Tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ trong Bộ luật Hình sự 2015

19/07/2021 08:26 | 3 năm trước

(LSVN) - Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi gây mất ổn định trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, hành vi gây rối trật tự cộng cộng phải thỏa mãn điều kiện, hành vi đó xảy ra tại nơi công cộng và làm ảnh hưởng đến trật tự nơi công cộng, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Hành vi gây rối trật tự công cộng có thể là sự cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; gây cản trở, ách tắc giao thông trong nhiều giờ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự an toàn xã hội… Hoặc để người xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá chính quyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân; gây khó khăn trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Như vậy, nội hàm của hành vi gây rối trật tự công công được hiểu theo khái niệm rất rộng về không gian, thời gian và địa điểm phạm tội.

Hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, phiên họp không được coi là gây rối trật tự công cộng. Người có hành vi gây rối tại phiên tòa, phiên họp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối phiên tòa, phiên họp” theo Điều 391 BLHS.

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình).

Trong thực tiễn, hành vi gây rối trật tự cộng cộng xảy ra muôn hình, vạn trạng, có khi kèm theo các công cụ, vũ khí, gây thiệt hại tài sản, tính mạng của người khác. Vì vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, cần nghiên cứu, đánh giá đúng hành vi phạm tội theo tình tiết tăng nặng định khung hình phạt hoặc định tội riêng biệt, để có thể áp dụng chính xác pháp luật, có thể gồm các trường hợp sau:

- Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà dùng vũ khí theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS được hiểu là dùng vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự gây rối trật tự công cộng.

- Trường hợp người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng và dùng vũ khí đó gây rối trật tự công cộng, nếu hành vi đó thỏa mãn điều kiện của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng được quy định tại Điều 304 BLHS, thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 304 BLHS.

- Trường hợp một người có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng tác dụng như súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và dùng vũ khí đó gây rối trật tự công cộng, nếu hành vi đó thỏa mãn điều kiện của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, súng thể thao hoặc công cụ hỗ trợ được quy định tại Điều 306 BLHS, thì cùng với việc phải chịu TNHS về tội “Gây rối trật tự cộng cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS, người phạm tội còn phải chịu TNHS về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển… chiếm đoạt súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 306 BLHS.

- Trường hợp phạm tội “Gây rối trật tự công cộng có dùng hung khí” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS là trường hợp người phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” có dùng công cụ, dụng cụ, vật có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người khác như dùng búa đinh, dao phay, các loại dao sắc nhọn… hoặc vật do người phạm tội chế tạo ra như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ, vật có sẵn trong tự nhiên như gách, đá, đoạn cây cứng, thanh sắt... gây rối trật tự công cộng.

- Trường hợp người gây rối trật tự công cộng có hành vi phá phách theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS được hiểu là trong quá trình phạm tội gây rối trật tự công cộng, người phạm tội có hành vi đập phá, làm đảo lộn trật tự bình thường của đồ vật, tài sản của người khác. Nếu hành vi phá phách gây thiệt hại về tài sản của người khác thỏa mãn dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì cùng với việc phải chịu TNHS về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS, người đó còn phải chịu TNHS về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo Điều 178 BLHS.

- Trường hợp gây rối trật tự công cộng mà có hành vi hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 318 BLHS, là người phạm tội có hành vi dùng vũ lực tấn công người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng. Nếu hành vi hành hung đó thỏa mãn dấu hiệu của tội “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 330 BLHS, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự cộng cộng” theo điểm đ khoản 2 Điều 318 BLHS, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 BLHS.

- Trường hợp phạm tội hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng mà gây chết người hoặc gây thương tích cho người can thiệp, bảo vệ trật tự công cộng, nếu hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu của tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 BLHS, hoặc cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 134 BLHS, thì cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” hoặc cố ý gây thương tích, người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm b khoản 2 Điều 318 BLHS.      

NGUYỄN VĂN LƯƠNG

Trình tự, thủ tục để F0, F1 nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19