Ảnh minh họa.
Theo đó, kết luận của Bộ Chính trị có nội dung khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Đáng chú ý là “cú hích” hay “khâu đột phá” cho văn hóa từ chức này nhắm đến các đối tượng cán bộ do Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư quản lý, họ là những cán bộ cấp cao, đồng nghĩa với việc văn hóa từ chức được bắt đầu và thực hiên trước hết ở cấp “thượng tầng”. Việc khuyến khích cũng rất chặt chẽ, “có trước, có sau”, “khóa đuôi” bằng động thái: Nếu không tự nguyện từ chức thì sẽ bị miễn nhiệm. Hãy lựa chọn đi bằng chính lòng tự trọng của mình!
Cũng rất “có trước, có sau” khi Bộ Chính trị định hướng đối với các cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm có nguyện vọng nghỉ hưu sớm, nghỉ công tác sẽ được giải quyết theo nguyện vọng. Với những trường hợp cụ thể khác, bố trí công tác phù hợp, đặc biệt, sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì họ có thể được giới thiệu lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương. Đó là một sự khuyến khích, động viên cán bộ mắc sai lầm khuyết điểm có ý chí vươn lên, “phục thiện”, “quay đầy lại là bờ”, biểu hiện của sự nhân văn, nhân bản.
Chủ trương của Bộ Chính trị về tự nguyện từ chức là sự tiếp nối và làm rõ ràng hơn những quy định trước đó trong lĩnh vực này (Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ ngày 03/11/2021). Kết luận của Bộ Chính trị như là một lời kêu gọi, nhắc nhở lòng tự trọng, ý thức công dân, bảo vệ chế độ trong đội ngũ cán bộ, rộng đường cho văn hóa từ chức – một cách thể hiện danh dự, uy tín, trách nhiệm và cả phẩm giá con người!
NHỊ NGỌC