Tìm hiểu tội 'Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng'

15/04/2021 14:40 | 3 năm trước

(LSVN) - Tội "Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng" được quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

So với Điều 152 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội phạm này thì Điều 186 Bộ luật Hình sự năm 2015 về cơ bản không có sửa đổi, bổ sung, trừ việc quy định giới hạn áp dụng. Nếu người phạm tội đã phạm tội “không chấp hành án” thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” nữa. Do đó, điều luật quy định “nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này”.  

Điều luật quy định hai hành vi phạm tội, đó là hành vi từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng và hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Vì vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị định tội như sau:

- Nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi “từ chối” thì bị định tội là “từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng”.

- Nếu người phạm tội chỉ thực hiện hành vi “trốn tránh” thì bị định tội là “trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.

- Nếu người phạm tội thực hiện cả hai hành vi “từ chối” và “trốn tránh” thì bị định tội là “từ chối và trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng phải bảo đảm các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 21 Bộ luật Hình sự. 

Đối với tội "Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng" tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng trong từng trường hợp cụ thể, người phạm tội phải là người có quan hệ nhất định với người bị hại. Ví dụ: chỉ người cha hoặc người mẹ bị tòa án buộc phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi ly hôn mới là chủ thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.

Tuy nhiên, đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của một số đối tượng thì chỉ những người có nghĩa vụ cấp dưỡng mới có thể là chủ thể của tội phạm này, như: con đối với cha mẹ, cháu đối với ông bà hoặc ông bà đối với các cháu.

Dù là ai thì chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này, vì theo khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự (không có Điều 186).

Khách thể của tội "Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng" xâm phạm đến quan hệ gia đình, mà trực tiếp là quyền được người thân phải cấp dưỡng cho mình.

Quyền được cấp dưỡng là quyền do pháp luật quy định, mà cụ thể là Luật Hôn nhân và gia đình, vì quan hệ cấp dưỡng là quan hệ gia đình.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng.

Người thực hiện tội phạm có thể có những hành vi sau:

- Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng khước từ (không chịu nhận) việc cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật yêu cầu cấp dưỡng hoặc đã có quyết định của tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng. Ví dụ: Vũ Văn T. và chị Đinh Thị Thu Tr. có một con gái chung tên là Vũ Hoài A. 14 tháng tuổi. Do vợ chồng mâu thuẫn nên anh T. và chị Tr. đã thuận tình ly hôn và cháu Vũ Hoài A. ở với chị Tr. nên Tòa án nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh quyết định mỗi tháng anh Vũ Văn T. phải cấp dưỡng cho cháu Vũ Hoài A. 5.000.000 đồng do chị Tr. nhận để nuôi cháu A. Thời gian đầu, Vũ Văn T. thực hiện việc chuyển tiền vào tài khoản của chị Tr. mỗi tháng 5.000.000 đồng, nhưng từ tháng 01/2019 anh T. không chuyển tiền cho chị Tr. nữa mà bỏ đi nước ngoài, mặc dù anh T. có điều kiện cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng cho cháu A. nữa. Chị Tr. liên hệ nhiều lần nhưng không được. Đến tháng 3/2019, qua gia đình anh T., chị Tr. mới biết anh T. đã ra nước ngoài làm ăn. Chị Tr. đã làm đơn đề nghị Ủy ban nhân dân phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu anh T. phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Ủy ban nhân dân phường 4 đã căn cứ điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phạt anh T. 4.500.000 đồng về hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Bằng con đường ngoại giao, quyết định xử phạt đối với anh T. đã được chuyển cho anh T. Nhận được quyết định xử phạt hành chính, mặc dù có điều kiện nhưng anh T. vẫn từ chối thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án nhân dân quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, nên hành vi của Vũ Văn T. đã cấu thành tội “Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng”.

- Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng tìm mọi cách trốn tránh việc cấp dưỡng (bỏ trốn, giấu địa chỉ, cố tình dây dưa việc cấp dưỡng), khi người được cấp dưỡng yêu cầu hoặc đã có quyết định của tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.

Mặc dù từ chối và trốn tránh là hai khái niệm khác nhau, nhưng đều có chung một nội dung là không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, hành vi từ chối và trốn tránh lại có nội dung khác nhau. Ví dụ: Một người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng cấp dưỡng nhưng lại nêu lý do là mình không có khả năng nên không thể thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng, mặc dù vẫn thừa nhận là mình có nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi này là hành vi từ chối cấp dưỡng. Còn người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng giấu địa chỉ, nơi ở để người được cấp dưỡng không thể yêu cầu việc cấp dưỡng thì đó là hành vi trốn tránh việc cấp dưỡng.

Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ phát sinh theo quy định của pháp luật (Luật Hôn nhân và gia đình), tức là do quan hệ hôn nhân và gia đình nên phát sinh nghĩa vụ này. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì:

- Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị dị tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp vợ chồng ly hôn;

- Con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; 

- Anh, chị, em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ngược lại, em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

- Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn cha mẹ, không có anh, chị, em cấp dưỡng;

Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi mới bị coi là tội phạm. Nếu có nghĩa vụ nhưng không có khả năng nên không thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội. Ví dụ: Một gia đình có 4 anh chị em ruột, nhưng cha mẹ mất sớm nên 4 anh chị em nuôi nhau. Khi người anh cả có gia đình và ở riêng, 3 người em chưa đến tuổi thành niên yêu cầu người anh phải cấp dưỡng cho mình, nhưng hoàn cảnh kinh tế của người anh cũng rất khó khăn, vợ ốm, các con còn nhỏ, không có việc làm nên người anh không cấp dưỡng được cho các em.

Người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng có khả năng tự bảo đảm cuộc sống, có tài sản riêng, không cần cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không bị coi là tội phạm. Ví dụ: Bà Trần Thị Đ. 70 tuổi có 4 người con đều đã trưởng thành, nhưng chỉ có người con thứ nhất là giàu có nên thường gửi tiền về để bà sinh sống, trong khi đó 3 người con còn lại do cuộc sống khó khăn nên không có tiền gửi về nuôi mẹ. Mặc dù cuộc sống của bà Đ. không thiếu gì, nhưng vì sự bất hòa giữa các con nên bà Đ. yêu cầu 3 người con còn lại phải cấp dưỡng, nhưng 3 người con này không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng vì thật sự bà Đ. không cần phải cấp dưỡng.

Người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Hậu quả của tội phạm này là làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Nếu người được cấp dưỡng chưa lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.

Việc xác định người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cũng phức tạp. Tuy nhiên, có trường hợp cũng có thể xác định được, ví dụ: một người thuộc diện được cấp dưỡng bị bệnh nặng phải nằm điều trị ở bệnh viện nhưng do không được cấp dưỡng nên không có tiền mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Điều luật chỉ quy định “người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe” do không được cấp dưỡng, còn thế nào là nguy hiểm đến tính mạng và tổn hại đến sức khỏe có tỷ lệ tổn thương cơ thể bao nhiêu % lại chưa được hướng dẫn. Đây cũng là vấn đề thực tiễn rất khó xác định, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương không hướng dẫn. 

Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. 

Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả là dấu hiệu bắt buộc.

Về mặt chủ quan, người phạm tội thực hiện hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh việc cấp dưỡng.

Tuy nhiên, đây là tội xâm phạm quan hệ gia đình, nên thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không nhận thức rõ nghĩa vụ của mình nên đã từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thậm chí một số người còn cho rằng mình không có nghĩa vụ cấp dưỡng mà nghĩa vụ đó là của người khác. Ví dụ: Con gái đã đi lấy chồng thì không còn nghĩa vụ đối với bố mẹ đẻ nên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi bố mẹ đẻ không còn khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.

Thạc sĩ, Luật sư ĐINH VĂN QUẾ
Nguyên Chánh tòa Tòa hình sự, TAND Tối cao

Tài sản gắn liền với đất gồm những loại nào?