/ Góc nhìn
/ Tinh thần thượng tôn pháp luật

Tinh thần thượng tôn pháp luật

10/11/2022 02:15 |

(LSVN) - Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao nêu tình trạng UBND, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu trong yêu cầu luật định của Tòa án còn rất phổ biến, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính và gây bức xúc cho các đương sự khởi kiện, nhân dân và trong dư luận.

Ảnh minh họa.

Trước đó, báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu rõ tình trạng này và dẫn ra một trường hợp cụ thể là Hà Nội, Chủ tịch của thành phố không đối thoại, không tham gia phiên tòa 100% các vụ án hành chính.

Trong năm qua, Tòa án đã thụ lý gần 12.000 vụ án hành chính, xét xử gần 900 vụ, ngoài tình trạng “phổ biến” như đã đề cập ở trên thì cũng có một số địa phương UBND đã tham gia đối thoại, phiên tòa, thể hiện sự tôn trọng pháp luật của cơ quan hành pháp.

Cũng cần phải quan tâm đến một thực trạng khác là khi các vụ án hành chính mà người dân thắng kiện đã có hiệu lực pháp luật đưa ra thi hành thì gặp rất nhiều khó khăn vì vấp phải sự bất hợp tác từ phía UBND thua kiện. Tình trạng này cũng khá phổ biến ở nhiều địa phương khác nhau.

Chung quy lại, hiện trạng trên cho thấy sự thiếu tôn trọng Tòa án và các phán quyết của Tòa án từ các UBND hoặc người đứng đầu chính quyền địa phương là sự biểu hiện ý thức pháp luật kém cỏi, coi thường tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp này, các đại biểu đã đưa ra vụ án có dấu hiệu oan sai 10 năm nay mà không được giải quyết triệt để. Đó là “kỳ án gỗ trắc” xảy ra trên địa bàn Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Tang vật của vụ án đã bị đem bán trước khi có phán quyết của Tòa án và liên quan đến vụ này, Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã bị khởi tố bị can. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn chưa có hồi kết và một vị đại biểu Quốc hội đã “minh họa” tình cảnh này bằng lời một bài hát: “Tiếng tôi vang rừng núi, sao không ai trả lời?”. Cùng các vụ án khác, có dấu hiệu oan sai được đưa ra tại Quốc hội và yêu cầu giám sát nhưng động thái im lặng của cơ quan tư pháp phải chăng là biểu hiện của sự coi thường giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước?

Tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thể hiện rõ rệt nhất ở các cơ quan công quyền, người đứng đầu và đội ngũ bảo vệ và thực thi pháp luật. Như vậy, tinh thần đó mới lan tỏa trong xã hội và đông đảo các tầng lớp nhân dân và chúng ta tiệm cận hơn với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

NHỊ NGỌC

Cần nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân bác sĩ giỏi

Lê Minh Hoàng