngày càng tăng”[3]. Mặt khác, “Việt Nam đã và đang là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn kinh tế lớn trên thế giới như ASEAN, APEC, ASEM, WTO...”[4] “hay gần đây là CPTPP, EVFTA và cũng đã tham gia khá nhiều FTA với một số quốc gia khác”[5]. Điều này càng làm cho các hoạt động giao thương, buôn bán tại Việt Nam trở nên mạnh mẽ và sôi động hơn trước. Vì vậy, hệ thống ngân hàng thương mại càng trở nên tối quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế vì đó là nơi dịch chuyển các dòng tài chính. Sở dĩ như vậy là vì “để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó không thể thiếu nguồn lực tài chính”[6].
Với vai trò là kênh dẫn vốn gián tiếp cho toàn bộ nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đã góp phần đáp ứng và giải quyết rất tốt nhu cầu vốn vay cho doanh nghiệp. Thông qua hoạt động huy động vốn và cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại, Chính phủ đã điều tiết kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tiền tệ.
Hiện nay, “hệ thống ngân hàng thương mại đã có những bước phát triển theo hướng kinh doanh đa năng, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh và tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường và những thách thức của việc hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”[7]. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều là những ngân hàng kinh doanh đa năng tổng hợp nên rất cần nguồn tiền gửi từ khách hàng. Tuy nhiên, do có khá nhiều ngân hàng thương mại được phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam nên các ngân hàng này lại phải cạnh tranh rất quyết liệt trong cuộc đua lôi kéo người đến gửi tiền.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước), với vai trò là “cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”[8] và còn “là ngân hàng của các tổ c hức tín dụng”[9], Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là duy trì, bảo đảm an toàn, hiệu quả đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng. Bởi, sự đổ vỡ của một ngân hàng thương mại có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền (đôminô) đối với cả hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Bài học gần đây từ vụ việc của ngân hàng SCB đã cho thấy tầm quan trọng và vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, để bảo đảm an toàn cho nền kinh tế và bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước thường áp trần lãi suất huy động để các ngân hàng thuộc sở hữu hay có phần vốn góp của Nhà nước và các ngân hàng thương mại của tư nhân đều phải nghiêm chỉnh thực hiện theo. Ngoài ra, như đã phân tích, việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát luôn là mục tiêu tối quan trọng của Nhà nước nên “chính sách tiền tệ” được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện cùng với các ngân hàng thương mại thông qua trần lãi suất huy động tiền gửi.
Tuy nhiên, trần lãi suất huy động áp dụng chung giống nhau lại gây khó khăn, cản trở đối với các ngân hàng thương mại nhỏ và chưa có uy tín, danh tiếng. Bởi gần như chỉ có những ngân hàng xuất hiện từ rất sớm hay được chuyển đổi từ chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank) hoặc những ngân hàng thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank) hay có phần vốn chi phối của cơ quan chủ quản thuộc sở hữu Nhà nước (Ngân hàng TMCP Quân đội - MB) thì mới có sẵn nguồn vốn dồi dào và có uy tín, sự tin tưởng của khách hàng, bởi hầu hết chúng từng là các ngân hàng hoàn toàn thuộc sở hữu của Nhà nước. Các ngân hàng thương mại như VPBank, VIB, Vietbank, SHB, SCB, Bắc Á, Sacombank, Eximbank… hoàn toàn là những ngân được tư nhân thành lập trong vòng một vài chục năm gần đây. Rõ ràng, nếu phải cạnh tranh huy động khách hàng với trần lãi suất giống nhau thì các ngân hàng thương mại của tư nhân hoàn toàn không thể đua chen với các ngân hàng thuộc nhóm “tứ đại gia” tại Việt Nam. Bởi do chưa có uy tín, danh tiếng như các ngân hàng lớn nên đa phần khách hàng gửi tiền mới hoặc chưa có mối quan hệ tin tưởng thường lựa chọn các ngân hàng thương mại lớn đã có tên tuổi lâu năm. Đương nhiên, các ngân hàng thương mại nhỏ luôn rất khó khăn, vất vả trong việc thu hút và giữ chân những khách hàng đang gửi tiền nếu không có “lãi suất cộng thêm” hay những vật phẩm tặng kèm giá trị. Đó cũng chính là nguồn cơn dẫn đến việc giữa các ngân hàng thương mại thường xuất hiện các cuộc đua khuyến mại để thu hút tiền gửi từ khách hàng. Trong đó, có thể các ngân hàng thương mại khuyến mại bằng vật chất như tặng cốc, chén, ly, máy kiểm tra sức khỏe, valy, túi, ô, mũ bảo hiểm, áo mưa… đến cả tiền lì xì đầu năm, vàng trang sức… Còn đối với các ngân hàng thương mại nhỏ thì để đơn giản, dễ dàng, hiệu quả trong việc thu hút người gửi tiền chính là cố tình cộng thêm vào trần lãi suất huy động một khoản lãi suất khác. Trên thực tế, đã từng có thời kỳ (năm 2010 đến đầu 2011) lãi suất được hưởng của khách hàng khi đó sẽ là khoảng 20-21%/năm, trong khi trần lãi suất huy động tối đa của Ngân hàng Nhà nước chỉ là 14%/năm. Hay ngay trong giai đoạn hiện nay, không ít ngân hàng đã bị báo chí phanh phui việc “đi đêm lãi suất” với khách hàng[10]. Để che giấu cho khoản cộng thêm vượt trần lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại thường trả trước phần cộng thêm, trên sổ tiết kiệm của khách hàng vẫn chỉ ghi đúng lãi suất theo trần huy động. Hoặc ngân hàng thương mại thỏa thuận với khách hàng bằng một hợp đồng ngoài sổ tiết kiệm như nếu khách hàng không rút tiền trước hạn thì ngân hàng thương mại tặng thêm cho khách hàng một phần lãi suất khác… Trên thực tế, các ngân hàng thương mại nhỏ, ít uy tín thì việc cộng thêm lãi suất huy động càng lớn. Điều này làm cho các ngân hàng lớn cũng phải lao vào cuộc chạy đua cộng thêm lãi suất huy động, bởi nếu không, chính các ngân hàng lớn cũng sẽ mất đi nguồn khách hàng gửi tiền. Hình thức lôi kéo người gửi tiền đến gửi thì cũng rất nhiều ngân hàng thương mại sử dụng cách thức như gọi điện chào mời trực tiếp, nhắn tin thông báo sổ tiết kiệm sắp hết hạn và được cộng thêm bao nhiêu lãi suất nếu tiếp tục gửi tiền hay không, ít khách hàng đến tận phòng giao dịch để mặc cả lãi suất trực tiếp với ngân hàng.
Như đã phân tích, việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động gây rất nhiều tác động, ảnh hưởng bất lợi cho chính ngân hàng thương mại và còn gây khó khăn, cản trở đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Việc cộng thêm lãi suất dẫn đến các ngân hàng thương mại phải mất thêm một khoản chi phí nên họ bắt buộc sẽ phải tăng lãi suất cấp tín dụng và đó chính là rủi ro nếu như hoạt động cho vay không bù đắp được khoản lãi phải trả cho khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, việc cho vay trong những thời điểm lãi suất huy động đang có xu hướng tăng cao dẫn đến hệ quả là việc lựa chọn, thẩm định khách hàng vay tiền chưa chắc đã cẩn thận, kỹ lưỡng nên không thiếu trường hợp, khoản vay của khách hàng trở thành nợ xấu mà tài sản bảo đảm cũng rất khó khăn để xử lý. Bên cạnh đó, việc đẩy cao lãi suất tín dụng lại gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vì, thông qua chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước có thể thu hút nguồn tiền gửi về để kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay giá hợp lý để tiếp tục sản xuất nhằm bảo đảm các nhu cầu xã hội và phát triển kinh tế. Vì thế, hệ quả của việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động là lãi suất cấp tín dụng bắt buộc phải cao hơn (thông thường cao hơn lãi suất huy động từ khoảng 2,7% - 3,5%). Nếu lãi suất huy động vượt trần của Ngân hàng Nhà nước thì cũng đồng nghĩa những người cần vay tiền và doanh nghiệp càng khó khăn và có thể làm giảm hiệu quả của việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại còn có tác động, ảnh hưởng bất lợi đến việc duy trì, giữ gìn trật tự, kỷ cương và sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật ngân hàng. Sở dĩ như vậy là vì việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động rõ ràng là hành vi cố tình vi phạm chính sách và pháp luật ngân hàng. Hành vi vi phạm pháp luật của các ngân hàng thương mại còn góp phần làm cho các khách hàng gửi tiền coi thường pháp luật, từ đó, có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tóm lại, việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động không phải là hiện tượng lạ, vì chúng đã và đang rất phổ biến tại không ít các ngân hàng thương mại. Việc này không những vi phạm quy định của pháp luật ngân hàng mà còn làm cho hệ thống ngân hàng thương mại đối diện với các rủi ro vì nợ xấu và từ đó có thể mất khả năng thanh khoản. Vì vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp để xử lý kiên quyết đối với những ngân hàng thương mại cố tình thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động.
Một số kiến nghị
Có quan điểm cho rằng, “ngân hàng là một trong các tổ chức tài chính quan trọng nhất của nền kinh tế”[11] và “lĩnh vực tiền tệ ngân hàng là một trong những lĩnh vực có độ nhạy cảm cao nhất, chịu nhiều tác động trực tiếp, gián tiếp từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng như những tác động bên ngoài”[12]. Ngoài ra, “thực tiễn kinh tế thế giới ngày nay đã chỉ ra rằng sự ổn định và phát triển của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng là một trong những điều kiện cơ bản của sự phát triển”[13].Có thể nói, “để một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững thì hệ thống ngân hàng luôn phải bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh và kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng được duy trì”[14]. Do đó, việc quản lý tốt tình trạng thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động chính là bảo đảm cho hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên, để phát hiện các hành vi thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại không phải là việc đơn giản, dễ dàng. Bởi như đã phân tích, các ngân hàng thương mại luôn có cách thức đối phó với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước một cách rất tinh vi, bài bản và khéo léo. Theo tác giả, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của ngân hàng thương mại cần tiến hành đồng bộ các giải pháp kết hợp như:
Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận tiền gửi của các ngân hàng thương mại mà đặc biệt chú ý đến hoạt động của các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ. Trên thực tế, “Ngân hàng Nhà nước điều tiết ổn định mặt bằng lãi suất, không để các ngân hàng chạy đua, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp đi đêm, vượt rào”[15]. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là phải tăng cường thường xuyên hơn công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cần bảo đảm sự thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hay tuyệt đối không được gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của các ngân hàng thương mại. Về hình thức thanh tra, kiểm tra, giám sát thì bên cạnh việc tiến hành công khai, có thể tiến hành bí mật. Tuy vậy, để bảo đảm kết quả thanh tra phản ánh đúng tình trạng và chính xác thì cần chú ý đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ thanh tra. Trong đó, vấn đề đạo đức của các cán bộ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đặc biệt chú trọng, cần có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những cán bộ chịu trách nhiệm tiến hành các công việc này. Ngoài ra, cần tăng cường thêm sự giám sát và kể cả các hình thức xử lý vi phạm đối với đội ngũ thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng thương mại nếu như chính các chủ thể này cố tình thông đồng, che giấu cho các hoạt động thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của ngân hàng thương mại.
Thứ hai, cần tiếp tục mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, thông báo về các hành vi thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên kỹ thuật số, việc mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, thông báo bằng các mạng xã hội cần đặc biệt được chú ý và nên khai thác triệt để. Đây có lẽ là một trong những kênh tiếp nhận thông tin quan trọng và hữu ích đối với Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, cần nâng cao mức độ xử phạt đối với ngân hàng thương mại vượt trần lãi suất huy động. Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chỉ quy định các tội vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó, chủ yếu là các hoạt động liên quan đến cấp tín dụng[16]. Còn những vi phạm trong giao dịch nhận tiền gửi như thỏa thuận vượt trần lãi suất thì Bộ luật Hình sự hiện hành chưa điều chỉnh về các hành vi này. Tuy nhiên, theo tác giả, không nên quan niệm thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động chỉ là các hành vi vi phạm nhỏ nhặt hay chỉ là các vi phạm hành chính mà phải coi là các vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bởi hành vi này có thể gây rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét và bổ sung thêm cấu thành tội vi phạm chính sách huy động tiền gửi vào trong Bộ luật Hình sự trong lần đạo luật quan trọng này sửa đổi, bổ sung sắp tới. Trong đó, những người đại diện theo pháp luật của ngân hàng hay chủ sở hữu ngân hàng sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình tổ chức cho hệ thống ngân hàng của mình vi phạm nghĩa vụ huy động vốn bằng cách thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động. Có như vậy, sẽ ngăn chặn hiệu quả và đẩy lùi hành vi thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại.
Thứ tư, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ. Như đã phân tích, việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động chủ yếu diễn ra tại các ngân hàng thương mại nhỏ. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải nhanh chóng có thêm những biện pháp khuyến khích, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ như giảm hơn nữa lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại mới thành lập hoặc ngân hàng thương mại đã thành lập nhưng quy mô vốn còn tương đối nhỏ. Hay có thể xem xét việc cắt giảm hoặc kéo dài thêm thời gian nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ và đang gặp rất nhiều khó khăn khi nền kinh tế đang trong giai đoạn suy thoái vì dịch bệnh. Có như vậy, ngân hàng thương mại nhỏ mới có thể tồn tại và qua đó, giảm dần áp lực huy động vốn tiền gửi. Từ đó, việc thỏa thuận vượt trần lãi suất huy động của ngân hàng thương mại với người gửi tiền có thể giảm bớt.
[1] Báo điện tử Thanh niên (2022), Ngấm ngầm chạy đua, lãi suất huy động lên gần 11%/năm?, https://thanhnien.vn/ngam-ngam-chay-dua-lai-suat-huy-dong-len-gan-11nam-post1515418.html, ngày 22/12/2022. [2] Phạm Quang Vinh (2011), Giáo trình Kinh tế học vĩ mô, Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.135. [3] Lê Danh Vĩnh (2009), Hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, tr.186. [4] Nguyễn Vinh Hưng (2017), Economic management function of the state of Vietnam in phase of international integration, Journal of science - Hanoi open university, No. 32, number 6, p. 43. [5] Nguyễn Vinh Hưng (2020), Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng quản lý kinh tế trong giai đoạn tham gia các FTA thế hệ mới, Tạp chí Khoa học Kinh tế, số 08, tr.2. [6] Nguyễn Đăng Nam (chủ biên 2006), Phân tích và đầu tư chứng khoán, Nxb Tài chính, tr.319. [7] Lê Thị Thu Thủy (chủ biên 2005), Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 37. [8] Khoản 3 Điều 2 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm 2010. [9] Lê Thị Thu Thủy chủ biên 2005, tlđd, tr.57. [10] Báo điện tử Pháp luật TP.HCM, Lãi suất tiết kiệm đi đêm lên tới 11% năm, https://plo.vn/lai-suat-tiet-kiem-di-dem-len-toi-11nam-post707078.html, ngày 22/12/2022. [11] Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2007), Ngân hàng thương mại, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, tr.5. [12] Tạp chí Tài chính, Vai trò của ngân hàng nhà nước đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/vai-tro-cua-ngan-hang-nha-nuoc-doi-voi-su-on-dinh-he-thong-tai-chinh-89548.html, ngày 21/12/2022. [13] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, tr.5. [14] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, ngày 21/12/2022, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu... [15] Báo điện tử Thanh niên, Xử lý nghiêm nhà băng đi đêm lãi suất, https://thanhnien.vn/xu-nghiem-nha-bang-di-dem-lai-suat-post543324.html, ngày 22/12/2022. [16] Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). |
TS NGUYỄN VINH HƯNG
Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội