/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tội 'Cướp biển' trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và những vấn đề cần đặt ra

Tội 'Cướp biển' trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và những vấn đề cần đặt ra

17/04/2023 11:18 |

(LSVN) - Cướp biển hay hải tặc là hành vi tấn công tàu, thuyền ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào nhằm chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, tình trạng cướp biển trên thế giới diễn biến rất phức tạp, xảy ra nhiều ở vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, ngoài hải phận Somalia, eo biển Malacca và Singapore, gây thiệt hại mỗi năm ước tính từ 13 đến 16 tỉ đô la Mỹ . Để xử lý có hiệu quả đối với hành vi cướp biển, lần đầu tiên ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) đã quy định về tội "Cướp biển" tại Điều 302, nhằm tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý. Quy định này không những khẳng định chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh hành vi cướp biển, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, mà còn nhằm thực thi cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm trên biển mà Việt Nam là thành viên. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin trao đổi về khái niệm, các dấu hiệu pháp lý cũng như một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi quy định về tội "Cướp biển" theo BLHS năm 2015 của Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Khái niệm tội "Cướp biển"

Cướp biển là một vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, do đó trong các văn bản pháp lý quốc tế đã từng bước quy định về tội "Cướp biển". Chính vì vậy, việc xác định khái niệm tội "Cướp biển", trước hết được tìm hiểu dưới khía cạnh của các văn bản pháp lý quốc tế mà trực tiếp nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là UNCLOS) và Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở Châu Á (sau đây gọi tắt là ReCAAP).

Cho đến trước thời điểm các Công ước về Luật Biển năm 1958 được Liên hợp quốc thông qua, các vấn đề đấu tranh với nạn cướp biển chủ yếu được điều chỉnh bằng các quy phạm tập quán của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc phổ cập về phân định thẩm quyền tài phán với nội dung quốc gia bắt giữ thủ phạm cướp biển trên biển cả cũng có thẩm quyền xét xử. Công ước 1958 về biển cả quy định rõ nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia phải hợp tác với nhau đấu tranh chống cướp biển trên biển cả.

Nội dung nói trên cũng được đưa vào trong Công ước Luật Biển 1982. Theo Công ước, các quốc gia có nghĩa vụ phải hợp tác trong việc trấn áp nạn cướp biển trên biển cả và trao cho những quốc gia này một số quyền hạn trong việc bắt giữ tàu cướp biển và bọn tội phạm trên biển. Tất cả các quốc gia thành viên đều có quyền bắt giữ tàu thuyền, phương tiện bay, người và tài sản trên tàu hoặc phương tiện bay của bọn cướp biển trên biển cả hoặc ở địa điểm không thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia nào và có thể quyết định về mức độ và hình thức trừng phạt. Thẩm quyền xét xử sẽ thuộc quốc gia bắt giữ tàu thuyền và phương tiện bay dùng để cướp biển.

Các quy định về cướp biển trong Công ước Luật Biển 1982 chỉ áp dụng đối với loại tội phạm quốc tế này ở những vùng biển quốc tế hay những khu vực nằm ngoài thẩm quyền của bất cứ một quốc gia nào, do vậy, đã giới hạn việc áp dụng của nó đối với những hành động phạm tội tương tự trong các vùng biển nằm dưới quyền tài phán của quốc gia ven biển. Công ước cũng chỉ giới hạn phạm vi áp dụng đối với các hành vi cướp biển vì mục đích chiếm đoạt tài sản, không áp dụng đối với hành vi cướp biển vì mục đích chính trị.

Để thiết lập một cơ chế chống cướp biển trong khu vực, đặc biệt là biển Đông, năm 2004 các nước Châu Á, trong đó có tất cả các nước ven biển Đông đã xây dựng ReCAAP như một bổ sung hữu hiệu cho những thiết sót của UNCLOS năm 1982.

Hiệp định ReCAAP được 16 quốc gia Châu Á ký kết ngày 11/11/2004, có hiệu lực ngày 04/9/2006 sau khi được 10 nước phê chuẩn,  trong đó đưa ra định nghĩa về cướp biển của IMO (được Hội Đồng Bảo An Liên Hợp quốc chấp nhận). Phạm vi áp dụng của Hiệp định được mở rộng không chỉ các khu vực biển nằm trong quyền tài phán quốc gia mà còn được áp dụng đối với cả các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

Các định nghĩa về Cướp biển đã được quy định cụ thể tại Điều 101[1] UNCLOS năm 1982, là sự xác định theo nghĩa hẹp của khái niệm này. Theo đó, hành vi cướp biển chỉ giới hạn trong phạm vi vùng biển quốc tế (biển cả) hay những khu vực nằm ngoài thẩm quyền của bất cứ một quốc gia nào mà không áp dụng cho những trường hợp thực hiện các hành vi được mô tả nhằm vào tàu thuyền dưới quyền tài phán của một quốc gia.

Theo định nghĩa của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) thì cướp biển được hiểu là “hành động lên bất kỳ tàu nào với ý định phạm tội trộm cắp hoặc bất kỳ hành động phạm tội nào khác và với ý định hoặc khả năng sử dụng vũ lực để thực hiện hành động đó”. Định nghĩa trên đây của IMB đã mở rộng hơn đối với tội "Cướp biển", theo đó cướp biển được xác định là hành động bất kỳ đối với tàu thuyền với ý định phạm tội bằng việc sử dụng vũ lực để thực hiện hành vi đó, và có thể xảy ra ở vùng biển cả hoặc vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia[2].

Hiệp định ReCAAP định nghĩa cướp biển tại Điều 1 thì: “1. Trong Hiệp định này, “cướp biển” có nghĩa là bất kỳ một trong các hành vi sau đây:

a. Bất kỳ hành vi bạo lực hoặc bắt giữ trái phép hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thuyền viên hoặc hành khách trên tàu hoặc phương tiện bay tư nhân gây ra vì những mục đích riêng tư và nhằm: Chống lại tàu khác hoặc chống lại người hoặc của cải trên tàu đó trên biển cả; Chống lại tàu, người hoặc của cải tại một địa điểm không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào;

b. Bất kỳ hành vi nào có tính chất tự nguyện tham gia vào việc điều khiển tàu hoặc phương tiện bay mặc dù biết rằng việc này sẽ làm cho tàu hoặc phương tiện bay đó trở thành phương tiện cướp biển;

c. Bất kỳ hành vi nào xúi giục hoặc cố ý tạo thuận lợi cho các hành vi được nêu tại điểm (a) hoặc (b);

2. Trong Hiệp định này, thuật ngữ “Cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền” có nghĩa là một trong các hành vi sau đây:

a. Bất kỳ hành vi bạo lực hoặc bắt giữ trái phép hoặc bất kỳ hành vi cướp phá nào được thực hiện vì mục đích cá nhân và nhằm chống lại tàu hoặc người hoặc tài sản trên tàu đó tại địa điểm mà một Bên ký kết có quyền tài phán đối với hành vi đó;

b. Bất kỳ hành vi nào có tính chất tự nguyện tham gia vào việc điều khiển tàu với nhận thức rằng việc này sẽ làm chiếc tàu đó trở thành tàu cướp có vũ trang chống lại các tàu khác;

c. Bất kỳ hành vi nào xúi giục hoặc cố ý tạo thuận lợi cho các hành vi được nêu tại điểm (a) hoặc (b)";

Như vậy, Hiệp định ReCAAP có cách định nghĩa khác so với UNCLOS về tội "Cướp biển" khi xác định hai tội danh có liên quan gồm: Cướp biển và Cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó hành vi “Cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền” được xác định nếu có hành vi bạo lực hoặc bắt giữ tàu trái phép hoặc cướp phá nhằm chống lại tàu hoặc người hoặc tài sản trên tàu đó tại vùng biển mà một quốc gia ký kết có quyền tài phán. Như trên đã phân tích, quy định của ReCAAP là sự bổ sung cho UNCLOS để khắc phục những thiếu sót trong quy định của UNCLOS có liên quan đến thẩm quyền tài phán đối với hành vi cướp biển.

Việt Nam đã tham gia UNCLOS từ năm 1994 và là một trong 10 thành viên đầu tiên phê chuẩn Hiệp định ReCAAP. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hình sự cho đến trước năm 2015 chưa có quy định cụ thể về tội "Cướp biển" (các hành vi tương tự có thể được truy tố về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 hoặc tội Chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy theo quy định tại Điều 221 BLHS năm 1999). Tuy nhiên, việc xử lý hành vi cướp biển về hai tội danh này chưa phản ánh đúng tính chất, mức độ và nội dung của tội "Cướp biển". Bên cạnh đó việc hành vi cướp biển xảy ra bên ngoài vùng biển quốc tế, không thuộc thẩm quyền tài phán của Việt Nam thì xử lý về tội danh này cũng rất khó. Chính vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý trong đấu tranh với tội "Cướp biển" đồng thời nhằm thực thi các cam kết quốc tế BLHS năm 2015 của Việt Nam đã quy định tội "Cướp biển" tại Điều 302.

2. Các dấu hiệu pháp lý của tội "Cướp biển" theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015

Nghiên cứu Điều 302 BLHS 2015 về tội "Cướp biển" có thể xác định các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này như sau:

2.1. Về khách thể của tội tội "Cướp biển"

tội "Cướp biển" được quy định tại Chương XXI các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự cộng cộng. Do đó, khách thể loại mà tội "Cướp biển" xâm phạm là an toàn công cộng, trật tự công cộng trong các lĩnh vực được Nhà nước bảo vệ. Việc giữ gìn an toàn công cộng, trật tự công cộng là bảo đảm sự an toàn của nhiều người, sự an toàn về tài sản của Nhà nước, các tổ chức và của công dân nói chung.[3]

Khách thể trực tiếp của tội "Cướp biển" là quyền đảm bảo về an toàn hàng hải, sự tự do lưu thông hàng hải, tự do biển cả[4]; là quyền được đảm bảo sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của các tổ chức và cá nhân; là sự bảo đảm về an toàn công cộng, trật tự công cộng của Nhà nước.

2.2. Về hành vi phạm tội

Điều 302, BLHS 2015 đã cụ thể hóa cách xác định “hành vi cướp biển” trong UNCLOS 1982 khi quy định về tội "Cướp biển". Theo đó cướp biển là việc một người thực hiện các hành vi sau:

a. Tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào:

Hành vi tấn công tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác được hiểu là hành vi dùng vũ lực có kèm theo hoặc không kèm theo vũ khí, công cụ hỗ trợ để tấn công tàu biển, phương tiện bay, phương tiện hàng hải. Thông thường hành vi cướp biển thường có sử dụng vũ khí (có trường hợp sử dụng vũ khí sát thương như: súng, lựu đạn, thuốc nổ...). Hành vi này tương tự như các hành vi của tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 282 BLHS 2015). Đối tượng tác động của hành vi này chính là tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải.

Tuy nhiên hành vi tấn công tàu bay, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác trong tội "Cướp biển" không phải diễn ra ở đất liền hoặc vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam mà là tàu biển, phương tiện bay, phương tiện hàng hải này đang ở biển cả hoặc ở nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Về vấn đề này chung ta cần tìm hiểu về quy chế pháp lý về các vùng biển.

Theo Luật quốc tế hiện đại, đại dương được phân chia có điều kiện thành ba loại vùng biển với các tính chất pháp lý cơ bản khác nhau: 1) Loại thứ nhất, các vùng biển là một phần lãnh thổ không tách rời của quốc gia ven biển, mà trong đó có sự hiện diện chủ quyền của quốc gia ven biển (như: vùng nội thuỷ được ghi nhận tại Điều 5, Công ước năm 1958 và khoản 1, Điều 8, Công ước năm 1982; vùng lãnh hải được ghi nhận tại Điều 12, Công ước năm 1982); 2) Loại thứ hai, vùng biển không là một phần lãnh thổ của quốc gia ven biển, nhưng lại thuộc quyền tài phán của quốc gia đó (vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa); và 3). Loại thứ ba, đó là vùng biển không thuộc chủ quyền và không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào (đó là biển cả hay còn gọi là biển quốc tế)[5]. Theo quy định của Luật Biển Việt Nam năm 2012 “Vùng biển quốc tế là tất cả các vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia khác, nhưng không bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”.

Như vậy, Điều 302 BLHS 2015 không sử dụng thuật ngữ biển quốc tế đã được định nghĩa trong Luật Biển Việt Nam mà sử dụng thuật ngữ “biển cả” được đưa ra trong UNCLOS 1982. Điều này cho thấy các nhà làm luật của chúng ta đã triệt để tuân thủ nguyên tắc nội luật hóa các cam kết quốc tế vào hệ thống pháp luật trong nước. Tất nhiên, khái niệm “biển cả” và “vùng biển quốc tế” hiện nay được đa số các nhà nghiên cứu cho rằng là hai khái niệm đồng nhất.

b. Tấn công hoặc bắt giữ người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này:

Đây là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc dùng các thủ đoạn khác nhằm tấn công đối với người trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác và hành vi bắt giữ một cách trái pháp luật đối với người trên tàu biển, phương tiện bay, phương tiện hàng hải và cũng được thực hiện đối với tàu biển, phương tiện bay, phương tiện hàng hải đang ở tại biển cả hoặc nơi không thuộc quyền tài phán của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Đối tượng tác động của hành vi này là con người, hành vi xâm phạm trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của con người.

c. Cướp phá tài sản trên tàu biển, phương tiện bay hoặc phương tiện hàng hải khác quy định tại điểm a khoản này:

Nếu như hai hành vi đầu là hành vi nhắm vào hoạt động của phương tiện, vào con người trên các phương tiện còn hành vi thứ ba của Tội cướp biển là nhằm vào tài sản. Đặc biệt điểm c khoản 1 điều 302 còn nêu rõ hành vi “cướp phá”. Tức là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc phá hủy, hủy hoại làm hư hỏng tài sản trên các phương tiên bay, phương tiên hàng hải trên các khu vực này. Hành vi này bao gồm cả hai hành vi “cướp tài sản” và “phá hủy tài sản” (tương tự như hành vi của tội Cướp tài sản và tội Hủy hoại tài sản). Đây là điểm tương đối đặc trưng trong nhóm hành vi thứ ba này của tội "Cướp biển". Điều này cũng thể hiện sự tương thích của Điều 302 BLHS 2015 và Điều 101 UNCLOS khi cũng quy định “Mọi hành động trái phép dùng hành động hay bắt giữ hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một chiếc tàu hay một phương tiện bay tư nhân gây nên, vì những mục đích riêng tư”.

So sánh về mô tả hành vi tội "Cướp biển" trong BLHS Việt Nam và UNCLOS 1982 ta thấy sự tương đồng rất cao giữa hai quy định này. Tuy trong Điều 101, UNLCLOS có quy định về một số hành vi khác mang tính chất “giúp đỡ” hoặc “xúi giục” hành vi cướp biển nhưng BLHS Việt Nam không quy định các hành vi này. Bởi lẽ, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng quy định về đồng phạm tại Điều 17 là căn cứ để xử lý các trường hợp trên.

So sánh quy định về tội "Cướp biển" trong BLHS Việt Nam và quy định trong ReCAAP ta thấy, BLHS Việt Nam chỉ quy định về hành vi cướp biển xảy ra trên biển cả hoặc vùng biển không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Trong khi đó ReCAAP còn quy định về tội “Cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền” khi xác định “Bất kỳ hành vi bạo lực hoặc bắt giữ trái phép hoặc bất kỳ hành vi cướp phá nào được thực hiện vì mục đích cá nhân và nhằm chống lại tàu hoặc người hoặc tài sản trên tàu đó tại địa điểm mà một Bên ký kết có quyền tài phán đối với hành vi đó” tức là hành vi cướp tàu thuyền xảy ra trên địa điểm mà thuộc quyền tài phán của một quốc gia thành viên. Sự khác biệt này có thể giải thích là tại quy định của BLHS 2015 của Việt Nam còn có các quy định tương tự hoàn toàn có thể được dùng để xử lý đối với các hành vi cướp phá, tấn công tàu thuyền tại địa điểm thuộc quyền tài phán của Việt Nam như: Tội cướp tài sản, Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy.... Do đó, việc quy định thêm hành vi phạm tội xảy ra trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Việt Nam là không cần thiết.

2.3. Về mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi trong trường hợp phạm tội cướp biển phải là lỗi cố ý, thông thường phải là cố ý trực tiếp bởi hành vi tấn công phải luôn nằm trong chủ đích và toan tính rất kỹ của những người thực hiện hành vi.

2.4. Về chủ thể của tội phạm

Chủ của tội phạm là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên.

3. Một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi quy định về tội "Cướp biển"

Để triển khai thực thi quy định về tội "Cướp biển" trong BLHS 2015 theo chúng tôi cần phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, các cơ quan tư pháp Trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn việc thống nhất áp dụng một số quy định của BLHS trong đó có tội "Cướp biển". Một loạt các vấn đề cần được hiểu thống nhất như: Thế nào là biển cả; nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào? Thế nào là tàu biển, phương tiện bay, phương tiện hàng hải…

Thứ hai, các cơ quan tư pháp cũng cần có văn bản hướng dẫn việc phân định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử đối với tội "Cướp biển". Bởi lẽ, nơi xảy ra tội phạm là biển cả hoặc nơi không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Do đó, việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ, theo cấp xét xử là không phù hợp. Thiết nghĩ, với số vụ cướp biển phát hiện và xử lý không nhiều cũng như tính chất rất phức tạp của tội phạm này nên ấn định giao thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử cho các cơ quan tư pháp ở Trung ương.

Thứ ba, việc xử lý tội "Cướp biển" nói riêng cũng như đấu tranh chống nạn cướp biển nói chung là công việc không phải chỉ một quốc gia làm được. Do đó, trong quá trình áp dụng tội "Cướp biển" cần triển khai tích cực việc hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước khác, mà trực tiếp là các nước có vùng biển tiếp giáp như: Trung Quốc, Philippine, Singapore, Thái Lan, Malaysia... Trong đó có ký các thỏa thuận song phương về dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự... Điều này sẽ góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh chống cướp biển hiện nay.

[1] Xem thêm Điều 101 UNCLOS năm 1982.

[2] Xem: Cướp biển -– Hướng dẫn Ngành về Khu cố thủ & các câu hỏi thường gặp sửa đổi của Nhóm quốc tế, Truy cập: http://www.westpandi.com/globalassets/ news/120424-piracy---industry-guidance-on-citadels- and-revised-international-group-faqs---vietnamese.pdf

[3] TS. Trần Văn Luyện (Chủ biên) (2010), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (phần các tội phạm) (đã được sửa đổi, bổ sung), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 502.

[4] Nguyên tắc tự do biển cả được quy định trong UNCLOS với nội dung: Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm: Tự do hàng hải; Tự do hàng không; Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI; Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI; Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2;Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII.

[5] Lê Văn Bính (2008), Đại dương và luật quốc tế hiện đại, Tạp chí Khoa hoc – ĐHQGHN (Luật học), tr. 33-40

TS. NGÔ NGỌC DIỄM - DƯƠNG NGỌC HẰNG

Khoa Luật, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

Về thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động do hoàn cảnh thay đổi

Nguyễn Hoàng Lâm