(LSO) - Thực hiện Phiên họp thứ 48, sáng ngày 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nêu rõ: Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp; đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn. Hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông, cháy nổ còn gây thiệt hại nghiêm trọng. Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các chủ trương về phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm an ninh, trật tự, an sinh xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước. Tình hình, kết quả các mặt công tác, cụ thể như sau:
Về công tác chỉ đạo, điều hành: Ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 06 trọng tâm chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tập trung xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tập trung triển khai các đề án, dự án, các nội dung trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người. Chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự; các vụ án, vụ việc nổi cộm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tập trung xây dựng thể chế, tọa hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Về công tác phòng ngừa: Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng; coi đây là biện pháp mang tính cơ bản, chiến lược, lâu dài. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tập trung làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội. Bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã tại 100% số xã, thị trấn trên toàn quốc; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh quốc gia: Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực để tham mưu và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các địa bàn chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp, Hội nghị cấp cao ASEAN, các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Kịp thời khởi tố điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. An ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát. Tình hình khiếu kiện vẫn còn rất phức tạp.
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ đã yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo 138 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đấu tranh, triệt xóa băng nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn; triển khai các giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; đồng thời tăng cường đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,04% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 38.506 vụ phạm pháp về trật tự xã hội. Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát; tuy nhiên, tại một số địa phương có thời điểm còn có dấu hiệu buông lỏng; công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, triệt phá. Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến. Tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp; nhiều trường hợp đối tượng là thân nhân, người quen của nạn nhân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao, giả danh các cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng với thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp. Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng trộm cắp, lừa đảo, mua bán thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng để rút tiền, thanh toán dịch vụ, kinh doanh đa cấp còn xảy ra ở nhiều địa phương. Tệ nạn cờ bạc, mại dâm chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước: Tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tạo bước tiến mạnh, đột phá, chuyển biến rõ rệt; xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 của Chính phủ và của các địa phương; nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã phát hiện số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế tăng nhiều hơn 25,19%. Khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp. Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước. Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để “né thuế” có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế. Các vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn xảy ra nhiều, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông… Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; đề ra một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Chỉ đạo bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản, bảo vệ đê điều, vệ sinh, an toàn thực phẩm, buôn bán động vật hoang dã; đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước sinh hoạt; tăng cường quản lý chất thải y tế góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. Lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường nhằm giảm chi phí khiến các lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, Nhuệ - Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải… bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn tình trạng lạm dụng hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng. Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông. Hoạt động khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng. Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm có chiều hướng gia tăng, thậm chí diễn ra công khai trên mạng Internet. Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến rất phức tạp dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể. Bên cạnh đó, công tác xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý.
Tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng. Chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao; triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet…
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Hành vi ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân; tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương với số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Về tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tổ chức các hoạt động trong Tháng hành động và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy. Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy Chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn ma túy ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu. Đã phát hiện 24.842 vụ, 40.461 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 580 kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp.
Tuy nhiên, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp vẫn còn diễn ra nhiều. Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục có xu hướng gia tăng. Toàn quốc hiện có 234.620 người nghiện có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, tuy nhiên số lượng người nghi nghiện còn rất lớn, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm, trong khi công tác đưa người vào cơ sở cai nghiện gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý.
Về chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm
Đối với công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: Tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố phải giải quyết là 119.574; số đã giải quyết là 100.368, đạt tỷ lệ giải quyết 83,94%. Nhìn chung, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tiếp tục đi vào nền nếp, cơ bản đúng trình tự, thủ tục quy định. Cơ quan điều tra các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát tiến hành phân loại, xử lý và giải quyết những khó khăn, vướng mắc góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao; số tin báo, tố giác quá hạn giải quyết tuy giảm, nhưng vẫn còn chiếm 0,36% tổng số tin báo phải giải quyết.
Đối với một số nội dung liên quan đến hoạt động điều tra: Nhìn chung, công tác điều tra, xử lý tội phạm, công tác bắt, giam, giữ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; có sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát các cấp. Cơ quan điều tra các cấp đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác điều tra, xử lý tội phạm nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra; trong đó, tập trung vào một số vấn đề nổi lên, như: Việc chấp hành pháp luật trong tạm đình chỉ điều tra vụ án, bị can; công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra xử lý tội phạm. Bên cạnh đó, đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy chế, quy trình công tác; trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác điều tra, thu thập chứng cứ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của điều tra viên và cán bộ điều tra. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra đều được đào tạo cơ bản, bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo quy định tại Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; kết thúc thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can phạm tội; Viện kiểm sát không phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra; bị can, phạm nhân trốn, chết tại trại tạm giam, nhà tạm giữ… Sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong điều tra, giải quyết vụ án ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thống nhất, nhất là trong thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung; tình trạng sợ trách nhiệm, tâm lý giữ an toàn đã khiến tinh thần, ý chí tấn công tội phạm có lúc, có nơi giảm sút, chưa xử lý tội phạm kịp thời… Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khởi tố vụ án và tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vẫn còn hạn chế, số vụ trực tiếp khởi tố còn chiếm tỷ lệ thấp.
Về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội
Đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Chính phủ ban hành Nghị định số 100 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý 3.306.952 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, nộp kho bạc nhà nước 2.629,9 tỷ đồng; qua đó, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (giảm 12,44% số vụ, giảm 12,35% số người chết, giảm 13,06% số người bị thương).
Tuy nhiên, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều (xảy ra 12.959 vụ tai nạn giao thông, làm 5.756 người chết, 9.855 người bị thương); một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến. Hành vi chủ yếu là chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, không đi đúng phần đường, làn đường, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, ma túy, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; không chấp hành quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang giao với đường sắt; vượt đường sắt khi có cảnh báo, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt; người điều khiển phương tiện đường thủy không có chứng chỉ chuyên môn, lấn chiếm hành lang đường thủy…. Tình trạng người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chống lại lực lượng thi hành công vụ, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông diễn ra nghiêm trọng. Trật tự, an toàn giao thông tại một số trạm thu phí BOT còn diễn biến phức tạp.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy: Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 99 về thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra 2.396 vụ cháy làm 69 người chết, 126 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 1.350 tỷ đồng; 22 vụ nổ làm 08 người chết, 33 người bị thương; trong đó có nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng. nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện, ý thức bất cẩn của người dân trong sản xuất, kinh doanh, không chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; do công tác quản lý, phòng cháy, chữa cháy tại chỗ còn sơ hở, nhất là quản lý tại các khu chung cư, nhà cao tầng…
Đối với công tác quản lý cư trú, xuất, nhập cảnh, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: Tăng cường quản lý và kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, nhất là trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo công tác phòng, chống dịch, và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đã phát hiện, điều tra, làm rõ một số đường dây tổ chức cho công dân Việt Nam di cư trái phép ra nước ngoài. Chỉ đạo Bộ Công an tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Bộ Công an triển khai kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và các địa phương ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển pháo ngay từ sau Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp; hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động trái phép có chiếu hướng gia tăng; hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo tuy đã được kiểm soát song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
Về thực hiện những kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Về tổng kiểm tra các quyết định xử lý hành chính: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kiểm tra các quyết định xử lý hành chính trên phạm vi cả nước. Về cơ bản, quá trình xử lý hành chính tuân thủ các quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm; chưa phát hiện trường hợp nào bỏ lọt tội phạm do hành chính hóa quan hệ hình sự. Chỉ đạo Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ đang xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, phục vụ phân tích, thống kê công tác xử lý vi phạm hành chính.
Về tổng rà soát các vụ án đang tạm đình chỉ điều tra: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ có liên quan phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Cơ quan điều tra các cấp thường xuyên tổ chức rà soát, thống kê về tổng số vụ án, bị can đang tạm đình chỉ điều tra, nhất là các vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tiến hành phục hồi điều tra nếu có căn cứ theo quy định.
Về nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường: Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; nhất là các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động thu gom, xử lý chất thải, các khu công nghiệp, làng nghề thủ công… Đồng thời, các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm đã được nhắc nhở nhiều lần. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường thì kịp thời xử lý, chủ động yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan khắc phục sự cố. Phối hợp với các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin; đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác hại của sự cố. Chủ động củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý các hành vi vi phạm; nhất là các hành vi gây tổn hại đến môi trường và sức khỏe của người dân trên diện rộng. Tiếp tục tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước sinh hoạt tại các đô thị lớn.
Về bố trí kinh phí bảo đảm cho các cơ quan tư pháp: Chủ động bố trí kinh phí bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; trong đó tập trung kinh phí dành để xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc của các cơ quan điều tra đã bị xuống cấp, quá tải và các phương tiện, trang bị khác phục vụ công tác. Về việc thực hiện quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can, do khó khăn trong bố trí vốn đầu tư công, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin lùi thời hạn triển khai việc.
Đánh giá chung
Bộ Công an đánh giá: Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp mới, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức lớn. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; công tác phòng ngừa tội phạm được chú trọng hơn, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm đạt được kết quả tích cực; góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước.
Bên cạnh những ưu điểm còn có những tồn tại, hạn chế. Đó là mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, phòng ngừa xã hội ở một số địa phương còn hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra, một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp. Còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm. Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, đã ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước trong một số lĩnh vực. Công tác quản lý cư trú, hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót…
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định: Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do hậu quả của đại dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo áp lực gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị. Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ… làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Những chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021
Năm 2021, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2021, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
- Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Chủ động rà soát, xây dựng và phối hợp xây dựng, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi các luật đã được Quốc hội thông qua.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước; kịp thời tham mưu đề xuất các chủ trương, giải pháp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các hoạt động phục vụ bầu cử Quốc hội Khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp….
Thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, giữa phòng ngừa nghiệp vụ với đấu tranh, trấn áp tội phạm. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa bàn cơ sở trong phòng, chống tội phạm; xác định rõ và giao trách nhiệm cụ thể trong công tác phòng ngừa tội phạm. Làm tốt công tác rà soát, quản lý, giáo dục các loại đối tượng, nhất là những đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, chức vụ; tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt điều tra; nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Thực hiện tốt các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường kiểm soát và quản lý công tác xuất, nhập cảnh, nhất là tuyến biên giới đất liền, trên biển. Tiếp tục triển khai cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Khẩn trương thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án căn cước công dân, đảm bảo yêu cầu, đúng tiến độ, chất lượng. Triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông; kiểm tra, khắc phục các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy.
- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công an xã theo hướng nắm tình hình và giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm và các kỹ năng công vụ cho lực lượng thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Một số kiến nghị, đề xuất
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, giải thích luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Với báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
BÍCH LAN - BÙI HÙNG/quochoi.vn