Ảnh minh họa.
Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế thế vị
Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Các trường hợp thừa kế thế vị:
Thứ nhất, cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông bà.
Thứ hai, chắt thế vị cha hoặc mẹ của chắt để hưởng di sản của cụ.
Như vậy, thừa kế thế vị được hiểu là việc các con được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ để hưởng di sản của ông bà trong trường hợp bố hoặc mẹ chết trước hoặc chết cùng ông bà; chắt hưởng phần di sản của cụ trong trường hợp cả cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với ông bà. Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố, mẹ mình đáng lẽ được hưởng nếu còn sống và được chia đều di sản với những người thừa kế cùng hàng khác.
Thực trạng và vướng mắc khi áp dụng quy định về thừa kế thế vị
Thực tiễn có nhiều trường hợp xác định người hưởng di sản thừa kế trong trường hợp thừa kế thế vị là con, cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản nhưng vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định như thế nào. Đó là trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản nhưng người con đó khi còn sống lại bị kết án về một trong những hành vi quy định tại khoản 1 Điều 621 thì cháu (tức là con của người con đã bị kết án đó) có được thừa kế thế vị không? Đây là trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể nên khi giải quyết những tranh chấp trong trường hợp này tòa án vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ: Ông A có 02 người con là anh B và chị C. Vợ và bố mẹ ông A đều đã chết. Anh B kết hôn với chị D có 01 người con chung là E, hai người không có con riêng. Trong thời gian sống chung với ông A thì anh B đã nhiều lần ngược đãi, đánh đập ông A khiến ông A bị thương tích 25%, sau đó, năm 2017 anh B bị kết án về tội cố ý gây thương tích với bản án 10 tháng tù giam. Tháng 5/2019 anh B chết, đến tháng 8/2019 ông A chết. Di sản của ông A để lại là khối tài sản trị giá 3 tỷ đồng. Vậy, trong trường hợp này thì người cháu E có được hưởng di sản của ông A để lại theo diện thừa kế thế vị của anh B không?
Hiện nay, có hai quan điểm về trường hợp trên. Quan điểm thứ nhất cho rằng: anh B đã vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên nếu anh B còn sống thì anh B cũng không được hưởng di sản của ông A, vì vậy, cháu E sẽ không được hưởng di sản của ông A theo diện thừa kế thế vị của bố mình là anh B vì nếu anh B còn sống thì anh B cũng không được hưởng di sản của ông A. Quan điểm thứ hai cho rằng: do đây là hành vi độc lập của anh B đối với ông A nên việc anh B chịu trách nhiệm về hành vi của mình là đúng, còn không thể bắt cháu E cũng chịu trách nhiệm đối với hành vi của bố mình vì đây là hành vi độc lập của anh B không liên quan đến cháu E, chính vì thế, trong trường hợp này, cháu E được quyền hưởng di sản thừa kế của ông A theo diện thế vị của anh B.
Trường hợp xác định tư cách người thừa kế thế vị trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản là cha dượng, mẹ kế. Đây là vấn đề còn nhiều vướng mắc, tranh cãi trong quá trình áp dụng pháp luật của tòa án. Con nuôi và cha mẹ nuôi có quyền và nghĩa vụ như con đẻ và cha mẹ đẻ đã được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, quan hệ của người con nuôi của một người với cha, mẹ của người cha nuôi, mẹ nuôi đó trong vấn đề thừa kế hiện đang là vấn đề có nhiều quan điểm còn chưa thống nhất. Chính vì thế, khi áp dụng thực tế trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế theo pháp luật thì còn nhiều vướng mắc.
Ví dụ: Ông T và bà H có tài sản bao gồm quyền sử dụng đất 200m2 và 5 tỷ đồng. Bố mẹ của ông T và bà H đều đã chết; ông T và bà H có hai người con chung là T1 và H1. Năm 2010 anh T1 kết hôn với chị D, trước khi kết hôn với anh T1 thì chị D có một người con riêng là cháu D1, anh T1 không có con riêng. Trong quá trình sống chung vợ chồng anh T1 và chị D không có con chung. Trong thời gian sinh sống cùng nhau anh T1 và cháu D1 có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con. Đến tháng 02/2019 thì anh T1 chết, tháng 5/2019 ông T1 và bà H1 cùng chết trong một vụ tai nạn giao thông và không để lại di chúc. Vậy, trong trường hợp này cháu D1 có được hưởng di sản thừa kế của ông bà T1 và H1 không?
Theo quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015, “có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” thì cháu D1 được hưởng thừa kế của anh T1, chính vì thế sẽ được hưởng di sản thừa kế thế vị của ông T và bà H. Tuy nhiên, theo pháp luật thì quan hệ giữa cháu D1 và ông bà T1, H1 chỉ là quan hệ bình thường, còn thực tiễn cuộc sống cũng ít có trường hợp có mối quan hệ như ông cháu, bà cháu ruột. Mặt khác, bản chất của thừa kế thế vị là cho cháu (chắt) hưởng phần di sản của ông/bà (cụ) thay thế cho vị trí của bố, mẹ (ông, bà) của cháu đã chết trước người để lại di sản, thể hiện mối quan hệ huyết thống mà pháp luật đã dự liệu. Chính vì thế, việc cháu D1 được hưởng thừa kế thế vị đối với di sản của ông bà T1 và H1 để lại là chưa phù hợp với truyền thống văn hóa gia đình ở nước ta.
Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thừa kế thế vị
Một là, xác định người thừa kế trong trường hợp thừa kế thế vị là con, cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản nhưng vi phạm nghĩa vụ theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, cháu, chắt không có lỗi trong việc cha, mẹ mình thực hiện hành vi, như vậy, không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó. Trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi có hành vi phạm tội, mặt khác cháu, chắt lại không có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó của cha, mẹ mình thì việc cháu, chắt chịu trách nhiệm về những hành vi độc lập của cha mẹ là không phù hợp. Quyền thừa kế thế vị của cháu, chắt không thể bị tước bỏ khi cha, mẹ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của họ đã gây ra. Chính vì thế, quan niệm cha hoặc mẹ của cháu khi còn sống không được quyền hưởng di sản thì cháu cũng không có quyền hưởng thừa kế thế vị nếu cha, mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng với ông bà là không đúng với quy định của pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục trong truyền thống của dân tộc ta. Vì vậy, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 cần được sửa đổi để cháu, chắt được thừa kế thế vị của cha, mẹ mình, nhận di sản của người để lại di sản, mặc dù cha hoặc mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản có hành vi vi phạm theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp chính người cháu, chắt đó cũng vi phạm thì không được hưởng thừa kế thế vị.
Hai là, trường hợp xác định tư cách thừa kế trong trường hợp thừa kế thế vị của một người đối với cha, mẹ của người cha mẹ nuôi của người đó. Theo quan điểm cá nhân, nếu ông, bà là cha, mẹ nuôi của cha mẹ đẻ người chết thì cần xác định ông, bà là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai của người đó, còn người cháu được hưởng di sản thừa kế của ông bà theo thừa kế thế vị; nếu người chết là con nuôi của con đẻ hoặc người chết là con nuôi của con nuôi ông, bà thì ông, bà không phải là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ hai của người chết và ngược lại.
LÊ VĂN THANH
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1
Những quy định mới về học và thi sát hạch bằng lái xe ôtô năm 2023