(LSVN) - Để đội ngũ bác sĩ yên tâm công tác ở các bệnh viện công cần phải có cơ chế đặc thù, nhất là các chế độ đãi ngộ hợp lý; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công; thường xuyên đổi mới công tác quản lý theo hướng tạo điều kiện tối đa để các bác sĩ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh; thời xuyên cử bác sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn...
Ảnh minh họa.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2789/QĐ-UBND về việc thông qua chính sách xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Trung tâm Giám định y khoa, Bệnh viện Da liễu sẽ được nhận số tiền 250 triệu đồng.
Với trình độ là Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I về công tác ở các bệnh viện, trung tâm nêu trên thì sẽ nhận số tiền 200 triệu đồng. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II khi về công tác tại Bệnh viện Phổi, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Y tế các huyện/thành phố, cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh sẽ được nhận số tiền 350 triệu đồng.
Ngoài ra, để tạo thêm sự yên tâm cho bác sĩ về với địa phương, Đồng Nai còn có hỗ trợ từ 3 - 4 triệu đồng/tháng cho bác sĩ công tác ở các bệnh viện công trong tỉnh.
Đây là chính sách hoàn toàn đúng và trúng trong giai đoạn hiện nay khi mà tình trạng bác sĩ đang ồ ạt chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân được cho là các bác sỹ phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ,... nhưng chế độ đãi ngộ và mức thu nhập còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập. Vì thế, nhiều bác sĩ phải đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác đến những nơi có mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, thực trạng trên xuất phát một phần là do cơ sở hạ tầng ở các bệnh viên công hiện nay chưa được đầu tư đúng mức, trang thiết bị máy móc thiếu thốn, lạc hậu,... nên thiếu cơ hội để các bác sĩ nâng cao tay nghề.
Mặc khác, đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện công đang bị rào cản bởi cơ chế, chính sách quản lý; bị ràng buộc với mức lương cơ bản theo ngạch, bậc; đồng thời, việc đánh giá, xếp loại hàng năm chưa phù hợp và việc cân nhắc, bố trí các bộ lãnh đạo, quản lý trong các bệnh viện công còn thiếu công bằng,...
Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đa số đều có trình độ chuyên môn cao, được Nhà nước cử đi đào tạo, học tập ở nước ngoài. Nếu đội ngũ bác sĩ này chuyển sang khu vực tư thì sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho các bệnh viện công, đó là chưa nói Nhà nước sẽ mất chi phí đã bỏ ra để cử đội ngũ bác sĩ này đi đào tạo, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn hoặc phải kiện tụng để yêu cầu hoàn trả kinh phí đào tạo.
Để đội ngũ bác sĩ yên tâm công tác ở các bệnh viện công cần phải có cơ chế đặc thù, nhất là các chế độ đãi ngộ hợp lý; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công; thường xuyên đổi mới công tác quản lý theo hướng tạo điều kiện tối đa để các bác sĩ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh; thời xuyên cử bác sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn...
Đặc biệt, không chỉ thu hút đội ngũ bác sĩ về làm việc ở bệnh viện công với một khoản tiền thưởng cố định mà còn phải có nhiều chính sách đãi ngộ khác kèm theo như: Có thể xem xét tuyển thẳng vào biên chế hoặc bố trí ngay chức vụ lãnh đạo, quản lý; được cấp nhà ở và phương tiện đi lại để yên tâm công tác; được hưởng lương và các khoản phụ cấp khác tương xứng với trình độ chuyên môn của họ,....
Tuy nhiên, để được hưởng các chính sách đãi ngộ này thì các bác sĩ phải ký cam kết làm việc tại các bệnh viện công trong khoảng thời gian nhất định, rồi sau đó mới được quyền lựa chọn cơ sở y tế ngoài công lập để làm việc. Cam kết này là hết sức cần thiết và mang tính chất ràng buộc để bù đắp chi phí đãi ngộ của Nhà nước.
ĐỖ VĂN NHÂN